MÔI TRƯỜNG THEO SƯ PHẠM HỌC TƯƠNG TÁC
TS. Nguyễn Thị Bích Hạnh
(ĐHSP TP.HCM)
Chất lượng và hiệu quả của hoạt động dạy học chịu chi phối của các yếu tố bên trong và bên ngoài, nhưng trước hết phải kể đến ảnh hưởng của các yếu tố thuộc cấu trúc hoạt động dạy học.
Tiếp cận hoạt động dạy học theo quan điểm sư phạm học tương tác, không chỉ dừng lại ở việc xác định đúng các yếu tố tham gia hoạt động dạy học, chức năng riêng biệt của từng yếu tố và quan hệ giữa chúng, mà chủ yếu là làm rõ sự tác động tương hỗ giữa các yếu tố tạo thành một tập hợp liên kết chặt chẽ.
Từ cách tiếp cận như trên, theo chúng tôi dạy học có thể được hiểu là hệ thống những tác động qua lại lẫn nhau giữa nhiều yếu tố nhằm mục đích hình thành tri thức, kĩ năng tương ứng và hòan thiện đạo đức cho người công dân.
Từ cách hiểu này, chúng ta nhận thấy dạy học là một hệ thống gồm nhiều yếu tố có quan hệ và tác động qua lại lẫn nhau.
Theo quan điểm sư phạm học tương tác, các yếu tố tạo thành cấu trúc hoạt động dạy học gồm: Kiến thức (khái niệm khoa học hay nội dung), Học (người học - trò), Dạy (người dạy - thầy), và Môi trường (điều kiện dạy học cụ thể).
Mỗi yếu tố thuộc cấu trúc hoạt động dạy học đảm nhận chức năng riêng biệt. Các yếu tố không tồn tại rời rặc bên cạnh nhau mà chúng có quan hệ với nhau và luôn tác động qua lại lẫn nhau.
Dạy và Học là hai yếu tố chính của hệ dạy học. Bởi vì đây là hai yếu tố động nhất, sự thay đổi của hai yếu tố này sẽ kéo theo sự thay đổi các yếu tố khác, đặc biệt thay đổi sự tác động qua lại giữa hai yếu tố Dạy và Học sẽ tạo nên chất lượng mới cho cả hệ dạy học. Do đó, cần làmrõ chức năng của yếu tố Dạy - Học - Môi trường và đặc biệt sự tương tác giữa hai yếu tố trong môi trường gắn với nội dung môn học.
Học là hoạt động của chủ thể nhằm biến đổi bản thân. Học được hiểu theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Theo Tâm lí học nhận thức: “Học là quá trình biến đổi và cân bằng cấu trúc nhận thức để thích nghi với môi trường”. Theo lí thuyết thông tin: “Học là quá trình thu nhận và xử lí thông tin từ môi trường sống của chủ thể, làm cho chủ thể tự biến đổi”. Từ đó, học được hiểu là “quá trình chuyển hoá tri thức của nhân loại thành tri thức của cá nhân”.
Hoạt động học tập của sinh viên có các đặc điểm riêng như gắn chặt với nghiên cứu khoa học và không tách rời hoạt động nghề nghiệp của người chuyên gia, mang tính độc lập, tự chủ và sáng tạo cao, phương tiện và phạm vi hoạt động nhận thức của sinh viên được mở rộng và phong phú.
Người học (sinh viên) là người có đầy đủ các điều kiện về sinh lí, tâm lí để thực hiện hoạt động học tập mang tính chất nghiên cứu khoa học. Cụ thể là về mặt thể chất, sinh viên đã đạt đến mức phát triển hoàn thiện về thể lực để tham gia hoạt động học tập ở đại học; về hoạt động trí tuệ, tư duy lí luận, các năng lực sáng tạo ở sinh viên phát triển hơn lứa tuổi thiếu niên (biểu hiện như họ thường xuyên, kiên trì đặt câu hỏi “Tại sao?”, thường tỏ ra nghi ngờ về tính đầy đủ, tính đúng đắn của các lời giải thích). Hoạt động tư duy của họ tích cực và độc lập hơn (biểu hiện như họ có thái độ không rập khuôn với các vấn đề đã biết, mà hướng vào việc tìm kiếm sự xuất hiện các yếu tố mới); động cơ học tập của sinh viên được hình thành phụ thuộc vào một số yếu tố như mục đích học tập, ý nghĩa của tri thức, tính mới lạ, hấp dẫn của nội dung, gây được các hoàn cảnh có vấn đề...
Học (sinh viên) có chức năng lĩnh hội và tự điều khiển. Học (người học) là yếu tố khách quan thứ hai qui định logic của tác động dạy học. Cùng với chất lượng và số lượng kiến thức, qui luật của sự lĩnh hội của người học, khả năng và điều kiện của sinh viên là yêu cầu khách quan kéo theo sự biến động phù hợp từ phía các phương pháp tác động sư phạm của giảng viên. Học qui định chiều hướng lựa chọn, tích lũy và xử lí thông tin liên quan đến nội dung môn học, cũng như khả năng khai thác và sử dụng các điều kiện phục vụ cho việc học của người học.
Dạy (người dạy). Theo I.U.Babanski, dạy là quản lí hoạt động tích cực, tự giác của học sinh trong việc tiếp thu tài liệu học tập; giáo viên có sứ mệnh tổ chức hoạt động tích cực của bản thân học sinh trong việc tiếp thu tri thức, kĩ năng mới, mặc dù khi ấy còn phải giảng giải và trình bày thông tin mới.
Theo C. Margolinas, dạy là làm sống lại kiến thức, làm cho kiến thức được tạo ra bởi chính học sinh như là câu trả lời cho tình huống; giúp đỡ học sinh đạt đến một sự hiểu biết cá nhân và chính xác hoá hiểu biết cá nhân thành kiến thức khoa học.
Còn với Gagné, dạy học là tổ chức các tình huống học tập. Hoặc “Dạy học ở đại học là tổ chức quá trình nhận thức có tính chất nghiên cứu cho sinh viên nhằm đạt được các nhiệm vụ dạy học đại học”.
Từ các cách định nghĩa về dạy học, chúng ta nhận ra hai chức năng của Dạy (người dạy) là truyền thụ (chuyển giao) và điều khiển.
Người dạy (giảng viên) can thiệp vào tất cả các yếu tố của hoạt động dạy học một cách có chủ đích (người dạy là người quyết định tri thức nào cần dạy và dạy như thế nào; tri thức nào người học cần học, và học như thế nào). Giảng viên là người lựa chọn và tổ chức nội dung thành các tình huống dạy học và áp dụng các cách thức hành động phù hợp, đặc biệt tình huống a - didactic có tác dụng đòi hỏi và tạo điều kiện để sinh viên tích cực tham gia vào hoạt động lĩnh hội tri thức, kĩ năng và các giá trị mới - môi trường hoạt động tích cực cho cả người học lẫn người dạy.
Từ các phân tích trên, theo chúng tôi, người dạy là người tạo ra môi trường dạy học, mà ở đấy người dạy và người học cùng phối hợp tổ chức, thực hiện nhằm đạt được các nhiệm vụ dạy học.
Môi trường trong sư phạm học tương tác không hiểu như là các đòi hỏi của xã hội (mô hình nhân cách) đặt ra cho nhà trường, trong đó có quá trình dạy học; cũng không hiểu là các điều kiện vật chất, tinh thần; các yếu tố bên trong và bên ngoài người dạy và người học ảnh hưởng đến hoạt động dạy và học, mặc dù sư phạm học tương tác có tính đến.
Môi trường bàn đến ở đây được hiểu là các tình huống dạy học do người dạy tạo ra cho người học hoạt động, cải biến và thích nghi. Căn cứ vào tính chất của nội dung tri thức và khả năng của người học trong tình huống lớp học cụ thể, người dạy xây dựng tình huống didactic hay tình huống a – didactic (sẽ trình bày kĩ ở một bài viết khác). Trong từng tình huống dạy học ấy, các nhiệm vụ nhận thức (như là những đòi hỏi của môi trường) và cả các điều kiện, phương tiện cần thiết để giải quyết các nhiệm vụ nhận thức đều đã được người dạy trù liệu, cân nhắc kĩ lưỡng và chuẩn bị trước cho sinh viên.
Những nhiệm vụ nhận thức được đề xuất một cách hợp lí trong từng tình huống dạy họcnhanh chóng được sinh viên nhận thức và tự giác thực hiện bằng việc chủ động huy động và sử dụng một cách hiệu quả tất cả các điều kiện bên trong (như động cơ học, tri thức, kĩ năng, vốn sống được hình thành trước đó, tình cảm và ý chí), và các điều kiện bên ngoài (như tài liệu học tập, thời gian và các thiết bị kĩ thuật, sự giúp đỡ của giảng viên, của bạn cùng học và những người lớn khác...), kết quả là họ lĩnh hội được tri thức, kĩ năng của môn học và nhiều giá trị khác. Từ sự phân tích này, tình huống dạy học mà cốt lõi là các nhiệm vụ nhận thức được giảng viên đề xuất một cách hợp lí trở thành một yếu tố trung tâm của môi trường dạy học. Nhiệm vụ học tập đã chuyển tất các yếu tố, các điều kiện khác của môi trường vốn đã tồn tại xung quanh người học nhưng ở thể tĩnh sang thể động vì khi đó chúng được người học huy động, khai thác phục vụ cho việc giải quyết nhiệm vụ học tập – nhận thức.
Môi trường trong sư phạm học tương tác là môi trường hoạt động, là yếu tố trung gian giữa Dạy - Nội dung - Học (xem sơ đồ). Các yếu tố này luôn ở trong trạng thái động, tương tác tích cực với nhau và trở nên có ý nghĩa hơn đối với người học lẫn người dạy và hoạt động của họ.
Xin nêu ra đây một ví dụ. Khi dạy học phần “Lí luận dạy học”, giảng viên đã giao nhiệm vụ tự học cho sinh viên: Cải tiến phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh. Một sinh viên đã chọn phương pháp luyện tập môn Vật lí để thể hiện. Giải quyết nhiệm vụ học tập này, em đã đọc nhiều tài liệu viết về phương pháp dạy học nói chung mà cả tài liệu viết về phương pháp dạy học môn Vật lí; khai thác tài liệu in và tài liệu trên mạng Internet; dự giờ luyện tập môn Vật lí ở phổ thông; xem băng hình về các giờ dạy giỏi môn Vật lí, học hỏi kinh nghiệm của giáo viên dạy môn Vật lí và kinh nghiệm cua những người thân trong gia đình làm nghề dạy học,.v.v. để thiết kế các bài luyện tập ở trên lớp, xây dựng phiếu đánh giá, tổ chức dạy thử các bài luyện tập đã xây dựng,.v.v. Như vậy, các điều kiện, phương tiện được sinh viên huy động và khai thác phục vụ cho nhiệm vụ học tập một cách hiệu quả.
Môi trường với nội dung như thế nên sự thích nghi của người học trước những đòi hỏi của môi trường (hoàn thành các nhiệm vụ học tập) mới tạo nên sự thay đổi trong hoạt động của người học lẫn người dạy, và chính vì thế, bản thân môi trường cũng thay đổi (từ tình huống diadactic đến tình huống a - didactic và ngược lại).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét