SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

Trường Việt Ngữ: Trung Tâm Văn Hoá Việt Nam



h1: Cô Hiệu trưởng Vũ Ngọc Mai
h2: Giờ tập đọc trong lớp 4 của cô Chiêu Hoà
h3: Một buổi ôn tập chuẩn bị cho giải khuyến học sắp tới

14171 Newland Street
Westminster, CA 92683
P.O. Box 65 
Midway City, CA 92655
Hiệu trưởng: Gs Vũ Ngọc Mai
(562) 422-7034
Cùng trong chủ đề nói về các sinh hoạt lành mạnh bổ ích cho thanh thiếu niên trong cộng đồng người Việt hải ngoại, cuối tuần vừa qua, trong khi mọi người đang chuẩn bị cho buổi tiệc gia đình trong ngày lễ Mother's Day thì nhóm Weekend đã tìm đến với Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam, một trường Việt Ngữ có quy mô khá lớn trong khu vực Little Saigon để tìm hiểu về phong trào dạy và học Việt Ngữ nơi đất khách quê người.
"Người Việt còn, tiếng Việt còn", câu nói ấy đã là lời khẳng định sự tồn tại bền vững của tiếng Việt trong mọi hoàn cảnh lịch sử của đất nước,và từ sau biến cố 1975, câu nói ấy còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm giữ gìn tiếng Việt đối với mỗi người Việt Nam đã vì tìm đến tự do mà đành chấp nhận cuộc sống tha hương. Quả thực như vậy, ngay từ năm 1976, phong trào dạy và học Việt Ngữ đã sớm hình thành khắp mọi nơi có người Việt định cư, cụ thể là ở miền Nam California, chùa và nhà thờ, hội đoàn và tổ chức thiện nguyện thành lập nơi nào là có dạy Việt ngữ ở nơi đó.
Bắt đầu thập niên 80, lứa tuổi thiếu nhi, thiếu niên VN sinh ra hoặc lớn lên nơi hải ngoại ngày càng đông làm cho nhu cầu học tiếng Việt gia tăng nhanh chóng, từ đó, các Trung tâm Việt Ngữ lần lượt ra đời. Những lớp học đầu tiên rất đơn sơ, thiếu tiện nghi, ngay cả sách học cũng không có, thầy giáo thì hoàn toàn tự nguyện làm việc không lương, lại phải mày mò tự soạn bài giảng cho từng buổi đứng lớp của mình. Vì đâu phải ai cũng xuất thân từ sư phạm, nên có những lúc "thầy giáo" phải đánh vật với vần xuôi, vần ngược, với những từ địa phương khó hiểu để tìm ra phương pháp tốt nhất dạy cho các em dễ hiểu và dễ nhớ. Sau đó, các Trung tâm đã có tổ chức hơn sau sự ra đời của "Bản Tin Sinh Hoạt Việt Ngữ"để làm nhịp cầu thông cảm giữa những người cùng chung lý tưởng. Và đến năm 1988, Ban Đại diện các Trung Tâm Việt Ngữ ra đời với danh xưng Ban Đại diện lâm thời các Trung tâm Việt Ngữ Miền Nam California để tiến tới việc chính thức thành lập Ban Đại diện các TT Việt Ngữ Nam CA mà hiện nay ông Nguyễn Văn Khoa đang là chủ tịch. Hiện nay, với 78 Trung tâm Việt Ngữ ở Nam CA và riêng khu vực Little Saigon cũng đã gần 20 Trung tâm đang hoạt động như Trung tâm Tam Biên, Hồng Bàng, Kito Vua, Nắng Mới, Chánh Pháp, Khuông Việt ở Garden Grove; Hội Thánh Tin Lành VN, Nguyễn Bá Tòng, GĐPT Phổ Đà, GĐPT Bát Nhã, GĐPT Chân Nguyên, GĐPT Hương Tích, GĐPT Huệ Quang ở Santa Ana; Nguyễn Bá Học, CĐ Westminster, Tiếng Việt Mến Yêu, TTVN Văn Hóa Việt Nam, Văn Lang, GĐPT Trúc Lâm ở Westminster…
Nơi đến đầu tiên của Weekend là Trung Tâm Văn Hóa Việt Nam tọa lạc tại khuôn viên của trường Warner Intermediate School ở góc đường Newland và Westminster với 12 lớp học gồm hơn 300 học sinh từ 5 tuổi đến lứa tuổi trên 30, hầu hết là người Việt, đặc biệt là một số người Mỹ, Mexican, Đại Hàn, Trung Hoa…Trường được thành lập từ 1995 và hoạt động liên tục cho đến nay. Cô Hiệu trưởng Vũ Ngọc Mai đã trân trọng nhắc đến những vị có công sáng lập nên trường Việt Ngữ này như ông Huỳnh Phổ, ông Lê Cẩm Thạch, ông Nguyễn Tiến Dinh, ông Nguyễn Văn Điền, ông Tạ Văn Trung. Từ năm 1996, cô Vũ Ngọc Mai, nguyên là giáo sư giảng dạy môn Việt Văn ở trường Lê Văn Duyệt, Gia Định hơn 17 năm, là người hiệu trưởng đầu tiên của Trung Tâm. Gần như là nghiệp dĩ, dù trải qua bao khó khăn trong cuộc sống nhưng cô Mai vẫn quyết chí gắn bó với nghề dạy học. Một điều đáng khâm phục là cô vừa đi dạy full time ở Long Beach, vừa đảm đương trách nhiệm hiệu trưởng của Trung Tâm Văn Hóa mà cô lại vừa tiếp tục theo đuổi việc học tập, nghiên cứu ở Đại học Cal State và đã lấy bằng M.A. về khoa nhân văn. Vào độ tuổi của cô, nhất là đối với phụ nữ VN, trong khi rất nhiều người đã sớm hưởng cảnh thanh nhàn trong gia đình cùng con cháu, thì cô lại giành gần hết thời gian của cả tuần cho trường lớp. 


Theo sự hướng dẫn của cô, Weekend đã vô cùng thích thú và cảm động khi đi thăm các lớp học, tưởng chừng như mình được trở về mái trường xưa, cũng có lời giảng nhẹ nhàng của thầy cô, tiếng đọc bài trong trẻo của học sinh, cũng bài chính tả, bài đọc thuộc lòng với những câu ca dao tục ngữ, những câu chuyện cổ tích mà ta đã từng quen thuộc từ thời thơ ấu…Được biết khoảng thời gian sau này, các thầy cô đã có sách giáo khoa nên việc giảng dạy cũng tương đối thuận lợi hơn. Tôn chỉ "Tiên học lễ, hậu học văn" được vận dụng và thể hiện rất rõ trong nội dung chương trình học cũng như qua sinh hoạt của từng lớp học. Bên cạnh việc rèn cho các em biết đọc, viết và hiểu tiếng Việt theo trình độ từ thấp đến cao, các thầy cô còn giúp cho các em học tập những phong tục, truyền thống văn hóa của người Việt Nam, nhất là tình yêu quê hương, tình cảm gia đình với những quan hệ gắn bó, mật thiết qua những giờ lịch sử, địa lý… Ngoài ra, các em học sinh còn được tham gia vào các sinh hoạt lành mạnh bổ ích khác như chào cờ hàng tháng với bài quốc ca Việt Nam "Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi…" hùng tráng vang vang; hát dân ca và những bài hát sinh hoạt ngày trước. Và để khuyến khích cho các em ham học và học giỏi tiếng Việt, các thầy cô đã nung đúc cho các em tham gia các giải thi hàng năm như giải Khuyến học, giải thi viết chính tả…Kỳ thi Khuyến học năm nay lại có thêm giải Viết Văn dành cho tuổi trẻ nên các em rất thích thú và tham gia rất đông.
Tôn trọng giờ học tập của các em nên Weekend chỉ có khoảng thời gian rất ngắn để tiếp xúc với một vài thầy cô và các em học sinh. Cô Nguyễn Chiêu Hòa, giáo viên phụ trách lớp 4, đã cộng tác với Trung Tâm Văn Hóa ngay từ buổi đầu thành lập. Với nụ cười hiền hòa, dáng dấp khoan thai, cô quả là hình ảnh cô giáo mẫu mực của các em. Với khả năng sư phạm vững vàng và lòng yêu nghề thiết tha, cô đã chiếm được lòng quý trọng và tin cậy của đồng nghiệp, phụ huynh và các em học sinh. Vào đầu xuân vừa qua, cô đã được đề cử là Giáo Viên Tiêu Biểu của Trung tâm trong năm học 2002-2003. Thầy Nguyễn Đức Dương chuyên trách lớp 1 đặc biệt bao gồm các em đã lớn nhưng chưa biết tiếng Việt (có người đến 37 tuổi), người Hoa, Mỹ, Mexican…nên thầy phải nghiên cứu một phương pháp linh hoạt để dạy cho các em. Chịu khó giảng dạy là vậy, thầy còn khuyến khích cho các em hăng hái học tập bằng cách tự bỏ tiền túi mua phần thưởng hàng tháng cho các em học giỏi hoặc có tiến bộ. Có lẽ nhờ thế, lớp học của thầy luôn đông nghẹt, có khi lên đến gần 70 em phải chia làm hai lớp để dạy. 
Trường có sĩ số khá đông, hơn 300 em, và trong đó, hầu hết các em đều ham thích học tiếng Việt và tiến bộ rất nhanh. Em Nguyễn Lê Bảo Ngọc 10 tuổi, đang theo học lớp 5 ở Trung Tâm là một trong những "học trò cưng" của các thầy cô. Tuy dáng người bé tí nhưng vẻ thông minh hiện rõ trong ánh mắt sáng long lanh, Bảo Ngọc là một học sinh giỏi của trường, có khiếu về viết văn, em thích nhất là văn tả người. Nhân ngày Hiền Mẫu, em đã có một bài luận văn tả mẹ của em thật là cảm động. Rossie 14 tuổi đang là lớp trưởng của lớp 4. Em học tiếng Việt gần 4 năm nay để có thể nói chuyện được nhiều hơn với ba mẹ và hiểu được nhiều hơn khi về VN thăm ông bà. Em còn có ước mơ theo học chuyên ngành tiếng Việt nhiều hơn khi lên đại học để có cơ hội giúp đỡ cho cộng đồng Việt Nam nơi hải ngoại.
Lắng đọng lại là một niềm cảm phục, một lời cám ơn của mỗi người Việt xa xứ dành cho Trung Tâm Văn Hóa nói riêng và tất cả Trung tâm Việt Ngữ đã góp phần to lớn trong việc bảo tồn tiếng Việt, đồng thời bồi đắp cho thế hệ trẻ Việt Nam hải ngoại trở thành những người công dân hữu dụng và không quên nguồn cội.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates