Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83/2021/TT-BTC ngày 4/10/2021 hướng dẫn quản lý kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông (Thông tư số 83).
Thông tư số 83 gồm 6 Điều, quy định cụ thể về nguyên tắc quản lý kinh phí; nguồn kinh phí, mức chi, nội dung chi tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông; áp dụng với các đối tượng gồm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở trung ương và địa phương, các cơ sở giáo dục, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan khác.
Theo đó, nguồn kinh phí tập huấn, bồi dưỡng bao gồm nguồn ngân sách nhà nước; nguồn thu hoạt động sự nghiệp của các cơ sở giáo dục công lập; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cán nhân trong và ngoài nước; các nguồn vốn xã hội hoá, nguồn vốn huy động hợp pháp, nguồn thu khác theo quy định của pháp luật của các cơ sở giáo dục; đóng góp của học viên; nguồn tài chính hợp pháp của các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Trong đó, ngân sách Trung ương cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng cho học viên là giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán của các địa phương. Ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng cho học viên là giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục ở các địa phương.
06 nội dung chi tập huấn, bồi dưỡng được quy định tại Thông tư, gồm: Chi tạo lập mới hoặc thuê hệ thống quản lý học tập trực tuyến; Chi điều tra, khảo sát xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng; Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị có liên quan; Chi đi công tác để kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng, đánh giá kết quả tập huấn, bồi dưỡng.
Thông tư cũng quy định rõ nội dung chi đối với trường hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hoặc mở lớp để tập huấn, bồi dưỡng hoặc biên soạn chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng và trường hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhưng không có cơ sở vật chất để tập huấn, bồi dưỡng hoặc mở lớp để tập huấn, bồi dưỡng nhưng không có điều kiện tự tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng phải gửi học viên đi tập huấn, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác.
Trường hợp Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cử giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục cốt cán của tỉnh đi tập huấn, bồi dưỡng tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện; các cơ sở giáo dục công lập cử giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đi tập huấn, bồi dưỡng, Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục công lập sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước cấp (kinh phí không thực hiện chế độ tự chủ) và nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ (nếu có) cho học viên được cử đi học những nội dung chi theo quy định của pháp luật.
Về mức chi, căn cứ tình hình thực tế và dự toán được cấp có thẩm quyền phân bổ hàng năm, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến, chủ trì tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng quyết định các mức chi cụ thể phù hợp; đồng thời phải đảm bảo sắp xếp kinh phí để thực hiện theo đúng nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao và trong phạm vi dự toán được phân bổ.
Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa làm căn cứ để các Bộ, địa phương, các cơ sở giáo dục lập dự toán chi cho công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ.
Trong đó, chi điều tra, khảo sát xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng áp dụng theo mức chi quy định tại Thông tư 109/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.
Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, hội nghị có liên quan; chi đi công tác để kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng, đánh giá kết quả tập huấn, bồi dưỡng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Tổng mức chi tiền công giảng viên, trợ giảng, báo cáo viên tối đa là 02 triệu đồng/buổi (một buổi giảng được tính bằng 04 tiết học) và tính cho tất cả các thành viên trực tiếp tham gia trong 01 buổi tập huấn, bồi dưỡng. Giảng viên, trợ giảng, báo cáo viên đạt loại giỏi, xuất sắc được khen thưởng với mức tối đa 200.000 đồng/người....
Thông tư số 83 có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2021.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét