SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Bà má của hơn 3.000 học trò nghèo

 


hưu”.

Các-thế hệ sinh viên nhận học bổng 1 va 1 tặng hoa cô nhân ngày Nhà giáo VN

Phóng viên - 20/11/2021 | 6:49 (GTM + 7)

Con người ấy như một dòng sông âm thầm bao năm bồi đắp phù sa... trên cánh đồng giáo dục, vun trồng, ươm mầm chăm lo hàng ngàn bông hoa hiếu học và có những sáng kiến cho ngành giáo dục nước nhà.  

Cuộc đời nhà giáo Minh Ngọc nhiều chương hồi, cứ mỗi giai đoạn là mở ra một trang mới của cuộc đời đi dạy, làm quản lý, vận động khuyến học. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

CUỘC TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ GIÁO MINH NGỌC

Phóng viên VOV Giao thông may mắn được gặp bà giáo Minh Ngọc tại nhà riêng khi bà vẫn đang cặm cụi học ... tiếng Anh online.

Ở tuổi 78, khi chân đã mỏi, mắt đã có phần mờ đi, bà vẫn chưa một ngày được nghỉ ngơi. 

Trong những ngày Sài Gòn căng thẳng vì COVID-19, ánh mắt bà giáo già đượm buồn khi không được gặp gỡ những người học trò thân yêu và xúc động khi nhớ lại những năm tháng song hành cùng ngành giáo dục gắn với chiều dài lịch sử đất nước.

Cô giáo Lê Minh Ngọc là người Sài Gòn gốc, sinh ra và lớn lên tại Hóc Môn, không may mắn mồ côi cha khi mới 5 tuổi, 12 tuổi ra Bắc tập kết, học trường học sinh miền Nam. Chiến tranh, đất nước chia cắt. May mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, cô thiếu nữ ngày ấy đã khắc ghi lời dặn dò của Người “Phải ráng học để mai này về xây dựng lại miền Nam”. 

Năm 1965, cô giáo Minh Ngọc về Hà Nam dạy học rồi về Bắc Giang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất. Năm tháng sau đó cô tiếp tục về dạy trường Chu Văn An – trường Bưởi. Tại đây, cô giáo chủ nhiệm một lớp học đặc biệt, nơi học trò toàn là dũng sĩ, chiến sĩ ở Huế ra. Đây được xem là thế hệ học trò thứ 3 của cô giáo Minh Ngọc.

Tháng 4/1975, cô giáo Ngữ văn lên đường vào Nam theo chân những đoàn quân giải phóng tiếp quản Sài Gòn. 

Để rồi, giữa Sài Gòn đầy nắng ấy, cô giáo năm xưa tại trường Hiệp Hoà, Bắc Giang gặp lại học trò một thời đi chiến trường. Đất nước thống nhất, cậu học trò năm xưa cởi áo lính muốn cầm bút nghiên đã chia sẻ với cô giáo:

“Em muốn ở lại miền Nam, học thi đại học. Nếu đỗ sẽ ở lại, không thì sẽ về lại miền Bắc”. 

Thương trò, cô giáo trẻ ngày ấy đã đưa trò về tá túc dưới cầu thang trường Chu Văn An (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, quận 5) dạy lại kiến thức và giúp hiện thực hoá ước mơ vào Đại học của học trò. Chàng trai ấy đã đỗ vào Văn Khoa rồi ở lại Sài Gòn học hành, làm việc lập thân và trở thành một nhà báo - Trưởng Cơ quan thường trú Báo Lao động tại TP.HCM.

Nhà giáo Minh Ngọc lúc 12 tuổi (trái) và 18 tuổi (phải) 

Cô giáo Ngữ văn phổ thông rẽ ngang chăm lo học sinh mầm non, khuyết tật và sáng kiến “Ngày hội hột gà”

Năm 1977, một bước ngoặt mới, cô Ngọc khi ấy mới ngoài 30 nhận vị trí Trưởng Phòng giáo dục quận Bình Thạnh. Cô giáo Minh Ngọc nhớ lại:

“Công việc mới mẻ, nguyên là giáo viên cấp 3, điều về Trưởng phòng buộc phải hiểu từ nhà trẻ, mẫu giáo cho tới tiểu học, cấp 2. Những năm tháng đó cũng để lại nhiều kỷ niệm. Không được dạy nhưng lại làm việc chăm lo cho sự nghiệp giáo dục một quận...”.

Những năm 80, ở thời buổi còn bao cấp và bắt đầu bước vào cơ chế thị trường, cô Minh Ngọc tiếp tục nhận nhiệm vụ ở Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố phụ trách mảng Mầm non và Giáo dục khuyết tật - một lĩnh vực nhiều thách thức. Nhưng với cô, hạnh phúc là sự dấn thân vào những gì mới mẻ.

Câu chuyện chống suy dịnh dưỡng cho trẻ thời bấy giờ, được nhắc đến như là một “kỳ tích” với hình thức bán trú còn vô cùng lạ lẫm. Cô Minh Ngọc chia sẻ:

“Trước hết tôi nghĩ con trẻ phải lo cho sức khoẻ, dinh dưỡng. Tôi tập trung vào công tác phòng chống suy dinh dưỡng của  ngành học Mầm non. Tôi từng làm mẹ, làm bà tôi nghĩ đối với đứa trẻ không khoẻ mạnh không học được. Bé mà bệnh cha mẹ sao đi làm... Tôi quyết tâm thực hiện bán trú trong trường học”.

“Ngày hội hột gà” ra đời từ sáng kiến của cô. Mỗi phụ huynh học sinh ngoại thành đóng góp những hột gà, củ sắn, củ khoai... của gia đình mình vào bữa ăn thứ 2 hàng tuần của các con.

Cô cũng đã được Bộ Y tế tặng Kỷ niệm chương vì Sức khoẻ nhân dân từ ý tưởng này. 

Ngày đủ tuổi về hưu, bà giáo Ngọc có một thỉnh nguyện: 

“Bữa tiệc đơn giản với cháo, không xin nhận bất kì một món quà nào, kể cả một bông hoa. Xin mọi người đến ký tên ủng hộ cho trẻ khuyết tật...Những đồng tiên đầu tiên nhất có được, khoảng 40 triệu để trao cho trường Nguyễn Đình Chiểu. Đó là niềm hạnh phúc nhất ngày đầu tiên về hưu”.

Các-thế hệ sinh viên nhận học bổng 1 va 1 tặng hoa cô nhân ngày Nhà giáo VN
Các thế hệ sinh viên nhận học bổng 1 và 1 tặng hoa cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Khai hoang cánh đồng “khuyến học” với ý tưởng Học bổng “1 và 1”

Rời vị trí Phó Giám đốc Sở giáo dục TP.HCM ở tuổi 57, bà giáo Minh Ngọc tiếp tục làm Phó Chủ tịch Hội Khuyến học kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học TP.HCM giữa lúc “chẳng có đồng nào trong tay”. 

Đây có lẽ là chặng đường, là chương dài nhất trong sự nghiệp của bà.

Trong suy nghĩ của bà giáo Minh Ngọc, khuyến học không phải chỉ là trao đi một học bổng, mà phải làm thế nào để khuyến khích các em học trò nghèo bước tiếp trên con đường học hành, để thực hiện ước mơ, phải tính đường dài của một đứa trẻ.

Bà mong muốn xây dựng được một quỹ học bổng “trong suốt như pha lê”, bởi không muốn bất kỳ ai dị nghị, đặt câu hỏi về tiền đóng góp, hỗ trợ sẽ đi đâu về đâu?

“Tôi nghĩ đến tái tim mỗi người, trong mỗi trái tim đều có một góc của lòng nhân hậu. Nếu làm đúng làm tốt thì nhiều người ủng hộ...”. Đó là cái gốc để bà giáo Minh Ngọc nảy ra ý tưởng học bổng Khuyến tài hay còn gọi là Học bổng “1 và 1”.

Đầu năm 2000, bà giáo Ngọc vận động 5 suất học bổng đầu tiên  cho 5 sinh viên. Một cá nhân, một đơn vị sẽ nhận tài trợ cho một sinh viên cụ thể trong suốt quá trình học Đại học. Ban đầu gia đình và bạn bè nhận hỗ trợ “1 kèm 1”, cá nhân bà đỡ đầu cho một sinh viên khiếm thị. 

Một trong 5 sinh viên ngày đó giờ là thầy giáo Nguyễn Văn  Cải, Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung, Củ Chi xúc động: 

“Thời điểm mẹ tôi bệnh tật ngặt nghèo, tưởng chừng tôi gục ngã vì hoàn cảnh nghèo khó. Học bổng khuyến tài “1 và 1” đến với tôi rất kịp thời về ý nghĩa vượt khó, giúp cho tôi vừa đi học vừa chăm mẹ. Và đúng một cách đúng nghĩa của nó, đã cứu vớt tôi  giữa sự chới với giữa dòng đời, một phao cứu sinh kịp thời và ý nghĩa… Ngoài giúp tôi vượt khó, còn đó là điểm tựa để tôi tin vào những điều tốt đẹp trong xã hội”.

Từ “1 và 1” học bổng khuyến tài mở rộng thêm các phương thức “1 và n” – một người giúp nhiều sinh viên nghèo đã ra đời.

“Chỉ 2 triệu/năm thôi, nhưng nhiều sinh viên rớt nước mắt... Đó là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời tôi. Hạnh phúc đó không mua được” - nhà giáo Lê Minh Ngọc rưng rưng.

20 năm, học bổng khuyến tài đã phủ khắp về các tổ dân phố, phường xã. Từ 5 suất ban đầu rồi nhân lên 20, 100 và 200 suất một năm. Đã có 2800 sinh viên được hỗ trợ học bổng khuyến tài, 2300 sinh viên tốt nghiệp. Trong số đó có hàng trăm bác sĩ, thế hệ nhà giáo. 

Năm nay, bà giáo và Hội khuyến học lại tiếp tục có kế hoạch đỡ đầu cho các em nhỏ mồ côi vì COVID-19. 

Cuộc đời sự nghiệp dành cả cho giáo dục, nhà giáo Lê Minh Ngọc nhận không ít bằng khen, huân chương. Song, không có gì bằng cái tên thân thương - “Má” mà những “đứa con” khuyến học gọi bà...

Anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Dừa nước Việt Nam

Anh Phan Minh Tiến, 29 tuổi, quê ở Cần Giờ, TP.HCM, tốt nghiệp ngành Công nghệ Hoá trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Chàng sinh viên nghèo ngày đó giờ đã là Giám đốc Công ty TNHH Dừa nước Việt Nam và Dự án khởi nghiệp lấy mật dừa nước của anh đoạt giải Nhì tại Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. 

Nhưng có lẽ với anh, nếu không có “Má Ngọc”, anh đã không thể đứng vững vàng như bây giờ:  “Mình và mọi người gọi tên gọi thân thương là “Má Ngọc”. Đó là người Má rất đáng trân trọng. Rất may mắn cho tôi khi bước chân vào giảng đường Đại học, đã được nhận học bổng “1 và 1”.  Đó là món quà vô cùng ý nghĩa với một sinh viên năm thứ nhất như tôi. 

Má Ngọc luôn theo dõi sát sao quá trình phấn đấu của từng bạn sinh viên trong gia đình Học bổng khuyến tài, gọi điện thoại, nói chuyện, chia sẻ... Từng lớp sinh viên đã trưởng thành, ai cũng có công việc ổn định, sự nghiệp riêng. Nhưng Má vẫn ở đó và kết nối...Đây là niềm vui của Má”.

Trước phút chia tay, bà giáo Minh Ngọc lật giở cho chúng tôi xem những bức ảnh, tin nhắn, dòng thư những  “đứa con” tâm sự với bà từ chuyện đời, chuyện nghề, vui buồn trong cuộc sống... và hóm hỉnh: “Gia tài của bà giáo già này đấy”. 

"Sự trưởng thành của các con là hạnh phúc của người tiếp nối. Tụi nó giờ là Đại tá Quân đội, là Giám đốc, là bác sĩ... Điều sâu lắng trong trái tim mình lúc này là các con vẫn về quây quần bên cô. Các con trưởng thành đều quay trở lại, một trong những đối tượng giúp công tác khuyến học. Các con quay lại đỡ đầu học bổng, vận động bạn bè tham gia. Các con lấy cái tên dễ thương, coi đây là một sự tri ân, coi đây là “rước bạn đi sau…” - Bà giáo Minh Ngọc tự hào.

Tận hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục, nhà giáo Minh Ngọc đã lật từng trang lịch sử của đời mình.

Hạnh phúc nhiều, gian truân không ít, và rồi cũng đã bắt đầu nghĩ đến chuyện bàn giao cho thế hệ tiếp nối. 

Song, những trở trăn của một người sinh ra trọn đời mang sự nghiệp trồng người là cái tình nồng ấm giữa thầy và trò qua bao năm tháng...

Thầy-Cải cùng cô Ngọc trao HB cho Học sinh vượt khó học tốt
Thầy Cải cùng cô Ngọc trao học bổng cho Học sinh vượt khó học tốt
HS-Chu văn An - Hà Nội Khoá 1972-1975 gặp mặt cô giáo tại Huế
Học sinh Chu văn An - Hà Nội Khoá 1972-1975 gặp mặt cô giáo tại Huế
HS-Hiệp Hoà - Hà Bắc -cũ- ngày Tốt nghiệp THPT - năm 1969
Học sinh Hiệp Hoà - Hà Bắc (cũ) ngày Tốt nghiệp THPT - năm 1969

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates