I. CÁC KÊNH PHÂN PHỐI HÀNG HÓA ONLINE PHỔ BIẾN HIỆN NAY
1. Các trang mạng xã hội
Nói đến các kênh phân phối online, người ta chủ yếu nói đến cụm từ “Bán hàng online” và thường nghĩ đến Facebook, zalo, youtube. Nếu như nhiều năm trước, các trang mạng xã hội chỉ được dùng để chia sẻ cảm xúc, hình ảnh về cuộc sống cá nhân thì những năm gần đây do số lượng người dùng tăng đột biến nên các hình thức mua bán hoạt động mạnh mẽ hơn. Tại Việt Nam, Facebook, zalo và Youtube là những trang mạng xã hội có nhiều người sử dụng để phân phối hàng hóa nhất, trong đó, facebook và zalo là hai trang mạng được sử dụng để phân phối hàng hóa, youtube là trợ thủ đắc lực để quảng bá sản phẩm.
Đặc điểm của việc phân phối hàng hóa qua Trang mạng xã hội
Theo thống kê, lượng người dùng mạng xã hội cho đến năm 2018 lên đến 3,3 tỉ người chiếm 43% dân số thế giới, trong đó Việt nam đứng thứ 7 tỉ lệ người dùng Facebook. Vậy lý do gì khiến Facebook trở thành kênh phân phối lý tưởng như vậy?
Thuận tiện hơn
Sự thuận tiện là lý do lớn nhất khiến một doanh nghiệp lựa chọn kênh phân phối online. Vì họ có thể trao đổi giao dịch hàng hóa bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu miễn là có phương tiện được kết nối online.
Quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn
Facebook hiện nay được đánh giá là một kênh quảng cáo thông minh và hiệu quả. Bằng việc trả một khoản phí cho quảng cáo, sản phẩm của nhà phân phối sẽ hiện lên trang chủ của người tiêu dùng đang có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm đó. Một lợi thế nữa, chính là sản phẩm nào cũng có thể quảng cáo được trên facebook trừ những mặt hàng pháp luật cấm giao dịch. Hiện nay, ngay cả những công ty, tập đoàn lớn không chú trọng giao dịch trên các trang mạng xã hội cũng sử dụng quảng cáo trả phí trên facebook để quảng bá hình ảnh của họ.
Giá cả tốt hơn
Khi tham gia phân phối hàng hóa trên các trang mạng xã hội, nhà phân phối có một lợi thế rất lớn trong việc cạnh tranh giá cả với các nhà phân phối truyền thống. Do không mất tiền thuê mặt bằng và các chi phí điện nước, nhân viên nên các nhà phân phối này sẽ đưa ra được mức giá cạnh tranh hơn so với các nhà phân phối truyền thống.
Hàng hóa đa dạng dễ tìm kiếm
Tính năng tìm kiếm hiện nay được phát triển tối ưu. Chỉ cần gõ từ khóa hoặc tên mặt hàng cần tìm, thông tin về hàng hóa, giá cả và người bán hiện lên rõ ràng đầy đủ, do đó người mua sẽ dễ dàng đưa ra sự lựa chọn của mình mà không mất thời gian đi lại khảo giá.
Tiết kiệm chi phí
Nhà phân phối có thể cắt giảm được rất nhiều chi phí khi tham gia phân phối hàng hóa online. Những chi phí vận hành như chi phí thuê mặt bằng kinh doanh, nhân viên, điện nước được cắt giảm đáng kể khi một nhà phân phối lựa chọn loại hình kinh doanh này. Thay vào đó sử dụng chi phí cho quảng cáo sẽ tạo được nhiều hiệu ứng tích cực hơn, tăng độ phủ cho trang cá nhân và sản phẩm sẽ góp phần đẩy doanh số lên cao tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho nhà phân phối.
Dễ dàng quản lý
Việc sử dụng kênh phân phối này còn hạn chế được tình trạng mất cắp, thất thoát trong quản lý hàng hóa. Các kênh phân phối truyền thống đặc biệt là các điểm bán lẻ thường đau đầu vì tình trạng thất thoát hàng hóa, việc phân phối hàng hóa qua trang mạng xã hội sẽ giải quyết tối đa tình trạng này. Thông thường người mua sẽ nhận hàng tại nhà hoặc địa điểm thỏa thuận từ trước, nên những người có ý đồ xấu sẽ không có cơ hội thực hiện hành vi với những nhà phân phối online vì không được tiếp xúc trực tiếp với họ và các sản phẩm của họ.
Hạn chế đóng thuế
Hiện nay chưa có bộ luật nào nói rõ phải đóng thuế khi tham gia mua bán trên trang mạng xã hội, do nhà nước chưa quản lý được số lượng hàng hóa tiêu thụ của các nhà phân phối. Theo đó nhà phân phối trên các trang như facebook chỉ phải đóng thuế thu nhập cá nhân thay vì phải chịu các khoản thuế nghiêm ngặt như các nhà phân phối truyền thống trên thị trường.
2. Sàn thương mại điện tử
Sàn thương mại điện tử hiện nay được hiểu là các hoạt động phân phối hàng hóa online qua các website và hầu hết các trang thương mại điện tử đều hoạt động như cầu nối giữa các doanh nghiệp, chủ shop tới người tiêu dùng. TMDT Được phân thành ba loại khác nhau dựa trên phân khúc khách hàng tham gia giao dịch: Doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) và người tiêu dùng với người tiêu dùng (C2C).
Năm năm qua là khoảng thời gian phát triển mạnh mẽ của các trang thương mại điện tử và được dự đoán sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong các năm tới. Cho đến nay, các trang như Shopee, lazada, sendo ..vv.. đang dần lấy được lòng tin từ người tiêu dùng Việt với giao diện thân thiện, giao dịch dễ dàng, nhanh chóng.
Tại sao thương mại điện tử ( TMDT) lại tăng trưởng nhanh như vậy?
Với dân số 96.02 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa là 35%, lượng người sử dụng internet ở Việt Nam năm 2018 đạt 64 triệu người dùng, chiếm 67% dân số. Cùng với đó, đường truyền internet tốc độ cao được phát triển mạnh, điện thoại thông minh được ưa chuộng, các nhà cung cấp mạng có sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá và chất lượng khiến internet trở thành một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Nhìn thấy tiềm năng trên thị trường cùng những bài học về sự thành công của các trang thương mại điện tử trên thế giới mà 5 năm qua nhiều doanh nghiệp đã tận dụng nhiều lợi ích của thương mại điện tử và mang về doanh số khổng lồ.
Lợi ích của thương mại điện tử
Mở rộng thị trường
Một nhà phân phối truyền thống sẽ bị giới hạn số lượng khách hàng mà họ có thể phục vụ tại vị trí đặt cửa hàng đó. Nhưng một cửa hàng kinh doanh trực tuyến hoặc kinh doanh trên các trang thương mại điện tử lại có thể khắc phục được điều này. Với hình thức này, nhà phân phối có thể quảng bá sản phẩm và thương hiệu của mình trên khắp cả nước. Hơn nữa, người tiêu dùng có thể ghé thăm nhiều shop, doanh nghiệp mà không mất thời gian hay hay chi phí đi lại.
Thời gian giao dịch linh hoạt
Một lợi ích tuyệt vời khác của việc phân phối qua các trang TMDT đó là sản phẩm của các nhà phân phối luôn luôn sẵn sàng để giao dịch và với họ đó là một lợi thế giúp gia tăng doanh thu mạnh mẽ. Đối với khách hàng, giao dịch trực tuyến là một sự lựa chọn thuận tiện và lúc nào cũng có thể mua hàng. Thời gian mở cửa với giao dịch trực tuyến là vô hạn, trừ khi các shop chủ động đóng cổng giao dịch của mình vì lý do riêng. TMDT không bao giờ bị giới hạn giờ làm việc, các nhà phân phối có thể phục vụ khách hàng 24/7/365 ngày .
Chính sách giảm giá
Với loại hình phân phối hàng hóa qua các trang thương mại điện tử, các doanh nghiệp, nhà phân phối được hưởng lợi từ việc giảm các chi phí hoạt động đáng kể. Họ cắt giảm được nhân viên, chi phí điều hành do đó sẽ tạo ra các chính sách giảm giá cạnh tranh hơn so với các nhà phân phối truyền thống.
Quản lý hàng tồn kho
Các doanh nghiệp phân phối hàng hóa qua sàn thương mại điện tử có thể tự động hóa việc quản lý hàng tồn kho của mình bằng cách sử dụng các công cụ trên internet để đẩy nhanh các thủ tục đặt hàng, giao hàng và thanh toán. Nó giúp doanh nghiệp tiết kiệm một khoản chi phí khổng lồ trong việc quản lý các hoạt động và hàng tồn kho.
Tối ưu hiệu quả quảng cáo
Trang thương mại điện tử có lợi thế là có thể nắm trong tay một kho dữ liệu khách hàng phong phú, do đó doanh nghiệp có thể theo dõi được thói quen mua sắm của khách hàng cũng như các xu hướng hàng hóa, dịch vụ mới nổi để có thể nhanh chóng cập nhật xu hướng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Qua đó có thể tìm kiếm được thêm nhiều khách hàng mới trong một thời gian ngắn.
Phục vụ mọi thị trường
Điều hành một doanh nghiệp truyền thống luôn là thử thách khó khăn. Ở đó, hầu như doanh nghiệp ít có cơ hội mở rộng thị trường trừ khi họ tạo ra một sản phẩm đột phá trở thành xu hướng. Mặt khác, bằng cách thâm nhập vào một môi trường phân phối mới, các nhà phân phối trên các kênh thương mại điện tử có thể xây dựng một bộ máy hoạt động có lợi nhuận cao mà không cần đầu tư quá nhiều. Bằng các tính năng tìm kiếm trực tuyến, khách hàng từ bất kỳ nơi nào đều có thể tìm và mua sản phẩm của bạn.
Làm việc từ bất cứ đâu
Thông thường, một nhà phân phối điều hành hoạt động bán hàng trên sàn thương mại điện tử không cần phải ngồi trong văn phòng từ 9 đến 5 giờ hay phải chịu đựng cảnh đi lại ngoài thị trường mỗi ngày. Một máy tính xách tay có kết nối internet tốt là tất cả những gì họ cần để quản lý doanh nghiệp từ bất cứ đâu.
II. ƯU NHƯỢC ĐIỂM CỦA KÊNH PHÂN PHỐI HÀNG HÓA ONLINE
1. Ưu điểm
Là một kênh tiềm năng trên thị trường
Cho đến năm 2018, hàng triệu người đã tham gia vào mua sắm online, theo thống kê của bộ công thương 57% dân số Việt nam tham gia mua sắm online. Cùng sự phát triển nhanh chóng của các đường truyền internet tốc độ cao giúp người dùng dễ dàng tiếp cận các hình thức mua sắm trực tuyến.
Các thao tác mua bán nhanh chóng
Người tiêu dùng hiện nay chỉ cần sử dụng máy tính, điện thoại các phương tiện có kết nối internet là có thể thao tác mua bán online. Với lối sống công nghiệp bận rộn, cùng núi việc gia đình nên người dân không còn nhiều thời gian cho việc ra đường đi lựa chọn từng mặt hàng mình cần. Mua sắm trực tuyến thực sự giúp người mua tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, nhà phân phối nhanh chóng tiếp nhận đơn hàng, giao dịch phục vụ người tiêu dùng.
Trao đổi giao dịch dễ dàng
Các thao tác tính năng online hiện nay đều được phát triển theo hướng đơn giản, dễ dàng sử dụng, nhà phân phối và khách hàng trao đổi với khách hàng một cách nhanh chóng, các tính năng thanh toán online cũng trở nên nhanh chóng thuận tiện hơn với tính báo mật thông tin người dùng cao tạo thêm uy tín cho các kênh phân phối online.
Bảo mật thông tin cao
Các ứng dụng, trang mạng xã hội đều có chức năng bảo mật thông tin, trừ những thông tin họ muốn public. Do vậy nỗi lo bị lộ thông tin khách hàng và nhà phân phối không đáng ngại
2. Nhược điểm
Cạnh tranh thị trường lớn
Với tiềm năng thị trường, ai cũng nhìn ra nguồn lợi từ thị trường này và ai cũng có thể bán hàng online. Cùng 1 mặt hàng hàng triệu người bán quy mô lớn nhỏ. Dần dần các kênh bán hàng truyền thống cũng đang dần tham gia bán hàng trực tuyến do nhìn ra tiềm năng của kênh phân phối này.
Cạnh tranh về chất lượng sản phẩm
Một nhược điểm lớn đó là người tiêu dùng không thể phân biệt được chất lượng hàng hóa khi nhìn qua ảnh. Doanh nghiệp dễ dàng bị sao chép thông tin sản phẩm, ảnh sản phẩm để bán một mặt hàng giống như vậy nhưng kém chất lượng hơn. Tạo sự nghi ngờ trên thị trường.
Gia tăng lừa đảo hàng hóa
Một số thủ đoạn như đặt hàng chuyển khoản nhưng không giao hàng hay đặt 1 sản phẩm giao 1 sản phẩm khác cũng đang xuất hiện trên thị trường hiện nay và chưa có hướng giải quyết triệt để.
Chỉ phù hợp với các loại hình kinh doanh vừa và nhỏ.
Hoàng Yến
0 nhận xét:
Đăng nhận xét