SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

A24- Kẻ từ chối khuôn mẫu của Hollywood và sáng tạo không ngưng nghỉ

 

Everything Everywhere All at Once đã trở thành bộ phim thành công nhất của A24, không chỉ riêng tại thị trường Bắc Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Cột mốc mới sau 10 năm thành lập này nói gì về A24 – công ty sản xuất và phát hành phim độc lập được nói tới nhiều nhất nhất hiện nay trong ngành điện ảnh? Ngắn gọn thôi: đó là kẻ dám từ chối mọi khuôn mẫu của Hollywood và sáng tạo không ngưng nghỉ.

Poster bộ phim Everything Everywhere All at Once. Ảnh: Strange Habours.

Vì SAO AI CŨNG NÓI VỀ EVERYTHING EVERYWHERE ALL AT ONCE ?

Ra mắt tại Liên hoan phim South by Southwest (Mỹ) vào tháng ba năm nay và sau đó được trình chiếu giới hạn tại Bắc Mỹ vào đầu tháng tư, Everything Everywhere All at Once (EEAAO) đã tạo nên một cơn sốt nhỏ nhưng âm ỉ và dai dẳng. Dĩ nhiên rồi, bộ phim bi/hài về đa vũ trụ của hai đạo diễn trẻ Daniel Kwan và Daniel Scheinert không thể tạo ra một hiện tượng phòng vé như Doctor Strange in the Multiverse of Madness, dù nó cũng nói đến chủ đề rất hấp dẫn hiện nay là đa vũ trụ (mutiverse). Doanh thu hiện tại của EEAAO đạt 91 triệu USD toàn cầu, lập kỷ lục là phim đạt doanh thu cao nhất của A24 sau 10 năm thành lập, dù vậy nó cũng chỉ bằng 1/10 doanh thu của Doctor Strange in the Multiverse of Madness mà thôi. Nhưng có một thứ mà EEAAO tự hào hơn bộ phim bom tấn khổng lồ kia của hãng Marvel là nó được đánh giá tốt hơn nhiều về mặt chất lượng, từ kịch bản tới đạo diễn, từ nhân vật tới diễn xuất của các diễn viên gốc Á. Và tất nhiên, cũng “cool ngầu” hơn rất nhiều về mặt sáng tạo.

Từ khi bộ phim xuất hiện rồi lan tỏa nhờ truyền miệng, hầu như giới điện ảnh và khán giả mộ điệu điện ảnh không ngừng nói về EEAAO, bởi vì thưởng thức bộ phim này, với hầu hết người xem là được tham gia một chuyến tàu lượn siêu tốc của cảm xúc mà ta không thể biết đạo diễn có thể đưa mình đi xa đến đâu. Đó là một bộ phim có kịch bản “quay cuồng” mà rất hiếm hãng phim ngày nay dám thể nghiệm và có cơ hội thể nghiệm. Đó là một sự sáng tạo hoàn hảo cho A24, hãng phim độc lập dám đứng sau những kịch bản độc, lạ và điên rồ như Moonlight, như Ex Machina, như Good Time, Hereditary, Encut Gems hay series phim truyền hình táo bạo như Euphoria

Một số nhận định còn cho rằng bộ phim thứ hai này của bộ đôi đạo diễn Daniels (Daniel Kwan và Daniel Scheinert) là đỉnh cao của sự nghiệp của họ, sau bộ phim đầu tay cũng “dị” không kém là Swiss Army Man (2016), với Daniel Radcliffe thời hậu Harry Potter – đóng vai một xác chết biết đánh rắm. Nhưng như vậy thì có vẻ sớm quá, với sự sáng tạo điên rồ và hoang dại mà họ đã thực hiện suốt một thập niên qua, bắt đầu bằng các MV và phim ngắn, và tiếp nối với hai bộ phim dài không giống ai. Dĩ nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự sáng tạo đột phá tiếp theo của họ, như chúng ta từng kỳ vọng vào Ari Aster sau Hereditary (2018) và Midsommar (2019) hay anh em nhà Benny Safdie và Josh Safdie sau Good Time(2017) và Uncut Gems (2019) – những bộ phim đóng dấu nhãn mác “dị thường” của A24.

Hầu như giới điện ảnh và khán giả mộ điệu điện ảnh không ngừng nói về EEAAO, bởi vì thưởng thức bộ phim này, với hầu hết người xem là được tham gia một chuyến tàu lượn siêu tốc của cảm xúc mà ta không thể biết đạo diễn có thể đưa mình đi xa đến đâu.

EEAAO khởi phát từ một mâu thuẫn có vẻ mang tính phổ quát trong xã hội hiện đại, đặc biệt là với những gia đình nhập cư gốc Á: mâu thuẫn giữa mẹ và con gái vì những khác biệt không thể chấp nhận giữa họ về văn hóa và phong cách sống. Thế nhưng, cách giải quyết mâu thuẫn của họ ở đây hoàn toàn khác biệt: cả hai cố gắng hàn gắn mối quan hệ tan vỡ của họ sau khi du hành qua các vũ trụ song song vô tận để nhìn thấy các phiên bản khác nhau của chính họ. Và ở mỗi phiên bản, họ đều có thể nhìn thấy một khả năng khác, nếu họ chơi trò “nếu thì”. Nhân vật Evelyn (Dương Tử Quỳnh chưa bao giờ xuất sắc đến thế) – người mẹ tuổi trung niên đang vật lộn với cuộc sống hiện tại và kiệt quệ về tinh thần là hình ảnh của một bà mẹ gốc Á khá phổ quát, cho đến khi bà du hành vào đa vũ trụ và được nhìn thấy những cuộc đời mà bà chưa từng sống. Kịch bản bộ phim bắt đầu xoay chuyển một cách điên rồ và mở rộng khả năng kết nối với khán giả theo nhiều cách khác nhau. Sự sáng tạo vô biên của nó là một minh chứng cho khả năng đi ngược lại với bản chất ngày càng công thức của những bộ phim thuộc dòng chính (mainstream) của Hollywood.

Và điều khác biệt nhất ở một bộ phim “đa vũ trụ” nhưng độc lập theo kiểu A24 là nó không cần tìm ra một nhân vật phản diện để tiêu diệt, mà là một sự hòa giải với chính bản thân. Đó mới là giải pháp cuối cùng của họ.

Trong EEAAO có một cuộc đối thoại thú vị giữa nhân vật Waymond Wang (Quan Kế Huy) và Evelyn (Dương Tử Quỳnh).

Bộ đôi đạo diễn Daniel Scheinert (trái) và Daniel Kwan (phải) đứng sau EEAAO. Ảnh: The Verge.

Waymond nói rằng: “Tôi đã nhìn thấy qua hàng ngàn Evelyn, nhưng không có Evelyn nào giống như cô cả. Cô có rất nhiều mục tiêu mà cô không thể hoàn thành, ước mơ mà cô không thể theo đuổi. Cô chính là phiên bản tệ nhất của chính cô”.

Và khi Evelyn cố tìm cách phản biện rằng cô không tệ đến thế, Waymond đáp lại: “Mỗi một thất bại ở đây đều rẽ nhánh ra một thành công cho một Evelyn khác ở một cuộc đời khác”.

Hai nhà làm phim trẻ đã khởi phát từ ý tưởng mà nhiều người trải qua, ngay cả chính bản thân họ, đó là luôn coi mình là kẻ thất bại, yếu kém, một dạng “phiên bản tồi tệ nhất của chính mình trong vũ trụ này”. Nhưng cuối cùng, điều họ muốn nói tới là đôi khi những gì tưởng chừng như yếu đuối lại là một thứ siêu năng lực, nếu ta biết tạo ra thứ ánh sáng để soi chiếu nội tâm ta.

Daniel Scheinert – một trong hai nhà làm phim, đã nói rằng “dù bóng tối có bao la đi nữa, chúng ta cũng phải tạo ra ánh sáng cho riêng mình. Đó cũng là công việc của tôi với tư cách là một nhà làm phim. Tôi sẽ tạo ra một số ánh sáng cho chính mình và hy vọng những người khác cũng có thể nhìn thấy nó”.

Thứ ánh sáng tự tạo ra ấy đã soi chiếu cho cuộc đời của biên kịch và đạo diễn này giúp anh khám phá ra điện ảnh. Daniel Scheinert nói rằng anh không giỏi bất cứ điều gì và làm gì cũng thất bại. Anh đã từng rất đau khổ và nghĩ rằng cuộc đời mình chạm đáy, cho đến khi anh bước vào ngành phim. Cho dù thừa nhận rằng mình không phải là một người thích mạo hiểm, nhưng ngay cả khi việc làm phim có đáng sợ đến mức nào đi nữa, thì điều đó cũng không thể tồi tệ hơn bất cứ những điều tồi tệ gì anh đã từng trải qua”. Khi dấn thân vào ngành phim ảnh theo kiểu “điếc không sợ súng” hoặc “không còn gì để mất” nữa, có lẽ đó là lúc mà anh đã phá bỏ giới hạn an toàn cho mình.

Và EEAAO đã ra đời với tinh thần như thế. Bộ phim đã tạo ra thứ ánh sáng của riêng mình. Tất nhiên, đó là một thứ ánh sáng dị thường.

Và điều khác biệt nhất ở một bộ phim “đa vũ trụ” nhưng độc lập theo kiểu A24 là nó không cần tìm ra một nhân vật phản diện để tiêu diệt, mà là một sự hòa giải với chính bản thân. Đó mới là giải pháp cuối cùng của họ.

A24 ± DỊ BIỆT VÀ SÁNG TẠO BẬC NHẤT

Nếu là fan của A24 trong suốt 10 năm qua và đã xem ít nhất 10 (trên hơn 100 bộ phim, series mà họ từng sản xuất và phát hành) thì bạn dễ dàng nhận ra đây là hãng phim của sự dị biệt và sáng tạo bậc nhất. Nó không giống với bất kỳ công ty giải trí nào khác ở Hollywood!

Ban đầu, A24 được thành lập ở bờ Đông, thành phố New York – thay vì Los Angeles của bờ Tây – nơi ngành công nghiệp điện ảnh phát triển nhất. Ba nhà điều hành của hãng A24 lúc đó còn khá trẻ, gồm Daniel Katz, David Fenkel và John Hodges, những người quyết định họ muốn làm những điều khác biệt với thế giới điện ảnh ngoài kia.

Và dần dần, sự khác biệt đó được chú ý, rồi sau đó là được công nhận. Sự dám chơi và dám chịu của họ đã được đền đáp khi bộ phim độc lập có kinh phí chỉ 1,5 triệu USD là Moonlight (2016) với sự hỗ trợ của công ty Plan B do Brad Pitt làm chủ – trở thành bộ phim đầu tiên của hãng thắng giải Oscar cho Phim hay nhất, vượt qua cả đối thủ La La Land thành công hơn nhiều về mặt doanh thu.

Sự thành công của Moonlight khiến giới một điệu phải “đào” lại những bộ phim xuất sắc khác của A24 ra mắt vài năm trước đó như Under the Skin (2013) của đạo diễn Jonathan Glazer với Scarlett Johansson đóng chính, Ex Machina (2014) của Alex Garland với Alicia Vikander đóng chính hay The Lobster (2015) của Yorgos Lanthimos với Colin Farrell và Rachel Weisz đóng chính.

Bộ phim Hereditary của A24 được tờ New Yorker bình luận là khởi xướng một dòng phim kinh dị mới. Minh họa: New Yorker.

Điểm khác biệt ở ba bộ phim này là gì? Nó đều thuộc thể loại khoa học giả tưởng (sci-fi) và mời được những diễn viên ngôi sao hạng A đóng chính. Thế nhưng, mỗi bộ phim đều khám phá một câu chuyện chưa từng được kể trên màn ảnh và đồng thời giới thiệu được một nhà làm phim với phong cách cá nhân không thể trộn lẫn. Quan trọng hơn, đó đều là ba bộ phim từ hay đến xuất sắc của điện ảnh trong thế kỷ 21.

Ta cũng có thể nhận xét tương tự với Good Time của Josh & Benny Safdie với Robert Pattinson đóng chính, Uncut Gems cũng của hai đạo diễn trên với Adam Sandler đóng chính. Đây là hai bộ phim hình sự – tội phạm với cách dàn dựng điên rồ và khiến não ta gần như không thể bắt kịp câu chuyện, buộc ta phải xem lại lần thứ hai, thứ ba để sắp xếp các dữ kiện. Đó cũng là hai bộ phim đem lại hai màn trình diễn lột xác của Robert Pattinson và Adam Sandler – vốn bị chỉ trích vì diễn xuất tệ trong các bộ phim hài hoặc dành cho tuổi mới lớn rất tệ hại trước đó. Pattinson và Sandler xuất sắc đến độ ta không thể nhận ra họ.

Đó có lẽ là lý do các ngôi sao hạng A sẵn sàng gật đầu, thậm chí từ chối nhiều dự án lớn hơn – để có cơ hội đổi đời với A24 – hãng phim từ chối khuôn mẫu và không bao giờ “đặt cược an toàn” cho phần tiếp theo hay tiền truyện, cho dù ăn khách đi nữa – để bắt tay vào những dự án “nguyên bản” khác. Đó thực sự là một thập niên sáng tạo không ngưng nghỉ của A24.

Do các ngôi sao hạng A sẵn sàng gật đầu, thậm chí từ chối nhiều dự án lớn hơn – để có cơ hội đổi đời với A24 – hãng phim từ chối khuôn mẫu và không bao giờ “đặt cược an toàn” cho phần tiếp theo hay tiền truyện, cho dù ăn khách đi nữa.

Ari Aster trở thành một đạo diễn được giới phê bình đánh giá rất cao và kỳ vọng trở thành một tên tuổi lớn của tương lai, chỉ sau hai bộ phim kinh dị gây ra nỗi ám ảnh kinh hoàng cho khán giả: Hereditary(2018) và Midsommar (2019). Hiện anh đang bắt tay vào làm hậu kỳ bộ phim thứ ba cho A24 là Disappointment Blvd., với sự tham gia của Joaquin Phoenix. Dĩ nhiên, đó là một bộ phim được kỳ vọng hạng nhất sắp tới của A24.

Ari Aster cũng là một hình mẫu đạo diễn mà người ta thường nói về A24: anh còn rất trẻ (mới 35 tuổi), xuất thân từ New York và là một tay e thẹn, hay lo lắng khi phát biểu trước đám đông báo giới. Thế nhưng, khi một mình đối diện với bản thảo hoặc sau ống kính khi chỉ đạo trên trường quay, khi ta được nhìn thấy một Ari Aster hoàn toàn khác biệt: kẻ tung ra những câu chuyện khiến người xem phải kinh hoàng.

Một số nhà báo so sánh A24 với Miramax, hãng phim độc lập từng nổi đình nổi đám hồi thập niên 90, kẻ đứng sau những bộ phim độc lập gây tiếng vang và giành được vô số giải thưởng như Pulp Fiction của Quentin Tarantino hay Good Will Hunting của Gus Van Sant… thế nhưng chính Ari Aster đã phản đối điều này. Anh nói rằng A24 khác với hãng phim của Bob và Harvey Weinstein là không chạy theo Oscar để tìm kiếm danh vọng và đổi lại, họ bắt các ngôi sao phải đánh đổi điều gì đó. Với A24, điều quan trọng nhất mà bộ phim này theo đuổi là tìm kiếm những đạo diễn có tiếng nói khác biệt và dám bảo vệ đến cùng sự khác biệt đó, mà không cần đánh đổi hay thỏa hiệp điều gì.

Đạo diễn Ari Aster (áo trắng, giữa ảnh) của Herditary là một điển hình trưởng thành từ A24.

Trước EEAAO, Hereditary của Ari Aster là bộ phim thành công nhất toàn cầu của A24 với doanh thu khoảng 81 triệu USD (với chi phí sản xuất khoảng 10 triệu USD). Sở dĩ bộ phim độc lập này thành công vậy, là vì Ari Aster được toàn quyền sáng tạo. Ở đó, ngay từ đầu bộ phim, nhân vật cô gái trẻ đáng sợ Charlie (Milly Shapiro) đã bị chặt đầu một cách tàn bạo ở phần đầu câu chuyện; sau đó kịch bản tập trung vào người anh trai của cô là Peter (Alex Wolff) và người mẹ Annie (Toni Collette) khi bọn họ cố gắng để chống lại một thế lực ác độc đang trù ếm họ. Mọi kỳ vọng của khán giả vào bộ phim đều bị đảo lộn dữ dội, nhưng những ý tưởng nguyên gốc đều được A24 bảo vệ tuyệt đối mà không có bất cứ một sự can thiệp thô bạo nào. Đó cũng là cách mà các đạo diễn phim độc lập khác cũng nhận được khi làm việc với A24, như Greta Gerwig với Lady Bird, Bo Burnham với Eighth Grade, Barry Jenkins với Moonlight hay gần đây là bộ đôi Daniels với EEAAO

Cách tiếp thị của A24 cũng hoàn toàn khác biệt các công ty phát hành khác. Thay vì chi tiêu cho quảng cáo truyền thống, hãng này dành tới 95% ngân sách cho tiếp thị trực tuyến. Tờ New York Times cho biết, A24 sử dụng mạng xã hội làm xương sống cho các chiến dịch tiếp thị của họ. Và cách tiếp thị của họ cũng cực kỳ thông minh và đột phá, ví dụ như làm giả một hồ sơ cho nhân vật chính – vốn là robot của Ex Machina (do Alicia Vikander đóng) trên Tinder và khiến không ít kẻ “match” với nhân vật người máy thông minh này.

Các chiến dịch tiếp thị kiểu du kích này khiến phim của A24 được nói đến và chia sẻ miễn phí trên mạng xã hội, tạo sự tò mò hiếu kỳ cho khán giả và khiến họ phải bỏ tiền vé để xem phim. Đây là cách tiếp thị vô cùng thông minh, tốn ít tiền và khiến nhiều hãng đối thủ phải ghen tị vì đột phá.

Đề cao những bộ phim có cốt truyện độc đáo, những nhân vật chính dị thường và được thực hiện bởi những đạo diễn tác giả (auteur directors) kiểu mới, A24 là một hãng phim khiến một bộ phận những khán giả trẻ ngày nay, những người quá chán với công thức và khuôn mẫu của các bộ phim bom tấn – tìm đến và thưởng thức. Lượng fan của A24 vì thế mà tăng lên từng ngày và hầu hết đều là những khán giả có gu thẩm mỹ tương đồng với sự sáng tạo của họ.

Và đó là lý do A24 tiếp tục chiêu mộ được những tên tuổi lớn đến với mình, như khi họ mời đạo diễn người Pháp Olivier Assayas làm lại bộ phim Irma Vep (1996) với Trương Mạn Ngọc đóng chính – thành series phim truyền hình phát trên HBO Max với Alicia Vikander đóng chính. Và sắp tới là The Sympathizer, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer của nhà văn Nguyễn Thanh Việt, với Park Chan Wook ngồi ghế biên kịch, đạo diễn và Robert Downey Jr. đóng chính.

Và vô số dự án của những tên tuổi lớn khác nữa đang đầu quân vào A24, để được sáng tạo không ngừng nghỉ!□

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates