Sau vụ đóng 10 triệu quỹ phụ huynh, Sở Giáo dục TP.HCM đã ra văn bản yêu cầu các trường phải nộp kế hoạch vận động tài trợ để Phòng hoặc Sở phê duyệt.
Phụ huynh lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà trong buổi họp phụ huynh tối 28-9 liên quan vụ đóng quỹ 10 triệu/học sinh - Ảnh: Phụ huynh cung cấp
Chiều 29-9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng thu chi đầu năm học. Văn bản này ra đời từ vụ đóng 10 triệu quỹ phụ huynh ở Trường tiểu học Hồng Hà gây bức xúc dư luận.
Văn bản trên nêu rõ: Vừa qua, một số báo đăng bài phản ánh về các khoản thu chi đầu năm học 2023 - 2024 tại một vài trường học, gây dư luận không tốt cho cha mẹ học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn.
- Các trường phải nộp kế hoạch vận động tài trợ để Phòng hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo (theo phân cấp quản lý) phê duyệt. Sau khi được duyệt kế hoạch, nhà trường mới tổ chức vận động và trên tinh thần tự nguyện, không áp đặt.
- Yêu cầu nhà trường làm kế hoạch vận động tài trợ phải xác định rõ về mục đích, đối tượng thụ hưởng; kế hoạch triển khai thực hiện; dự toán kinh phí (có bảng dự toán kinh phí và bảng báo giá kèm theo).
Trường phải nêu được những khó khăn hoặc nhu cầu cần thiết của đơn vị để lập kế hoạch vận động tài trợ thiết thực, hiệu quả.
- Sở khuyến khích các nhà tài trợ tổ chức thực hiện việc đầu tư, xây dựng theo hình thức "chìa khóa trao tay". Tức là nhà tài trợ mua sắm trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh để bàn giao cho cơ sở giáo dục.
Sở cũng đề nghị cơ sở giáo dục mở rộng đối tượng tài trợ, không tập trung vào việc vận động từ phụ huynh.
Sở nêu rõ việc thành lập và hoạt động của tổ tiếp nhận tài trợ tại cơ sở giáo dục cần thực hiện đầy đủ về cơ cấu, phương thức, trách nhiệm trong việc tiếp nhận, sử dụng tài trợ.
Nhà trường cần thông tin tuyên truyền rộng rãi về kế hoạch vận động tài trợ sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó cần cung cấp thông tin về thời gian, địa điểm, tên và số tài khoản tiếp nhận tài trợ của đơn vị.
Quỹ phụ huynh được dùng làm gì?
Văn bản của Sở còn nhấn mạnh: nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011 ngày 22-11-2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó cần lưu ý: kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh do Ban đại diện cha mẹ học sinh quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Nhà trường không sử dụng các khoản kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh cho các mục đích như: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường, trông coi xe của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường, hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục, sửa chữa nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường" (điểm b, khoản 4 Điều 10 Thông tư 55).
Sở đề nghị hiệu trưởng, thủ trưởng đơn vị thống nhất với Trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh trường để quyết định kế hoạch sử dụng kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường; và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất ý kiến
0 nhận xét:
Đăng nhận xét