Tác giả Hồ Ngọc Khải
Orff-Schulwerk là phương pháp dạy học âm nhạc được sáng tạo bởi hai nhà sư phạm âm nhạc người Đức, Carl Orff và Gunild Keetman, từ những năm 1920.
Hiện phương pháp này được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Anh, Nga, Nhật, và Hàn Quốc. Tại Hoa Kỳ, AOSA – Hiệp hội Orff-Schuwerk Hoa Kỳ (American Orff-Schulwerk Association) là một tổ chức phát triển chuyên môn có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với giáo viên âm nhạc của toàn liên bang và quốc tế (Shamrock, 2007).
1. ĐỊNH HƯỚNG TRIẾT HỌC ÂM NHẠC
Phương pháp Orff-Schulwerk dựa trên nền tảng khai thác và phát triển năng lực âm nhạc thông qua khả năng vui chơi tập thể và vận động. Những khả năng này tiềm tàng một cách tự nhiên trong mọi đứa trẻ. Năng lực âm nhạc tự nhiên đó bao gồm: hát, xướng đồng dao – ca dao, vỗ tay, đập gõ, chơi trò chơi, nhảy múa, v.v. Theo Orff và Keetman, trẻ học âm nhạc bắt đầu bằng nghe và thực hành trước, rồi mới đến đọc và viết. Quá trình phát triển các kỹ năng âm nhạc của trẻ giống như quá trình trẻ học một loại ngôn ngữ nào đó (Shamrock, 2007).
Nguồn tư liệu học âm nhạc của trẻ được sử dụng phải khai thác một cách ưu tiên từ dân ca, đồng dao, trò chơi trẻ em gắn kết với ngôn ngữ mẹ đẻ của trẻ. Bởi vì trẻ được sinh ra và lớn lên trong môi trường ngôn ngữ này nên chúng dễ đọc, dễ nhớ, và dễ hiểu các giai điệu, tiết tấu, nhóm âm hình đặc trưng của bài hát dân gian, bài đồng dao phản ảnh đời sống văn hóa của cộng đồng.
Theo Orff-Schulwerk, âm nhạc tồn tại đa thành phần (elemental) mà không riêng rẽ. Nghĩa là âm nhạc phải gắn kết với động tác, vận động, vũ điệu, và nói –xướng theo vần điệu (speech). Vì vậy, trẻ em học âm nhạc không phải chỉ nghe, đọc, xướng mà phải được tham gia, trải nghiệm âm nhạc qua vận động và chơi đùa (music and movement). Trong đó âm nhạc được xây dựng theo dạng “khối đa tầng” (blocks) gồm giai điệu, tiết tấu, hòa âm, hình thức, kết cấu, âm sắc, và sắc thái. Còn vận động âm nhạc gồm các vận động tại chỗ (non-locomotor movement) và vận động chuyển dịch (locomotor movement). Các vận động âm nhạc được thể hiện trong không gian, thời gian, và các mức độ sử dụng năng lượng cơ thể, được thiết kế theo những mẫu hoặc cấu trúc âm nhạc đặc trưng.
2. CƠ CẤU CÁC HOẠT ĐỘNG ÂM NHẠC (ACTIVITY COMPONENTS)
2.1. Nói theo nhịp điệu (Speech)
Tôi xin phép được dịch Speech là hát nói hay nói theo vần điệu. Có nghĩa là xướng những nội dung ngôn ngữ cụ thể theo những cấu trúc âm hình tiết tấu. Ở dạng hoạt động âm nhạc này, trẻ chơi, vận động kết hợp với hát đồng dao (chant), chúng đọc những mẫu văn vần theo một tiết tấu đặc trưng. Ví dụ:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Thả trâu ăn lúa…gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên đồi
Mẹ thì cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Ở ví dụ trên, trẻ có thể kết nối thành hàng, xướng bài đồng dao và bước nhịp nhàng theo phách, hay bước theo tiết tấu. Hoạt động này giúp trẻ cảm nhận sự đồng đều của phách, tiết nhịp, âm hình, nhịp điệu ở các tốc độ khác nhau. Qua vui chơi và xướng bài đồng dao trên, trẻ có thể học hay luyện tập các khái niệm phách (beat), tiết tấu (rhythm), nốt đen, đen chấm dôi – móc đơn.
2.2. Hát (Singing)
Hát theo phương pháp Orff, không biểu diễn một cách riêng rẽ mà thường kết hợp với các trò chơi và vận động. Bài hát thường là các bài dân ca nhỏ về hình thức, đơn giản về giai điệu và tiết tấu được lồng ghép với các trò chơi dân gian hay trò chơi thiếu nhi. Hoạt động hát nhằm nâng cao năng lực ca hát, đồng thời phát triển khả năng cảm thụ các quan hệ âm điệu (tonal relationships) cho trẻ em. Các bài hát được sử dụng cho lứa tuổi thiếu nhi ở các lớp đầu cấp (1, 2, và 3) bắt đầu với các gam ngũ cung phổ biến (Pentatonic) sau đó mới đến các bài hát sử dụng các gam 7 âm – dành cho các lớp lớn hơn (4, 5, 6, 7, v.v.). Theo Orff-Schulwerk, trẻ em ở lứa tuổi nhỏ dễ cảm nhận và hát các bài hát dân ca đơn giản có giai điệu được xây dựng trên các motip bao gồm các nốt sol-mi-la-sol-mi. Quãng 3 thứ đi xuống là quãng dễ nhất mà các em có thể cảm thụ được. Tuy nhiên, Orff cho rằng, sự khác biệt đối với cảm nhận các quãng và nhóm âm của trẻ em còn mang tính đặc thù của từng nền văn hóa đặc trưng.
Có thể dụng một ví dụ minh họa cho hoạt động hát theo phương pháp Orff-Schulwerk như bài đồng dao Tập tầm vông:
Tập tầm vông, tay không tay có
Tập tầm vó, tay có tay không.
Tay nào không, tay nào có?
Tay nào có, tay nào không?
Trong bài hát này, trẻ có thể chơi trò chơi “đoán” như sau. Trẻ ngồi trong vòng tròn trên nền nhà, mỗi trẻ cầm một mẫu tre nhỏ. Khi hát các em đưa tay ra sau lưng, đổi mẫu tre từ tay này sang tay kia một cách ngẫu nhiên. Một hoặc hai em được chọn ngồi ở giữa vòng tròn, quan sát. Đến hết bài hát tất cả các em trong vòng tròn giơ tay ra trước, lòng hai bàn tay nắm lại. Đứa trẻ ở giữa sẽ chọn bất kỳ một em để đoán xem thanh tre nằm trong tay phải hay tay trái của bạn. Nếu đoán đúng em đó sẽ thay thế để làm người đoán ngồi giữa vòng tròn.
Qua hát và chơi bài hát đồng dao này, các em sẽ cảm nhận các tiết tấu đen (q), đen chấm dôi-móc đơn (je), đen chấm – móc kép ( o). Sau khi chơi trò chơi, tùy mục đích của bài học là nhóm tiết tấu đặc trưng nào mà giáo viên có thể cho các em tập vỗ tay, sử dụng bộ gõ cơ thể (body peccussion), hay dùng các nhạc cụ cầm tay không định âm để gõ các mẫu tiết tấu cơ bản, trước khi cho các em tiếp xúc các mẫu tiết tấu này được viết theo hình nốt.
2.3. Chơi nhạc cụ (Playing Instruments)
Orff-Schulwerk sáng tạo một số nhạc cụ tiêu biểu dành cho trẻ em. Các nhạc cụ này thường được gọi là nhạc cụ Orff (Orff instruments), được thiết kế ở nhiều khổ lớn nhỏ khác nhau, đơn giản về kỹ thuật. Hơn thế nữa, Orff cho rằng tự thân các hoạt động vỗ, gõ tự nhiên của trẻ em cũng có thể xem như những nhạc cụ gõ cơ thể mà bất cứ trẻ em nào cũng được sở hữu một cách tự nhiên.
2.3.1 Bộ gõ cơ thể (Body Percussion)
Bốn âm thanh cơ bản được tạo ra bởi tiếng vỗ tay, búng tay, vỗ trên đùi, và dậm chân là những âm thanh chính của bộ nhạc cụ gõ cơ thể. Giáo viên có thể thêm vào những âm thanh khác để làm phong phú bộ nhạc cụ này. Trẻ học các động tác này trong các cấu trúc âm nhạc đơn giản. Có thể nối kết với nhau theo dạng canon, theo bè, theo mẫu âm xen đều nhau (ostinato), chơi độc lập hoặc đệm cho bài hát, hay kết hợp với các nhạc cụ khác như một bè đệm.
2.3.2. Nhạc cụ cầm tay không định âm (Unpitched Hand Percussion)
Nhóm này gồm các nhạc cụ nhỏ tạo ra các âm thanh rất thú vị và đặc biệt hấp dẫn trẻ em, dễ sử dụng trong lớp học. Thường các nhạc cụ này được sử dụng kết hợp với nhau. Trẻ chơi nhạc cụ theo nhóm. Mỗi âm hình tiết tấu thường gắn với một loại nhạc cụ. Trẻ tự nhận dạng âm thanh và có thể lựa chọn loại nhạc cụ có âm sắc với âm thanh đó.
3. NHẠC CỤ ORFF (ORFF INSTRUMENTS)
Các nhạc cụ này là nhạc cụ định âm, được thiết kế ở nhiều khổ khác nhau phù hợp với trẻ em, gồm 3 loại đàn có thanh phím. Các thanh phím này có thể lấy ra và lắp vào rất dễ dàng, bao gồm Xylophone, Metallophone, và Glockenspiel. Trong học chơi các loại đàn thanh phím này, giáo viên có thể tháo bỏ đi một số phím để trẻ khỏi nhầm lẫn và dễ nhận dạng các âm của từng thanh (Shamrock, 2007). Dưới đây là một số hình ảnh cho các loại nhạc cụ không và định âm được sử dụng trong một lớp học âm nhạc theo phương pháp Orff-Schulwerk. Ngoài ra, nhạc cụ thổi Recorder còn được bổ sung để tạo sự phong phú của âm sắc trong nhóm nhạc cụ Orff.
Trong các tiết học âm nhạc, phần thực hành chơi nhạc cụ gắn liền với các hoạt động học tập khác. Mỗi nhóm trẻ đảm nhiệm một nhạc cụ thường gõ các âm hình tiết tấu đơn giản, lập đi lập lại. Một số nhóm chơi các nhạc cụ định âm như xylophone, metallophone thì đánh những mẫu âm thường có 2, hay 3 nốt, đơn giản, lập đi lập lại rất dễ nhớ. Tuy nhiên, khi kết hợp các nhạc cụ sẽ tạo nên một sự hòa âm rất dày và hiệu quả
4. NGUYÊN LÍ SƯ PHẠM ÂM NHẠC (PEDAGOGY)
Quá trình sư phạm theo Orff-Schulwerk thể hiện tính logic trong các bước nhận thức âm nhạc của trẻ em. Bước đầu tiên được gọi là bước khám phá (Exploration). Trẻ được tiếp xúc với âm thanh của nhạc cụ, với tiết tấu, hay các mẫu âm. Giáo viên đưa ra các câu hỏi gợi ý để các em tự khám phá các đặc điểm âm nhạc đặc trưng của chúng. Ví dụ, “Em có thể mô tả đặc điểm của âm thanh do chiếc chuông bò tạo ra?” hay “Với hai âm sol và mi, em hãy tự tạo ra một giai điệu âm nhạc.” Bước thứ hai gọi là mô phỏng, bắt chước (Imitation). Ở bước này học sinh lập lại những mẫu âm ngắn được chơi trên nhạc cụ, hay xướng âm bởi thầy giáo. Mỗi lần thực hiện chỉ một mẫu âm có cấu trúc đặc biệt, trong đó điểm lý thuyết, hay một âm hình tiết tấu được nhấn mạnh một cách điển hình.
Tiếp theo là bước chơi nhạc ngẫu hứng (Improvisation) – Trẻ được yêu cầu chơi ngẫu hứng trên nhạc cụ hay hay một mẫu âm có độ dài và mức độ khó tương đối hơn dựa vào các thành tố âm nhạc các em đã học qua giai đoạn mô phỏng. Bước cuối cùng – bước sáng tạo (Creation), trẻ được tham gia một quá trình chơi nhạc khó hơn, đòi hỏi sự sáng tạo trên nền tảng những kiến thức âm nhạc mới học. Hình thức âm nhạc có thể áp dụng trong bước này có thể là ABA, rondo, hay biến tấu nhỏ.
5. PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG ĐỌC VIẾT VÀ NGUỒN TƯ LIỆU ÂM NHẠC (LITERACY AND MATERIALS)
Về mặt lý luận, Call Orff cho rằng việc học đọc nhạc là không thể thiếu được đối với người học. Bởi vì, đọc và viết nhạc sẽ giúp người học tiến xa hơn trên con đường phát triển âm nhạc (Shamrock, 2007). Tương tự Kodály, Orff-Schulwerk khuyến khích giáo viên sử dụng hệ thống do chuyển động(moveable do) để dạy học xướng âm cho trẻ kết hợp với các dạng chữ tiết tấu (rhythmic syllables). Tuy nhiên, mục đích chính của giáo dục âm nhạc vẫn là giúp trẻ được hòa trộn vào môi trường âm nhạc một cách độc lập, thoải mái, và vui tươi.
Xét về mặt tư liệu sư phạm, Orff-Schulwerk ưu tiên sử dụng nguồn âm nhạc truyền thống dân tộc từ nền văn hóa đặc trưng của trẻ, trong đó chú trọng các bài hát, đồng dao, tiết tấu, và âm hình, v.v. Bản thân Call Orff đã xuất bản 6 tập, Âm nhạc cho trẻ em (Music for Children, chủ yếu trên nền âm nhạc Pentatonic. Những tác phẩm này đã và đang được dịch sang nhiều thứ tiếng và sử dụng ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, Orff luôn khuyến khích giáo viên khai thác nguồn âm nhạc truyền thống của mỗi dân tộc, quốc gia để biên soạn áp dụng vào chương trình giáo dục âm nhạc của mình để duy trì và phát triển các bản sắc văn hóa của xứ sở.
Ở Việt Nam sau chương trình giáo dục phổ thông 2001, chúng ta đã áp dụng một số phương tiện dạy học âm nhạc theo hướng của phương pháp Orff-Schulwerk. Việc gõ thanh phách, song loan, vỗ tay theo phách, theo nhịp,và giai điệu là một ví dụ. Tuy nhiên, những hoạt động âm nhạc đó vẫn là những áp dụng có tính ban đầu. Thực tế, hoạt động ở lớp học âm nhạc cho trẻ em của chúng ta vẫn còn hạn chế. Phương pháp Orff-Schulwerk sẽ cung cấp cho chúng ta một tiềm năng to lớn trong việc phát triển kỹ năng và tư duy âm nhạc cho trẻ thông qua tương tác và vận động. Vì vậy, việc nghiên cứu và ứng dụng phương pháp này vào chương trình giáo dục âm nhạc Việt Nam là thật sự cần thiết nhằm tăng cường và đa dạng hóa môi trường giao tiếp âm nhạc ở học đường cho con em chúng ta.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét