SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2022

Tiếng Miền Nam trước nhứt phải được tôn trọng từ chính người Miền Nam

 


Tiếng Miền Nam trước nhứt cần phải được tôn trọng từ chính người Miền Nam

 

Mấy ngày nay có cuộc bút chiến "hủ tíu" hay "hủ tiếu" khi một trang của các bạn Miền Bắc phủ nhận chữ "hủ tíu",với các bạn "hủ tiếu" mới đúng


Rất logic,người Miền Bắc không phát âm chữ i ngắn đặng ,họ học viết hủ tiếu dễ hơn hủ tíu


Thí dụ như các học sinh Miền Bắc học "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc" không hiểu gì hết.Một học sinh HN năm 2005 viết vầy:


"Đề bài thi học sinh giỏi năm nay là “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này


Bọn em không quay lưng với lịch sử, nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc hơn là phải học những bài tế khô khan, khó hiểu như thế này...


Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc?."


Các bạn không ưa Đồ Chiểu thì chúng tôi ưa Nguyễn T và những tác giả hoa hòe hoa sói với cái giọng văn giả tạo tới mức "nồng nặc mùi giả tạo" hay sao?


Chuyện Nam Bắc còn dài,nhưng ngặc một cái người Bắc có xu hướng "ép" người Nam phải theo họ,tức là sửa tiếng nói Miền Nam lần hồi ,lấy Tiếng Bắc làm "phổ thông","làm chuẩn" 


Đi ngân hàng,viết "Hai chục triệu một trăm lẻ ba ngàn đồng" thì em ngân hàng không chịu.Em bắt khách hàng MN giữa đất SG viết lại kiểu của em là "Hai mươi triệu một trăm linh ba nghìn đồng" 


Chuyện lên máy bay hoặc phi cơ mà nghe "tàu bay" là bực bội trong lòng khách Miền Nam 


Có người lý giải chuyện "Ngàn" thành "Nghìn","Kinh" thành "Kênh",“Nhứt” thành “Nhất”, “Tân Sơn Nhứt”lại bị biến thành "Tân Sơn Nhất,”Bịnh” thành”Bệnh” trên văn bản hành chánh,bảng hệu là do dân Nam Kỳ cũng đồng tình vì thấy “có lý” hoặc "sao cũng được" là chuyện bá láp,tào lao


Không ai chịu để cho người lạ đổi tên khai sanh ông bà tổ tiên mình hết 


 “Ầu ơ…. !

Dí dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi

Khó đi, mẹ dắt con đi

Con đi trường học, mẹ đi trường đời”


Thấy một trang mang danh "Nam Kỳ" lớn tiếng bảo vệ chữ "hủ tíu" nhưng lòng vòng một hồi kết luận "Không có chuẩn mực nào giữa "hủ tíu" và "hủ tiếu" ,cũng như giữa "bịnh" và "bệnh" 


Bậy bạ rồi.Trình độ ba phải.Đáng đánh đòn.Số hai phải trước số ba,số bốn chớ 


1- Chữ "bịnh" là chánh thống 


Bịnh xuất xứ từ 病 đọc gốc là bạnh ,sau ra bịnh,tức là bịnh gần âm nhứt của bạnh.Bịnh là cha của bệnh 


Người Bắc  họ đọc âm i ngắn khá khó nên biến âm ta gọi là bệnh


Sau BK 54 vô Nam đã đổi nhiều bịnh viện trong Nam thành bệnh viện,sau 1975 thì thủ tiêu luôn chữ bịnh


Người Nam tiếp xúc với chữ Quốc Ngữ,y khoa Tây Phương sớm nhứt Việt Nam 


Thuật ngữ "Thuốc Tây","Nhà thương"(Bịnh viện) ,Đốc tờ (Bác sĩ),"Phòng mạch" là văn minh của Ki Tô giáo vào đất Sài Gòn sớm nhứt 


Học giả Trương Vĩnh Ký,nhà văn hóa Nam Kỳ nhuần nhuyễn đạo đức tu thân,ông sống thanh bần.Trương Vĩnh Ký là hậu tổ của chữ Quốc Ngữ truyền bá ở Nam Kỳ 


Muốn khai thác thì phải đầu tư Nam Kỳ


Người Pháp phải đầu tư từ giáo dục ,chữ viết,tới văn hóa,cơ sở hạ tầng,xây dựng thành phố,,đường xá,đường xe lửa,bến cảng,xẻ kinh ngang dọc để khai hoang đất,xổ phèn và thoát lũ…


Rồi ăn chín uống sôi,cắt tóc ngắn,cắt móng tay dài ,đi giày dép,biết xài xà bông rửa tay,đẻ hay có đau bịnh phải đi nhà thương 


Trong vòng 80 năm Pháp đổ tiền,đổ công sức không biết bao nhiêu để có được một Nam Kỳ văn minh sau này 


Pháp qua ,bỏ giáo dục nho học thi hương thi hội, bắt đầu thiếp lập giáo dục chữ quốc ngữ đầu tiên ở Nam Kỳ ,chữ Pháp với 3 cấp cùng 4 phép tính


Ngày 17-3-1879, Pháp thành lập Sở Học Chánh công cộng Nam Kỳ (Service de l'instruction publique) ở Sài Gòn 


Những trường trung học lớn và xưa nhứt có thể kể là Collège de My Tho,Chasseloup-Laubat (Lê Qúy Đôn) , Trường La San Taberd SG, Collège Can Tho,Trường Collège des Jeunes Filles indigènes (Gia Long) ,Lycee Marie Curie …


Khi Pháp qua Nam Kỳ năm 1859 thì người Nam Kỳ mới biết tới Tây Y ,thuốc viên gọi là thuốc Tây 


Khi đó Pháp mới xây những cái trạm tập trung chữa bịnh ,trị thương cho lính Pháp trước ,sau trị bịnh cho dân ,có thể kể ra đó là Hôpital Militaire của quân đội Pháp, thành lập đầu tiên từ năm 1862 


Lúc này các y tá và điều dưỡng đều là các soeur bên Công Giáo coi sóc 


Người Nam Kỳ kêu các Soeur là “bà phước” vì các vị này rất hiền lành,nhơn từ,không chồng con,cả đời phục vụ cho đạo,cho xã hội 


Người Nam Kỳ dịch chữ”Hôpital” thành "Nhà thương” vì trong này có nhiều bà phước coi sóc,mà người bịnh bức rức trong lòng họ cần tình thương ,sự xoa dịu tinh thần của bác sĩ,y tá và các soeur 


Như đã nói,rốt cuộc “Hôpital Militaire” dịch ra là nhà thương quân đội,nó là tiền thân của nhà thương Grall,dân gian kêu nhà thương Đồn Đất 


Thời Pháp có nhà thương công, nhà thương tư,nhà thương của giáo hội hội đoàn 


Tại nhà thương công và của giáo hội thì rất rẻ chi phí,còn có “nhà thương thí” tức là vô không tốn cắc bạc nào dành cho dân nghèo 


Kêu "Hospital" là nhà thương ,rồi bịnh viện vì có "bịnh đau" phải đi vô nhà thương,bịnh viện 


Năm 1935, Thống đốc Nam Kỳ Pierre Pagès chấp thuận cho phép biến phòng khám đa khoa “Polyclinique du Boulevard Bonard“ thành bịnh viện 


Hội đồng quản hạt bỏ tiền,cá nhơn ông trùm bất động sản Hui Bon Hua (chú Hỏa) cũng đóng góp nhiều tiền xây dựng bịnh viện


Bịnh viện được đặt tên bác sĩ Dejean de la Bâtie.Tòa nhà phía trái đặt tên là tòa nhà Montel;Tòa nhà phía phải đặt là tòa nhà Hui Bon Hoa 


Năm 1955 bịnh viện đổi tên là bịnh viện Sài Gòn


Xưa tại tỉnh lỵ Gia Định ở Bà Chiểu có một bịnh viện ở đối diện trường vẽ tên là Hôpital de Gia Đinh


Năm 1945, Hôpital de Gia Định được đổi tên thành bịnh viện Nguyễn Văn Học.Đến năm 1968 bịnh viện cũ được phá đi và xây mới 4 tầng .Sau 1975, bịnh viện Nguyễn Văn Học bị đổi tên thành bệnh viện Nhân Dân Gia Định 


Tỉnh Chợ Lớn có rất nhiều nhà thương,bịnh viện lớn ,thí dụ L'Hôpital Indigène (Bịnh viện Chợ Rẩy),Hôpital de la Maternité (Bịnh viện Hùng Vương),Hôpital de la Drouhet (Bịnh viện Hồng Bàng)


Nhưng giờ bảo đảm bạn không thấy nữa đâu,nó "đúng" theo cách sau 1975 phải là "bệnh viện" mới đúng chánh tả và "chuẩn","phổ thông" 


Nhiều người ầu ơ chàng hảng nói bịnh cũng như bệnh thôi


Không nha! 


Cũng như chữ cầu Trường Tiền bị đổi thành cầu Tràng Tiền là xúc phạm người Huế á 


"Bịnh" chính là âm Hán Việt của 病 (bạnh) 


Bịnh xuất xứ từ 病 bạnh ,sau ra bịnh,tức là bịnh gần âm nhứt của bạnh.Bệnh chỉ là trại giọng của bịnh 


Người Bắc họ đọc âm i ngắn khó nên biến âm ra gọi là bệnh


Không những đọc bịnh khó, đọc chữ nhứt cũng khó,đọc chữ "con kinh" cũng khó,đọc chữ "gành" cũng mệt ,đọc chữ "r" và "d" cũng khó 


2- "Hủ tíu" là chữ chánh thống của món ăn Miền Nam 


Nguồn gốc hủ tíu là từ người Tàu Nam Kỳ,có  hai nguồn gốc xin ghi ra 


- Mặc Nhân TVC trong bài về Mỹ Tho xưa có nói về nguồn gốc hủ tíu Mỹ Tho.Trong mục " Hủ tíu thời xa xưa" ông có ghi rằng: 


"Từ hủ tíu không biết xuất xứ từ đâu vì người Hoa họ không gọi hủ tíu mà họ gọi là phảanh,còn hủ tíu chỉ là chất bột để làm phảanh


Do đó ăn hủ tíu họ gọi là xực phảanh.Vào tiệm hủ tíu gọi một tô hủ tíu có thêm xương, gọi là dách cô phảanh thím xực xí quách


Ngày xưa người Pháp gọi hủ tíu là soupe chinoise (súp Tàu). Đến bây giờ người ngoại quốc đến Mỹ Tho ăn hủ tíu cũng gọi là soupe chinoise hay chinese soup


Đến ngày nay hủ tíu đã thành một từ Việt Nam 


Ngược dòng lịch sử, ta trở về Mỹ Tho một thế kỷ trước để thưởng thức hủ tíu Mỹ Tho do người Hoa chánh hiệu đứng nấu


Chú Sồi, hủ tíu chú Sồi, với một chiếc xe ba bánh, có thành vách ba bên, lộng kiếng vẽ đủ thứ cảnh hình trong truyện Tam Quốc như Quan Công phò nhị tẩu, Giang tả cầu hôn, Đương Dương trường bản, Khổng Minh tọa lầu…rong ruổi khắp các nẻo đường thành phố để mưu sinh,mà cũng để cho người dân Mỹ Tho có được một tô hủ tíu đậm đà


Ở giữa xe là một thùng nước lèo bốc hơi nghi ngút, những thúng, rổ nhỏ đựng hủ tiu, mì, bột nặn hoành thánh, dầu chá quảy…(để ăn kèm với mì, hủ tíu), tô chén úp bên cạnh đũa, muỗng lộn xộn với hủ nước tương, xì dầu, hột cải…"(hết trích) 


Tác giả lớn tuổi nhớ về Mỹ Tho xưa đã khẳng định "hủ tíu" là món ăn của Mỹ Tho 


Ông này lý giải kiểu Quảng Đông


Vì người Quảng gọi bánh sợi gạo trắng là “hồ phảanh” (河粉), âm Hán Việt là “hà phấn”.Khi xào thì họ cắt gọi là “tài phảanh” (大粉), âm Hán Việt là “đại phấn”, nghĩa là sợi gạo trắng to hay chảo phảanh, tức là hủ tíu xào


Còn với món có nước thì xắt sợi mảnh gọi là hồ phảanh.Thành ra khi ăn hủ tíu họ gọi là xực phảanh là chính xác 


-Theo học giả Vương Hồng Sển viết về hủ tíu như sau: 


"Khi tôi từ Sốc Trăng năm 1947, chạy lên trên nầy, tôi không được mục kích cảnh sống trên đất Sài gòn nầy, những năm tao loạn 1945-1946 (...)


(...)


Lại nhắc đến tô hủ tíu của chú Ba Tàu.Hỏi chú chệc Tiều (Triều Châu), chú sửa cục thuốc xỉa qua bên môi, và cắt nghĩa:"Củi viết ra Hán tự là “Quế”, “tíu” muốn dịch là “tiểu” hoặc “thiểu” (nhỏ) đều nghe không thông,nhưng không dám đảm bảo là chắc, và “củi tíu” là bánh bột cọng nhỏ, nấu theo điệu Tiều, gia vị tôm tươi, chả cá, gan heo, bao tử luộc ram lại gọi là “phá lấu”, chút ít thịt gà, thì gọi “củi tíu cá gà”, hoặc vài miếng thịt heo thì gọi “củi tíu thịt” nhưng đó là “củi tíu” Tiều, sau đó ta chế lại, và gọi “củi tíu Nam Vang” hoặc “củi tíu Mỹ Tho” (Trích Sài Gòn tạp pín lù)


Ông Vương Hồng Sển kể nguồn gốc hủ tíu.Đó là món Tiều tên là "củi tíu" nghĩa là bánh bột cọng nhỏ.Có củi tíu gà,củi tíu heo.Sau chuyển âm Việt thành "hủ tíu" 


Một số người nói là "cổ chéo"


Một số lý giải là do người Quảng Đông đọc “wuở tíu”粿條 âm Hán Việt là “quả điều”,người Tiều phát âm là “quể tíu”


Chưa có học giả Việt nào có cuốn tự điển tiếng Quảng Đông và Tiều -Việt nên nói tùm lum chẳng biết rốt cuộc nó chính xác chổ nào 


Nhưng khẳng định cái tên "Hủ tíu" là âm Việt rồi,bỏ lý lẽ là của Tàu 


Trước 1954 Miền Nam viết là "hủ tíu"


Ông bà tổ tiên người Miền Nam ăn món hủ tíu mòn răng và kêu là hủ tíu.Chúng ta dân Miền Nam nhỏ lớn đọc và viết là "hủ tíu".Không cần cuốn tự điển nào chứng minh hết 


Sau đó sách giáo khoa,sách báo phần đông do người Bắc 54 trước 1975 thời VNCH họ viết "hủ tíu"  thành ra chuyển thành "hủ tiếu" 


Các nhà văn hóa Miền Nam hầu như không viết về ẩm thực dù món ăn Lục Tỉnh tràn trề,nhiều vô số kể.Có lẽ vì quá thừa mừa và cũng do quan niệm "ăn có gì kể" mà các học giả Miền Nam vô tình để các học giả xứ Bắc lộng hành trong viết về ẩm thực và văn hóa Miền Nam 


Một mình ông Vương Hồng Sển không làm lợi với một số đông như quân Nguyên kia 


Người Bắc không nói âm "i" gọn được nên chuyển qua âm ê gần hết


Thí dụ Nam đọc "linh đinh",Bắc đọc "lênh đênh".Nam đọc "bịnh" ,Bắc đọc thành "bệnh",Nam đọc "gành" ,Bắc chuyển qua "ghềnh".Nam có "Cầu Kinh",Bắc tự đổi thành "Cầu Kênh" 


Các nhà viết sách Bắc họ nghĩ rằng Nam Kỳ viết hủ tíu là sai chánh tả nên họ tự ý đổi qua hủ tiếu là trúng chánh tả

Thực ra "hủ tiếu" mới sai chánh tả


Tiếu là cái gì? Viết tiếu nó qua nghĩa Hán Việt rồi 


Do sách giáo khoa tự quy định "hủ tiếu",thành ra học trò nghĩ hủ tiếu là đúng chánh tả nên chữ hủ tiếu đã đè bẹp,giết chết chữ hủ tíu 


Tiệm hủ tíu nào giữ nguyên bổn sẽ đề chữ hủ tíu


Hủ tíu cũng như bạc sỉu,cái âm "i" là thường trực ban sơ .Bạc sỉu là gọi tắt của "Bạc tẩy sỉu phé" trong tiếng Quảng Đông, bạc là trắng,tẩy là ly,sỉu là một chút,phé là cafe 


Bạc sỉu nghĩa là ly sữa trắng kèm một chút xíu cà phê


Bạc sỉu không phải là cafe sữa,bạc sỉu và cafe sữa là hai loại khác nhau.Cafe sữa là phé nại 


Vì bạc sỉu không rình rang như hủ tíu nên những người viết sách có máu Bắc quên ,nếu nhớ dám viết "bạc siểu" lắm á 

Chữ Miền Nam âm "iu" khá thông dụng trong gốc Tàu 


Xá xíu là món ăn có nguồn gốc từ Quảng Đông.Xá xíu trong tiếng Quảng được viết là 叉燒 (cha xiu) 


Xíu mại cũng có âm "i" 


Trong cải lương có một điệu hơi Quảng tên là “Xang xừ líu”

 

Trần Văn Trạch hát "Hòn vọng phu"mà ta còn nghe được ông đệm thêm "Xang xê xang xê hò sự xang xê líu xề xang líu hò xang ú hò" rất ngộ


Nhạc ngũ cung có "Hò, Xự, Xang, Xê, Cống " và âm thứ 6 là Líu


Hủ tíu Nam Kỳ là món của Miền Nam 


Hủ tíu là món gốc Tàu thôi chứ bên Tàu nó không thông dụng là mấy.Coi phim Tàu có thấy ai bán hủ tíu đâu.Tàu chỉ có mì là phổ biến


Món hủ tíu là món sanh ra và phù hợp phong thổ ở Nam Kỳ từ người gốc Hoa,từ bột gạo.Thành ra chúng ta cứ tự hào hủ tíu là món của Nam Kỳ là vậy 


Chúng ta phân biệt được hủ tíu Mỹ Tho,hủ tíu Sa Đéc với hủ tíu người Hoa là ở cọng bánh


Sợi bánh hủ tíu Mỹ Tho là sợi dai,sợi hủ tíu người gốc Hoa là sợi mềm như phở.Sợi hủ tíu người Hoa mềm và kích cỡ của nó khá giống sợi phở 


Hủ tíu dai là của người Việt sáng chế ra 


Hủ tíu Nam Kỳ đã là hủ tíu Việt khi có nước mắm,rau sống xanh tươi,hai món này hủ tíu Tàu chánh gốc Chợ Lớn không đụng tới,Tàu ăn dấm, xì dầu 


Có thể chia hủ tíu ra 2 trường phái nước và khô,hủ tíu dai và hủ tíu mềm 


3.Vấn đề cần nói 


Tại sao nhiều chữ của Miền Nam bị thủ tiêu và đưa chữ của Miền Bắc lên làm "chuẩn"? 


Người Bắc đã chơi ăn gian ngay từ đầu và dân Nam lại quá hiền lành nên cứ để cho họ ăn gian 


Giáo sư Dương Quảng Hàm từng viết: 


"Tiếng Nam xưa kia không được coi làm tiếng của chính phủ dùng,nên ở các trường không dạy, các học giả không để tâm nghiên cứu, ai nấy cứ theo thói quen từ thuở nhỏ mà nói, cứ thuận miệng mà đọc, không chịu đắn đo cẩn thận, nên có những âm thanh vì thế mà sai lạc đi, thành ra nơi này khác với nơi nọ"


Trong văn chương VN,người Miền Nam bị người Miền Bắc chơi "gác kèo" khi họ gần như phủ nhận văn chương Nam Kỳ


Tỉ dụ như trong những cuốn sách VN tất nhiên do người Bắc viết,họ ghi rằng những tác giả đầu tiên của văn học bằng quốc ngữ ở Việt Nam toàn ở Miền Bắc gồm Nguyễn Bá Học, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Đỗ Mục, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, Bùi Kỷ, Hoàng Ngọc Phách…và họ phủ nhận những tác giả của Nam Kỳ như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký,Hồ Biểu Chánh,Nguyễn Chánh Sắt 


Người Bắc lúc nào cũng nói văn học quốc ngữ của họ là chuẩn ,lấy làm khuôn vàng thước ngọc,lấy Nam Phong tạp chí làm hình mẩu mặc dù Nam Phong tạp chí của xứ Bắc ra đời sau những tờ báo ở Nam Kỳ như Gia Định báo ,Nông Cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn…và Nam Kỳ là nơi xiển dương chữ quốc ngữ đầu tiên ở VN 


Ông Vũ Ngọc Phan trong cuốn "Nhà văn hiện đại" 1942 viết như sau: 


"Quốc văn bắt đầu thịnh, bắt đầu có cái giọng hoa mỹ,dồi dào, và chú trọng về tư tưởng, là công các nhà biên tập hai tờ tạp chí ở Bắc Hà: Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí"


Ông này mặc định Phạm Duy Tốn, Hoàng Ngọc Phách là người viết văn xuôi đầu tiên ở VN 


"Nhưng người ta cũng không thể quên ông là người đã viết truyện ngắn theo lối Âu Tây đi trước nhất. 


Như vậy người ta cũng có thể nói: Phạm Duy Tốn là nhà tiểu thuyết đi vào đường mới trước nhất và những truyện ngắn của ông là thứ văn chương đã đánh dấu một quãng đường văn học của nước nhà"


"Tố Tâm là một quyển truyện rất văn hoa, kết cấu cũng khá và đã ra đời vào một thời mà tiểu thuyết sáng tác còn thấp kém, quốc văn còn trong thời kỳ phôi thai. Bởi thế cho nên Tố Tâm là quyển tiểu thuyết đầu tiên được mọi người chú ý đến một cách đặc biệt, và như thế, ta phải nhận là dư luận cũng nhiều lúc công minh " (Hết trích dẫn)


Dương Quảng Hàm khi viết "Việt Nam văn học sử yếu "cũng mặc định Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh là tiền bối viết báo 


"Văn xuôi mới của ta, như chương ba đã nói, sở dĩ thành lập được một phần lớn nhờ báo chí. Trong các nhà viết báo có công lúc buổi đầu phải kể đến Nguyễn Văn Vĩnh và ông Phạm Quỳnh"


Mấy lão Bắc này cố tình bỏ qua những tiền bối Nam Kỳ viết báo trước cả ông Nguyễn Văn Vĩnh ,Phạm Quỳnh như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký,Trần Chánh Chiếu,Sương Nguyệt Anh ….


Cố tình bỏ qua cây đại thụ viết tiểu thuyết đầu tiên của Nam Kỳ,viết trước cả Phạm Duy Tốn, Hoàng Ngọc Phách là ông Hồ Biểu Chánh,ông Nguyễn Chánh Sắt


Về tiểu thuyết,truyện ngắn đã có từ trước ở trong Nam. Từ sau đại chiến thế giới lần nhứt trở đi, ngoài Bắc mới xuất hiện những truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Bá Học và Phạm Duy Tốn


Hồ Biểu Chánh là nhà văn lớn của Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX,Bắc sĩ phu khá ghét ông này vì họ cho rằng văn ổng viết họ đọc "không hiểu"


Đọc không hiểu thây kệ,có đâu phủ nhận luôn vậy mấy cha?


Trong cuốn"Thi nhân Việt Nam "1942,hai ông sĩ phu Bắc Hà Hoài Thanh, Hoài Chân liệt kê 45 thi sĩ VN hiện đại,duy nhứt ở Nam Kỳ có 2 vợ chồng Đông Hồ và Mộng Tuyết mà thôi,phủ nhận hết những nhà thơ,nhà văn Miền Nam khác 


Kênh kiệu quá!


Thi sĩ Đông Hồ người Hà Tiên nhưng bị đóng dấu khi Vương Hồng Sển nói:"Đông Hồ là nhà văn Bắc Kỳ"


Thi sĩ Đông Hồ là người Nam nhưng viết văn làm thơ theo cách thức kiểu Bắc .Ông hành văn kiểu Bắc và ông phủ nhận văn chương Nam Kỳ luôn,phủ nhận Hồ Biểu Chánh


Vì cùng chung "giọng văn" nên vợ chồng Đông Hồ và Mộng Tuyết được các nhà viết văn học sử gốc Bắc công nhận


Hồ Biểu Chánh và sau này là Sơn Nam là hai cây đại thụ của Nam Kỳ,văn kiểu Nam Kỳ thấm đuộm hồn quê,hai ông cứ tỉnh rụi mà hành văn theo kiểu của mình ,mặc cho ai xì xào


Mắc gì ta phải thay đổi cái nét riêng,bản chất của chính chúng ta 


Cái thói "Mẹ hát con khen hay" vẫn tồn tại đâu đó 


Đã có một sự đánh tráo khái niệm trắng trợn trong mấy cuốn sách được xem chuẩn mực,"tri thức” kia mà nếu không ráng moi móc ra thì không ai biết 


Thiệt là lập lờ 


Người Miền Nam dễ dãi nếu cứ "sao cũng được" thì bị thay cái biển hiệu trước cửa nhà mình,thay luôn cái bia mộ trước mả ông bà mình hồi nào không hay 


Vậy thì "hủ tíu","bịnh viện" thời ta cứ viết rõ như vậy đi cho tụi trẻ nó quen.Với tiếng nói Miền Nam không chấp nhận kiểu lập lờ "sao cũng được mà" 


Thành ra mong các bạn trẻ Sài Gòn,Miền Nam hãy cố gắng giữ tình quê bằng ngôn ngữ xứ mình.


- Nguyễn Gia Việt

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates