SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 15 tháng 6, 2021

Chơi piano theo cảm âm?

 


Nếu bạn là người có tính cách độc lập, phóng khoáng muốn bộc lộ cá tính riêng thông qua âm nhạc, cũng như muốn chơi đàn theo đúng nghĩa là phiêu nhạc, theo cảm nhận, đề cao sự sáng tạo, thì chơi piano theo cảm âm là hình thức chơi piano dành cho bạn.

Cảm Âm Piano Là Gì

Chúng ta có thể hiểu “chơi đàn Piano theo cảm âm” nghĩa là nghe và chơi bất kỳ bài hát nào mình yêu thích mà không cần bản nhạc, kể cả đệm hát hay solo. Khi bạn đã thật sự đắm chìm trong các bản nhạc, bạn chỉ cần nhắm mắt cảm nhận, đung đưa theo từng nốt nhạc.

Cảm âm được hiểu đơn giản là việc cảm nhận âm thanh, tính chất âm thanh. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính chất của âm, gồm: Âm lượng (amplitude), cao độ (pitch), trường độ (rhythm), màu sắc (timbre)… Cảm âm trong âm nhạc là sự cảm nhận những yếu tố trên nhưng thường được chú trọng chính vào trường độ và cao độ.

Trong tâm trí bạn bây giờ chỉ có Đô, Rê, Mi, Fa… những ca từ ngọt ngào, sâu lắng của bài hát… Cứ thế tay bạn sẽ lướt phím liên hồi và nguồn cảm xúc cứ thế thăng hoa. Bây giờ bạn chỉ việc phiêu theo từng nốt nhạc, sống đúng cảm xúc để tạo nên những giai điệu theo phong cách riêng của chính mình. 


Chơi đàn Piano theo cảm âm sẽ giúp con người phát huy tính sáng tạo của mình. Thế nhưng để chạm tới con đường chơi piano theo cảm âm bạn nên bắt đầu với Piano đệm hát. Chỉ khi bạn tự mình đàn, tự mình hát để cảm nhận những thay đổi của âm thanh nó sẽ giúp bạn có những cảm nhận khách quan hơn. Đôi khi bạn ngẫu hứng đệm hát một bài theo cách riêng của bạn, theo giai điệu mà bạn thích vô tình bạn đã tạo nên một bản nhạc khác biệt. Hành động này diễn ra nhiều lần sẽ giúp bạn hứng thú hơn và có tư duy hơn.

Có 3 phương pháp để một người có thể chơi Piano theo cảm âm:

PP1:Từ Piano Đệm Hát Chuyển Sang Solo

Thông thường khi chơi Piano đệm hát là bạn đã phải làm quen với việc chơi theo hợp âm. Các thế bấm tay trái của đệm hát và solo có sự liên quan tương đồng nhau, và tập cảm âm hợp âm. Vì vậy khi chuyển sang Piano Solo bạn sẽ cần 2-3 tháng để hoàn thành Piano đệm hát cơ bản và 3-4 tháng tiếp theo cho Piano cảm âm. Lưu ý thời gian tập luyện có thể ngắn hay dài tùy thuộc vào khả năng của mỗi người.

Sau thời gian tập luyện sẽ giúp người chơi cảm âm và chơi được các bài hát mà mình yêu thích. Tuy nhiên để có thể chơi điêu luyện và đảm bảo các kỹ thuật chạy ngón thì cần sự đầu tư lâu dài hơn.

PP2: Chuyển Từ Piano Solo Theo Bản Nhạc Sang Học Về Hợp Âm

Từ Piano Solo theo bản nhạc chuyển sang học về hợp âm, các thế bấm tay trái theo quán tính, cảm âm nốt nhạc, cảm âm hợp âm. Tuy nhiên để đạt được Piano cảm âm theo con đường này bạn sẽ cần một khoảng thời gian nhất định. Ở phương pháp này bạn cần một khoảng thời gian cho việc kết hợp Solo 2 tay, một khoảng thời gian cho việc tập luyện cảm âm nốt nhạc và hợp âm. Chúng tôi sẽ không đưa ra khoảng thời gian cụ thể. Bởi tùy theo khả năng và mức độ tiếp nhận, sự kiên trì tập luyện mà mỗi người sẽ cần khoảng thời gian để tập luyện khác nhau.

Kết quả của phương pháp 1 và 2: Đạt được kết quả ban đầu của người chơi sau khoảng thời gian trên là cảm âm và chơi được các bài hát mình yêu thích một cách đơn giản, để có thể chơi thật điệu nghệ, với các kĩ thuật chạy ngón, thì sẽ cần thêm thời gian để học về các kĩ thuật chạy ngón và phiêu nốt (để thành thạo các kĩ thuật này phải mất ít nhất là 1 – 2 năm).

Đây là 2 hướng đi phù hợp với người bắt đầu học piano muộn (từ 22 tuổi trở đi) với nhu cầu chơi piano giải trí, với sự linh động và đề cao tính sáng tạo, chủ động của người chơi, nên 2 hướng đi này sẽ phù hợp với người có tính cách cởi mở, phóng khoáng, hiện đại.

PP3: Chơi Cảm Âm Theo Phương Pháp Học Piano Truyền Thống

Theo phương pháp học piano truyền thống và theo hướng đào tạo
để chơi có kĩ thuật chuyên nghiệp và bải bản từ trước tới nay: học nhạc lý và luyện ngón (1-5 tháng đầu), đọc và chơi theo bản nhạc 2 tay (6 tháng – 2 năm), mỗi bài mà người chơi sẽ được xem như là một bài piano để đời (vì có khi một bài nhạc chơi trong vòng 3 tháng mới hoàn thành).

Sau đó vẫn còn phải phụ thuộc vào lối chơi theo bản nhạc, và tuỳ theo khả năng của mỗi người, mà có người sẽ tự cảm nhận để chơi được cảm âm, có người vẫn không thể chơi được, mà nếu muốn  chuyển sang học piano đệm hát hay piano cảm âm sẽ phải học như một người mới, vì không có quá nhiều sự liên quan giữa phương pháp chơi piano đệm hát và piano cảm âm với piano cổ điển.

Tuy nhiên ở người từ chơi piano theo phương pháp truyền thống, cổ điển có một số điểm mạnh nhất định: có kỹ thuật tay tốt, căn bản vững, có thể học được các kĩ thuật khó khi chơi solo ngay từ đầu, bản thân người chơi piano cổ điển có thể chơi được các bản nhạc phức tạp và đòi hỏi tốc độ đi ngón nhanh.

Phương pháp học này phù hợp với trẻ em hơn người lớn (hoặc người lớn có tính cách cầu kì và muốn thể hiện kĩ thuật bài bản khi chơi đàn) vì trẻ em có nhiều thời gian để học và luyện tập; còn đối với người lớn thì sẽ còn công việc, gia đình chi phối nên không thể đầu tư cho học và tập piano liên tục trong 1 – 2 năm.

Sau khi đọc bài viết trên, bạn đã chọn được con đường và phương pháp học piano phù hợp với cá tính của mình chứ? Hãy để lại bình luận cho chúng tôi biết nếu như bạn có suy nghĩ và hướng đi khác nhé


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates