SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Nhà Xuất Bản Giáo Dục VN Kỹ Niệm 65 Năm Thành Lập

 

NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM KỶ NIỆM 65 NĂM THÀNH LẬP

Thứ Sáu, 25/11/2022 | 18:50

Số lượt xem: 590

(NXBGDVN) - Ngày 25/11/2022 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã long trọng tổ chức kỷ niệm 65 năm thành lập.

Đến dự chương trình kỷ niệm 65 năm thành lập NXBGDVN về phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cùng đại diện lãnh đạo một số Vụ; Về phía NXBGDVN có ông Nguyễn Đức Thái – Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Hoàng Lê Bách, các ủy viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc, Ban Tổng biên tập, Ban Cố vấn… cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, các cán bộ, nhân viên của NXBGDVN.

Nhìn lại những mốc son lịch sử của NXBGDVN

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa được thành lập, “Diệt giặc dốt” đã được xác định là một trong 6 nhiệm vụ cần làm ngay của chính quyền Cách mạng. Năm 1950, trong lòng Bộ Giáo dục manh nha một tổ chức làm công tác xuất bản sách giáo khoa. Đó là Ban Tu thư, thực hiện nhiệm vụ thay sách, đáp ứng yêu cầu của cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất, hệ 9 năm. 

Đến ngày 1/6/1957, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên kí ban hành Nghị định số 398, chính thức thành lập Nhà xuất bản Giáo dục, “hoạt động dưới hình thức một doanh nghiệp quốc gia”; để đáp ứng các yêu cầu của cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai hệ 10 năm. 

Năm 1971, Bộ Giáo dục sáp nhập Nhà xuất bản Giáo dục với Cục Xuất bản. Cũng chính vào thời điểm này, họa sĩ Cẩm Vân sáng tác biểu tượng cho Nhà xuất bản Giáo dục với hình ảnh trang sách mở, nâng đỡ 2 chữ G – D. Thể hiện rõ nét vai trò của các cuốn sách đối với sự nghiệp giáo dục. Biểu tượng đó cùng năm tháng đã đi vào tiềm thức của nhiều thế hệ giáo viên, học sinh. Giản dị, gần gũi, thân thương như người bạn đồng hành với mỗi người trong suốt tuổi học trò.

Ngày 24-8-1977, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình đã kí ban hành Quyết định số 1075 tách Nhà xuất bản Giáo dục thành đơn vị độc lập từ Cục Xuất bản Bộ Giáo dục. Nhà xuất bản Giáo dục bước vào giai đoạn phát triển mới. 

Tháng 1-1979, Chi nhánh Nhà xuất bản Giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh ra đời, đánh dấu thời kỳ tổ chức hoạt động của NXB vươn dần ra khắp các vùng miền của đất nước. Hiện nay, ngoài cơ quan điều hành tại Thủ đô Hà Nội, NXBGDVN còn có 4 NXBGD miền tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ.

Từ năm 1988 đến năm 2002, về cơ cấu tổ chức, Nhà xuất bản Giáo dục đã hình thành đầy đủ các phòng ban. Đến đầu những năm 1990, Nhà xuất bản Giáo dục đảm trách công việc biên soạn sách giáo dục ở tất cả các bậc học, bao quát mọi ấn phẩm phục vụ ngành Giáo dục và Đào tạo.

Năm 2003, Nhà xuất bản Giáo dục được Chính phủ cho phép thí điểm tổ chức và hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Từ cơ sở pháp lí này, Nhà xuất bản Giáo dục, với cơ cấu trọn đủ 3 khối sản xuất từ khâu xuất bản – in ấn đến phát hành được sắp xếp, điều chỉnh theo chiều rộng ở Công ty mẹ. Cổ phần hóa 7 đơn vị, trở thành Công ty con. Sự chuyển đổi rất mới và rất lớn, nhưng hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục vẫn luôn ổn định và có chiều hướng phát triển rõ nét. 

Đến năm 2009, Nhà xuất bản Giáo dục được đổi tên thành Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. 

Tên hiệu Nhà xuất bản Giáo dục, lần đầu tiên gắn với quốc hiệu, tên nước Việt Nam, khẳng định vị thế một Nhà xuất bản Quốc gia. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng đối với cán bộ công nhân viên NXBGDVN mà còn là niềm tự hào chung của ngành Giáo dục Việt Nam. 

Trong giai đoạn này, theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, NXBGDVN được chuyển đổi thành mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có cơ cấu Công ty mẹ - Công ty con. Từ việc áp dụng mô hình này một cách hiệu quả, NXBGDVN tập trung được nguồn lực, mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng quy mô, tạo thành một hệ thống, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ ngày một tốt hơn cho ngành Giáo dục. Đến nay, NXBGDVN đã phát triển thành một đơn vị lớn mạnh bậc nhất trên toàn quốc về xuất bản, in ấn và phát hành sách nói chung và sách giáo khoa nói riêng với hơn 3.000 cán bộ nhân viên; 6 đơn vị trực thuộc; 39 công ty thành viên và mạng lưới phát hành với hơn 70 đối tác phủ khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.    

     

Qua 4 lần đổi mới chương trình sách giáo khoa, suốt 65 năm hình thành và phát triển, trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi từ khi chiến tranh thống nhất đất nước đến giai đoạn đổi mới và giai đoạn hiện nay, NXBGDVN luôn hoàn thành nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhà nước giao phó, đó là: in ấn, cung ứng đầy đủ sách giáo khoa đến học sinh, giáo viên trên mọi miền của đất nước; góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo của nước nhà. 

Những đóng góp của NXBGDVN đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục của đất nước đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận, được tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì , Ba…

Vượt lên thử thách trong hiện tại và tương lai

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ, công chức, nhân viên NXBGDVN qua các thời kỳ. Đồng thời biểu dương, ghi nhận những kết quả NXBGDVN đã đạt được trong 65 năm. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, trong công cuộc cùng toàn ngành Giáo dục thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có rất nhiều nhiệm vụ khó khăn, nhiều thách thức đòi hỏi mỗi cán bộ, lãnh đạo, nhân viên và tập thể NXBGDVN phải quyết tâm hơn nữa, cố gắng hơn nữa. 

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại chương trình kỷ niệm 65 năm thành lập NXBGDVN.
Ảnh: Thanh Tùng

Trong bối cảnh ngành Giáo dục đã và đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Đảng và Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội, trong đó có trọng tâm là việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, NXBGDVN đứng trước nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức.

Đó là lần đầu tiên, ngành Giáo dục thực hiện việc xã hội hóa sách giáo khoa. Với NXBGDVN, đây cũng là một bước khẳng định thương hiệu khi bước vào cạnh tranh với các tổ chức, đơn vị xuất bản khác khác trong việc tổ chức biên soạn, in ấn, cung ứng sách giáo khoa thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Mặt khác, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy thoái vì bất ổn chính trị, tác động của đại dịch Covid ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các quốc gia, để phát huy giá trị thương hiệu NXBGDVN, đòi hỏi tất cả phải đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để có thể tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT giao; giữ vững và phát triển thương hiệu của NXBGDVN trong 65 năm qua.

Ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGDVN.
Ảnh: Thanh Tùng

Ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXBGDVN đã lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đồng thời cam kết thời gian tới NXBGDVN sẽ nỗ lực hết mình để phục vụ tốt nhất, mang tới các sản phẩm có giá trị cao, góp phần tích cực vào nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Một số hình ảnh tại buổi kỷ niệm 65 năm thành lập NXBGDVN:

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates