Những khoản đóng góp "tự nguyện" đang khiến phụ huynh ngao ngán (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Vừa qua, tôi có đi họp phụ huynh đầu năm cho cháu gái ở một trường trung học phổ thông tại một tỉnh phía Nam.
Sau phần tuyên bố lý do cuộc họp, phần báo cáo tình hình cơ sở vật chất, việc dạy và học và kế hoạch thu chi trong năm học cũ của giáo viên chủ nhiệm, vị hội trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp đã đứng lên thông tin một số vấn đề liên quan đến việc dự chi cho năm học mới.
Những cái cúi đầu lặng thinh và nhẫn nại thực hiện
Vị trưởng ban đại diện nói rằng, tiền hội phí năm học vừa qua mỗi phụ huynh đóng góp 250 ngàn đồng/học sinh, không đủ chi nhiều khoản. Vì thế, năm học này dự kiến sẽ thu 300 ngàn đồng/học sinh/năm học.
"Phụ huynh nào có ý kiến gì không? Mức 300 ngàn đồng/học sinh là thấp nhất, còn ai muốn ủng hộ thêm cũng được. Cũng là phục vụ cho con cháu mình cả thôi", vừa nói, vị phụ huynh vừa cười.
Nhiều tiếng xì xào nổi lên, vị phụ huynh ngồi kế bên nói nhỏ: "Nhà có 3 đứa con đi học, đóng góp kiểu này thì lấy tiền đâu ra?".
Tôi giơ tay và được mời có ý kiến. Tôi nêu: "Thông tư 55 quy định, quỹ hội phụ huynh là ủng hộ tự nguyện, sao trường mình lại ấn định mức giá cao như thế?".
Lại tiếng vị phụ huynh trong ban đại diện: "Nói là ủng hộ tự nguyện nhưng sẽ có người đóng, người không. Và như thế, sẽ không đủ kinh phí lo cho các cháu".
Một vị phụ huynh ngồi bàn đầu có ý kiến, ngỡ sẽ là ý kiến tỏ ý đồng tình với vị phụ huynh lúc đầu. Thế nhưng, vị phụ huynh này không chỉ lên tiếng đồng tình với mức thu như vậy mà còn nói thêm: "300 ngàn nghĩ nhiều nhưng thật ra cũng chỉ bằng mấy bữa ăn sáng. Mình chịu khó một chút là được thôi".
Rồi phút chốc, không khí như chùng xuống, im ắng đến lạ thường. Tiếng vị phụ huynh trong ban đại diện: "Lớp mình thống nhất với các kế hoạch đã triển khai trong cuộc họp nhé!".
Cô giáo đi họp phụ huynh cho con cay đắng bỏ về giữa chừng |
Tôi hiểu rằng, biên bản cũng đã được ghi và mức đóng quỹ hội phụ huynh đã được thông qua như vậy. Tôi biết vài chục phụ huynh đang ngồi đó, cũng không có mấy ai đồng tình với mức thu tự nguyện mà ấn định số tiền khá cao như vậy. Thế nhưng, không ai dám có ý kiến, thậm chí có người ý kiến cũng không dám đồng tình theo.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện yêu cầu phụ huynh ủng hộ mua ti vi cho lớp con của mình mấy năm về trước. Khi giáo viên chủ nhiệm đề xuất: "Để phục vụ cho việc học tập của các con được tốt, lớp mình nên ủng hộ để mua cho lớp cái ti vi 65 inch. Sang năm các cháu ra trường cũng có cái tặng lại cho trường để làm kỷ niệm.
Giá của chiếc ti vi khoảng 15 triệu đồng nên chia bình quân mỗi phụ huynh sẽ phải ủng hộ 300 ngàn đồng".
Mới nghe đến đây, bà phụ huynh ngồi bên cạnh vội cúi xuống mân mê ngón tay và lẩm bẩm “nhà 4 đứa con đi học, cứ đóng thế này thì biết lấy tiền đâu ra?”, cùng với đó là tiếng thở dài nặng nề không thể kìm nén bật ra.
Ngó xung quanh cả lớp, nhiều mái đầu chụm vào nhau bàn tán một điều gì đó. Nhìn những khuôn mặt buồn rầu rĩ, đoán chắc họ cũng đang não nề vì nhiều khoản tiền đang nhìn vào cái hầu bao rỗng.
Tiếng vị phụ huynh đại diện ban phụ huynh lại cất lên: “Thế nào, cả lớp mình có đồng ý không? Thống nhất thế nhé?”. Tôi cũng đã ý kiến: “Sang năm con mình ra trường, vậy có nhất thiết năm nay phải mua cái ti vi với giá tiền cao như thế? Vậy có lãng phí quá không?”. Vị trưởng ban lặp lại: “Thì lớp mình tặng cho trường để các em lứa sau học coi như món quà kỷ niệm".
Vài chục phụ huynh ngồi im, không có bất kỳ ai lên tiếng đồng tình với tôi. Vị hội trưởng được đà đã chốt luôn: “Thiểu số phục tùng đa số”. Và, biên bản được ghi “Phụ huynh lớp đồng ý với các kế hoạch đã được triển khai”.
Tan họp, một số phụ huynh lên đóng tiền. Một số khác hẹn sẽ nộp vào thời gian tới vì đông con, đầu năm học nên lo chưa nổi.
Phụ huynh đồng loạt có ý kiến, không trường học nào dám lạm thu
Một đồng nghiệp kể cho tôi nghe câu chuyện họp phụ huynh đầu năm ở lớp của người này làm giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường yêu cầu giáo viên triển khai sử dụng một app gọi là dùng chung cho mạng giáo dục với số tiền đóng 50.000đ/năm học.
Tuy nhiên, giáo viên vừa phổ biến xong, nhiều cánh tay đã đưa lên không nhất trí đăng ký khoản này. Lý do đưa ra, bậc tiểu học không có điểm kiểm tra thường xuyên, chỉ là lời nhận xét hay nhắc nhở của thầy cô thì gửi vào tin nhắn Zalo là được. Mỗi lớp hiện cũng có một nhóm Zalo chung, giáo viên muốn liên hệ riêng với phụ huynh cũng rất dễ dàng.
Một người phát biểu, nhiều người hưởng ứng. Thế là, lớp của cô bạn tôi không thể triển khai được yêu cầu này. Ngược lại, lớp của một số giáo viên trong trường lại đăng ký gần đủ. Hỏi ra, được biết không có phụ huynh nào phản đối. Tuy nhiên, sau cuộc họp, khá nhiều ý kiến bức xúc từ phụ huynh vì họ cho rằng sử dụng phần mềm này cho bậc tiểu học là không cần thiết.
Trong thực tế, ở mỗi cuộc họp phụ huynh, các bậc cha mẹ đi họp gần như rất ít có ý kiến dù bản thân họ cho rằng những điều nhà trường vừa triển khai chưa phù hợp. Kể cả có người mạnh dạn lên tiếng cũng có rất ít người tỏ thái độ đồng tình.
Nhiều người chỉ dám ủng hộ ngầm. Nếu được hỏi vì sao không nói trong cuộc họp để về nhà bức xúc như vậy? Nhiều người luôn mang lý do “Sợ con bị đì”; “Sợ con bị thầy cô để ý”…
Vì những nỗi sợ “tự đặt ra”, “tự cho rằng…” nên mới xảy ra tình trạng lạm thu như vậy. Thử nghĩ, khi lớp, nhà trường triển khai những khoản đóng góp không hợp lý, tất cả phụ huynh cùng lên tiếng sẽ không có trường học nào dám ra quyết định thu. Nếu tất cả phụ huynh cùng đồng lòng, thầy cô nào dám trù dập học sinh cả một lớp?
Sự im lặng, sự đồng ý miễn cưỡng của nhiều phụ huynh là "tấm bình phong" chắc chắn để nhiều trường học thoải mái đưa ra các mức thu và sau đó, phụ huynh lại bằng cách này hay cách khác thể hiện sự bức xúc. Lẽ ra, ở các cuộc họp phụ huynh, cha mẹ đi họp cần thể hiện chính kiến của mình để có tiếng nói chính thức với các khoản thu tự nguyện, thỏa thuận.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét