Hoàng Long- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Giáo dục Âm nhạc cho học sinh phổ thông ở Việt Nam đã được đặt ra từ những năm 1956-1957, khi đất nước ta bước vào cuộc cải cách giáo dục lần thứ 2, sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và đất nước tạm chia cắt làm 2 miền. Lúc đó những người hoạch định kế hoạch giáo dục đã có ý định đưa môn Âm nhạc vào các trường phổ thông. Một môn học được đưa vào nhà trường thì việc đầu tiên là phải có giáo viên thực hiện. Công việc này mới dừng lại ở một vài việc làm ban đầu, như: biên soạn một văn bản chương trình Âm nhạc cho học sinh cấp I và cấp II (hệ giáo dục phổ thông 10 năm) và in được hai tập bài hát cho 2 cấp học này. Vừa đưa vào thực tế chương trình này thì vấp ngay phải khó khăn là không có đội ngũ giáo viên giảng dạy. Ngành giáo dục đã đưa ra phương án là mở một lớp đào tạo sư phạm Âm nhạc từ 6-8 tháng rồi 2 năm, để đào tạo những giáo viên Âm nhạc đưa về các trường sư phạm dạy Âm nhạc cho giáo sinh, với hy vọng những giáo sinh sư phạm khi tốt nghiệp ra trường sẽ dạy được môn Âm nhạc cho học sinh phổ thông. Tuy nhiên, những lớp GV sư phạm này cũng chỉ đào tạo được 3 khóa với số lượng giáo viên khoảng trên 100 người, được phân công về dạy Âm nhạc ở các trường Trung cấp hoặc sơ cấp sư phạm các tỉnh.
Sau đó chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ lan rộng trên toàn miền Bắc, bắt đầu từ những năm 1964-1965. Khó khăn liên tiếp khó khăn, môn Âm nhạc vì thế cũng không còn nhận được sự quan tâm của ngành. Trong những năm tiếp đó, người ta lại nghĩ đến việc đưa môn Âm nhạc vào các trường sư phạm của các tỉnh với số tiết học là 3 tiết/ tuần (những năm trước chỉ dạy 1 tiết/ tuần) củng với hy vọng có một số giáo sinh ra trường sẽ dạy kiêm nhiệm môn Âm nhạc ở các trường cấp I, II. Chủ trương này cũng chỉ thực hiện được một vài năm rồi “phá sản” bởi với số lượng 3 tiết/ tuần cho những môn học mang tính đặc thù như Âm nhạc, Mĩ thuật thì khi giáo sinh ra trường không mấy người có thể đảm nhiệm được việc dạy Âm nhạc ở cấp II (cấp I chỉ dạy hát nhưng yêu cầu GV phụ trách lớp nào thì phải dạy tất cả các môn trong chương trình qui định! Bên cạnh đó, những nhà lãnh đạo và quản lí giáo dục còn quá xem nhẹ việc dạy các môn nghệ thuật cho học sinh phổ thông.
Sách giáo khoa môn học không có, sách hướng dẫn giảng dạy cho giáo viên không có, các phương tiện dạy học Âm nhạc vô cùng nghèo nàn, các nhà quản lí chỉ đạo chỉ coi trọng một số môn văn hóa thì làm sao các môn nghệ thuật có thể phát triển được!?!
Bước vào cuộc cải cách giáo dục lần thứ 3, triển khai vào năm 1980. Trước đó, ngành giáo dục cũng đã hoạch định một kế hoạch dạy học trong đó có dạy Âm nhạc, Mĩ thuật mỗi tuần một tiết cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 8 (hệ phổ thông 12 năm). Khi triển khai kế hoạch này cũng vẫn vấp phải những khó khăn tương tự như trên, dù đã có một bộ chương trình, một bộ sách giáo khoa thí điểm nhưng số lượng giáo viên chuyên môn quá ít ỏi.
Trường Sư phạm Nhạc Họa Trung ương được thành lập từ đầu những năm 1970 nhưng mỗi khóa đào tạo cũng chỉ có vài chục giáo sinh tốt nghiệp. Người ta tính rằng với qui mô đào tạo như vậy thì muốn đáp ứng nhu cầu dạy Âm nhạc, Mĩ thuật ở các trường phổ thông trên cả nước phải mất tới vài chục năm!
Sau nghị quyết Trung ương 6, đất nước bước vào thời kì đổi mới, từ cuối năm 1986. Đến đầu những năm 1990, Viện Khoa học Giáo dục đã biên soạn bộ sách giáo khoa Âm nhạc thí điểm từ lớp 1 đến lớp 8 và tổ chức dạy thử nghiệm trên 12 tỉnh thành. Sau 5 năm thử nghiệm, bộ sách này đã được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành và Bộ GD cho phép đưa vào sử dụng rộng rãi tại các trường Tiểu học và THCS. Trước thực tế đó, nhu cầu giáo viên Âm nhạc cho các trường trở nên hết sức cấp bách. Bộ GD và Bộ Văn hóa đã ra thông tư liên bộ về việc đào tạo giáo viên Âm nhạc cho các trường phổ thông. Nhờ thế, hàng loạt trường sư phạm, trường văn hóa nghệ thuật của các tỉnh được mở mã ngành đào tạo giáo viên âm nhạc (và cả Mĩ thuật) trình độ Trung cấp hoặc Cao đẳng.
Năm 2001-2002 trường Đại học Sư phạm Hà Nội mở khoa Sư phạm Âm nhạc, Mĩ thuật, là một bước tiến lớn trong lĩnh vực đào tạo loại hình giáo viên này. Năm 2006, trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa Trung ương được nâng cấp lên thành Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Đây cũng là một mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của ngành đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật. Bên cạnh các trường thuộc ngành giáo dục quản lí, các Nhạc viện tại Hà Nội vàTP Hồ Chí Minh, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, … đều mở khoa hoặc lớp Sư phạm Âm nhạc cung cấp GV cho ngành giáo dục. Cho đến nay đội ngũ giáo viên Âm nhạc đã có tới cả vạn người, đã đáp ứng tương đối đủ nhu cầu của các trường Tiểu học và THCS trên phạm vi toàn quốc.
Điểm qua đôi nét về sự phát triển đội ngũ giáo viên Nghệ thuật của nước ta trong 50 năm qua, chúng tôi có một số nhận xét như sau:
Về ưu điểm
Thứ nhất, trước nhu cầu của thực tiễn xã hội, các môn Nghệ thuật đã từng bước được đưa vào nhà trường phổ thông và có những sự phát triển đáng ghi nhận tuy giai đoạn đầu sự phát triển rất chậm chạp do nhiều nguyên nhân khách quan.
Thứ hai, đội ngũ giáo viên nghệ thuật trong hai thập kỉ qua đã phát triển rất mạnh, đáp ứng được phần lớn yêu cầu của ngành giáo dục.
Thứ ba, các môn học nghệ thuật trong trường phổ thông đã có vị trí đúng mức và đang dần đi vào nề nếp để phát triển.
Thứ tư, một số năm gần đây, trong ngành giáo dục đã có những thạc sĩ, tiến sĩ về Nghệ thuật làm việc tại các cơ quan chỉ đạo, nghiên cứu của Bộ GD và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.
Về hạn chế
Thứ nhất, do đội ngũ giáo viên nghệ thuật được đào tạo từ rất nhiều nguồn với nhiều trình độ (trung cấp, cao đẳng, đại học) nên chất lượng không đồng đều, không ít giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy bộ môn mặc dù có bằng cấp. Phương thức đào tạo liên kết, tại chức bộc lộ nhiều hạn chế về chất lượng…
Thứ hai, chương trình và giáo trình tại các cơ sở đào tạo chưa hoàn thiện, đồng thời cũng chưa có sự thống nhất giữa các đơn vị đào tạo giáo viên nghệ thuật.
Từ thực tiễn trên, vấn đề đào tạo giáo viên Âm nhạc thời gian tới cần phải giải quyết một số vấn đề sau đây:
1. Cần tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, chỉ tiêu về số lượng có mức độ, bởi hiện nay đã có hiện tượng bão hòa GV nghệ thuật ở một số địa phương
2. Phải xây dựng được đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo có thực lực và trình độ chuẩn mực, tránh tình trạng có đầy đủ bằng cấp nhưng lại ngoài chuyên ngành Âm nhạc và Mĩ thuật hoặc sư phạm Nghệ thuật.
3. Phải tiếp cận xu hướng đào tạo giáo viên của các nước về chuyên ngành sư phạm Âm nhạc và Mĩ thuật để cải tiến nội dung và phương pháp đào tạo, phương pháp dạy học của chúng ta.
4. Phải có sự liên hệ chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu, chỉ đạo giáo dục phổ thông của Bộ GD với các cơ sở đào tạo.
Khó khăn,thách thức còn nhiều nhưng với những thành tựu về đào tạo và xây dựng đội ngũ GV nghệ thuật nói chung của đất nước ta trong nửa thế kỉ qua, chúng ta có thể hi vọng vào sự nghiệp giáo dục Nghệ thuật cho thế hệ trẻ ở các trường phổ thông trong tương lai ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét