Thứ tư, 24/5/2023, 13h36
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đến lớp 3 và tiếp tục thực hiện ở lớp 4 vào năm học 2023-2024 sắp tới.
Những yêu cầu cần đạt về năng lực của môn âm nhạc ở tiểu học rất cụ thể nhưng khó thực hiện, nếu không có giáo viên chuyên môn âm nhạc (ảnh minh họa). Ảnh: N.Trinh
Quan điểm của chương trình mới là “Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mỹ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống”. Chính vì thế, âm nhạc đã trở thành môn học bắt buộc trong chương trình.
1. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung môn âm nhạc được phân chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản: Âm nhạc là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, bao gồm những kiến thức và kỹ năng cơ bản về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lý thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Chương trình giáo dục âm nhạc giúp học sinh trải nghiệm, khám phá và thể hiện bản thân thông qua các hoạt động âm nhạc nhằm phát triển năng lực thẩm mỹ, nhận thức được sự đa dạng của thế giới âm nhạc và mối liên hệ giữa âm nhạc với văn hóa, lịch sử cùng các loại hình nghệ thuật khác; đồng thời hình thành ý thức bảo vệ và phổ biến các giá trị âm nhạc truyền thống. Còn giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở THPT: Âm nhạc là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nội dung môn học bao gồm kiến thức và kỹ năng mở rộng, nâng cao về hát, nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lý thuyết âm nhạc, thường thức âm nhạc. Những học sinh có sở thích, năng khiếu hoặc định hướng nghề nghiệp liên quan còn được chọn thêm các chuyên đề học tập. Nội dung giáo dục âm nhạc ở giai đoạn này giúp học sinh tiếp tục phát triển các kỹ năng thực hành, mở rộng hiểu biết về âm nhạc trong mối tương quan với các yếu tố văn hóa, lịch sử và xã hội, ứng dụng kiến thức vào đời sống, đáp ứng sở thích cá nhân và tiếp cận với những nghề nghiệp liên quan đến âm nhạc.
Chương trình âm nhạc giúp học sinh bước đầu làm quen với kiến thức âm nhạc phổ thông, sự đa dạng của thế giới âm nhạc và các giá trị âm nhạc truyền thống; hình thành một số kỹ năng âm nhạc ban đầu; nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ và tình yêu âm nhạc, hứng thú tham gia các hoạt động âm nhạc phù hợp với lứa tuổi; góp phần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và các năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo). Yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù của chương trình là tập trung hình thành và phát triển ở học sinh năng lực âm nhạc, bao gồm các thành phần năng lực: Thể hiện âm nhạc; cảm thụ và hiểu biết về âm nhạc; ứng dụng và sáng tạo âm nhạc. Thể hiện âm nhạc là biết tái hiện, trình bày hoặc biểu diễn âm nhạc thông qua các hoạt động hát, chơi nhạc cụ, đọc nhạc với nhiều hình thức và phong cách. Cảm thụ và hiểu biết âm nhạc là biết thưởng thức và cảm nhận những giá trị nổi bật, những điều sâu sắc và đẹp đẽ của âm nhạc được thể hiện trong tác phẩm hoặc một bộ phận của tác phẩm; biết biểu lộ thái độ và cảm xúc bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể; biết nhận xét và đánh giá về các phương tiện diễn tả của âm nhạc. Ứng dụng và sáng tạo âm nhạc là biết kết hợp và vận dụng kiến thức, kỹ năng âm nhạc vào thực tiễn; ứng tác và biến tấu, đưa ra những ý tưởng hoặc sản phẩm âm nhạc hay, độc đáo; hiểu và sử dụng âm nhạc trong các mối quan hệ với lịch sử, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác.
2. Ở bậc tiểu học, yêu cầu cần đạt về năng lực của âm nhạc được nêu rõ ràng, cụ thể. Thể hiện âm nhạc là bước đầu biết hát một mình và hát cùng người khác, thể hiện đúng giai điệu và lời ca, diễn tả được sắc thái và tình cảm của bài hát; đọc nhạc đúng tên nốt, đọc đúng cao độ và trường độ; biết chơi nhạc cụ một mình và cùng người khác, thể hiện đúng tiết tấu và giai điệu. Cảm thụ và hiểu biết âm nhạc là bước đầu cảm nhận được vẻ đẹp của tác phẩm âm nhạc, phân biệt được sự khác nhau trong từng thuộc tính âm nhạc; biết vận động cơ thể phù hợp với nhịp điệu; nhận biết được câu, đoạn trong bài hát có hình thức rõ ràng, nhận biết được sự giống nhau hoặc khác nhau của các nét nhạc; bước đầu biết đánh giá kỹ năng thể hiện âm nhạc của bản thân và người khác. Ứng dụng và sáng tạo âm nhạc là bước đầu biết mô phỏng, tái hiện một số âm thanh quen thuộc trong cuộc sống; biết lặp lại có thay đổi mẫu tiết tấu và giai điệu đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên; biết làm dụng cụ học tập đơn giản theo hướng dẫn của giáo viên; biết tưởng tượng khi nghe nhạc không lời; biết chia sẻ hiểu biết về âm nhạc với người khác; biết biểu diễn các tiết mục âm nhạc với hình thức phù hợp.
Những yêu cầu cần đạt về năng lực của môn âm nhạc ở bậc tiểu học rõ ràng, cụ thể nhưng khó thể thực hiện nếu không có giáo viên chuyên môn âm nhạc. Mặc dù Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện được 3 năm nhưng ngay ở thành phố, giáo viên môn này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu. Hiện tại, giáo viên dạy nhiều môn ở trường tiểu học phải kiêm nhiệm dạy âm nhạc. Các thầy cô dạy kiêm nhiệm môn âm nhạc đã cố gắng hết sức nhưng không thể nào dạy đạt hiệu quả ở các yêu cầu cần đạt của âm nhạc. Ngay ở lớp 1, với các yêu cầu gõ mặt phách, gõ sống phách, gõ mặt trống, gõ tang trống, vỗ mặt tambourine, rung tambourine, đọc nốt nhạc, nghe âm thanh cao thấp khác nhau từ các loại nhạc cụ…, giáo viên không chuyên nhạc hết sức lúng túng khi dạy. Ở lớp 2, yêu cầu càng cao hơn như đệm cho cả một bài hát bằng phách, tambourine, trống; đọc tiết tấu; gõ song loan; gõ triangle…, các thầy cô không chuyên nhạc phải đành “bó tay”. Đến lớp 3, yêu cầu tiếp tục nâng cao nội dung học ở lớp 1, lớp 2 và thêm nhiều nội dung mới như lắc maracas; gõ castanets; nghe, cảm thụ và vận động theo nhạc trích đoạn Thiên nga trong tác phẩm Lễ hội muông thú của Ca-mui Sen San, Bản giao hưởng số 40 của Mozart… thì các thầy cô dạy kiêm nhiệm chỉ biết lắc đầu.
3. Khi dự giờ các tiết âm nhạc của thầy cô dạy chuyên nhạc và thầy cô dạy kiêm nhiệm, người dự dễ dàng nhận thấy sự khác biệt của tiết dạy. Tiết âm nhạc do các thầy cô chuyên nhạc dạy thật sự hào hứng, thu hút học sinh, lớp học sinh động, hấp dẫn. Các yêu cầu cần đạt trong tiết dạy thể hiện rất rõ qua từng hoạt động. Trái lại, tiết âm nhạc do các thầy cô kiêm nhiệm dạy thì học sinh lơ đễnh, không tập trung, không hào hứng; thầy cô lộ rõ sự lúng túng, thiếu hào hứng. Mặc dù các thầy cô dạy kiêm nhiệm đã hết sức cố gắng như tìm hiểu về nốt nhạc, nhạc cụ, hay tìm đoạn phim, đoạn ghi âm… cho học sinh nghe, xem nhưng không thể nào đạt hiệu quả như mong muốn được. Không thể trách các thầy cô dạy kiêm nhiệm vì trong việc giảng dạy, mọi người thường nói “biết 10 dạy 1”, các thầy cô ấy chỉ biết 1, 2 hoặc có nội dung không biết gì thì sẽ dạy học sinh thế nào.
Năm học 2023-2024 sắp tới, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện đến lớp 4. Nhiều trường, nhiều thầy cô đang dạy kiêm nhiệm mong muốn có đủ giáo viên dạy môn âm nhạc để chương trình âm nhạc tiểu học có thể đạt được mục tiêu giáo dục như chương trình đề ra. Nhiều ý kiến đề nghị nếu chưa đủ giáo viên sư phạm âm nhạc thì nhà trường có thể hợp đồng sinh viên trường nhạc, thầy cô đang dạy nhạc ở các nhà văn hóa giảng dạy tiết âm nhạc trong trường hiện nay được không?
Lê Phương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét