(DNTO) - Rất nhiều công ty Edtech (công nghệ giáo dục) của Úc, Nhật Bản, Ấn Độ… nhăm nhe bước chân vào thị trường Việt Nam, nơi có tốc độ tăng trưởng 2 con số nhưng đang hiện diện khoảng 700 giải pháp.
Sức hấp dẫn không thể chối từ
Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho Edtech với tốc độ tăng trưởng hơn 44%, nằm trong Top 10 thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Mặc dù thị trường được dự báo chạm ngưỡng 3 tỷ USD vào năm nay, nhưng miếng bánh này đang chia cho khoảng 700 giải pháp. Cơ hội nhiều nhưng sự cạnh tranh cũng rất gay gắt, đặc biệt khi nhiều startup Edtech quốc tế tiếp tục có khuynh hướng tràn vào thị trường Việt Nam.
Với kinh nghiệm 20 năm làm việc trong các công ty Edtech lớn trên thế giới và đang hỗ trợ hệ sinh thái Edtech Úc phát triển ra thị trường quốc tế, ông David Linke, Giám đốc điều hành EduGrowth, cũng nhìn nhận thị trường Việt Nam tiềm năng nhưng cũng rất khó nhằn với các startup ngoại.
Trước hết, nói về cơ hội, ông David Linke cho biết mô hình hoạt động của các công ty công nghệ giáo dục Úc khác Việt Nam nên các startup nước này có cơ hội bán giải pháp cho các trường học ở Việt Nam.
Cụ thể, thị trường công nghệ giáo dục của Úc chú trọng bán hàng B2B. Vì vậy, khoảng 70% những công ty Edtech tập trung vào cải thiện kết quả học tập trong các cơ sở giáo dục hiện có. Các công ty này không cạnh tranh với sự tồn tại của các cơ sở giáo dục. Đại dịch thúc đẩy chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục đó, cả mặt tích cực và tiêu cực. Rõ ràng, các công ty Edtech của Úc đã và đang hỗ trợ cho việc chuyển đổi số này.
Còn với các công ty Edtech ra đời từ Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hoặc Singapore, Ấn Độ… thì khác. Họ thường tập trung vào B2C, tức là trực tiếp đến với người học, một mô hình rất khác. Đây là cơ hội cho các công ty Úc có khả năng bán hàng cho các tổ chức trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số ở Việt Nam.
Vị chuyên gia cho biết không có nghi ngờ gì rằng Việt Nam là một thị trường hấp dẫn với các công ty Edtech Úc. Họ đã nghe rất nhiều về thị trường này thông qua Chính phủ và các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, các công ty Edtech Úc vẫn chưa chắc chắn hoàn toàn làm thế nào để phát triển tại Việt Nam. Ví dụ như yêu cầu và rào cản là gì hoặc làm thế nào để vượt qua những rào cản đó.
“Tôi nghĩ một trong những thách thức lớn của các công ty Edtech ngoài châu Á là họ cần suy nghĩ về mức độ hiểu tiếng Anh của đất nước đó. Do đó, đôi khi có những quan niệm rằng ngôn ngữ tiếng Anh sẽ có thể làm kinh doanh. Nhưng thực tế, ở một số thị trường mới nổi, kinh nghiệm của tôi tại Việt Nam chẳng hạn, bạn sẽ cần phải hiểu ngôn ngữ. Bạn sẽ cần có khả năng tạo ra các sản phẩm bằng ngôn ngữ sẽ tác động đến người học”, ông David nói.
Thị trường mới nổi nhưng cạnh tranh gay gắt
Giám đốc điều hành EduGrowth cũng chỉ ra rằng các công ty công nghệ giáo dục sẽ khó khăn khi tiếp cận thị trường Việt Nam. Ví dụ như các trường K-12 chẳng hạn, nhiều công ty Edtech quốc tế và đặc biệt các công ty ở Úc đã tiếp cận các trường quốc tế. Nhưng sau đó họ gặp khó khăn trong việc xâm nhập các trường địa phương ở khu vực lân cận.
Với các đơn vị giáo dục đại học sẽ có nhiều thuận lợi, dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi vì phát triển tốt những mạng lưới các nhà học thuật trên khắp thế giới. Điều này tương đồng giữa Úc và Việt Nam.
Cũng theo vị này, một startup Edtech thường nhắm đến các thị trường nói tiếng Anh để phù hợp cho việc mở rộng sản phẩm. Họ rất khó để tiếp cận một thị trường nói ngôn ngữ thứ hai, giống như các công ty lần đầu ra thị trường quốc tế. Đó cũng là lý do mà các startup Edtech ngoại không đặt cược 100% vào bất kì thị trường nào hay chỉ tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Họ sẽ tập trung vào thị trường nội địa của họ, hoặc các thị trường lớn như Anh, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
“Với kinh nghiệm 20 năm hỗ trợ những Edtech hàng đầu thế giới, không có một công ty nào dành sự tập trung cho thị trường mới nổi như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay Philippines. Tôi nghĩ rằng các công ty công nghệ giáo dục của Úc thấy các quốc gia láng giềng là nơi lý tưởng để mở rộng phát triển”, ông David nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không dành sự tập trung không có nghĩa các startup và nhà đầu tư bỏ ra cơ hội với các thị trường mới nổi. Ông David lấy ví dụ, trong thập kỷ qua, Chính phủ Úc tăng chi tiêu để đưa giáo dục Úc lan tỏa trên toàn khu vực. Với truyền thống này, tất cả các thị trường, bao gồm cả Việt Nam, đều được miêu tả là các thị trường với nguồn học sinh dồi dào.
Đặc biệt, khi suy nghĩ về xuất khẩu ròng của giáo dục Úc trong một mô hình kỹ thuật số và trực tuyến, thì Việt Nam có tiềm năng thực sự. Nếu công ty có thể thành công trên thị trường của những nước láng giềng, ông David tin rằng đó là cách tiếp cận hợp lý hơn vì ít đối thủ cạnh tranh hơn.
“Nếu chúng ta nghĩ về các thị trường và những gì sẽ xảy ra trong những giai đoạn tiếp theo, dù đó là trong khung thời gian từ 1-5 hay 10 năm nữa, rõ ràng các thị trường sẽ tiến lên những đổi mới. Ví dụ nếu không có cáp Ethernet (cáp mạng dây) trên toàn bộ trường học, tại sao không chuyển sang wifi, 5G hay 6G khi nó được phát hành. Công nghệ sẽ là nhân tố thúc đẩy sự tiến bộ đó của giáo dục, về phương pháp giảng dạy, chương trình học, tương tác của sinh viên và các bằng cấp, hồ sơ lưu trữ hoặc tương tự như vậy”, ông David nêu quan điểm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét