SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

‘Gặp Nhau,’ đêm nhạc kết hợp giữa hai nền âm nhạc Đông-Tây



Văn Lan/Người Việt

July 15, 2019


WESTMINSTER, California (NV) – “Đêm nhạc ‘Gặp Nhau’ mùa thứ 5, đầy ắp tình người, giao hòa trong hai nền văn hóa Đông-Tây, trong dòng nhạc Tây phương và Việt Nam, gặp nhau giữa các thế hệ, giữa những nỗi niềm trăn trở, suy tư thao thức trong tình người và cuộc đời. Chính những sự gặp nhau này là những cơ duyên thăng hoa, lưu lại dấu ấn sâu đậm, để từ đó mỗi người có một điểm đến, gặp nhau ở phương trời âm nhạc.”

Đó là lời cô Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, trong buổi khai mạc đêm nhạc này vào tối Thứ Bảy, 13 Tháng Bảy, tại hội trường viện ở thành phố Westminster.

Với sự kết hợp giữa Câu Lạc Bộ Âm Nhạc Viện Việt Học và Little Saigon Music Center, sự hòa hợp tuyệt vời giữa các thế hệ xưa và lớp trẻ nay, sự hòa điệu âm thanh giữa nhạc cụ Tây phương và nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, qua 22 tiết mục, đã cống hiến một đêm nhạc mùa Hè đầy cảm hứng.


Một đêm nhạc tổng hòa giữa hai nền văn hóa, mà đại diện là những nhạc cụ gồm piano, violin, kèn trumpet, và đàn Harp là loại nhạc cụ cổ nhất trong âm nhạc Tây phương. Đại diện cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam là đàn tranh, đàn bầu, đàn cò, đàn kìm, trống, bộ gõ, và ca cổ.

Các sinh viên thuộc UC Riverside do Giáo Sư Phạm Kim Dung phụ trách, cũng là giảng viên bộ môn Việt Ngữ tại Viện Việt Học, hiện diện thật đông để nghe, thực tập tiếng Việt và viết bài tường thuật cảm nhận của mình trong đêm nhạc. Theo bà, đây là sự gặp nhau giữa các thế hệ, tuổi trẻ và tiếng Việt!




Em Catherine Nguyễn trình bày đàn Harp trong tác phẩm “Gigue,” một nhạc cụ cổ và khó nhất trong nền âm nhạc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông bà Doug Hagev, cư dân Yorba Linda, đến rất sớm và say mê theo dõi đến cuối chương trình. Ông Doug cho biết: “Đêm nhạc quá xuất sắc, những trẻ em trong đêm nay làm tôi nhớ đến những hướng đạo sinh tôi đã hướng dẫn năm xưa. Các bạn có một nền văn hóa âm nhạc tuyệt vời lắm, thật đáng biểu dương. Tôi thường tham dự những sinh hoạt này, mà nét đặc trưng Việt Nam nhất là qua các nhạc cụ cổ truyền.”

Mở màn chương trình với nhạc phẩm “Giọt Mưa Trên Lá” sáng tác Phạm Duy, là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Mitch Miller soạn lời Anh với tựa đề “The Rain of the Leaves,” do hai thế hệ gia đình, gồm cha, mẹ và con, Phạm Đình Ngà, Thiên Hương và em Mê Linh trình diễn.

Bài này cũng chính là sắc thái đặc biệt qua hai nền văn hóa Việt và Mỹ, trong cùng tâm trạng thao thức xã hội, chiến tranh. Không chỉ là kỹ thuật, ngôn ngữ, mà còn gặp nhau trong tình yêu quê hương, gia đình, trong nỗi trăn trở thao thức tình người, mơ ngày thanh bình, trong sự tận cùng của nỗi thống khổ của đất nước Việt Nam thời loạn ly, giọt mưa chính là nỗi buồn nhưng cũng là niềm vui của sự sống vươn lên.

Chương trình tiếp nối qua tiếng dương cầm của Tiffany Lý trong hai nhạc phẩm “Waltz in A Flat Major” sáng tác Frédéric Chopin, một chuyện tình buồn tan vỡ trong chính cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa Ba Lan này, và “Humoresque No. 7” sáng tác Antonín Dvořák, mà trước 1975, trong chương trình “Trước Đèn Đọc Sách” trên đài radio Sài Gòn, bao giờ cũng dạo bài này trước khi vào chương trình.




Nữ sĩ Kiều Loan diễn ngâm “Đôi Mắt Người Sơn Tây” với Phương Nghi phụ họa đàn tranh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếng guitar trầm buồn của Natalie Lê Minh trong nhạc phẩm “Leyenda” sáng tác Isaac Albéniz, dựa trên âm hưởng Flamenco, hồi tưởng về một nền văn minh huy hoàng trong quá khứ khi Tây Ban Nha còn bị sắc tộc Hồi thời Trung Cổ chiếm đóng. Tiếp theo là bài “Tango en Skai” sáng tác của Roland Dyens.

Nhóm đàn dây của Trường Little Saigon Music Center trình diễn bài “French Folk Songs” để kỷ niệm ngày Quốc Khánh Pháp, 14 Tháng Bảy, và “Bài Ca Nhi Đồng.”


Nguyễn Thái Minh trong nhạc phẩm “Variations on a Theme by Sor” sáng tác Miguel Llobet, với những kỹ thuật guitar tạo tiếng chuông vang độc đáo trên từng nốt rời và kỹ thuật chạy ngón, cũng chỉ bằng một bàn tay trái, điêu luyện với từng ngón trên những nốt nhạc thật vững chắc.

Nếu trường Little Saigon Music Center “ra quân” với lực lượng hùng hậu, qua các tiết mục trình diễn, nhận được những tràng pháo tay không dứt, thì phần hai của chương trình cũng sôi nổi không kém, đôi khi cũng mềm mại, qua tổng lực trình diễn của tất cả các nhạc cụ truyền thống Việt Nam.

Giáo Sư Nguyễn Châu biên soạn hai hợp tấu cho dàn nhạc gồm “Dân Ca Bắc Phần, Dân Ca Trung Phần” và “Khúc Hát Ân Tình,” do Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trình diễn, xuất sắc với các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam gồm đàn tranh, đàn nguyệt, đàn kìm, đàn nhị, đàn bầu, trong không khí nhã nhạc cung đình các triều đại xưa.



Tiết mục “Khúc Hát Ân Tình” của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ca sĩ Chế Tùng nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt khi hát “Tôi Muốn,” một trong những bài thuộc dòng nhạc Phượng Hoàng gây sôi nổi giới nhạc trẻ Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước cho đến tận hôm nay, với những ca khúc pop rock để đời, hát về tình yêu đôi lứa, suy tư về phận người.

Đặc biệt trong đêm nhạc, em Mê Linh xuất hiện trong các ca khúc “Bonjour Vietnam” sáng tác Marc Lavoine, và “Vừa Chớm Nụ Hồng” sáng tác Phan Ni Tấn, bằng giọng ca cao vút mượt mà truyền cảm đã chiếm trọn cảm tình người nghe qua những tràng pháo tay nồng nhiệt.


Nếu Chế Tùng kể về giấc mơ hòa bình của John Lennon qua bài hát bất hủ “Imagine,” kêu gọi con người bỏ đi định kiến về dân tộc, tôn giáo, giai cấp, để thế giới trở nên hòa bình hơn, thì bài “Đôi Mắt Người Sơn Tây,” thơ Quang Dũng, kể về một chuyện tình buồn thời kháng Pháp, khi người kỹ nữ trong mộng đã rời thành, vào vùng kháng chiến, và chàng trai vệ quốc còn chiến đấu nơi chiến trường. Bài thơ đi vào huyền thoại thi ca, được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc, nữ sĩ Kiều Loan diễn ngâm cùng với tiếng đệm đàn tranh của Phương Nghi.

Cùng một âm điệu bolero, âm nhạc Việt Nam và thế giới có một điểm hấp dẫn chung, qua giọng ca điêu luyện của ca sĩ Ngọc Hà bằng tiếng Tây Ban Nha trình bày nhạc phẩm “Bésame Mucho,” sáng tác Consuelo Velázquez, với sự luyến láy và nhấn nhá tuyệt vời tròn trịa của âm hưởng Tây Ban Nha.




Quang cảnh đêm nhạc “Gặp Nhau 2019” tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nói với phóng viên nhật báo Người Việt, nữ sĩ Kiều Loan kể: “Có lẽ di truyền máu thi ca của bố tôi, thi sĩ Hoàng Cầm, và mẹ tôi, bà Tuyết Khanh đã đóng vở kịch thơ ‘Kiều Loan,’ nên tôi được đặt tên theo vở kịch. Bố tôi vì trễ chuyến tàu vào Nam nên bị kẹt lại miền Bắc.”

“Được mẹ dạy ngâm thơ từ bé và sau 1975, lại thừa hưởng thêm từ bố những tâm tư, lòng hướng về những gì cổ truyền của dân tộc, nên rất yêu văn thơ. Đêm nay, rất quý và kính trọng người thi sĩ tài ba, chiến sĩ Quang Dũng, trong khói lửa chiến chinh mà vẫn có những vần thơ lãng mạn, tình tứ, trong hoài bão mơ về ngày thanh bình trên đất nước, và những tâm hồn thính giả ngồi yên lặng thưởng thức, thật đáng trân trọng,” bà Kiều Loan nói.

Cô Nguyễn Linh Chi, từ Pháp qua dự buổi trình diễn, cho biết: “Là nhạc sinh violin của Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn ngày xưa, khi nghe lại những bài nhạc được trình bày, thấy nhớ lắm con đường Nguyễn Du, tình cảm với trường không bao giờ quên, đặc biệt là các thầy hầu hết đã qua đời!”

“Vào trường năm 1966, lúc khoảng 6 tuổi, tôi hấp thụ nền âm nhạc từ các thầy xuất thân từ trường nhạc Paris. Lúc học ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, có vài bài tôi được đàn chung với các Giáo Sư Lê Văn Khoa, Nguyễn Phụng, và Nghiêm Phú Phi. Lúc 12 tuổi, lần đầu tiên tôi được ngồi trong dàn nhạc chơi bài ‘Apollo số 14,’” cô Chi hào hứng kể.

Các nhạc phẩm “Liên Khúc Du Ca,” “Dân Ca Ba Miền,” “Hoa Rụng Ven Sông,” với những giai điệu tình tứ lãng mạn, nhưng không kém phần hùng tráng, cùng các MC dẫn dắt chương trình Đặng Kính, Lâm Dung, Minh Phượng, Nguyễn Đồng, đã khép lại chương trình. (Văn Lan)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates