27/09/2022 09:30 GMT+7
TTO - Tại buổi làm việc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với TP.HCM cuối tuần qua, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh chuyện giải quyết các kiến nghị của TP.HCM xem ra chưa kịp thời và hiệu quả.
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời kiến nghị tăng thêm số lượng cán bộ tại xã, phường, thị trấn của TP.HCM
- Tạo điều kiện tốt nhất để TP.HCM phát triển
- Một năm thí điểm ‘cơ chế đặc thù’, TP.HCM có những quyết sách gì?
Việc đưa vào vận hành thu phí ETC sẽ giúp xe qua trạm thu phí TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhanh hơn - Ảnh: T.T.D.
Ông Thưởng thậm chí còn ví von rằng các kiến nghị được đưa ra nhiều lần, nhiều nơi nhưng có cảm giác như lời bài hát Chiếc khăn piêu "tiếng tôi vang rừng núi sao không ai trả lời" hoặc trả lời không đúng.
Ông Thưởng điểm qua một số vấn đề cụ thể mà dư luận, báo chí đã nhắc đến, đã đấu tranh rất nhiều lần trong những năm qua như tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM chưa tương xứng, việc hỗ trợ nguồn thu xuất nhập khẩu chưa đúng mức, hỗ trợ cho các dự án trọng điểm không đáng kể, phân cấp phân quyền chưa tương xứng...
Vấn đề đặt ra là "tiếng TP.HCM đã vang", vậy bao giờ được trả lời?
Thực tế thời gian qua, cho dù Quốc hội đã ban hành nghị quyết 54, nhưng trong quá trình thực thi nghị quyết này, TP.HCM cho hay dù đã được phân cấp cũng phải xin ý kiến bộ, ngành. Thế nên từ nghị quyết "đặc thù" thì TP.HCM mới chỉ có được... kiến nghị đặc thù, còn cơ chế đặc thù để giải quyết các vấn đề của TP.HCM thì chưa.
Chưa nói đến những kiến nghị vĩ mô về chính sách, chỉ mới nhìn những vấn đề liên quan đời sống dân sinh thì TP.HCM đã gồng mình trong suốt thời gian dài. TP.HCM phải là nơi gánh rất nhiều vấn đề lớn từ y tế, giáo dục, công ăn việc làm... cho người dân ở nhiều tỉnh thành khác chứ không chỉ cho TP.HCM.
Như vậy cứ thêm một người dân thì có thể phát sinh thêm một yêu cầu, nhiều yêu cầu gom lại thì thành vấn đề lớn trong từng lĩnh vực. Những yêu cầu lớn đó mà chỉ được giải quyết theo mức cào bằng thì có thể thấy ngay hệ quả khó khăn.
Ví dụ mới nhất tại TP.HCM là tình hình nhiều cán bộ công chức xin nghỉ việc và thiếu biên chế công chức. Trong đô thị rộng lớn này, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội ở cấp quận huyện, phường xã đã không giống nhau thì không thể có cách giải quyết giống nhau. Tiếp đến, khi TP Thủ Đức ra đời cũng xuất hiện khó khăn tương tự.
Tuy nhiên, TP.HCM đã không thể tự chủ giải quyết chuyện phường xã của chính mình vì những quy định cứng, làm khác đi sẽ sai về mặt chủ trương, đành chịu và kiến nghị, kiến nghị thì "không ai trả lời hoặc trả lời chưa đúng" như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nêu.
Ông Thưởng đã đề nghị các cơ quan trung ương phải tích cực hơn trong giải quyết những khó khăn của TP.HCM vì giải quyết cho TP.HCM cũng là vì cả nước và thẳng thắn nói rằng: "Pháp luật hiện nay dù khá đầy đủ nhưng vẫn nhiều xung đột trong các quy định thì sự năng động sáng tạo sẽ gặp nhiều rủi ro. Hoặc là chúng ta thở than với những vướng mắc hoặc là chúng ta cùng nhau vượt qua rào cản để phát triển".
Để không phải "thở than" nữa thì phải có cơ chế tự chủ cao hơn. Tất nhiên, sự tự chủ cao đồng nghĩa với quyền lực và trách nhiệm cũng cao. Một mặt, TP.HCM sẽ phải có một quyển "bí kíp" khác: tăng quyền tự chủ và tăng việc chịu trách nhiệm, càng chi tiết càng tốt.
Khi đó, có khi nhiều vấn đề lớn của TP.HCM không cần phải chờ bộ, ngành nào trả lời nữa mà chính từ thực tiễn phát triển của mình, TP.HCM sẽ tự xung phong trả lời những vấn đề của chính mình.
Mặt khác, từ thực tiễn của việc thực hiện nghị quyết 54 vẫn còn trắc trở thời gian qua, các cơ quan trung ương cần có một tư duy mới hay cơ chế giải quyết mới cho TP.HCM.
Khi đó, không chỉ TP.HCM mà "chúng ta cùng nhau vượt qua rào cản để phát triển". Nếu không thì có khả năng tiếp diễn cảnh "tiếng TP.HCM vang sao không ai trả lời".
0 nhận xét:
Đăng nhận xét