October 9, 2022
LONDON, Anh Quốc (NV).- Một đại học Anh Quốc chờ đã hơn ba tháng nhưng chẳng thấy đồng tiền nào chuyển đến từ nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ nhân hãng hàng không Vietjet ở Việt Nam.
Báo Telegraph hôm Thứ Bảy 8, Tháng Mười, đưa tin nói rằng số tiền tặng một trường college thuộc đại học danh tiếng Oxford, Anh Quốc, của chủ hãng hàng không “Bikini Airlines” (hàng không áo tắm hai mảnh), tiếng lóng để chỉ hãng Vietjet, bị nghi ngờ có thật hay không.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và Giáo Sư Nick Brown, viện trưởng trường Linacre College ký thỏa thuận tặng 155 triệu bảng Anh để đổi tên trường thành “Thảo College”. (Hình: TTXVN)
Theo nguồn tin trên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, sáng lập viên kiêm tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air, chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn SOVICO, dự trù chuyển giao số tiền đầu tiên 50 triệu bảng Anh (hơn $55.4 triệu) vào ngày 30 Tháng Sáu vừa qua. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thấy gì.
Vào đầu Tháng Mười Một năm ngoái, bà Nguyễn Thị Phương Thảo tháp tùng Thủ Tướng Phạm Minh Chính công du hai nước Anh và Pháp. Dịp này, báo chí nhà nước Việt Nam và báo chí Anh Quốc đưa tin bà trao tặng Linacre College của đại học Oxford số tiền 155 triệu bảng Anh (hay khoảng $186 triệu).
Báo chí nước Anh đưa tin với sự ngạc nhiên vì một nữ tỉ phú của quốc gia hàng năm vẫn còn ngửa tay xin viện trợ khắp thế giới mà lại hào phóng cho một đại học của nước Anh văn minh và giàu có một số tiền nhiều như thế.
Nước Anh có hàng trăm tỉ phú giàu có gấp trăm lần bà Thảo nhưng từ trước tới giờ, đại học Oxford không được ai tặng nhiều tiền đến như vậy.
Để bà Thảo cho tiền, đại học Linacre College sẽ được đổi tên thành Thảo College, tức là tên trường này mang tên bà chủ tịch tập đoàn Sovico, tổng giám đốc Vietjet Air, phó chủ tịch ngân hàng HD
Theo báo Telegraph, chuyện cho tiền có thể bị “xù” vì các tai tiếng trên mạng về đổi tên trường. Hiệu trưởng, thủ quỹ và giám đốc trường Linacre College đã bay tới Việt Nam cuối Tháng Chín vừa qua trong nỗ lực cố gắng bảo đảm thỏa thuận.
“Nếu bà ấy không được đổi tên trường, bà ấy có thể không cho tiền”, một nguồn tin cho hay và cho biết thêm nguyên nhân chưa thấy tiền là “việc đổi tên trường không chắc chắn và những thông tin trái chiều” là các lý do dẫn đến việc trì hoãn trao tiền.
Tháng Sáu vừa qua, báo chí nước Anh nói rằng chính phủ Anh Quốc mở cuộc điều tra về số tiền tặng nói trên sau khi một dân biểu tại Quốc Hội khuyến cáo rằng bà Thảo “vô cùng thân cận với nhà cầm quyền CSVN”. Tuy nhiên, cuộc điều tra cũng đã khép lại, và Bộ Giáo Dục Anh Quốc ca ngợi các nỗ lực của Linacre College.
Đại học Oxford là một đại học cổ kính, nổi tiếng hàng đầu của Anh Quốc. Theo thủ tục, để có thể đổi tên trường, phải được sự chấp thuận của Hội Đồng Cơ Mật (Privy Council), tức là từ “Linacre College” thành “Thảo College”. Mấy tháng trước, các cựu sinh viên của trường này đã mở chiến dịch chống đối vì cho rằng như thế giống như bán cái tên cho người trả giá cao nhất.
Trên mạng xã hội, nhiều người ở Việt Nam cũng đả kích rằng các đại học tại Việt Nam thiếu thốn đủ thứ, nhà nước không có tiền đầu tư nên năm nào cũng tăng học phí, không có tiền tài trợ cho các dự án nghiên cứu. Bà Thảo quăng tiền đi xa như thế, chẳng khác gì “chở củi về rừng”, còn kẻ nghèo khó trước mặt lại không nhìn thấy.
Tiến Sĩ Julian Lewis, dân biểu Hạ Viện và cũng là thành viên của Privy Council khuyến cáo cơ chế này chống lại việc đổi tên trường.
Ông phát biểu tại Hạ Viện: “Nếu chúng ta muốn trừ diệt tiền bẩn và những loại tặng biếu ranh mãnh trên đất nước này, thì đây là nơi rất tốt để khởi đầu”.
Ông Lewis là thành viên Ủy Ban Tình Báo và An Ninh tại Hạ Viện Anh Quốc. Tuy nhiên, ông phát biểu với tư cách cá nhân. Ông cho rằng nhà trường có thể nhận quà tặng bất kể chính quyền thích hay không thích. Nhưng “Nhà trường không thể đổi tên mà không được sự chấp thuận của cơ chế Privy. Do đó, chỉ có Privy Council có khả năng can thiệp một cách hiệu quả.”
Sự thỏa thuận giữa Linacre Collge và bà Nguyễn Thị Phương Thảo viết rằng nhà trường sẽ “dùng các nỗ lực hợp lý” để đổi tên trường chậm nhất là Tháng Chín, 2023, sau khi nhận được số tiền đầu tiên 50 triệu bảng Anh. Tuy nhiên bản thỏa thuận cũng viết rằng việc đổi tên trường “tùy thuộc sự chấp thuận của Privy Council”.
Linacre College được thành lập từ năm 1962, đặt theo tên nhà vật lý nổi tiếng Thomas Linacre từ thế kỷ thứ 15.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, năm nay 52 tuổi, khởi nghiệp từ năm 21 tuổi khi đang học môn kinh tế tại một đại học ở Moscow, Nga. Bà bắt đầu kiếm tiền bằng việc nhập cảng máy Fax, plastic và cao su vào nước này khi vẫn còn là Liên Xô.
Các nữ tiếp viên Vietjet Air mặc bikini trước máy bay của hãng trong ngày quảng cáo ra mắt, nay hình đã bị gỡ xuống. (Hình: Vietjet Air)
Năm 2007, bà Thảo thành lập Vietjet Air, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên tại Việt Nam. Hãng nổi tiếng dư luận ngay khi mở chiến dịch quảng cáo với một đoàn nữ tiếp viên mặc bikini đứng trước máy bay. Vợ chồng bà còn là thành viên
chi phố tập đoàn đầu tư tài chính Sovico, ngân hàng HD bank và chủ nhân nhiều tài sản địa ốc.
Theo Telegraph, đại diện Linacre College đang thảo luận với Sovico và các cố vấn tài chính của họ để tìm cách chuyển giao tiền tặng sao cho minh bạch, kiểm toán được theo đúng luật lệ của cả nước Anh và Việt Nam. Viên chức này còn nói rằng việc tìm giải pháp đã dẫn tới chậm trễ. Sau khi gặp trực tiếp ở Việt Nam “chúng tôi đang lập các thủ tục liên quan để chuyển ngân”.
Tháng Sáu vừa qua, chính phủ Anh Quốc đã điều chỉnh luật lệ để ngăn chặn tiền bạc nước ngoài ảnh hưởng đến nền giáo dục nước này.
Một viên chức Bộ Giáo Dục Anh Quốc được thuật lời cho hay sẽ không chấp nhận các hợp tác nếu làm nguy hại đến an ninh quốc gia. Chính phủ Anh Quốc tiếp tục yểm trợ lãnh vực giáo dục để xác định và giảm thiểu các nguy cơ can thiệp. (TN) [kn]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét