SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông, học sinh được đánh giá năng lực từ các sản phẩm cụ thể

 


Phương pháp "Bàn tay nặn bột" hay "Học qua làm" là một phương pháp dạy học tích cực đã được Hội "Gặp gỡ Việt Nam", đứng đầu là Giáo sư Trần Thanh Vân giới thiệu vào Việt Nam từ năm 2000. Ghi nhận hiệu quả tích cực sau một thời gian triển khai, phương pháp dạy học này đang dần khẳng định được vị trí của nó trong trường phổ thông. Bộ GD&ĐT chủ trương tiếp tục áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột và các phương pháp dạy học tích cực khác để thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông trong thời gian tới.

Đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh

Báo cáo tổng kết sau 5 năm thực hiện Đề án chính thức triển khai phương pháp Bàn tay nặn bột ở trường phổ thông giai đoạn 2011-2015 cho thấy, hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá đã được đổi mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Học sinh trung học trên toàn quốc đã khắc phục được việc kiểm tra kiến thức một cách máy móc, thay vào đó là chú trọng đánh giá năng lực vận dụng kiến thức và năng lực thực hành. Nhiều học sinh vui mừng cho biết, phương pháp này tạo cơ hội cho các em tự mình làm ra các sản phẩm học tập và nhìn vào các sản phẩm cụ thể này, các em biết được mình đang được ghi nhận và tiến bộ như thế nào. Nếu như trước đây, các thầy cô giáo đánh giá năng lực học tập của các em qua các bài kiểm tra hoàn toàn lý thuyết thì bây giờ các em được khẳng định năng lực qua các sản phẩm cụ thể. Qua các sản phẩm học tập, các em có thể trao đổi kinh nghiệm với nhau gắn với thực tiễn và rất hiệu quả.

Về phía giáo viên, triển khai dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột đã giúp họ sắp xếp lại nội dung dạy học một cách phù hợp và thuận lợi. Tại các địa phương, các tổ, nhóm chuyên môn đã xây dựng được hàng chục nghìn chủ đề dạy học trong môn học và các chủ đề tích hợp, liên môn có chất lượng tốt. Nhiều nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông đã được sắp xếp lại một cách hợp lý, khắc phục được một số chồng chéo về nội dung giữa các môn, góp phần giảm tải chương trình. Kết quả đáng mừng là có những nội dung thực tiễn đã được cập nhật, bổ sung vào chương trình dạy học thông qua yêu cầu thiết kế các hoạt động học tích cực của học sinh và thông qua các sản phẩm học tập do học sinh thực hiện trong các chủ đề, bài học.

Nhận xét về phương pháp bàn tay nặn bột, nhiều giáo viên phổ thông cho biết: Phương pháp này đã khắc phục hạn chế việc kiểm tra ghi nhớ kiến thức một cách máy móc của học sinh, chú trọng đánh giá năng lực vận dụng kiến thức và năng lực thực hành của học sinh. Điều đặc biệt là phương pháp dạy học này đã coi trọng đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh thông qua các sản phẩm học tập mà học sinh hoàn thành trong các hoạt động học.

Vấn đề được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm đó là các đợt tập huấn phương pháp giảng dạy này đến đội ngũ giáo viên nòng cốt. Có thể nói, thông qua các đợt tập huấn dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia Pháp phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo theo tinh thần phương pháp Bàn tay nặn bột; được trải nghiệm thông qua các bài học minh họa cụ thể đã hình thành được một đội ngũ giảng viên nòng cốt triển khai biên soạn tài liệu và tổ chức tập huấn giáo viên trên toàn quốc.

Tại nhiều địa phương, ngoài việc sử dụng các thiết bị dạy học sẵn có, nhiều dụng cụ thí nghiệm tự làm và học liệu như tranh ảnh, bản đồ, video… đã được giáo viên chế tạo để tổ chức hoạt động học của học sinh; cũng có nhiều dụng cụ thí nghiệm và học liệu do học sinh sưu tầm, chế tạo như là những sản phẩm học tập được hoàn thành trong các hoạt động học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trương chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện phương pháp Bàn tay nặn bột và các phương pháp dạy học tích cực khác theo hướng giao quyền chủ động cho các nhà trường, tổ, nhóm chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Ngành giáo dục cũng tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của các trường trung học, trung tâm giáo dục thường xuyên qua mạng. Đi song hành và hỗ trợ hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát triển trang mạng "Trường học kết nối" để tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, bao gồm: các khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên trực tuyến; kho học liệu hỗ trợ hoạt động dạy học; tổ chức các hoạt động trải nghiệm của học sinh… Điều này đã tạo động lực cho giáo viên chủ động trong bài giảng của mình. Đây cũng là điều mà giáo viên kỳ vọng trong việc đổi mới phương pháp dạy học bấy lâu nay.

Để nối dài việc thực hiện phương pháp dạy hoc này, hiện nay tại các trường sư phạm đã đưa phương pháp Bàn tay nặn bột vào giáo trình phương pháp dạy học sử dụng trong đào tạo giáo viên. Theo đó, các khóa sinh viên sư phạm tốt nghiệp trong những năm gần đây đều đã được đào tạo về phương pháp Bàn tay nặn bột, sẵn sàng áp dụng được phương pháp này trong các trường phổ thông.

Tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột và các phương pháp dạy học tích cực khác.

Mặc dù vậy, ngành giáo dục cũng nhìn nhận thẳng thắn việc triển khai thực hiện phương pháp Bàn tay nặn bột vẫn đang gặp khó khăn, thách thức. Tại một số địa phương, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên về bản chất của phương pháp Bàn tay nặn bột và các phương pháp dạy học tích cực khác còn hạn chế. Việc quản lý chuyên môn, nhất là việc quản lý chương trình dạy học, giáo dục của một bộ phận cán bộ quản lý cấp sở, phòng, trường còn nặng về bao cấp, áp đặt, gây cản trở đối với việc sắp xếp lại nội dung dạy học để xây dựng các chủ đề dạy học. Cùng với đó là việc dự giờ, nhận xét, đánh giá giờ dạy của nhiều cán bộ quản lý còn chậm đổi mới; năng lực xây dựng kế hoạch dạy học của nhiều tổ, nhóm chuyên môn, khả năng sắp xếp lại nội dung dạy học để xây dựng các chủ đề dạy học của giáo viên cũng như kỹ năng tổ chức hoạt động học cho học sinh của giáo viên vẫn còn hạn chế…

Để khắc phục những điều này, trong thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về định hướng chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh từ Bộ đến các Sở, đến các phòng Giáo dục, đến từng trường học và các giáo viên. Công tác tập huấn; phát triển tài liệu hướng dẫn; bố trí các nguồn nhân lực, tài chính để không ngừng xây dựng, chuẩn hóa nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tạo những điều kiện thiết yếu cho giáo viên tiếp cận và áp dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tiên tiến là những việc cần làm ngay.

Bộ cũng sẽ tập trung chỉ đạo, tập huấn cho cán bộ quản lý về chủ trương và nghiệp vụ quản lý chuyên môn theo hướng tăng quyền chủ động thực hiện kế hoạch giáo dục cho các nhà trường và các tổ chuyên môn; thực hiện chức năng quản lí thông qua giám sát, kiểm tra, kiểm định. Bộ cũng đang rà soát, hoàn thiện chuẩn Hiệu trưởng, yêu cầu Hiệu trưởng phải đi tiên phong về đổi mới phương pháp dạy học; tổ chức hướng dẫn, chăm lo các điều kiện, phương tiện phục vụ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học. Chú trọng hình thành đội ngũ giáo viên cốt cán về đổi mới phương pháp dạy học. tăng cường các hoạt động học của học sinh ở ngoài giờ học, ngoài trường, lớp học bao gồm cả việc tự học kiến thức mới và nhất là việc vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn.

Bên cạnh đó là việc tăng cường đổi mới sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, thường xuyên tổ chức dự giờ thăm lớp và nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức sinh hoạt chuyên môn với nội dung phong phú, thiết thực. Đánh giá đúng trình độ, năng lực và sự phù hợp trong phương pháp dạy học của từng giáo viên; kịp thời động viên, khen thưởng những giáo viên thực hiện đổi mới phương pháp dạy học mang lại hiệu quả.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, việc áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột và các phương thức dạy học tích cực khác như xây dựng mô hình nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh tại địa phương, dạy học thông qua di sản, hoạt động trải nghiệm sáng tạo,... góp phần quan trọng thực hiện đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục theo hướng coi trọng phát triển năng lực học sinh; đánh giá thông qua sản phẩm học tập của học sinh.

Vụ Giáo dục Trung học

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates