SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Thử nghiệm dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở


Thử nghiệm dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở

Thử nghiệm dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở

Học sáo recorder là nội dung, là phương tiện để học sinh thể hiện được bản thân mình, góp phần làm phong phú về nội dung và môi trường dạy học Âm nhạc ...

Lí do thử nghiệm

Những nghiên cứu gần đây đã xác định một số định hướng về đổi mới giáo dục Âm nhạc trong trường phổ thông Việt Nam sau năm 2015, đó là: (1) Xây dựng chương trình giáo dục Âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực của học sinh; (2) Giáo dục Âm nhạc cho học sinh trung học phổ thông; (3) Dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc; (4) Tăng cường sử dụng di sản trong giáo dục Âm nhạc; (5) Tăng cường nội dung tự chọn trong giáo dục Âm nhạc.

Để chuẩn bị cho những thay đổi đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức những lớp tập huấn về sử dụng di sản trong giáo dục Âm nhạc (năm 2013) và đổi mới kiểm tra đánh giá môn Âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực của học sinh (năm 2014). Năm 2015, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã yêu cầu phòng Nghệ thuật thực hiện việc thử nghiệm dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc cho học sinh Tiểu học và THCS, để kiểm chứng tính khả thi của định hướng này. Người phụ trách thử nghiệm: Hồ Thị Thu Hương, phòng Nghệ thuật, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Việc thử nghiệm dạy nhạc cụ nhằm trả lời các câu hỏi:

- Tại sao cần dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc?

- Chọn nhạc cụ nào để dạy cho học sinh Tiểu học và THCS ở Việt Nam?

- Hình thức và phương pháp dạy nhạc cụ?

- Kết quả và tính khả thi của việc dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc?

1. Tại sao cần dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc?

Giáo dục Âm nhạc trong trường phổ thông ở các nước dạy học sinh cách chơi 1 hoặc một vài nhạc cụ, bởi vì:

- Học nhạc cụ làm phong phú về nội dung và môi trường dạy học Âm nhạc.

- Học nhạc cụ giúp HS được học Âm nhạc bằng đa giác quan: mắt nhìn, tai nghe, tay được tiếp xúc và chơi nhạc cụ, ...

- Học nhạc cụ giúp HS được trải nghiệm và phát triển được các năng lực thực hành, cảm thụ, ứng dụng âm nhạc, góp phần phát triển năng khiếu âm nhạc.

- Nhiều HS không có khả năng ca hát, nhưng có thể chơi được 1 nhạc cụ đơn giản, vì vậy nhạc cụ chính là phương tiện để các em thể hiện được bản thân mình.

- Học nhạc cụ còn giúp HS phát triển năng lực giao tiếp, hợp tác, tự học và nhiều năng lực khác.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm giờ học Âm nhạc tại trường tiểu học Taimei ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, tháng 8 năm 2014

 

2. Chọn nhạc cụ nào để dạy cho học sinh Tiểu học và THCS ở Việt Nam?

Trong trường phổ thông ở Việt Nam, lớp học trung bình có khoảng 45 HS (nhiều lớp ở trường trọng điểm, sĩ số HS còn vượt xa con số này), vì vậy cần chọn nhạc cụ đáp ứng các yêu cầu:

- Dễ tạo ra âm thanh.

- Cao độ chuẩn xác, để hòa tấu với nhạc cụ khác.

- Hình thức nhỏ gọn.

- Giá phù hợp.

- Sử dụng trong mọi điều kiện.

- Độ bền cao, không phải bảo dưỡng.

- Đảm bảo vệ sinh học đường.

Với những yêu cầu trên, loại nhạc cụ được chọn để thử nghiệm là cây sáo recorder. Sáo recorder có xuất xứ từ Scotland và Ireland. Loại sáo recorder được dùng phổ biến trong trường phổ thông ở các nước là recorder soprano (sáo có âm thanh cao), ngoài ra còn các loại recorder alto (âm thanh trung bình) và recorder bass (âm thanh trầm). Loại recorder soprano thường có 2 kiểu là recorder Baroque và recorder German (chỉ khác biệt về cách bấm ngón tay khi thổi nốt Fa).

Sáo recorder được nhiều hãng nhạc cụ sản xuất, và có nhiều màu sắc. Loại recorder soprano được hãng Yamaha sản xuất có giá khoảng 9 USD, được dùng phổ biến trong trường phổ thông ở nhiều nước, trong đó có Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Philippin, Lào, Campuchia, ...

Tại những nước phát triển, học sinh có thể được học nhiều loại nhạc cụ như: đàn piano, violon, đàn phím điện tử, ghi-ta, trống, trumpet, ... Ở Việt Nam, việc dạy nhiều loại nhạc cụ trong trường phổ thông hiện chưa thực hiện được, tuy nhiên trong tương lai gần, một số trường THCS hoặc THPT có thể giúp HS được học những nhạc cụ đó, thông qua hình thức tổ chức câu lạc bộ âm nhạc.

Dự kiến về kế hoạch dạy nhạc cụ trong chương trình giáo dục môn Âm nhạc sau năm 2015: từ lớp 1 đến lớp 3, học sinh sẽ học nhạc cụ gõ, độc tấu và hòa tấu; từ lớp 4 đến lớp 12, học sinh sẽ học nhạc cụ giai điệu, cụ thể là cây sáo recorder.

3. Hình thức và phương pháp dạy nhạc cụ?

Đề xuất hình thức dạy recorder (lớp học có khoảng 45 HS)

- Yêu cầu về số lượng recorder: GV có khoảng 5- 10 cây sáo, trong tiết học Âm nhạc, HS trong lớp sẽ luân phiên sử dụng số nhạc cụ này.

- Thời gian học: khoảng 1-2 tuần sẽ có nội dung học nhạc cụ, nội dung nhạc cụ thực hiện trong khoảng 20 phút. Ngoài ra, HS có thể ôn tập thêm ở ngoài giờ học (nếu có sáo).

- Nội dung dạy recorder: HS tập chơi những bài tập đọc nhạc (TĐN) giọng Đô trưởng và một số bài hát giọng Đô trưởng, La thứ, Son trưởng, Pha trưởng, ... Trước mắt, để thử nghiệm trong chương trình Âm nhạc hiện hành, một số tiết học có nội dung ôn tập bài hát, ôn tập TĐN có thể được chuyển thành nội dung học nhạc cụ.

Đề xuất phương pháp dạy recorder

Bước 1- HS khởi động hơi thở (1 phút)

Bước 2- Luyện gam hoặc thang âm của bản nhạc (2 phút)

Bước 3- Thổi recorder giai điệu từng nét nhạc (10 phút)

- HS tập nói tên nốt nhạc.

- HS tập nói tên nốt nhạc theo tiết tấu.

- GV chỉ nốt nhạc, HS chơi giai điệu từng nét nhạc (cá nhân hoặc từng nhóm HS thực hiện).

- GV hướng dẫn HS sửa chỗ sai, nếu có.

Lưu ý: khi học hát, mỗi HS có giọng hát khác nhau nên dễ phân biệt những em hát sai. Còn khi chơi recorder, tiếng sáo của các em giống nhau, rất khó phân biệt những em thổi sai. GV chỉ nên để 5-7 HS thổi cùng lúc, những em khác (nếu có sáo) phải thực hiện kĩ thuật thổi không thành tiếng: đó là nghe các bạn thổi, hai tay vẫn tập bấm đúng nốt, nhưng không thổi (giống như hát thầm).

- Luyện tập với nét nhạc tiếp theo.

Bước 4- Củng cố (7 phút)

- HS thổi recorder nối tiếp, mỗi em một nét nhạc.

- HS tập chơi bản nhạc với tốc độ hơi chậm, trung bình, hơi nhanh.

- Hòa tấu giữa đàn phím điện tử và recorder, GV đệm đàn, nhóm HS chơi cả bản nhạc.

4. Kết quả và tính khả thi của việc dạy nhạc cụ trong môn Âm nhạc?

- Kết quả dạy recorder tại Câu lạc bộ Âm nhạc trường tiểu học Thành Công A, Ba Đình, Hà Nội.

Số lượng học sinh: 18 HS, ở các lớp 1, 2, 3, 4, 5.

Giáo viên: Nguyễn Ngọc Tân

Thời gian thử nghiệm: từ tháng 1-2015 đến tháng 5-2015

Thời gian học trong mỗi buổi: 45 phút (3 buổi đầu kết hợp với học hát)

Nội dung dạy học:

Buổi

Nội dung

1

-Phần 1: Học hát, biểu diễn bài hát

-Phần 2: Tìm hiểu và làm quen với sáo recorder (15 phút)

2

-Phần 1: Học hát, biểu diễn bài hát

-Phần 2: Tư thế thổi sáo, cách lấy hơi, tập thổi các nốt nhạc Son, La, Si (15 phút)

3

-Phần 1: Học hát, biểu diễn bài hát

-Phần 2: Tập thổi các nốt nhạc: La, Si, Đô, Rê (20 phút)

4

-Tập thổi các nốt nhạc: Pha, Mi, Rê, Đô

-Bài tập thực hành: Đàn gà con (giọng Pha trưởng)

5

-Tập thổi các nốt nhạc: Rê, Mi, Son, La, Si

-Bài tập thực hành: Gà gáy (giọng Son trưởng)

6

-Tập thổi các nốt nhạc: Đô, Rê, Pha, Son, La, Đô, Rê

-Bài tập thực hành: Chú ếch con, Cháu lên ba (giọng Pha trưởng)

7

-Luyện tập các bài đã học: Gà gáyChú ếch con, Cháu lên ba

-Hòa tấu sáo recorder cùng đàn phím điện tử

8

-Luyện gam Đô trưởng và các nốt mở rộng

-Bài tập thực hành: Bắc kim thang, Tập đếm, Twinkle twinkle little star

9

-Luyện gam Đô trưởng và các nốt mở rộng

-Bài tập thực hành: Bắc kim thang, Tập đếm, Vào hạ

10

-Trình bày các bài đã học, theo các hình thức độc tấu, song tấu, ...

-Hòa tấu sáo recorder cùng đàn phím điện tử

 

Kết quả: HS trong câu lạc bộ đều có sáo recorder. Phương pháp học chủ yếu là truyền khẩu. HS yêu thích và say mê âm nhạc nên hầu hết đều chơi thành công các bài tập thực hành. Trong mỗi buổi học, HS có thể chơi được 1-2 ca khúc ngắn.

- Kết quả dạy recorder tại Câu lạc bộ Âm nhạc trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Đống Đa, Hà Nội.

Số lượng học sinh: 16 HS, ở các lớp 6, 7.

Giáo viên: Nguyễn Hương Thảo

Thời gian thử nghiệm: từ tháng 2-2015 đến tháng 5-2015

Thời gian học trong mỗi buổi: 45 phút

Nội dung dạy học:

Buổi

Nội dung

1

-Giới thiệu về cây sáo recorder, tư thế và cách thổi

-Tập thổi các nốt nhạc: Son, La, Si

-Bài tập thực hành: Merry had a little lamb (giọng Son trưởng)

2

-Tập thổi các nốt nhạc: Son, La, Si, Đô, Rê

-Bài tập thực hành: Ode to joy (giọng Son trưởng, trích đoạn)

3

-Tập thổi các nốt nhạc: Son, La, Si, Đô, Rê

-Bài tập thực hành: The big drum (giọng Son trưởng)

4

-Tập thổi các nốt nhạc: Đô, Rê, Mi, Pha

-Bài tập thực hành: Đàn gà con (giọng Pha trưởng)

5

-Luyện gam Đô trưởng

-Bài tập thực hành: Vào rừng hoa, Chơi đu (giọng Đô trưởng)

6

-Luyện gam Đô trưởng

-Bài tập thực hành: Lá thuyền ước mơ (giọng Đô trưởng)

7

-Luyện gam Đô trưởng

-Bài tập thực hành: Ngày đầu tiên đi học (giọng Đô trưởng)

8

-Luyện gam Đô trưởng và các nốt mở rộng: Mi, Pha, Son

-Luyện tập các bài đã học

-Bài tập thực hành: Ode to joy (giọng Đô trưởng)

9

-Luyện gam Đô trưởng và các nốt mở rộng

-Luyện tập các bài đã học

-Bài tập thực hành: Làng tôi (giọng Đô trưởng)

10

-Luyện gam Đô trưởng, La thứ và các nốt mở rộng

-Bài tập thực hành: Silent night, Twinkle twinkle little star, Thật là hay, Happy birthday (giọng Đô trưởng), A time for us (giọng La thứ)

 

Kết quả: HS trong câu lạc bộ đều có sáo recorder, một số em đã từng tập đàn phím điện tử. GV thường hướng dẫn HS luyện tập tiết tấu trước khi thổi từng nét giai điệu. Phương pháp dạy học chủ yếu là thị tấu: HS vừa quan sát nốt nhạc, vừa thổi giai điệu. Hầu hết HS đều chơi thành công các bài tập thực hành, nhiều em tự tập thêm bài tập khác ở ngoài giờ học. Trong mỗi buổi học, HS có thể chơi được 1-2 ca khúc ngắn.

- Kết quả dạy recorder tại trường THCS Thực nghiệm, Ba Đình, Hà Nội.

Lớp 6C: 45 HS

Giáo viên: Lưu Thanh Mai Lan

Thời gian thử nghiệm: từ tháng 1-2015 đến tháng 5-2015

Đặc điểm: HS được học recorder trong chương trình Âm nhạc hiện hành, một số tiết có nội dung ôn tập bài hát, ôn tập TĐN sẽ được chuyển thành tập nhạc cụ. Ví dụ:

Nội dung trong SGK Âm nhạc hiện hành

Nội dung điều chỉnh để thử nghiệm

Tiết 23 (lớp 6)

- Ôn tập bài hát: Ngày đầu tiên đi học

- Tập đọc nhạc: TĐN số 7

Tiết 23 (lớp 6)

- Nhạc cụ: Tập thổi các nốt nhạc La, Si, Đô, Rê

- Tập đọc nhạc: TĐN số 7

Tiết 24 (lớp 6)

- Ôn tập bài hát: Ngày đầu tiên đi học

- Ôn tập Tập đọc nhạc: TĐN số 7

- Âm nhạc thường thức: Giới thiệu nhạc sĩ Mô-da

Tiết 24 (lớp 6)

- Ôn tập bài hát: Ngày đầu tiên đi học

- Nhạc cụ: Đàn gà con

- Âm nhạc thường thức: Giới thiệu nhạc sĩ Mô-da

 

Thời gian học recorder trong mỗi tiết khoảng 15-20 phút.

Nội dung dạy học:

Buổi

Nội dung

1

Tìm hiểu và làm quen với sáo recorder

2

Tư thế thổi sáo, cách lấy hơi, tập thổi các nốt nhạc Son, La, Si

3

Tập thổi các nốt nhạc: La, Si, Đô, Rê

4

-Tập thổi các nốt nhạc: Pha, Mi, Rê, Đô

-Bài tập thực hành: Đàn gà con (giọng Pha trưởng)

5

-Luyện gam Đô trưởng

-Bài tập thực hành: Lá thuyền ước mơ (giọng Đô trưởng)

6

-Luyện gam Đô trưởng

-Bài tập thực hành: Làng tôi (giọng Đô trưởng)

7

-Luyện gam Đô trưởng

-Luyện tập các bài đã học: Đàn gà con, Lá thuyền ước mơ, Làng tôi

8

-Luyện gam Đô trưởng, Pha trưởng

-Luyện tập các bài đã học

9

-Luyện gam Đô trưởng, La thứ, Son trưởng, Pha trưởng

-Bài tập thực hành: Quốc ca, Xòe hoa, My heart will go on, Silent night, Ngày đầu tiên đi học.

10

-Trình bày các bài đã học, theo các hình thức độc tấu, song tấu, ...

-Hòa tấu sáo recorder cùng đàn phím điện tử

 

Kết quả: Những buổi đầu, GV sử dụng 5 cây recorder để dạy trên lớp, về sau nhiều HS tự mua sáo để luyện tập. Trong số 6C, có trên 20 em yêu thích và chơi thành công các bài tập thực hành, nhiều em tự tập thêm một số bài ở ngoài giờ học.

Ngày 17-4-2015, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn về Đổi mới kiểm tra đánh giá môn Âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực học sinh và Xây dựng chủ đề dạy học Âm nhạc cho 120 GV Âm nhạc THCS, những HS học recorder của 3 trường tiểu học Thành Công A, THCS Nguyễn Trường Tộ và THCS Thực nghiệm đã biểu diễn sáo recorder nhiều bản nhạc, như: Quốc ca Việt Nam, Làng tôi, Ngày đầu tiên đi học, Gà gáy, Bắc kim thang, ...

Một số hình ảnh về HS học sáo recorder tại 3 trường thử nghiệm ở Hà Nội:

Kết luận

- HS học sáo recorder trong câu lạc bộ Âm nhạc có kết quả tốt hơn so với học trong lớp học truyền thống, bởi vì HS trong câu lạc bộ đều có sáo, các em có năng khiếu và lòng ham mê. Ngoài ra, câu lạc bộ có thời gian luyện tập nhiều hơn, HS không chịu sức ép về việc hoàn thành các nội dung khác nên GV có điều kiện hướng dẫn kĩ hơn.

- Học sinh lớp 1, 2, 3 cũng có thể học và thổi được recorder, tuy nhiên chương trình giáo dục Âm nhạc sau năm 2015 chỉ nên dạy đại trà sáo recorder từ lớp 4 để đảm bảo tính khả thi. Chương trình giáo dục mới cũng không nên xác định mục tiêu 100% HS sẽ chơi thành công sáo recorder, mà chỉ nên nhìn nhận sáo recorder là nội dung, là phương tiện để các em thể hiện được bản thân mình, góp phần làm phong phú về nội dung và môi trường dạy học Âm nhạc.

- Để nâng cao hiệu quả việc dạy sáo recorder trong môn Âm nhạc, GV cần phải tự học nhạc cụ này và tìm hiểu về phương pháp dạy học, lớp học cũng cần có một vài phương tiện hỗ trợ như giá để bản nhạc, đàn phím điện tử, nhạc cụ gõ, ... Cần kết hợp hòa tấu sáo recorder với nhạc cụ gõ và biểu diễn bài hát, để giúp HS được trải nghiệm và phát triển được các năng lực thực hành, cảm thụ, ứng dụng âm nhạc, góp phần phát triển năng khiếu âm nhạc.

- Dạy sáo recorder trong môn Âm nhạc cho học sinh Tiểu học và THCS là một nội dung cần thiết, có tính khả thi, cần được triển khai trong chương trình giáo dục Âm nhạc ở trường phổ thông Việt Nam sau năm 2015.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Making the Most of Recorders in Schools

http://members.iinet.net.au/~mtattersall/Articles/UsingRecsInSchools.htm

- Yamaha 20 Series Soprano Recorders

http://www.prowinds.com/product/YRS-20B/20_Series_Resin_Recorders

và một số tài liệu khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates