SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

Mô hình trường học mới: Tự quả - Tự học - Tự kiểm tra



 Mô hình trường học mới: Tự quản - Tự học - Tự đánh giá

TP - Mô hình trường học mới được Bộ GD&ĐT kỳ vọng là giải pháp sư phạm tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học, đảm bảo hài hoà dạy chữ - dạy người, nhưng, việc tiến tới triển khai đại trà hiện gặp nhiều khó khăn.

Một tiết học ở Trường Tiểu học Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Quý Hiên
Ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT, cho biết: Mô hình trường học mới (VNEN) được triển khai từ năm học 2012-2013 ở 1.447 trường tiểu học thuộc 63 tỉnh, thành phố, trong đó chủ yếu là các trường ở vùng khó khăn. Sau hai năm thực hiện, kết quả đạt được rất khả quan.

Hầu hết học sinh ở các lớp VNEN thể hiện sự mạnh dạn, tự tin và chủ động tham gia các hoạt động giáo dục. Tình trạng dạy học áp đặt một chiều của giáo viên và lối học thụ động của học sinh được khắc phục đáng kể.

Cách thức tổ chức lớp học theo các nhóm đã tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm, khám phá, tự chiếm lĩnh kiến thức. Mối quan hệ, tương tác giữa học sinh với giáo viên, và quan hệ giữa học sinh với nhau được tăng cường. Nhiều địa phương thấy mô hình hay đã chủ động triển khai thêm.

Vì thế, đến nay, trên cả nước có gần 2.500 trường tiểu học trên tổng số 15.000 trường thực hiện mô hình VNEN. Ngoài ra, từ năm học này, Bộ GD&ĐT cũng sẽ cho thí điểm mô hình VNEN ở cấp THCS tại 24 trường thuộc sáu tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Kon Tum, Đắk Lắk, Khánh Hòa.

Ngồi học theo nhóm

Mô hình VNEN khác gì với mô hình lớp học truyền thống, thưa ông? 

Thực tiễn cho thấy, mô hình truyền thống nặng về truyền thụ kiến thức có tính áp đặt, còn VNEN khắc phục nhược điểm này, đảm bảo sự hài hòa giữa dạy chữ và dạy làm người.

Đây là giải pháp đổi mới toàn diện, có tính hệ thống, bao gồm đổi mới cách dạy, cách học, cách đánh giá, cách thức tổ chức quản lý lớp học, quản lý nhà trường và đổi mới cả cách tham gia của cha mẹ học sinh, cộng đồng trong việc tổ chức hoạt động dạy học. 

Có thể thấy sự khác biệt của mô hình VNEN so với mô hình nhà trường truyền thống trên nhiều phương diện, trong đó đáng chú ý là sự đổi mới về phương pháp.

Với mục tiêu lấy “hoạt động học” làm trung tâm, nên giáo viên không giảng giải, không truyền thụ kiến thức một chiều cho cả lớp nghe. Trong lớp, thầy cô hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm và tập trung theo dõi các em để kịp thời hỗ trợ khi các em gặp khó khăn. Hình thức tổ chức lớp học cũng thay đổi căn bản.

Các em không ngồi hướng mặt đồng loạt lên bục giảng nữa mà ngồi học theo nhóm, có nhóm trưởng luân phiên điều hành. Mô hình này rất chú trọng hoạt động tự giáo dục của học sinh, bao gồm tự quản - tự học - tự đánh giá.

Công cụ tự quản quan trọng nhất là Hội đồng tự quản - một tổ chức của học sinh, vì học sinh, do học sinh bầu ra dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Ngoài ra, mô hình còn sử dụng các công cụ như góc học tập, góc cộng đồng, thư viện lớp học, các hộp thư “điều em muốn nói”, “hộp thư bè bạn”… để giáo dục. 



Ông Phạm Ngọc Định 
Cách đánh giá học sinh ở những lớp học VNEN cũng khác với lớp học truyền thống?
Đúng vậy, nhưng là ở những năm trước. Khi thực hiện mô hình VNEN, chúng tôi đồng thời triển khai đổi mới căn bản cách đánh giá học sinh. Thay vì chỉ đánh giá kết quả học tập thông qua điểm số như trước đây thì ở VNEN việc đánh giá bao gồm kết hợp định lượng (bằng cách cho điểm) và định tính (bằng nhận xét) của giáo viên, phụ huynh, học sinh trong quá trình học.

Cách đánh giá mới giảm được áp lực về điểm số, khuyến khích dạy - học thực chất, được xã hội đồng thuận. Vì thế, từ năm học 2014 - 2015, Bộ GD&ĐT đã áp dụng cách đánh giá mới ở tất cả các trường tiểu học trong cả nước chứ không chỉ thực hiện trong khuôn khổ các trường thực hiện mô hình VNEN. Đây được xem là một bước phát triển mới của giáo dục tiểu học. 

Như Tiền Phong đã có bài phản ánh, nhiều giáo viên tỏ ra lo lắng học sinh không hiểu bài khi thực hiện mô hình VNEN. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Trong lớp, thầy cô hướng dẫn học sinh tự học theo nhóm và tập trung theo dõi các em để kịp thời hỗ trợ khi các em gặp khó khăn. Hình thức tổ chức lớp học cũng thay đổi căn bản. Các em không ngồi hướng mặt đồng loạt lên bục giảng nữa mà ngồi học theo nhóm, có nhóm trưởng luân phiên điều hành.
Lo ngại này là một thực tế, bởi lâu nay giáo viên chúng ta vẫn quen giảng giải, truyền thụ một chiều và học sinh thụ động học theo những gì giáo viên truyền đạt. Bây giờ cách dạy, cách học hoàn toàn khác.
Ban đầu chưa quen thì lo lắng học sinh không hiểu bài, nhưng nếu giáo viên biết cách theo dõi, quan sát, tập cho học sinh cách học mới và đồng hành với các em trong quá trình học tập thì không những tất cả các em đều hiểu bài mà còn học đến đâu chắc đến đấy. Tất nhiên, để thay đổi nhận thức, nhất là từ bỏ thói quen “thuyết giảng” ăn sâu vào giáo viên là không dễ, cần có quá trình. Hiện chúng tôi đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ giáo viên. 

Thành - bại phụ thuộc đội ngũ giáo viên trực tiếp
Bộ GD&ĐT vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về việc triển khai đại trà mô hình VNEN, ít nhất là ở cấp tiểu học. Vì sao vậy, thưa ông?

Giáo dục tiểu học được xác định là bậc học nền tảng của quá trình hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, qua hai năm triển khai mô hình VNEN cho thấy đây là giải pháp giáo dục khả thi, hiệu quả, đáp ứng được nhiều yêu cầu của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Tuy vậy, thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn phải tiếp tục giải quyết. Sự thành bại của mô hình phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ giáo viên trực tiếp.

Ngay một lúc đòi hỏi cả 300.000 giáo viên của 15.000 trường tiểu học chuyển từ cách dạy giảng giải, truyền thụ một chiều sang cách dạy phát huy tính chủ động và năng lực tự học của học trò không phải là điều đơn giản. 

Mặt khác, dù việc thực hiện mô hình VNEN không đòi hỏi gì nhiều về cơ sở vật chất, nhưng điều kiện đảm bảo tối thiểu phải là tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày.

Điều quan trọng nhất là Bộ GD&ĐT cần các địa phương lưu tâm chất lượng, chứ không phải chạy theo số lượng. Vì thế, chủ trương của lãnh đạo Bộ GD&ĐT là điều kiện đến đâu, triển khai đến đó, thận trọng và chắc chắn, tránh tình trạng “làm theo phong trào”.

Năm học này và những năm học tiếp theo các địa phương vẫn sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả mô hình VNEN và mở rộng ở những trường có điều kiện, trên tinh thần tự nguyện.

Doc them:
Triển khai mô hình trường học mới:     Khắc phục “bệnh” nói nhiều của giáo viên
TP - Sau ba năm triển khai thí điểm, nhiều tỉnh/thành đã chủ động nhân rộng mô hình trường học mới - VNEN ở địa phương mình.




Lớp học theo mô hình trường học mới

Đây là một mô hình tổ chức dạy học được đông đảo giáo viên cũng như cán bộ quản lý giáo dục đánh giá cao, tuy nhiên lại kén giáo viên. Để dạy học mô hình VNEN hiệu quả, giáo viên phải khắc phục “bệnh” nói nhiều.
Giáo viên phải đi... dép lê
Cô Lê Thị Thu Hiền là giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Cách đây hai năm, Trường tiểu học thị trấn Đại Từ bắt đầu tham gia thí điểm tổ chức dạy học theo mô hình VNEN, cô Hiền là một trong số không nhiều giáo viên được nhà trường lựa chọn đi tập huấn ở tỉnh. 
Năm học 2012 – 2013, cô trực tiếp dạy học sinh lớp 3, năm sau cô theo các em lên lớp 4 và năm học này, cô tiếp tục cùng các em lên lớp 5. Cô Hiền chia sẻ: “Lớp tập huấn đầu tiên chỉ giúp tôi hình thành bước đầu hình ảnh về một lớp học của mô hình trường học mới. Đại để đó là một môi trường học tập mà học sinh phải tự học, giáo viên thì không đóng vai trò thuyết giảng mà chủ yếu là hướng dẫn - hỗ trợ các em. Còn để thao tác một cách nhuần nhuyễn, thành thục như bây giờ tôi phải trải qua nhiều khóa tập huấn khác cộng với quá trình trải nghiệm thực tế. Hơn nữa, trong suốt quá trình dạy học tôi phải đọc và suy ngẫm nhiều sách vở - tài liệu tập huấn”. 
Theo cô Hiền, để tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới, giáo viên vất vả hơn rất nhiều so với mô hình trường học truyền thống. Điểm nổi bật của mô hình VNEN là đổi mới về cách thức tổ chức lớp học. Trong lớp, các em ngồi học theo nhóm, hướng mặt về nhau để cùng trao đổi và tự học. 
Quản lý lớp học là “hội đồng tự quản học sinh” cùng các “ban” trong lớp, do tập thể lớp bầu ra. Học sinh tự nguyện xung phong và được các bạn tín nhiệm. “Hội đồng tự quản học sinh” là công cụ hữu hiệu, một biện pháp giúp học sinh được phát huy quyền làm chủ quá trình học tập, giáo dục. Học sinh có điều kiện hiểu rõ quyền và trách nhiệm trong môi trường giáo dục, được rèn các kĩ năng lãnh đạo, kĩ năng tham gia, hợp tác trong các hoạt động.

“Dù chỉ đứng ở vị trí người hướng dẫn, nhưng không vì thế mà vai trò của giáo viên trở nên mờ nhạt. Cô giáo phải làm sao để bao quát được hoạt động của tất cả các nhóm (với lớp học truyền thống thì việc này dễ dàng hơn do tất cả học sinh đều phải hướng lên bảng), phải di chuyển liên tục và hợp lý từ nhóm này sang nhóm khác để cho việc hoạt động nhóm của các em là thực chất chứ không mang tính hình thức. Thời gian đầu, thậm chí chúng tôi còn không dám mang giày mà phải đi dép lê để đỡ đau chân”, cô Hiền kể.
Chữa “bệnh” nói nhiều
Học sinh không hiểu bài là nỗi ám ảnh trong hầu hết mỗi giáo viên tham gia thí điểm mô hình VNEN, khi mà mô hình này đòi hỏi giáo viên phải... nói ít, giảng ít, mà chỉ tập trung quan sát, hướng dẫn học trò tự học. 
Cô Nguyễn Thị Thanh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân An, huyện Yên Dũng, Bắc Giang cho biết: “Theo mô hình tổ chức lớp học truyền thống, với mỗi bài học giáo viên đặt vấn đề cần giải quyết, sau đó để học sinh khai thác những nội dung cần tìm hiểu trong vấn đề đó, cuối cùng giáo viên chốt lại những gì cần ghi nhớ. 

Nhưng khi dạy theo VNENthì giáo viên chỉ là người hướng dẫn để các em tự trải nghiệm, làm việc cá nhân, chia sẻ trong cặp đôi, thảo luận trong nhóm để tự làm việc với nhau, tự chiếm lĩnh kiến thức, rút ra bài học. Ban đầu triển khai, giáo viên nào cũng chỉ lo học sinh của mình không hiểu bài, nên dạy được vài bài lại quay về giảng giải theo cách cũ; thậm chí có giáo viên buổi sáng dạy theo VNEN, buổi chiều dạy theo truyền thống”.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Huệ, Trường Tiểu học Hùng Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, để chữa “bệnh” nói nhiều, giáo viên không còn cách nào khác là phải được thực hành mô hình VNEN. 
“Tôi cũng như hầu hết các thầy cô khác, cứ lo học sinh không hiểu bài nên phải nói, nói thật nhiều! Nhưng qua thực tế ba năm làm VNEN, tôi rút ra được bài học quý giá: cứ để cho học sinh trải nghiệm, cứ để các em tự đúc kết, thì kiến thức thu được mới thực sự là của các em. Chỉ khi nào các em gặp khó khăn, tỏ ra không hiểu thì mới cần sự hỗ trợ, can thiệp của giáo viên. Quan trọng là giáo viên phải tìm ra cách gợi mở, giúp các em hình thành được kiến thức mới”, cô giáo Huệ nói.
“Ban đầu nhiều cô giáo cứ thắc mắc, dạy thế thì học sinh làm sao hiểu được! Nhưng giờ thì các cô tự tin lắm rồi, vì so với học sinh của lớp truyền thống, học sinh VNEN rất chủ động, mạnh dạn, năng nổ, diễn đạt rất mạch lạc. Những em giỏi là giỏi thật sự, nhờ năng lực tự học của chính mình chứ không phải do được nhồi nhét”. 


Cô giáo Lê Thị Thu Hiền, Trường Tiểu học thị trấn Đại Từ, huyện Đại Từ, 
tỉnh Thái Nguyên
Ngày 26/02/2015
Lê Quý Hiên
PV báo Tiền Phong

Doc them 2
Dạy học theo mô hình trường học mới VNEN
Trường tiểu học Tân Thông, huyện Củ Chi, (TP Hồ Chí Minh) là trường đầu tiên của thành phố Hồ Chí Minh thực hiện dạy theo mô hình trường học mới (VNEN).
Trong chuyến tham quan và thực hiện chuyên đề tại trường, thầy Nguyễn Tuấn Lê, hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đây là mô hình trường học dạy theo phương pháp mới, dạy học lấy học sinh làm trung tâm, thầy hướng dẫn - trò chủ động. Năm học 2013-2014 là năm học thứ hai nhà trường thực hiện mô hình này (2, 3 và 4).


Học sinh lớp 3.2 trường TH Tân Thông trong giờ học

Sau hơn một năm học thực hiện giảng dạy, nhà trường đánh giá lúc ban đầu nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, điều quan trọng nhất là phụ huynh còn có suy nghĩ còn hoài nghi, bỡ ngỡ, lo lắng, tâm lý hoang mang; thậm chí nhiều người tỏ ra “dị ứng”, “ nhạy cảm” với cái mới,nhất là khi phụ huynh thấy có sự thay đổi nội dung chương trình sách giáo khoa. Nhiều người lo ngại con em mìnhlại được đem ra áp dụng thí điểm…Để phụ huynh an tâm cùng hợp tác giảng dạy, giáo dục với nhà trường dạy theo hướng đổi mới này, ngay hội nghị cha mẹ đầu năm học nhà trường giải thích thật cặn kẻ cho phụ huynh thật hiểu, thật thông suốt. Thầy cô giải thích rõ về chương trình học tập của học sinh: giáo viên giảng dạy luôn đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng của Bộ Giáo dục -Đào tạo ban hànhchung cho toàn ngành theo quyết định 16/2006/QĐBGDĐT, vẫn dựa vào sách giáo khoa,chỉ khác là nội dung bài học trong sách giáo khoa được sắp xếp cho phù hợp với hình thức tổ chức hoạt động của lớp, giáo viên chú ý coi trọng dạy theo hướng phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo, cho học sinh.


Học sinh lớp 4.6 trường TH Tân Thông làm việc chung cả lớp

Sau hai, ba tuần được giáo viên tổ chức học tập theo VNEN, học sinh dần dần thích hợp và quen,từ đó tỏ ra thích thú. Các em học tập một cách hăng say, điều đặc biệt các em luôn có thái độ học tập một cách tích cực, siêng phát biểu đóng góp xây dựng bài bởi vì khi tiến hành bài dạy học sinh trong lớp được giáo viên tổ chức chia thành nhiều nhóm nhỏ (5 đến 8/ em nhóm), nội dung làm việc của từng nhóm đôi lúc không giống nhau, trong quá trìnhlên lớp giáo viên hạn chế làm việc chung với cả lớp mà giáo viên đi đến từng nhóm để lắng nghe học sinh bàn bạc, trao đổi và giúp đỡ học sinh khi các em gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu bài.

Học nhóm nên bàn ghế cũng được bố trí theo nhiều nhóm, bên cạnh đó lớp học còn được bố trí có 4 góc bộ môn như: góc Thư viện, Toán, Tiếng Việt, Tự nhiên - Xã hội... Học sinh có thể chủ động tìm tư liệu, tự tay làm ra sản phẩm để phục vụ việc học tập, ngoài ra để tạo cho các em có sự quan tâm đến bạn bè, giúp đỡ nhau, chia sẻ niềm vui nỗi buồn. Các lớp còn bố trí thêm một số công cụ: Bản đồ công cộng, Ngày em đến lớp, Hộp thư cam kết, Điều em muốn nói…

Đặc biệt, hôm CBQL và giáo viên dạy lớp 2, 4 trong huyện Củ Chi đến trường dự chuyên đề “Tổ chức giảng dạy theo mô hình trường học mới Việt Nam-VNEN”, chúng tôi được trực tiếp dự giờ môn Tiếng Việt lớp 2, môn Toán lớp 4 và nhận thấytiết học diễn ra hết sức nhẹ nhàng, học sinh tích cực chủ động trong học tập, phát huy tốt hoạt động của nhóm và cá nhân, học sinh biết tự nêu ra mục tiêu bài học và thực hiện đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên vì học sinh làm việc theo nhóm và cá nhân nên có thể các em còn chưa quen, không khí lớp học chưa vui tươi, sinh động.

Trao đổi với chúng tôiphụ huynh học sinh em Huỳnh Thảo Nghiđang học  lớp 2/5 cho biết: “Con tôi mới học chưa được hai tháng, được nhà trường áp dụng theo cách dạy mới này thấy con có sự tự tin hẳn, con ham thích đi học lắm. Trước khi học bài mới các con còn được cô giáo hướng dẫn dặn dò trên phiếu học tập nên ở nhà chúng tôi cũng thuận tiện biết mà giúp con chuẩn bị bài học trước”. EmHuỳnh Ngọc Yến Nhi, hiện đang học lớp  3/6 thì nói: “Con rất thích tất cả các môn học nhưng thích nhất là môn Toán. Con mạnh dạn hỏi thầy cô, bạn bè những gì chưa biết chưa rõ, được cô giáo tạo điều kiện cho em tìm hiểu và phát biểu đóng góp xây dựng bài cho nên con nhớ rất lâu bài học,  và cô giáo dạy em rất hay bạn nào cũng mau hiểu bài, năm học rồi con đạt học sinh giỏi”.


Lớp học 3.4 trường TH Tân Thông

Thầy Lê Văn Hoàng, phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Dạy theo mô hình này lý tưởng nhất là sĩ số trong lớp chừng 25 em, giáo viên dạy tương đối ‘khỏe’ vì không phải soạn giáo án, trong sách có sẵn lệnh giáo viên dựa vào đó tiến hành bài dạy, nhưng có điều giáo viên phải chuẩn bị thật kỷ phiếu giao việc và phiếu tự đánh giá cho các em. Nói gì đi nữa, nếu học sinh nhút nhát, ngại phát biểu trước tập thể, không chịu hợp tác với nhóm sẽ học không kịp bạn bè bởi vì kiểu học này buộc các em tự hoạt động là chính”.

Chỉ đạo tại ngày dự chuyên đề ngày 27/9/2013 tại trường tiểu học Tân Thông, ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh nói: “Tại thành phố Hồ Chí Minh dạy theo mô hình VNEN chỉ mới áp dụng thí điểm ở Trường TH Tân Thông, Củ Chi, (TPHCM) ban đầu đã gặt hái một số thành công nhất định, bắt đầu từ năm học 2014-2015 mô hình này được sở GD-ĐT thành phố Hồ Chí Minh nhân rộng ra cho cả thành phố, mỗi quận/ huyện sẽ có ít nhất một trường tiểu học thực hiện, nhưng trong quá trình dạy theo mô hình này chúng ta phải biết vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt không rập khuôn”.

Ngày 25/03/2015
TRẦN VĂN TÁM 
Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TPHCM

VNEN tác động mạnh đến GD tiểu học và GD phổ thông
GD&TĐ - Sáng 14/3, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự và phát biểu tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện thí điểm mô hình trường học mới (VNEN). Làm thay đổi căn bản nhà trường tiểu học

 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị

Dự án mô hình trường học mới chính thức có hiệu lực từ 1/2013. Đến nay, mô hình đã khẳng định được tính khả thi, tiên tiến với xã hội. Các chuyên gia, các nhà khoa học, giáo viên và cha mẹ học sinh đã có niềm tin về mô hình nhà trường, về hướng đi cũng như cách làm của VNEN cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Mô hình VNEN tập trung vào các nội dung cơ bản như: Đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới đánh giá học sinh, đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, đổi mới tổ chức, quản lý lớp học và sự tham gia của cộng đồng vào giáo dục.
Dự án đã tạo ra sự thay đổi căn bản nhà trường tiểu học, không khí học tập nhà trường dân chủ, hợp tác, học sinh chủ động tích cực với các hoạt động ở lớp, ở gia đình, cộng đồng.
Các em đã biết cách tự học dưới sự hướng dẫn hỗ trợ của giáo viên. Học sinh học theo VNEN đảm bảo chuẩn kiến thức và kỹ năng; đồng thời mạnh dạn tự tin linh hoạt trong giao tiếp, hợp tác với bạn bè, thích đến trường và ham mê hứng thú học tập. Đặc biệt sự hợp tác giữa nhà trường với cộng đồng có bước phát triển mới.
Còn theo ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), mô hình VNEN đã dần đi vào chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục và được tất cả các địa phương đánh giá là mô hình nhà trường phù hợp hiện nay của giáo dục.
Đặc biệt mô hình VNEN đã có sức hấp dẫn và khả thi, được nhiều trường chấp nhận và tự nguyện áp dụng. Qua thực tế triển khai, các Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định giá trị bền vững của Mô hình trường học mới trong giáo dục tiểu học.
Với việc triển khai các thành phần của Dự án, Ban quản lí dự án đã hướng dẫn các địa phương nhân rộng mô hình trường học mới trên tinh thần tự nguyện, theo hai phương thức: Nhân rộng toàn phần mô hình trường học mới ở những trường có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất và nhân rộng từng phần về tổ chức, quản lí và trang trí lớp học ở những trường chưa đủ điều kiện.

Vẫn còn những khó khăn 
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế ở các trường, các địa phương trong quá trình thực hiện mô hình. 
Đơn cử như: Một số Sở GĐ&ĐT (chủ yếu ở một số tỉnh thuộc nhóm ưu tiên 3, và nhóm ưu tiên 2) chưa nhận thức rõ mục đích của Dự án trên địa bàn, chưa thấy được ý nghĩa của mô hình VNEN trong đổi mới giáo dục, chưa quan tâm chỉ đạo trường “hạt giống” thực hiện chức năng thử nghiệm để nhân rộng mô hình ra các trường khác của tỉnh.
Mặt khác, thời gian triển khai Dự án chưa dài nên một số cán bộ, giáo viên chưa thật sự hiểu bản chất và ý nghĩa của mô hình. Vì vậy việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa linh hoạt.
Bên cạnh đó, ở nhiều trường việc huy động nguồn lực từ ngân sách địa phương và từ cộng đồng còn hạn chế, vẫn còn tâm lý chờ đợi sự hỗ trợ của Dự án, tạo ra sự trở ngại cho việc áp dụng và nhân rộng mô hình.
Trong thời gian tới, Dự án Mô hình VNEN tiếp tục triển khai một số hoạt động chủ yếu như: Chỉnh sửa tài liệu HDH lớp 2,3,4,5; Hoàn thành 5 sổ tay (Sổ tay Phương pháp dạy học, Sổ tay đánh giá học sinh, Sổ tay sinh hoạt chuyên môn, Sổ tay quản lý nhà trường và Sổ tay tổ chức quản lý lớp học) dùng làm tài liệu hướng dẫn thực hiện mô hình VNEN cho giáo viên và CBQL giáo dục tiểu học;
Tổ chức hiệu quả tập huấn hè 2015 về nâng cao năng lực cho cán bộ và giáo viên theo nội dung 5 sổ tay của Dự án; Hoàn thiện tài liệu cho các trường Sư phạm, in và tổ chức tập huấn cho các trường Đại học và Cao đẳng sư phạm tham gia dạy thí điểm tài liệu Sư phạm;
Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương. Nâng cao hơn nữa chất lượng tập huấn theo hướng tập trung vào tổ chức học tập cho học sinh và đánh giá học sinh; Chỉ đạo phát triển hệ thống các trường điểm VNEN, đủ khả năng trở thành trung tâm bồi dưỡng của các địa phương;

Từ việc thực hiện có hiệu quả mô hình và nhận thấy tính ưu việt của mô hình VNEN, năm học 2014 -2015 đã có 1.039 trường trên cả nước nằm ngoài dự án tự nguyện áp dụng mô hình VNEN, nâng tổng số trường tham gia mô hình là 2.508 trường. Hiện nay, Dự án cũng đã hỗ trợ bước đầu cho việc triển khai ở lớp 6 cấp THCS. Trong quá trình thực hiện dự án đã xuất hiện nhiều trường tiểu học trở thành điển hình tốt về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Ngày 16/03/2015
Minh Phong
Nguồn giaoducthoidai.vn
Gửi ý kiến 

Doc them4
Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét: Nhiều tác động tích cực tới thầy trò
Trao đổi với báo chí ngày 10-12 tại Hội thảo công tác tuyên truyền về Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định:“Qua thực tế triển khai thực hiện đánh giá bằng nhận xét, không cho điểm trong đánh giá thường xuyên tại các trường tiểu học đã có những tác động tích cực”
Tại hội thảo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT thẳng thắn đưa ra hàng loạt hạn chế của quy định trước đây về đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Bộ GD-ĐT cho rằng, việc ban hành Thông tư 30 xuất phát từ những tác động tích cực khi triển khai thực hiện đánh giá bằng nhận xét, không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên ở tất cả các môn học trong các trường tiểu học tham gia mô hình trường học mới (VNEN) từ năm học 2012-2013 và đối với HS lớp 1 trên cả nước từ năm học 2013-2014.
Cho điểm số, học sinh dễ mặc cảm, tự ti
Bộ GD-ĐT cho biết, mặc dù Thông tư hướng dẫn đánh giá HS tiểu học trước đây (Thông tư 32) có những mặt tích cực nhưng hiện cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Cụ thể, đánh giá thường xuyên và định kỳ HS tiểu học còn nặng nề, thông qua việc dùng điểm số đã gây áp lực cho HS, phụ huynh HS và giáo viên (GV). Việc đánh giá này cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học trước chương trình, dạy thêm học thêm tràn lan, tạo ra những bức xúc cho phụ huynh HS và xã hội.

Cho điểm số, học sinh dễ mặc cảm, tự ti.
Việc đánh giá học sinh chưa theo kịp xu hướng chung của thế giới. Ở các nước tiên tiến, việc đánh giá HS được thực hiện ngay trong quá trình học để giúp HS rèn luyện và từng bước có được kết quả học tập tốt hơn đối với từng HS trên cơ sở đặc điểm riêng của từng em, để em nào cũng cố gắng và tiến bộ so với chính mình, Trong khi đó, ở Thông tư 32, ngoài những môn đánh giá bằng nhận xét, các môn Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tiếng dân tộc, Tin học được đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét. Tuy nhiên, trong quá trình chấm điểm, GV chủ yếu dùng điểm số, ít nhận xét nên chưa giúp HS biết mình cần phát huy những ưu điểm nào hoặc cần khắc phúc những hạn chế nào để tiếp tục vươn lên; chưa giúp phụ huynh HS trong việc hỗ trợ, giúp đỡ con em mình học tập và rèn luyện.
Bên cạnh đó, các quy định về cách đánh giá chưa thật phù hợp với tâm sinh lý HS tiểu học. Các em HS tiểu học vốn rất hồn nhiên, vô tư và luôn mong nhận được những lời động viên, khen ngợi, hướng dẫn, chỉ bảo ân cần của thầy, cô giáo để các em vui, thích học và học được hơn là điểm số, nhất là đối với những em có kết quả học tập chưa tốt sẽ dễ mặc cảm, tự ti.
“Việc chỉ căn cứ vào điểm số của bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I và cuối năm học để xếp loại HS, không coi trọng đánh giá quá trình học của HS cũng tạo áp lực cho các em và nảy sinh bệnh thành tích” - Bộ GD-ĐT khẳng định.
Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét: Học sinh hứng thú
Cũng theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, từ thực tế khi triển khai đổi mới đánh giá HS tiểu học tại 1.447 trường tiểu học của 63 tỉnh, thành phố tham gia VNEN với 212.754 HS (106.773 HS lớp 2 và 105.981 HS lớp 3) ở năm học 2012-2013 và tiếp tục thực hiện ở năm học 2013-2014 đối với 1.704 trường tiểu học gồm các trường VNEN và những trường tự nguyện đăng ký mở rộng theo mô hình VNEN với 325.068 HS (106.773 HS lớp 2; 108.486 HS lớp 3 và 106.111 HS lớp 4); 100% HS lớp 1 trên cả nước tại 15.846 trường tiểu học và trường phổ thông có lớp tiểu học với 1,6 triệu HS cho thấy có những tác động tích cực.
Cụ thể, trong quá trình thực hiện, GV không còn thấy khó khăn khi đánh giá HS bằng nhận xét; quan điểm đánh giá HS của GV đã thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng nề kiến thức sang đánh giá toàn diện HS về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của HS, nhằm giúp HS học ngày càng tiến bộ và học tốt hơn… Cách đánh giá mới đã góp phần thay đổi căn bản dạy và học trong trường tiểu học, góp phần tích cực giúp GV đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học.

Những tác động tích cực từ việc đánh giá thường xuyên bằng nhận xét ở mô hình VNEN là tiền đề để Bộ GD-ĐT quyết định ban hành Thông tư 30.

Đối với HS thì do được GV quan tâm, nhận xét, động viên, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời, các em đã biết cách học, học được và có hứng thú học tập hơn. Đặc biệt, do không bị áp lực về điểm số và thây cô không còn so sánh giữa HS này với HS khác, các em đã có tâm lý thoải mái, tự tin trong học tập, rèn luyện, có cơ hội phát huy cao nhất năng lực của mình. Bên cạnh đó, HS đã bước đầu biết cách tự đánh giá và biết nhận xét, góp ý cho bạn. Các em được thầy cô quan tâm, hướng dẫn cụ thể hơn nên bước đầu đã hình thành được một số năng lực, phẩm chất như: Tự giác, tự phục vụ, tự quản, tự tin, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và có phương pháp tự học. Trong đổi mới đánh giá HS có việc khuyến khích phụ huynh HS tham gia quá trình học tập của con em mình, được vào lớp học để hỗ trợ các em và cùng thầy cô, nhà trường đánh giá HS đã giúp phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến việc học của các em và đồng tình với các đánh giá mới. Từ đó, phụ huynh đã tích cực phối hợp với nhà trường trong các hoạt động giáo dục HS.
“Một trong những tín hiệu đáng mừng đó là cách đánh giá mới đã tác động tích cực tới đội ngũ cán bộ quản lý, bước đầu đã làm thay đổi tư duy và cách thức quản lý chỉ đạo công tác dạy học, quan tâm và tạo điều kiện cho GV giúp đỡ, hỗ trợ HS phát huy tính tích cực, chủ động tìm tòi, khám phá, lĩnh hội kiến thức, từng bước hình thành năng lực và phẩm chất cần thiết theo mục tiêu giáo dục tiểu học” - lãnh đạo Bộ GD-ĐT chia sẻ.
Trước câu hỏi: Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ càng nhưng lý do tại sao khi Thông tư 30 ra đời lại có nhiều ý kiến phản hồi về việc tạo áp lực, thêm nhiều sổ sách cho GV…? “Khi ban hành thông tư 30, Bộ GD-ĐT đã tổ chức tập huấn về đánh giá HS tiểu học ở cấp Trung ương cho hơn 1.600 cán bộ quản lý và GV cốt cán cấp tỉnh, thành phố. Đội ngũ cán bộ và GV cốt cán có trách nhiệm triển khai tập huấn trực tiếp cho các GV đứng lớp tại địa phương. Sở dĩ có tình trạng trên là do một số đơn vị tập huấn chưa kỹ, GV chưa hiểu đúng tinh thần nên vận dụng quá máy móc, chưa truyền đật đầy đủ nội dung quy định đánh giá mới tới phụ huynh HS” - Bộ GD-ĐT khẳng định.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết thêm, hiện tại Bộ đang tiếp tục hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật để GV hiểu đúng và thực hiện tốt việc đánh giá HS theo quy định mới.
Ngày 11/12/2014
Nguyễn Hùng 
Nguồn dantri.com.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates