SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

Môn Nghệ thuật ở bậc tiểu học: Cười ra nước mắt khi GV Mỹ thuật dạy Âm nhạc



0:000:00
0:00
GDVN- Giáo viên băn khoăn: "Âm nhạc lớp 4 nội dung còn khó hơn nhiều. Học sinh phải biết đánh nhạc cụ nhưng GV chuyên Mỹ thuật không biết thì làm sao có thể dạy được?"

Nếu như trước đây, môn Âm nhạc và Mỹ thuật ở bậc tiểu học là 2 môn học độc lập do hai giáo viên giảng dạy thì trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được tích hợp thành một môn học có tên là Nghệ thuật.

Tuy thế, môn học "Nghệ thuật" gần như chỉ xuất hiện trong thông báo của hệ thống môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới, còn trong thực tế hầu như "vắng bóng" ở thời khóa biểu.

Môn Âm nhạc, Mỹ thuật trước đây đã trở thành môn Nghệ thuật (Ảnh Phan Tuyết) ảnh 1

Môn Âm nhạc, Mỹ thuật trước đây đã trở thành môn Nghệ thuật (Ảnh Phan Tuyết)

Mới tích hợp được cái tên môn học và phân công chuyên môn

Sự tích hợp rõ nhất mới thể hiện được ở cái tên gọi (môn Nghệ thuật), còn sách giáo khoa, thời khóa biểu, việc đánh giá kết quả học tập của từng học sinh vẫn riêng lẻ như trước đây.

Trong bộ sách giáo khoa của học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4 hiện nay vẫn là 2 cuốn sách âm nhạc, mỹ thuật. Trong thời khóa biểu phân công chuyên môn ở nhiều trường học vẫn ghi môn Âm nhạc, Mỹ thuật. Thậm chí trên phần mềm theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh của ngành cũng thể hiện riêng lẻ 2 môn. Học sinh được đánh giá 2 kết quả học tập độc lập.

Để thể hiện sự tích hợp, có trường học phân công một giáo viên dạy cả 2 môn. Thầy cô có chuyên môn Âm nhạc dạy luôn cả Mỹ thuật và ngược lại. Việc phân công trái chuyên môn đã gây khá nhiều khó khăn cho những thầy cô giáo này.

Thời khóa biểu các trường hiện vẫn là môn học độc lập (Ảnh Phan Tuyết) ảnh 2

Thời khóa biểu các trường hiện vẫn là môn học độc lập (Ảnh Phan Tuyết)

Khi thầy cô có ý kiến về chuyện này, nhiều hiệu trưởng lý giải: “Giáo viên tiểu học vốn được đào tạo dạy tất cả các môn. Thế nên, giáo viên môn Âm nhạc sẽ dạy được môn Mỹ thuật và ngược lại”. Vì điều này, đã gây biết bao khó khăn cho chính người dạy và dẫn đến khá nhiều thiệt thòi cho cả người học.


Ghép 2 môn Âm nhạc với Mĩ thuật thành môn Nghệ thuật, vụ "cưỡng hôn" kỳ dị

Một giáo viên có chuyên môn Âm nhạc hiện đang dạy ở một trường tiểu học phía Nam chia sẻ:

"Kiến thức môn Âm nhạc từ lớp 1 đến lớp 4 đã yêu cầu các em biết đọc và làm quen với các nốt nhạc. Biết cách đọc nốt nhạc, gõ nhịp theo phách. Đặc biệt, học sinh lớp 4 theo chương trình mới yêu cầu chơi được một số nhạc cụ cơ bản. 

Ví dụ như sáo, thì các em phải biết thổi một số nốt như si, la, son…Để học sinh đạt được yêu cầu này thì chắc chắn giáo viên phải có chuyên môn về nhạc mới dạy được.

Thầy cô phải thuần thục trong việc cầm nhạc cụ để chơi, cầm sáo để thổi. Giáo viên phải biết phân biệt sự khác nhau giữa nhịp, phách, tiết tấu...

Có được kỹ năng này, thầy cô phải được đào tạo về chuyên môn nhạc bài bản. Với những thầy cô giáo tay ngang, sẽ rất khó có được kiến thức âm nhạc nói gì đến các kỹ năng chơi nhạc cụ như thế.

Một số giáo viên có chuyên môn Âm nhạc giảng dạy còn chưa tốt những yêu cầu này thì những thầy cô giáo tay ngang khó mà thực hiện đúng".

Tương tự, giáo viên môn Âm nhạc được phân công giảng dạy môn Mỹ thuật cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giảng dạy.

Giáo viên không có chuyên môn về mỹ thuật sẽ rất khó hiểu về những khái niệm như mảng màu nền, mảng màu cảnh vật, sử dụng chấm, nét để hoàn thiện hay trang trí sản phẩm mật độ thưa, của chấm, nét tạo nên độ nhấn, không gian, sự chuyển động và chuyển tải ý tưởng của tác giả…

Hay sự thay đổi mật độ của chấm, chiều hướng của nét, hình dạng trong tác phẩm góp phần tạo ra sự chuyển động…

Có trường khiên cưỡng xếp 1 giáo viên dạy môn Nghệ thuật

Một giáo viên có chuyên môn về mỹ thuật ở một trường tiểu học phía Nam, được nhà trường phân công giảng dạy môn Âm nhạc chia sẻ về khó khăn khi giảng dạy và những câu chuyện “cười ra nước mắt” khi được phân công giảng dạy tréo ngoe.

Cô giáo cho biết: “Có giáo viên Mỹ thuật được phân công dạy Âm nhạc đã không nhận biết được các nốt nhạc, nên không thể dạy tập đọc nhạc cho học sinh. Tới giờ học nhạc, giáo viên chỉ mở nhạc cho học sinh nghe và để các em tự hát. Thế nên, học sinh hát có đúng tiết tấu, giai điệu hay không, giáo viên cũng không biết hoặc biết cũng không biết cách sửa sao cho đúng.

Có những thầy cô khi được phân công dạy Âm nhạc đã bỏ qua tiết dạy, nhắc các em về nhà mở bài trên mạng tập hát và lấy tiết học Âm nhạc để dạy Toán, tiếng Việt luôn”.

Giáo viên này lo lắng: “Môn Âm nhạc lớp 4 nội dung còn khó hơn nhiều. Học sinh phải biết đánh nhạc cụ nhưng giáo viên không biết thì làm sao có thể dạy được?”.

Một giáo viên môn Âm nhạc được phân công dạy môn Mỹ thuật cũng tâm tư: "Khó khăn nhất đối với tôi là yêu cầu vẽ mẫu để hướng dẫn học sinh vẽ theo. Do không có chuyên môn lại không có cả năng khiếu nên tôi vẽ mẫu khá xấu. Có lần, thấy cô vẽ mẫu trên bảng, em học sinh đã hỏi lớn: “Cô ơi! Sao cô vẽ tranh gì trông kỳ vậy?”. Sau câu hỏi là tiếng cười cả lớp rộ lên làm tôi ngượng chín người.

Môn Mỹ thuật phải có năng khiếu, cùng với việc được đào tạo bài bản mới dạy tốt. Không phải cứ chuẩn bị bài trước khi lên lớp là có thể vẽ đẹp được đâu”.

Rõ ràng, xét về một mọi mặt thì 2 môn Mỹ thuật và Âm nhạc cũng không có nhiều điểm chung ngoài việc được xếp vào nhóm những môn năng khiếu.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa của 2 môn học Mỹ thuật và Âm nhạc cũng in riêng, cách đánh giá kết quả học tập cũng hoàn toàn độc lập với nhau thì hà cớ gì lại yêu cầu giáo viên môn này phải dạy cả môn kia trong khi bản thân các thầy cô giáo không có được kiến thức nền?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates