SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2022

Cần đổi mới giáo dục Âm nhạc để đi tới ?

 


Đăng lúc: Thứ hai - 06/06/2016 23:25 - Người đăng bài viết: anhtuan
music.edu.vn
Cần đổi mới giáo dục Âm nhạc để đi tới ?

Cần đổi mới giáo dục Âm nhạc để đi tới ?

Đối với giáo dục Âm nhạc ở Tiểu học cần chú ý cho các em tiếp cận với tiết tấu nhiều hơn qua các nhạc cụ gõ đơn giản. Đối với cấp Trung học phải chú ý về thưởng thức âm nhạc và việc phân tích bình luận tác phẩm, bên cạnh việc hình thành các kĩ năng âm nhạc ...

Nhạc sĩ Hoàng Lân

Trong nhiều năm qua, luận bàn về giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục Âm nhạc nói riêng luôn là một đề tài nóng, thu hút sự chú ý của nhiều người quan tâm tới vấn đề này. Thành tựu của giáo dục Âm nhạc quá rõ ràng, mọi người đều biết. Từ khi môn Âm nhạc không có trong chương trình giáo dục phổ thông, đến nay nó trở thành môn học phổ cập ở Tiểu học và Trung học cơ sở, triển khai trên toàn quốc từ năm 2002. Từ khi đội ngũ giáo viên Âm nhạc chỉ có ít ỏi vài ba trăm người đến nay con số đã lên tới hàng chục nghìn. Từ khi giáo viên Âm nhạc chỉ có trình độ trung cấp, cao đẳng đến nay hầu hết đã có trình độ cao đẳng, đại học và một số không nhỏ các thạc sĩ và cả tiến sĩ. Chương trình và sách giáo khoa Âm nhạc phổ thông đầu tiên ở Việt Nam đã được biên soạn và phát huy tác dụng tốt. Về phương pháp giảng dạy đã có nhiều cải tiến khá tốt, nhiều giờ học Âm nhạc thực sự đã cuốn hút được học sinh. Phương tiện dạy học có nhiều trang bị mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Âm nhạc cũng thu nhiều kết quả khả quan. Việc  nghiên cứu khoa học đã được chú trọng tại các cơ sở đào tạo, ... Đến nay, bức tranh tổng thể về giáo dục Âm nhạc ở Việt Nam đã có nhiều mảng màu sáng so với giai đoạn trước năm 2000. Điều đó không ai có thể phủ nhận.

Để đáp ứng những yêu cầu mới cho một đất nước đang phát triển, hiện nay giáo dục Việt Nam  đang đứng trước những khó khăn, thử thách không nhỏ trong quá trình hội nhập với thế giới. Trong guồng quay đang vận hành của một xã hội mà con người chú ý nhiều đến vật chất - kinh tế, để đào tạo một thế hệ mới, những con người mới phù hợp với cuộc sống hiện đại nhưng không mất đi cốt cách truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc ngàn năm văn hiến, giáo dục Âm nhạc ở Việt Nam có vị trí và vai trò không nhỏ đối với thanh thiếu niên, sinh viên, học sinh, nếu không muốn nói  rằng nó có vai trò quan trọng, khi nhiều giá trị trong cuộc sống đang bị đảo lộn, trong đó có cả nhiều giá trị ảo. Có hay không những tồn tại trong giáo dục Âm nhạc của chúng ta trong thời gian qua?
Trả lời câu hỏi này, xin nêu lên một vài đánh giá dễ thấy, mà điều này có lẽ chẳng cần né tránh.

-Nói về nội dung chương trình giáo dục Âm nhạc hiện hành, ngoài những ưu điểm về tính khoa học, tính phổ cập, tính thực tiễn mà hiệu quả nhiều người đã ghi nhận, vẫn cần nói rằng trong chương trình có một số kiến thức lí thuyết không cần thiết, nặng nề, mà chính chúng tôi- những người làm chương trình và biên soạn sách giáo khoa đến nay đã nhận thức ra. Điều cũng dễ hiểu bởi thực tế luôn là một sự kiểm chứng chính xác và công bằng nhất, chống lại những gì bảo thủ cố hữu. Tôi sẽ có ý kiến đề xuất thêm  ở phần sau.

-Về phương pháp giảng dạy, mặc dù đã có nhiều cải tiến song với cách giảng dạy hiện nay ở khu vực phổ thông hoặc sư phạm chưa có những đột biến thay đổi cơ bản. Người dạy, do hạn chế về năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nên không đủ sức hấp dẫn người học, ấy là chưa nói đến có những thầy cô mà khả năng sư phạm còn chưa đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của nghiệp vụ dạy học. Nói như giáo sư Hồ Ngọc Đại, đại ý là ông rất phiền lòng khi người ta nghĩ rằng, ai cũng có thể dạy học được, miễn là có một số kiến thức nhất định. Đâu phải như vậy. Dạy học là một “khoa học”, đồng thời là một “nghệ thuật” đòi hỏi người làm nghề có năng lực, đôi khi cần có cả “năng khiếu” nữa, mới có thể đảm trách nổi.                                       

-Về công tác đào tạo: phải nói rằng chất lượng của giáo dục phổ thông phụ thuộc rất lớn ở chất lượng người thầy được đào tạo như thế nào. Đây là nhiệm vụ của các trường sư phạm. Tình trạng đào tạo tràn lan thời gian vừa qua thật đáng bận tâm. Đâu đâu cũng đào tạo giáo viên âm nhạc, ở trung ương và khắp các địa phương. Riêng trên địa bàn Hà Nội đã có 8 địa chỉ đào tạo loại hình giáo viên Âm nhạc (Đại học Sư Phạm Nghệ thuật Trung ương, Đại học Sư phạm Hà Nội, Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Nội, Đại học Nghệ thuật quân đội, Đại học Văn hóa, Đại học Thủ đô Hà Nội, Cao đẳng sư phạm Trung ương, Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). Đó là tình trạng chung của cả ngành giáo dục, thời gian qua mở ra quá nhiều trường, dẫn đến tình trạng đào tạo dư thừa không có chỗ tiêu thụ, điều mà ai cũng biết. Xin mở một dấu ngoặc: trong khi hiện nay có quá nhiều ngân hàng, nhà hàng, khách sạn, sân gôn, quá nhiều kênh truyền hình, ấn phẩm báo chí, tạp chí,... Đó là một sự phát triển thiếu kế hoạch, gây lãng phí không nhỏ cho xã hội, trong khi còn đang thiếu rất nhiều giường bệnh, thiếu trường học tử tế, thiếu những chiếc cầu cho người dân đi lại. Trong bối cảnh ấy, chất lượng đào tạo kém ở một số cơ sở là quá rõ, khi để đảm bảo số lượng đầu vào, người ta bất chấp tiêu chuẩn về năng khiếu vốn là tiêu chí số một đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

-Về nghiên cứu khoa học: tuy công việc này đã được quan tâm, nhưng thử hỏi có bao nhiêu công trình nghiên cứu được nghiệm thu đạt mức xuất sắc hoặc tốt, được đưa vào ứng dụng trong thực tế, hay thường chỉ xếp vào ngăn kéo khóa kĩ, thậm chí không ai buồn mở ra. Trong thực tế cũng có trường hợp được mở ra nhưng để tham khảo, sao chép, lắp ghép, xào xáo, mượn ý tưởng của nhau. Tình trạng này là có thật, nó cũng góp phần gây lãng phí không nhỏ cho xã hội, cho ngành giáo dục. Dẫn đến tình trạng mọi trường nghiên cứu khoa học, mọi giáo viên nghiên cứu khoa học. Xin thưa, nghiên cứu khoa học đích thực đâu có dễ dàng như vậy!

-Về việc tuyển dụng giáo viên: dù không phải là chủ đề chính của cuộc hội thảo này những vẫn cần phải nói đến. Sinh viên giỏi, người có tài thực sự không được tuyển dụng, trong khi người tốt nghiệp rất bình thường lại có chỗ làm “ngon lành”. Đây là một nghịch lí, một thực tế cay đắng, đau lòng, và không thể chấp nhận nếu người ta còn chút lương tri. Sự xuống cấp về chất lượng giáo dục một phần cũng là ở đây. Tôi chợt nghĩ thêm, phải chăng các cuộc hội thảo như thế này nên mời cả các cán bộ tổ chức, nhiều cán bộ quản lý đến dự, không những để họ biết thực trạng mà còn tác động vào suy nghĩ, vào trách nhiệm của người cán bộ có lương tri, nên hành xử như thế nào cho đúng là người có đạo đức, để tạo được niềm tin trong xã hội khi mà sự thoái hóa, biến chất đã và đang ở mức nghiêm trọng.

Từ những thực trạng nêu trên, có thể còn chưa đầy đủ, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số kiến nghị, giải pháp như sau:

-Về chương trình sách giáo khoa âm nhạc phổ thông: được biết theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, trong đổi mới toàn diện lần này, sẽ có một chương trình chung, và cho biên soạn nhiều SGK, để nhà trường tùy chọn sử dụng. Vấn đề này không phải là mới, vì các nước làm như vậy đã lâu. Chỉ xin lưu ý đối với các nhà biên soạn, cần phải nắm rất vững thực tế phổ thông, hiểu phổ thông, sát phổ thông để khỏi đưa ra những nội dung ý tưởng xa vời, phi thực tế. Điều này đã từng xảy ra ở đây đó, do ý tưởng chủ quan, nên khi vào thực tế đã thất bại. Cũng trong lần đổi mới này, chương trình giáo dục Âm nhạc được đưa cả vào cấp Trung học phổ thông theo hướng tự chọn. Đây là một vấn đề mới, rất được hoan nghênh, bởi nguyện vọng của những người làm công tác giáo dục nghệ nghệ thuật bấy lâu nay mong mỏi rất nhiều. Tuy nhiên, vì chưa có tiền đề, tiền lệ ở nước ta, phải chăng, khi triển khai cho các trường Trung học phổ thông chưa nên áp dụng đại trà mà nên làm dần từ hẹp đến rộng, từ ít đến nhiều, trước hết nên làm ở các thành phố lớn, rút kinh nghiệm sau đó mới nhân rộng ở các trường Trung học phổ thông cả nước. Bước đi như vậy, theo tôi sẽ chắc chắn hơn. Mặt khác trong quá trình chuẩn bị cho nội dung giáo dục Âm nhạc của toàn ngành, nên quán triệt cả ở lứa tuổi mầm non cho đến  giáo dục đại học. Đối với hệ thống giáo dục đại học hiện nay, mảng giáo dục này coi như đang bỏ ngỏ, rất ít người để mắt  đến. Tôi có đề xuất này bởi mới đây, khi tham gia Ban giám khảo Hội diễn “Tiếng hát sinh viên” toàn quốc,  qua trò chuyện với một số Hiệu trưởng các trường đại học, họ đều thấy mảng văn hóa văn nghệ- giáo dục thẩm mĩ của các trường đại học chưa có định hướng rõ ràng, chưa có sự chỉ đạo nội dung cụ thể, trong khi ở các nước phát triển thường có cả một chiến lược giáo dục cụ thể, nội dung giáo dục Nghệ thuật trong các trường đại học là không thể thiếu. Mong muốn thì như vậy, nhưng có lẽ phải trong tương lai xa may ra mới thành hiện thực. Đề nghị quán triệt hơn nữa nội dung giáo dục bản sắc dân tộc trong chương trình cũng như sách giáo khoa Âm nhạc. Giáo sư Trần Văn Khê, một học giả lớn, đáng tự hào của nền âm nhạc nước nhà từng trăn trở suốt cả một đời. Ông đã có nhiều ý kiến hết sức xây dựng về vấn đề này, chương trình giáo dục Âm nhạc hiện hành tuy đã chú ý, nhưng chưa đủ, cần tìm cách này cách khác bổ sung thêm, không được xem nhẹ.

Đối với giáo dục Âm nhạc ở Tiểu học cần chú ý cho các em tiếp cận với tiết tấu nhiều hơn qua các nhạc cụ gõ đơn giản. Đối với cấp Trung học phổ thông phải chú ý về thưởng thức âm nhạc và việc phân tích bình luận tác phẩm, bên cạnh việc hình thành các kĩ năng âm nhạc.

Trong các hoạt động ngoại khóa cần chú trọng đến hát hợp xướng nhiều hơn nữa, vì đó là một hình thức biểu diễn, một sân chơi rất bổ ích đối với việc giáo dục học sinh, như Ka-ba-lep-sky, nhạc sĩ, nhà sư phạm kiệt xuất của Nga đã đề xuất từ lâu.

 

-Về công tác đào tạo với việc sử dụng: không thể phủ định những kết quả đào tạo đáng ghi nhận trong thời gian qua của các cơ sở đào tạo, trong đó có vai trò đi đầu của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề về đào tạo cần phải xem xét. Nội dung đào tạo có gì cần phải bổ sung chỉnh sửa không? Tôi cho rằng có và thậm chí phải xem xét kỹ. Tồn tại lớn trong đào tạo, không chỉ trong ngành sư phạm mà nói chung trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay đang lúng túng, đó là khả năng thực hành, khả năng tiếp cận thực tế của sinh viên tốt nghiệp còn có khoảng cách khá lớn. Cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy nhiều hơn nữa, ngay trong các môn học lí thuyết. Đồng thời cần phải tinh giản những môn học mà số giờ chiếm nhiều quĩ thời gian nhưng hiệu quả ứng dụng lại chẳng được là bao, đành rằng môn nào chẳng cần. Đã đến lúc phải tái cơ cấu các cơ sở đào tạo, để tránh khủng hoảng thừa giáo viên dẫn đến lãng phí công sức, tiền bạc của cả gia đình các em và xã hội.

Liệu đã có một điều tra cơ bản nào về sinh viên  ra trường và con số dư thừa về số lượng đào tạo hàng năm chưa? Đào tạo cứ đào tạo, sử dụng thì nhỏ giọt, học xong đi làm nghề khác là một thực tế hiện nay không hiếm. Ai sẽ là người cầm cân nảy mực ở chỗ này, hay mạnh ai nấy làm, chạy xin chỉ tiêu cứ chạy, cứ đào tạo, để rồi muốn ra sao thì ra. Phải chăng đó là sự tùy tiện, thiếu kế hoạch ngay ở tầm vĩ mô?

-Cần sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan chức năng: giáo dục Âm nhạc không chỉ là công việc riêng của các nhà trường, của Bộ GD&ĐT. Nó đòi hỏi một sự phối hợp với nhiều ngành và đoàn thể khác, như với báo chí, đài phát thanh, truyền hình, với Đoàn thanh niên cộng sản, với Hội Đồng Đội, với các nhà Văn hóa thiếu nhi trung ương và địa phương. Trong mấy năm qua Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã phối hợp với Đài truyền hình làm được một số chương trình giáo dục nghệ thuật có tác dụng tốt, nâng cao nhận thức xã hội đối với công chúng. Truyền thông là một phương tiện có sức mạnh trong xã hội hiện đại. Nhưng vẫn có nhiều chương trình mà các nhà giáo dục cảm thấy bức xúc, như chương trình Đồ Rê Mí, Giọng hát Việt nhí, ... Người ta than rằng, trẻ em già trước tuổi, trẻ em toàn hát bài người lớn, quá sức, quá tầm cỡ, nhưng kết quả là có những em kiếm tiền từ rất sớm, thậm chí rất nhiều tiền. Phải công nhận các em có tài, nhưng nên phát huy nó như thế nào, chẳng thấy ai lên tiếng. Tôi rất mong muốn các nhà lí luận, các nhà sư phạm âm nhạc vào cuộc bằng những bài viết, những phân tích các hiện tượng ấy. Và đó là tham gia vào giáo dục thẩm mĩ, giáo dục nghệ thuật cho công chúng, tạo hiệu ứng xã hội, không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà trường.

Còn một vấn đề nữa, đó là bài hát cho nhà trường. Bộ GD&ĐT đã từng phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình, Trung ương Đoàn tổ chức nhiều cuộc phát động sáng tác. Qua mỗi đợt như vậy đều thu được kết quả tốt. Nhờ thế mà người biên soạn sách giáo khoa chọn được bài hát đưa vào trường học, đưa vào sách. Những người biên soạn hiện nay còn băn khoăn là không biết tìm kiếm chọn bài hát hay ở đâu?

Tưởng rằng một vài vấn đề nêu trên xa với chủ đề hội thảo, nhưng thiết nghĩ, tất cả đều là những suy tư, để chuẩn bị có một hành trang cần thiết cho lần đổi mới giáo dục đang được khởi động.

Xin có một ý kiến tâm huyết nữa, nếu hội thảo chỉ để hội thảo, mọi trao đổi lại xếp vào ngăn kéo, e rằng lại một lần lãng phí thời gian công sức và kinh phí của nhà trường. Tôi thiết tha đề nghị chủ tọa và thư ký cho tổng hợp các vấn đề cốt lõi của hội thảo này thành một văn bản ngắn gọn, gửi lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các Vụ GD tiểu học, Vụ GD trung học, Vụ Công tác học sinh sinh viên, cả Vụ Mầm non và Vụ Tổ chức nữa, may ra hồi chuông này sẽ thức tỉnh một vấn đề lâu nay tưởng như đang ngủ yên.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates