Chỉ còn vài tuần nữa là vào năm học mới 2023-2024, vậy mà "chợ" kế hoạch bài dạy lớp 4, lớp 8, lớp 11, đã rầm rộ mở bán trên mạng xã hội.
Hiện nay không có bất cứ văn bản nào cấm giáo viên mua, bán kế hoạch bài dạy. Giáo viên mua kế hoạch bài dạy về để đối phó với việc kiểm tra của nhà trường hay để tham khảo khó mà biết được.
Người viết đã trao đổi với PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, là chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn đồng thời là tác giả viết sách giáo khoa, về kế hoạch bài dạy của giáo viên theo định hướng phát triển năng lực.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống Đỗ Ngọc Thống (thứ 7 từ trái sang) - Ảnh NVCC |
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống Đỗ Ngọc Thống chia sẻ, kế hoạch bài dạy hay còn gọi giáo án là sự hình dung trước tiến trình lên lớp của người dạy về một nội dung cụ thể.
Sự hình dung ấy dựa trên cơ sở đối tượng học sinh, nội dung và yêu cầu của bài học, phương tiện, thiết bị, không gian và sĩ số lớp học...
Vì thế bản chất của việc soạn giáo án là sự suy ngẫm, hình dung trong đầu của người giáo viên về bài mình sẽ dạy.
Giáo viên không có sự trăn trở, suy ngẫm này thì chưa thể có giáo án. Nghĩa là giáo án không phải đơn thuần là chép lại một số trang giấy từ một tài liệu tham khảo nào đó (như giáo án trên mạng, giáo án của đồng nghiệp...).
Giáo án chép lại nhiều khi rất dài, rất đầy đủ các mục.... nhưng không có tác dụng bao nhiêu cho việc dạy học trên lớp, thậm chí phản tác dụng.
Giáo án phải là kết quả nghĩ suy của chính bản thân người dạy như đã nêu. Khi đó chép ra hay không chép ra trên giấy cũng không ảnh hưởng mấy đến kết quả bài dạy. Tuy nhiên, thường nghĩ xong rồi chép ra giấy thì sẽ nhớ lâu hơn.
Người giáo viên giỏi, có kinh nghiệm đôi khi không cần có giáo án chép ra giấy mà chỉ chuẩn bị giáo án trong đầu là đủ.
Vì thế cần dựa vào kết quả dạy học trên lớp để đánh giá chất lượng dạy chứ không đơn giản dựa vào việc có giáo án soạn ra giấy đầy đủ hay không.
Giáo viên đang chuẩn bị kế hoạch bài dạy như thế nào? |
Nói về phát triển năng lực cho học sinh trong môn Ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết: “Giáo án dạy học Ngữ văn theo yêu cầu phát triển năng lực khác giáo án dạy học chạy theo nội dung (giảng văn).
Giáo án giảng văn là nêu các nội dung chính cần giảng cho học sinh nghe về tác phẩm A, vấn đề B...
Giáo án theo yêu cầu phát triển năng lực là hệ thống các hoạt động, phương pháp và kĩ thuật dạy học nhằm giúp học sinh tự tìm ra kiến thức.
Vì thế giáo án theo yêu cầu phát triển năng lực là giáo án phương pháp, giáo án hướng dẫn cho học sinh cách học: cách đọc, cách viết, cách nói- nghe... Giáo án nội dung trả lời câu hỏi: Dạy cái gì? Nói cho học sinh nghe cái gì?...
Giáo án phương pháp tập trung trả lời câu hỏi: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu vấn đề bằng cách nào? Học sinh cần thông qua các hoạt động nào để hiểu và làm ra được sản phẩm?
Giáo án nội dung vì vậy chỉ là bản liệt kê các nội dung dạy học cần truyền thụ, còn giáo án phương pháp là bản thiết kế các công việc theo các việc: giao nhiệm vụ, tổ chức cho học sinh làm, thực hành, tổ chức cho học sinh trao đổi, thảo luận và trên cơ sở đó hướng dẫn các em sơ kết, tổng kết lại vấn đề.
Giáo án là sản phẩm của mỗi cá nhân giáo viên với đối tượng và bối cảnh cụ thể, vì thế không nên bắt buộc phải giống nhau về cả nội dung, hình thức và độ dài...
Tuy nhiên để thống nhất trong dạy học, để tất cả học sinh đều có một mặt bằng chung tối thiểu về những kiến thức và kĩ năng của một vấn đề... thì cần bắt buộc có một số nội dung cứng trong giáo án gắn với từng loại bài học của mỗi môn học.
Với môn Ngữ văn, giáo án cho 1 bài học lớn (10-12 tiết), trong đó có các phần nhỏ (đọc hiểu, tiếng Việt, viết, nói nghe), theo tôi cần có các mục lớn sau đây:
I. Tên bài dạy: ghi tên bài học lớn trong sách giáo khoa.
II. Mục tiêu bài dạy: ghi đúng như nội dung yêu cầu cần đạt mỗi bài học lớn trong sách giáo khoa Ngữ văn; không cần thêm nội dung gì, vì yêu cầu đó đã đủ, phù hợp đối tượng.
III. Dạy đọc: ghi tên văn bản đọc 1, ví dụ: Tôi đi học (Thanh Tịnh)
1. Mục tiêu: ghi mục tiêu cụ thể sẽ hướng dẫn học sinh đọc đọc hiểu văn bản “Tôi đi học” Tập trung vào yêu cầu đọc, cân nhắc số lượng và mức độ mục tiêu cụ thể, tránh tình trạng chỉ nêu cho đẹp và sau đó không nêu được cách thực hiện mục tiêu đã nêu.
2. Thiết bị: nêu thiết bị cụ thể sẽ dùng trong giờ dạy đọc hiểu văn bản “Tôi đi học”
3. Tiến trình lên lớp, gồm các bước, trong mỗi bước có 1 hoặc nhiều hoạt động.
- Bước 1: Khởi động, nêu cách mở đầu bài học (có nhiều cách mở đầu khác nhau, giáo viên ghi cách mình sẽ thực hiện ở bài này)
- Bước 2: Tìm hiểu chung, nêu các hoạt động đọc diễn cảm, tìm hiểu chú thích, bối cảnh ra đời, tác giả...Chỉ những nội dung giúp hiểu văn bản thì mới yêu cầu học sinh tìm hiểu.
- Bước 3: Hướng dẫn đọc hiểu văn bản, nêu các hoạt động sẽ tổ chức cho học sinh lần lượt khám phá nội dung và hình thức theo các câu hỏi ghi cuối mỗi văn bản trong sách giáo khoa. Các câu hỏi này giáo viên có thể chuyển thành các phiếu học tập, các trò chơi...
Nêu rõ cách thức tổ chức: giao nhiệm vụ (làm việc theo cá nhân, cặp đôi hoặc nhóm), tổ chức cho học sinh làm việc, trao đổi, thảo luận và sơ kết vấn đề gắn với mỗi nhiệm vụ.
- Bước 4: Tổng kết bài học bằng nhiều cách khác nhau, nhưng hướng đến 2 yêu cầu:
a) Nêu khái quát giá trị nội dung và hình thức của văn bản đã đọc.
b) Rút ra cách đọc, phương pháp đọc hiểu kiểu, loại văn bản ấy.
Hoạt động “luyện tập, vận dụng” nên là 1 trong các hoạt động ở bước 3, vì mục đích cũng là để hiểu văn bản.
Đã tổng kết bài là xong, là kết thúc bài học. Giáo án cho các phần khác (tiếng Việt, viết, nói và nghe) cũng có cấu trúc tương tự, tuy nhiên cần vận dụng linh hoạt với mỗi nội dung dạy học khác nhau.
Làm việc gì cũng thế thôi, có chuẩn bị thì kết quả sẽ thu được sẽ tốt hơn. Nhưng chuẩn bị cần hiểu đúng thực chất, không nên làm hình thức.
Chuẩn bị giáo án cần coi là công việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên, tự giác của mỗi giáo viên, chuẩn bị giáo án tốt thì dạy học sẽ tốt hơn".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét