Một trong những khó khăn của các địa phương khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 từ năm học 2022 - 2023 là thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật.
Giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục khó khăn này là gì?
Giải pháp từ địa phương
Ông Nguyễn Phương Toàn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang - cho biết: Năm học 2022 - 2023 tất cả trường THPT đều chưa có giáo viên để dạy Âm nhạc, Mỹ thuật nên gặp khó khăn trong việc tổ chức dạy các môn học này. Giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở các trường tiểu học, THCS trên địa bàn cũng đang thiếu và hầu hết chỉ có trình độ cao đẳng sư phạm nên không thể liên kết giảng dạy tại các trường THPT.
Trong năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS và THPT đáp ứng yêu cầu về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất tổ chức dạy học Âm nhạc, Mỹ thuật để đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh; đồng thời tuyển mới giáo viên các bộ môn để tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong những năm tiếp theo.
Hiện, tỉnh Phú Thọ cũng chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT. Chia sẻ giải pháp khắc phục khó khăn, theo ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, sở đề nghị UBND tỉnh xem xét tuyển dụng đội ngũ giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật ở THPT. Cùng với đó, xem xét giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật dôi dư ở tiểu học, THCS trên địa bàn có đủ điều kiện, có nhu cầu dạy học ở THPT, cho phép chuyển lên dạy ở cấp học này; cho phép các trường THPT được hợp đồng với giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật có đủ điều kiện hiện đang dạy ở tiểu học, THCS, hoặc sinh viên mới ra trường…
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Sơn La, trong năm học 2022 - 2023 tất cả trường THPT của địa phương đều chưa có giáo viên dạy môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) nên gặp khó khăn trong tổ chức dạy học. Sở GD&ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch bố trí, điều động giáo viên bảo đảm cân đối, hợp lý giữa các trường; chỉ đạo trường THPT chủ động hợp đồng với một số giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật đang dạy THCS trên địa bàn, nếu đủ điều kiện. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục giao bổ sung chỉ tiêu biên chế, đầu tư cơ sở vật chất thiết bị dạy học để từng bước nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao và đa dạng của học sinh.
Sở GD&ĐT Sơn La cũng chủ động tổ chức hội nghị về triển khai rà soát, tính toán biên chế đối với các trường THPT, trường THCS & THPT, trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên về chuẩn bị đội ngũ giáo viên lớp 10 cho Chương trình giáo dục phổ thông mới trong việc xây dựng tổ hợp lựa chọn bộ môn, nhằm bảo đảm đáp ứng số lượng giáo viên hiện có và nhu cầu học tập của học sinh năm học 2022 - 2023 và những năm tiếp theo để xây dựng phương án tuyển dụng giáo viên mới cho phù hợp.
Liên kết trường - trường
Theo PGS.TS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, cách đây 3 năm, trong một hội nghị về nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Bộ GD&ĐT đã đưa ra bức tranh khá cụ thể về đội ngũ giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật; cùng với đó là giải pháp cho đội ngũ này cũng được đề ra.
Theo đó, hiện nay, có khoảng 2.800 trường THPT trên cả nước, nhưng không nhất thiết phải bảo đảm ít nhất mỗi trường THPT có 1 giáo viên Âm nhạc, 1 giáo viên Mỹ thuật. Vì, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Âm nhạc và môn Mỹ thuật là các môn học tự chọn, học sinh có thể chọn hoặc không; do đó, tùy theo điều kiện của từng trường, tùy vào số lượng học sinh đăng ký (tự chọn) có thể tổ chức dạy trực tiếp tại trường hoặc liên kết thành nhóm trường để tổ chức dạy học các môn tự chọn này. Như vậy, có thể vận dụng 1 giáo viên Âm nhạc/Mỹ thuật dạy cho một số trường THPT bảo đảm thuận lợi, phù hợp, chất lượng, hiệu quả.
Ngoài ra, nội dung dạy học nghệ thuật ở THPT theo định hướng giúp học sinh tiếp cận các lĩnh vực nghề nghiệp liên quan đến năng khiếu và sở trường của học sinh, do đó, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên Nghệ thuật, các trường có thể mời nghệ nhân, nghệ sĩ, chuyên gia về lĩnh vực này đến dạy một số chuyên đề. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có cơ chế để các trường sư phạm đào tạo giáo viên Âm nhạc/Mỹ thuật (hoặc trường văn hóa nghệ thuật của địa phương) liên kết với các trường THPT trên địa bàn để đưa giảng viên sư phạm Âm nhạc/Mỹ thuật đến dạy tại trường THPT.
Như vậy, cả hai bên cùng đạt hiệu quả. Trường THPT có giáo viên dạy tốt chuyên nghiệp mà không cần bổ sung biên chế. Trường sư phạm giải quyết được bài toán thừa giáo viên, thiếu giờ dạy; đồng thời, cũng là cơ hội để định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT có năng khiếu nghệ thuật, tạo nguồn đào tạo có chất lượng cho trường nghệ thuật sau khi học sinh tốt nghiệp THPT.
Với trường sư phạm đào tạo giáo viên Âm nhạc/Mỹ thuật trình độ đại học, cần được tạo điều kiện để mở các khóa học bồi dưỡng bổ sung kiến thức dạy học ở THPT (bằng các mô-đun, tín chỉ) cho nghệ nhân, nghệ sĩ, giảng viên Âm nhạc, Mỹ thuật của các trường văn hóa nghệ thuật, sinh viên nghệ thuật đã tốt nghiệp ra trường chưa có việc làm để giúp cho họ có kiến thức sư phạm, phương pháp và cách tiếp cận mới để có thể tham gia dạy học tốt ở bậc THPT.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét