SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở lứa tuổi tiểu học.

 


Đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở lứa tuổi tiểu học

Để có thể nâng cao chất lượng dạy học piano cho học sinh lứa tuổi tiểu học, chúng tôi cho rằng những nghiên cứu về tâm sinh lý học sinh tiểu học có một tầm quan trọng nhất định. Ở mỗi một lứa tuổi, học sinh lại có những đặc điểm khác nhau về tâm sinh lý và đời sống tình cảm. Việc tìm ra những đặc điểm chung dựa trên đối tượng là học sinh tiểu học sẽ giúp cho chúng ta đi sâu vào vấn đề, tập trung vào đối tượng mà nghiên cứu muốn hướng tới đó là dạy học piano cho học sinh ở lứa tuổi tiểu học. Trong đó, những phân tích về đặc điểm cơ thể, đặc điểm tâm lý và sự phát triển của quá trình nhận thức, tình cảm là rất cần thiết góp phần giúp giáo viên hiểu hơn về đối tượng học sinh chúng tôi muốn hướng tới để từ đó tìm ra những phương pháp phù hợp với tâm lý chung, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Để tìm ra các đặc điểm của tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, chúng tôi đã tham khảo và trích dẫn ý của tác giả Văn Tường, Những đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học, http://www.lequydonhanoi.edu.vn/vn/Guong-mat-tieu-bieu/Dac-diem- tam-sinh-ly-cua-hoc-sinh-tieu-hoc.html, truy cập 2/3/2018 [46].

    Đặc điểm về mặt cơ thể, nhận thức

Hệ xương của học sinh ở lứa tuổi tiểu học chưa phát triển hoàn chỉnh do đó dễ bị biến đổi do các tác động bên ngoài cũng như thói quen sinh hoạt. Vì thế, để đảm bảo các em học sinh đang ở lứa tuổi này được phát triển toàn diện và đúng cách, phụ huynh cùng giáo viên cần lưu ý hướng dẫn cho học sinh cách ngồi học cho đúng để tránh vẹo cột sống, cách cầm bút hay tư thế tay cho phù hợp, hoặc lựa chọn các hoạt động vui chơi lành mạnh, phù hợp với độ tuổi cũng như sự phát triển của từng đối tượng học sinh.

 Hệ thần kinh của các em trong giai đoạn này cũng đang phát triển một cách mạnh mẽ, các em đã bắt đầu hình thành tư duy logic, có khả năng quan sát và tiếp thu các kiến thức xung quanh nhanh hơn, do đó để kích thích trí não của các em phát triển, phụ huynh có thể lựa chọn cho học sinh chơi các trò chơi như giải đố, xếp hình hay học một số bộ môn giúp kích thích sự phát triển của não bộ như học piano, chơi cờ, giải đố,..

Ở độ tuổi này, trí não các em phát triển mạnh, khả năng quan sát và tư duy logic của các em đã bắt đầu hình thành. Các cơ quan như thị giác, thính giác, xúc giác đều đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Các em ở lứa tuổi này thường bị thu hút bởi các hình ảnh, màu sắc sặc sỡ hay những vật có chuyển động. Các em có thể nghe nhạc tốt và phân biệt được hướng âm thanh, độ vang cũng như độ ngắt nghỉ của âm thanh vì thế để phát triển về thính giác cho học sinh, chúng ta cần thông qua các hoạt động liên quan đến âm nhạc hoặc các bộ môn năng khiếu như: Nhạc cụ, hát, nhảy, múa,... từ đó hình thành cho học sinh khả năng cảm thụ âm nhạc tốt hơn.

Về ngôn ngữ: Học sinh ở lứa tuổi tiểu học hầu như đã phát triển ngôn ngữ nói thành thạo và bắt đầu chuyển sang ngôn ngữ viết. Qua quá trình học tập, học sinh được phát triển toàn diện hơn, có khả năng tự đọc và viết, tự nhận thức được các kiến thức xung quanh qua quá trình nghe, nói, đọc, viết.

 Ngôn ngữ là phương tiện truyền tải thông tin hữu hiệu nhất và là một trong các phương pháp dạy học đang được áp dụng nhiều nhất hiện nay. Tuy nhiên, sự tiếp thu của học sinh ở lứa tuổi này chưa đồng đều, khả năng nghe – hiểu của học sinh vẫn còn hạn chế đối với những từ ngữ mang tính chuyên ngành hoặc những sự vật hiện tượng quá phức tạp. Do đó, trong quá trình dạy học, giáo viên cần lựa chọn từ ngữ sao cho phù hợp với lứa tuổi học sinh, dùng nhiều hình ảnh hoặc so sánh đến những sự vật hiện tượng gần gũi để học sinh dễ liên tưởng, so sánh. Các kiến thức về mặt lý thuyết cũng cần được chắt lọc làm sao để học sinh có thể tiếp thu được một cách tốt nhất.

Trí nhớ: Học sinh từ lớp 1 - lớp 3 thường ghi nhớ sự vật hiện tượng theo kiểu máy móc do đó thường nhớ trước quên sau. Đến giai đoạn lớn hơn (lớp 4 – 5), học sinh đã bắt đầu hình thành được thói quen ghi nhớ có chủ định. Biết so sánh, liên tưởng để dễ nhớ, dễ thuộc hơn và ghi nhớ theo dạng khái quát. Do mỗi lứa tuổi cũng như cá thể đều có những đặc điểm khác nhau nên trong quá trình dạy học, giáo viên cần nắm bắt được tâm lý chung và đặc điểm riêng của từng học sinh để xây dựng được tiết học có hiệu quả, các kiến thức lý thuyết cần ngắn gọn, sử dụng thêm các giáo cụ trực quan sinh động, hấp dẫn sự tập trung của học sinh. Dùng những từ ngữ mang tính so sánh, liên tưởng gần gũi để học sinh dễ nhớ và làm tăng thêm sự hào hứng của học sinh.

Ý chí: Đôi khi học sinh ở lứa tuổi tiểu học đi học không phải vì thích học mà có khi chỉ đơn giản vì thích đến lớp để cô cho cái kẹo, cho xem tivi,... Ở lứa tuổi này, các hành vi của học sinh phụ thuộc khá nhiều vào yêu cầu của người lớn. Ý chí thực hiện hành vi của các em chưa cao do đó để tạo động lực học tập cũng như giúp các em thêm hào hứng mỗi khi đến lớp, giáo viên cần tinh tế nắm bắt được nhu cầu của học sinh. 

  Có thể khen thưởng mỗi khi học sinh học tốt và cho các em có một nguồn động lực để phấn đấu.


Các em học sinh có độ tuổi từ 6 – 10, đang theo học ở cấp bậc tiểu học. Sang đến độ tuổi cuối tiểu học, các em đã bắt đầu có nhận thức về sở thích nhưng chưa bền vững. Các em có thể có những hành vi tùy hứng nên việc học thường không được ổn định, do đó giáo viên cần có sự nhẫn nại trong quá trình dạy học, không nên đánh giá học sinh quá vội vàng qua một hoạt động khác.

 Phải gây được sự hứng thú cho học sinh đồng thời có những biện pháp thưởng – phạt phù hợp với lứa tuổi để học sinh có thêm nguồn động lực.( Quan điểm hành vi củng cố và hành vi tái tạo nghiên cứu vai trò tạo hứng thú và nâng tần số luyện tập của B.F Skinner là cơ sở của phương pháp “ Phím sáng hướng dẫn học piano theo 3 bước” với phím sáng làm “ vật củng cố” và phím sáng giúp xác nhận thảo tác đúng, sai là hình thức khen thưởng, khiển trách trong luyện tập.

 Đặc điểm tâm lý học có đặc điểm tâm sinh lý khác với các học sinh ở lứa mầm non hay trung học cơ sở. Đối với các em 6 tuổi, vừa bước vào lớp 1, đây là giai đoạn thay đổi mạnh mẽ từ môi trường học tập dẫn đến thay đổi về tâm lý của các em. Khi còn ở mầm non, các em chủ yếu được vui chơi thì khi bắt đầu bước vào tiểu học, các em phải đối mặt với áp lực học tập rất lớn, đồng thời việc rèn luyện nề nếp theo đúng quy định của lớp học cũng khiến nhiều em không khỏi bỡ ngỡ.

Học sinh ở lứa tuổi này dễ bị giao động bởi các yếu tố bên ngoài, chưa kiểm soát được hành vi nên dễ bị mất tập trung hay phân tán tư tưởng

Thông thường, học sinh thường hay yêu thích các bộ môn liên quan đến hoạt động về thể chất, đồng thời, các em thường có thói quen chú ý đến những giờ học có giáo cụ trực quan sinh động. Những giáo cụ trực quan này giúp kích thích trí tò mò của các em về những điều mới lạ, thích thú với những âm thanh, những bài hát hay nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Sang đến những năm cuối tiểu học, (9 - 10 tuổi), học sinh bắt đầu có ý thức và tinh thần tự giác hơn. Tinh thần học tập cũng ổn định hơn, việc tập trung trong một tiết học dài cũng như tự giác để học và làm bài tập đã tương đối tốt. Đối với học sinh ở lứa tuổi này cần có những phương pháp riêng và cách thức phù hợp để các em phát triển được cả về thể chất, tư duy, trí não, tâm hồn.

Về mặt tình cảm, học sinh đang trong độ tuổi từ 6 – 10 tuổi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất về mặt tình cảm. Học sinh ở lứa tuổi này có thể rất tình cảm với bố mẹ hay anh chị em trong nhà, có thể thể hiện tình cảm của mình mà không ngại ngùng hay xấu hổ điều gì cả. Các em đã bắt đầu có những biểu hiện cảm xúc, thể hiện sự yêu ghét rất rõ ràng và thể hiện chính kiến của mình, biết mình thích bộ môn gì hay không thích học bộ môn gì. Ngoài việc tôn trọng sở thích cá nhân của con, phụ huynh cũng cần có một định hướng đúng đắn để con được phát triển theo chiều hướng tốt.

Ngược lại, có nhiều học sinh vẫn chưa kiềm chế được tâm trạng và hành vi thể hiện cảm xúc của mình. Trẻ có thể vừa cười đấy nhưng cũng có thể khóc ngay được. Khi vừa tiếp xúc với môi trường học mới, cô giáo mới, các em tỏ ra rất sợ hay không dám thể hiện bản thân, nhưng chỉ sau một vài buổi học, các em bắt đầu thích khẳng định và được thể hiện mình. Có nhiều phụ huynh hay than phiền rằng con họ có tính rất hay cả thèm chóng chán, mới đầu rất yêu thích một thứ đồ chơi hay một môn học mới nhưng chỉ đi học được vài hôm, trẻ tỏ ra chán nản và không muốn đi học nữa.

Để phát triển tình cảm của học sinh, phụ huynh nên cho con học các bộ môn liên quan đến nghệ thuật như: Ca hát, các môn nhạc cụ, vẽ,... các bộ môn này ngoài việc giúp học sinh phát triển về năng khiếu mà còn thông qua lời ca tiếng hát, tiếng đàn hay những bức tranh, học sinh có thể thể hiện được bản thân mình và từ đó giúp giáo viên có thể nắm bắt được nội tâm của học sinh. Để học sinh hợp tác trong giờ học, giáo viên cần nắm rõ được sở thích của từng học sinh, tinh tế nhận biết sự thay đổi trong tâm tư, tình cảm của học sinh để từ đó thay đổi phương pháp dạy học sao cho phù hợp.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates