SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

Chân dung văn nghệ sĩ Việt qua họa sỹ trẻ Trần Thế Vĩnh

September 11, 2022


Là một họa sĩ hãy còn trẻ tuổi đời nhưng rất vững tay cầm cọ, Trần Thế Vĩnh đang chuẩn bị ra mắt những người yêu nghệ thuật một tuyển tập gồm 51 chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam thành danh từ trước năm 1975.

Chân dung gồm những người đã mất nhưng cũng có những người vẫn còn tiếp tục sự nghiệp văn chương – văn nghệ cho đến ngày hôm nay. Họ đến từ khắp các miền đất nước, lại còn có những người đang sinh sống tại hải ngoại.

Tất cả sẽ góp mặt trong bộ chân dung được phác họa bởi một họa sĩ “tuổi trẻ – tài cao”, tràn đầy nhựa sống. Họa sĩ sáng tác 51 chân dung trong 2 năm 2018-2019 và đến năm nay đã có giấy phép xuất bản. Hy vọng một ngày rất gần chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những khuôn mặt văn nghệ sĩ quen thuộc.

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh sinh ra tại Quảng Trị, học vẽ tại Huế và hiện ở Sài Gòn. Ngoài tài vẽ chân dung, anh còn có những tác phẩm về phong cảnh, tĩnh vật và một chút hội họa trừu tượng.

Bộ sưu tập 51 chân dung văn nghệ sĩ là một con số không nhiều nhưng cũng không ít. Phải nói đây là bộ sưu tập vừa phong phú lại vừa quý hiếm đối với những người quan tâm đến nghệ thuật và cả những người làm nghệ thuật.

Người xem tranh có thể cảm nhận cái thần thái “nửa điên nửa tỉnh” của Bùi Giáng; vẻ “tiên phong đạo cốt” của Văn Cao, Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần; nét đạo mạo của Phạm Công Thiện, Nguyễn Hiến Lê, Cung Trầm Tưởng; vẻ khắc khổ của Phan Khôi, Phạm Đình Chương, Nguyễn Bắc Sơn hay chân quê của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử…


Chúng tôi xếp 51 chân dung văn nghệ sĩ theo danh sách từng nhóm theo mẫu tự để các bạn tiện theo dõi.



Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993), cùng với Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn tạo thành “bộ tứ họa sĩ nổi tiếng thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam”.


 


Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984), ông còn là một dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế…




Nhà phê bình văn học Đỗ Long Vân (1934‒1997), có lẽ là tác giả tài năng nhưng lặng lẽ bậc nhất của Sài Gòn, và cả Việt Nam trong thế kỷ 20. Ngoài gia đình, ông còn vài ba người bạn khác là Nguyên Sa, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Anh Tuấn, Khánh Ly.




Nhà thơ, nhà báo Phan Khôi (1887-1959), thành viên nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm, cháu ngoại của Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi nhưng lại mở đầu và cổ vũ cho phong trào Thơ mới.


 


Nhà thơ Bùi Giáng (1926-1998), ông còn là dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng… Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ “Mưa nguồn”.




Nhà thơ Cung Trầm Tưởng (1932) , năm 15 tuổi (1947), ông bắt đầu làm thơ, và có tập thơ đầu tay tên là “Sóng đầu dòng”. Năm 1952, sau một năm học đại học, ông sang Pháp du học tại Trường Kỹ sư không quân ở Salon-de-Provence. Năm 1957, ông tốt nghiệp trở về nước làm trong ngành không quân của Việt Nam Cộng hòa. Trong năm này, hai bài thơ của ông là “Mùa thu Paris” và “Vô đề” (thơ trường thiên) xuất hiện trong tuyển tập “Đất đứng” của nhóm Quan Điểm (gồm Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Nghiêm Xuân Hồng), và đã làm người đọc chú ý.




Nhà thơ Đinh Hùng (1920-1967) ông còn dùng bút hiệu Thần Đăng khi làm thơ châm biếm và Hoài Điệp Thứ Lang khi viết tiểu thuyết.





Nhà thơ Du Tử Lê (1942-2019) làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài “Bến tâm hồn”, đăng trên tạp chí Mai.





Nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940), ông khởi đầu cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam, là người khởi xướng ra Trường thơ Loạn. Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên được người đương thời ở Bình Định gọi là “Bàn thành tứ hữu”, nghĩa là bốn người bạn ở thành Đồ Bàn.





Nhà thơ Hoàng Cầm (1922-2010) nổi tiếng với vở kịch thơ “Hận Nam Quan”, “Kiều Loan” và các bài thơ “Lá diêu bông”, “Bên kia sông Đuống”. Bài thơ “Bên kia sông Đuống” được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Ngoài bút danh Hoàng Cầm, ông còn có các bút danh: Bằng Việt, Lê Thái, Lê Kỳ Anh, Bằng Phi.






Nhà thơ Hữu Loan (1916-2010) sau khi phong trào Nhân văn – Giai phẩm bị dập tắt vào năm 1958, nhà thơ Hữu Loan phải đi học tập chính trị, tiếp đó bị quản thúc tại địa phương. Cuối đời ông về sống tại quê nhà ở tỉnh Thanh Hóa. Ông nổi tiếng với bài thơ “Màu tím hoa sim” do ông sáng tác trong thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp và được lưu hành rộng rãi trong vùng kháng chiến.






Nhà thơ Lưu Quang Vũ (1948-1988) – Các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn đáng kể trong lòng công chúng Việt Nam. Tác phẩm ông nổi bật lên từ những năm sau chiến tranh, đặc biệt là những năm 80. Ông đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ trong chiến tranh, vào bộ đội chiến đấu và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà: thời hậu chiến, kinh tế bao cấp với chồng chất khó khăn, cơ cực. Các vở kịch, truyện ngắn, thơ của Lưu Quang Vũ giàu tính hiện thực và nhân văn cũng như in đậm dấu ấn của từng giai đoạn trong cuộc sống của ông. Với tuổi đời còn khá trẻ, 40 tuổi ông đã là tác giả của gần 50 vở kịch và hầu hết các vở kịch của ông đều được các đoàn kịch, chèo gây dựng thành công dưới sự chỉ đạo của nhiều đạo diễn nổi tiếng. Rất nhiều các tác phẩm của ông đã làm sôi động sân khấu Việt nam thời kỳ đó như: “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Lời thề thứ 9”, “Bệnh sĩ”, “Khoảnh khắc và vô tận”, “Ông không phải bố tôi”, “Tôi và chúng ta”, “Tin ở hoa hồng”, “Nàng Sita”. Giữa lúc tài năng đang vào độ chín, Lưu Quang Vũ qua đời trong một tai nạn ô tô trên quốc lộ số 5 tại Hải Dương, cùng với người bạn đời là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ.





Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh (1930-2017), trước tác của bà thuộc nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, truyện dài. Có lẽ trong các tác phẩm của bà, được biết đến nhiều nhất là một số bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc trong đó có Phạm Duy: “Đừng bỏ em một mình” và “Kiếp nào có yêu nhau” và Phan Văn Hưng: “Ai trở về xứ Việt”. Sau năm 1975 khi lưu vong sang Pháp bà sáng lập Hội Văn Bút Việt Nam Hải ngoại. Năm 1982 bà sang Mỹ định cư và mất tại Quận Cam.






Nhà thơ Nguyên Sa (1932-1998) là một nhà thơ lãng mạn nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm như “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em”, “Tuổi mười ba”, “Tháng sáu trời mưa”, “Hư ảo trăng”… Thơ Nguyên Sa có một số bài được biết đến nhiều hơn qua những bài hát do nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc (Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em…). Những nhạc sĩ khác có phổ nhạc vào thơ Nguyên Sa là Phạm Duy (Vết sâu), Phạm Đình Chương (Màu Kỷ Niệm), Anh Bằng (Mai Tôi Đi), Song Ngọc (Tiễn đưa) Hoàng Thanh Tâm (Tháng sáu trời mưa), Phạm Anh Dũng (Hư Ảo Trăng)…




Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (1944-2015), trước năm 1975 Nguyễn Bắc Sơn là binh nhì, lính địa phương quân ở Sài Gòn, thời gian này ông có tập thơ phản chiến in năm 1972 “Chiến tranh Việt Nam và tôi”, gây được tiếng vang trong giới văn nghệ miền Nam. Thơ Nguyễn Bắc Sơn từng được nhiều bạn đọc ưa thích, ngâm nga trong các quán văn nghệ ở Đà Lạt, Vũng Tàu, Sài Gòn, Cần Thơ…





Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) được coi như là nhà thơ của làng quê Việt Nam với những bài thơ mang sắc thái dân dã, mộc mạc. Bài thơ của ông được đăng báo đầu tiên là bài “Cô hái mơ”. Năm 1937 Nguyễn Bính gửi tập thơ “Tâm hồn tôi” tới dự thi và đã được giải khuyến khích của nhóm Tự lực văn đoàn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates