SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Chủ Nhật, 30 tháng 5, 2021

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo hướng phát triển năng lực gắn với thực tiễn phổ thông




Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vì 

Từ ngàn đời nay, thầy giáo luôn được tôn vinh và có một vị trí vô cùng quan trọng trong xã hội. Trong lịch sử Việt Nam, người thầy giáo là người chăm lo, dẫn dắt thế hệ trẻ; là người có lòng yêu nghề tha thiết, luôn coi trọng tri thức, lấy dạy chữ, dạy người làm lẽ sống của mình. Đó là người truyền đạt kiến thức, là nhà giáo dục trong việc hình thành và phát triển kỹ năng sống, đạo đức cho học sinh, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Đây là những người coi trọng danh dự, lương tâm, gìn giữ khí tiết, xác lập vị trí của mình trong xã hội bằng tài năng, đức độ, học vấn, cống hiến. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đánh giá cao vai trò của người thầy giáo trên mặt trận giáo dục.

Hiện nay, do việc đổi mới công nghệ và toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế về giáo dục, trong nền giáo dục mới có  sự  chuyển đổi cơ bản vai trò, vị trí của người thầy.

Công nghệ mới đang làm thay đổi thế giới việc làm, buộc phải thay đổi trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt thúc đẩy cải cách giáo dục phổ thông và dạy nghề. Nhiệm vụ của giáo dục là thực hiện việc đào tạo nhằm có được các khả năng đa dạng, đào tạo liên ngành cũng như đào tạo người lao động có tri thức, có khả năng dự đoán các vấn đề, tìm tòi và khai thác kiến thức, đề xuất ra các giải pháp.

Do đó, nhiệm vụ người dạy cũng cần phải thay đổi: thầy giáo không phải chỉ đơn thuần là người truyền thụ kiến thức mà là người thúc đẩy việc học hành. Quá trình toàn cầu hoá trao đổi, dịch vụ tài chính, sản xuất và việc làm từ các nước có chi phí lao động cao đến các nước chi phí lao động thấp cũng có tác động mạnh đến giáo dục. Khả năng phát hiện và khai thác kiến thức trở thành chìa khoá của cạnh tranh quốc tế. Kỷ nguyên thông tin cũng có ảnh hưởng đến giáo dục và đào tạo theo nghĩa dựa trên việc khai thác các công nghệ thông tin hiện đại để xử lý và quản trị thông tin. “Xã hội tri thức” ra đời từ sự thay thế mô hình kinh tế công nghiệp bằng mô hình kinh tế dựa trên kiến thức, thông tin và các công nghệ thông tin. Vì vậy, giáo dục và dạy nghề phải thích ứng nhanh với các thay đổi liên quan đến thế giới việc làm.


Sự thay đổi công nghệ nhanh chóng và toàn cầu hoá cũng ảnh hưởng đến giáo dục và đào tạo. Đó là việc học tập phải được tiến hành suốt đời và phải cố “học cách học” để chủ động nắm bắt tri thức. Vai trò của giáo dục là làm sao cho các nước phải có đội ngũ nhân lực được đào tạo phù hợp với nhu cầu. Về cơ bản, giáo dục nhằm mục đích làm cho các cá nhân tự mình giải quyết được các vấn đề nhờ có đủ khả năng suy nghĩ và phán đoán.

Trong thế giới việc làm đột biến, hiện nay người ta thấy sự hội tụ giữa các quan niệm, trước đây tách rời nhau trở nên thống nhất, đó là tầm quan trọng của giáo dục, dạy nghề. Jacques Delor, một nhà kinh tế Pháp và chính trị gia, Chủ tịch thứ tám Ủy ban châu Âu  đã từng viết: “Quan niệm giáo dục suốt cả cuộc đời là một trong số các chìa khoá đi vào thế kỷ XXI”. Ông nhận xét quan niệm này vượt ra khỏi sự tách biệt truyền thống giữa giáo dục ban đầu và giáo dục thường xuyên, đáp ứng sự thách thức của một thế giới thay đổi nhanh chóng. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cũng là quan niệm mới về vai trò của người thầy.

Như vậy, giáo viên không chỉ là người dạy học trên lớp học, một người làm nhiệm vụ truyền thụ kiến thức là chính, người cung cấp thông tin, mà trở thành người tổ chức, hướng dẫn quá trình học của học sinh. Những thay đổi về vai trò, vị trí của người học và người dạy trong những hoàn cảnh biến đổi nhanh, phức tạp đòi hỏi các cơ sở đào tạo giáo viên phải chuẩn bị cho các giáo sinh, những thầy giáo trong tương lai có khả năng đáp ứng linh hoạt và hiệu quả trước những yêu cầu mới.

Để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào 

tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Một là, tiến hành cải cách sư phạm, xây dựng chiến lược phát triển ngành sư phạm

Nhiệm vụ trong giai đoạn tới là phải phát triển ngành sư phạm Việt Nam tiên tiến, hiện đại và chuẩn hoá, để thực hiện tốt chiến lược phát triển giáo dục, các trường đại học sư phạm phải trở thành những trung tâm sáng tạo và đổi mới của ngành sư phạm cả nước. Cần tạo sự gắn kết mạnh mẽ hơn nữa giữa hệ thống các trường, khoa sư phạm với hệ thống giáo dục mầm non, phổ thông và các cấp quản lý giáo dục để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo.

Theo thống kê hiện nay, cả nước hiện có 134 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; gồm: 14 trường đại học sư phạm; 47 trường đại học đa ngành có đào tạo ngành sư phạm; 42 trường cao đẳng sư phạm; 24 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo ngành sư phạm; 3 trường trung cấp sư phạm và 4 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục.

Nên chăng, cần cải cách lại hệ thống sư phạm với việc hình thành mạng lưới các trường và các khoa sư phạm, tiến hành xây dựng chiến lược phát triển ngành sư phạm. Cần bắt tay ngay vào việc này để làm sao có được một hệ thống đào tạo giáo viên tốt nhất đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục.

Hai là, thực hiện đào tạo giáo viên theo mô hình phát triển năng lực nghề

Hiện nay, ở nước ta có 2 loại mô hình cơ sở đào tạo giáo viên: một là các trường sư phạm với chức năng chủ yếu là đào tạo giáo viên; hai là các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên.

Những năm qua, một số trường đại học, cao đẳng sư phạm đã nâng cấp thành trường đại học đa ngành, hoặc chuyển thành trường cao đẳng cộng đồng hoặc trường cao đẳng đa ngành. Việc thực hiện chức năng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học có thay đổi theo xu hướng mở; cụ thể: Các trường sư phạm, theo chức năng truyền thống là đào tạo giáo viên, đã được phép đào tạo ngoài sư phạm một số ngành. Đồng thời, các cơ sở đào tạo đa ngành trước đây không đào tạo giáo viên hiện đã được phép mở mã ngành đào tạo giáo viên.

Sự phát triển đa dạng mô hình cơ sở đào tạo giáo viên nêu trên phản ánh sự năng động và khai thác được tiềm năng của các cơ sở giáo dục đại học, các trường sư phạm trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực của các ngành nghề khác nhau trong xã hội, đồng thời góp phần đào tạo kịp thời đội ngũ giáo viên một số môn học đặc thù đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, sự phát triển này phần lớn do nhu cầu nội tại của các cơ sở giáo dục đại học chứ chưa thật sự được định hướng bởi một quy hoạch tổng thể. Thế mạnh và hạn chế của mỗi mô hình cơ sở đào tạo giáo viên mặc dù đã được đặt ra nhưng chưa được giải đáp thấu đáo. Việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học được mở mã ngành đào tạo sư phạm chưa thật sự xuất phát từ nghiên cứu, khảo sát nhu cầu nhân lực giáo dục xét cả ở tầm vĩ mô và vi mô.


Ở Việt Nam,  hai thuật ngữ “mô hình đào tạo nối tiếp” và “mô hình đào tạo song song” đã trở nên phổ biến trong các tài liệu về đào tạo giáo viên. Đó là hai kiểu tổ chức quá trình đào tạo giáo viên. Đối với mô hình đào tạo nối tiếp, thì khối kiến thức về khoa học chuyên ngành được thực hiện trước và tiếp sau đó là khối kiến thức về khoa học nghiệp vụ; còn ở “mô hình đào tạo song song” cả hai khối kiến thức này được thực hiện đồng thời, đan xen nhau trong suốt quá trình đào tạo. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai mô hình này là ở kế hoạch thực hiện các nội dung đào tạo về khoa học chuyên ngành và về khoa học nghiệp vụ sư phạm theo kiểu nối tiếp hay song song. Cho đến nay chưa thấy có nghiên cứu nào chỉ ra được sự khác biệt đáng kể ở kết quả đào tạo giữa hai mô hình này. Có thể lựa chọn một trong hai mô hình nói trên, hoặc kết hợp giữa hai mô hình. Chúng tôi vẫn nghiêng về mô hình đào tạo song song trong các trường sư phạm.

Trong những thập kỷ qua, ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, việc đào tạo giáo viên theo định hướng phát triển năng lực nghề đã được triển khai, với mục đích bảo đảm chất lượng đào tạo giáo viên.  Đào tạo dựa trên năng lực nhấn mạnh đến những cái mà người đã tốt nghiệp có thể làm được ở trong môi trường làm việc thực.

Các nhà giáo dục đã nêu ra mấy năng lực của người giáo viên như sau: Người giáo viên trước hết phải là nhà giáo dục, có phẩm chất nhân cách tốt đẹp để giáo dục học sinh bằng nhân cách của mình; có năng lực giáo dục biểu hiện ở năng lực tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục; có năng lực dạy học biểu hiện ở việc nắm vững kiến thức kỹ năng môn học, nắm vững phương pháp dạy học, dạy học phân hóa, dạy học tích hợp các khoa học; có năng lực sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học; có năng lực tự phát triển nghề nghiệp bằng tự học, tự nghiên cứu; có năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề giáo dục bằng nghiên cứu khoa học. Đó chính là những lĩnh vực cấu thành phẩm chất nghề nghiệp của người giáo viên trong nhà trường phổ thông hiện đại.

Cùng với việc nghiên cứu về mô hình phát triển năng lực nghề, cần tìm hiểu mô hình đào tạo giáo viên của một số nước trên thế giới: mô hình cho sinh viên được cấu trúc theo chương trình 4 hoặc 5 năm ; mô hình cho những người đã tốt nghiệp đại học; mô hình theo định hướng đầu ra; mô hình dựa trên nghiên cứu; hoặc các mô hình thay thế khác... để vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước ta.            

Ba là, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo định hướng mở, kết hợp đào tạo ban đầu với đào tạo liên tục        

 Nền giáo dục của nước ta đang bị “đóng kín” trong khái niệm về chương trình, nội dung, thời gian, trường, lớp… Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cũng phải đi theo hướng mơ,ã cần phải được nhìn nhận như một hệ thống mở và một quá trình phát triển liên tục.

Hiện nay việc đào tạo giáo viên mới chỉ quan tâm chủ yếu ở trường sư phạm, nghĩa là đào tạo ban đầu, các giai đoạn sau như tập sự, đến đào tạo tại chức để nâng cao bằng cấp và bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên tham gia vào các hoạt động xã hội… ít được quan tâm. Như vậy chúng ta còn đang khép kín, chỉ có giảng viên và sinh viên sư phạm. Đây là mô hình truyền thống của một nhà trường chuyên ngành.

Đứng trước sự biến động về số lượng và chuyên môn của đội ngũ giáo viên, về sự chuyển đổi nghề thì quá trình đào tạo giáo viên cần mềm dẻo hơn, không chỉ đào tạo ở trường mà còn đào tạo tại trường phổ thông, đào tạo từ xa; gắn kết với trường phổ thông, với sự tham gia của các nhà quản lý giáo dục. Để thực hiện được điều này cần đổi mới về nội dung chương trình đào tạo theo hướng chuyên nghiệp hóa, tiếp tục nâng cao trình độ đào tạo theo hướng đại học hóa.

Vấn đề  kết hợp đào tạo ban đầu với đào tạo liên tục  thực chất là  đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên. Xác định yêu cầu bồi dưỡng nhà giáo là nhiệm vụ chiến lược của ngành trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Nhà giáo có quyền lợi và trách nhiệm được bồi dưỡng nâng cao trình độ.  Hoàn thiện chế độ tập huấn bồi dưỡng giáo viên, dự trù kinh phí thường xuyên, đưa kinh phí bồi dưỡng giáo viên vào dự toán của chính quyền; thực hiện 1 năm hay 3 năm một lần tập huấn cho toàn thể giáo viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp và năng lực dạy học cho giáo viên; Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giảng viên đại học, cao đẳng; Bồi dưỡng các chuyên đề trong nước và ngoài nước cho đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm nhằm tiếp cận với tri thức và thành tựu khoa học công nghệ hiện đại của thế giới; Kết hợp chặt chẽ công tác bồi dưỡng giảng viên với công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất theo hướng đưa kết quả nghiên cứu khoa học, phục vụ giảng dạy thành một tiêu chí đào tạo, bồi dưỡng và đánh giá giảng viên, giáo viên.

Bốn là, đào tạo giáo viên ở trường sư phạm gắn với thực tiễn trường phổ thông.

Dạy học - giáo dục phải được coi là một nghề định hướng thực tiễn, phải được tiến hành tại thực địa là các trường phổ thông. Trong đào tạo giáo viên, vai trò của thực tiễn trường phổ thông là rất quan trọng đối với quá trình phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Xem xét các tiêu chuẩn năng lực nghiệp vụ ở trên cho thấy tất cả các tiêu chuẩn đó đều cần và chỉ có thể rèn luyện được cho sinh viên ở trường phổ thông qua thực hành, thực tập sư phạm. Mặt khác, nhiều kỹ năng không thể đào tạo ở trường sư phạm, ví dụ tìm hiểu đối tượng học sinh, môi trường giáo dục, ứng xử với học sinh, đồng nghiệp, phụ huynh, nhiều tình huống sư phạm không tiếp cận với môi trường phổ thông sinh viên sẽ không bắt gặp.

Chúng tôi đề nghị cần xây dựng chế độ giảng viên sư phạm, giáo sinh định kỳ xuống cơ sở giáo dục hoạt động thực tiễn; đồng thời xây dựng quan hệ đối tác giữa trường đại học sư phạm với trường phổ thông trong đào tạo giáo viên. Tập trung vào quá trình đào tạo sinh viên sư phạm ở các khía cạnh: quan hệ giữa bên cung (cơ sở đào tạo) và bên cầu ( đơn vị sử dụng sản phẩm đào tạo); quan hệ cộng tác trong phát triển giáo viên (bao gồm từ đào tạo ban đầu, đến bồi dưỡng tập sự và bồi dưỡng giáo viên đương chức); quan hệ cộng tác trong nghiên cứu cải tiến thực tiễn giáo dục và đào tạo.

Trên cơ sở đó nghiên cứu một số mô hình hợp tác giữa cơ sở đào tạo và trường phổ thông, đặc biệt là mô hình trường phổ thông liên kết đào tạo nghề, xây dựng liên kết trách nhiệm pháp lý giữa đào tạo giáo viên và giáo dục phổ thông trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực hoạt động, tạo ra những tiến bộ trong lý luận và quan điểm giáo dục cũng như những cải tiến trong thực tiễn giáo dục và đào tạo giáo viên. Mở rộng và phát triển sự cộng tác giữa cơ sở đào tạo với trường phổ thông trong tổ chức thực hành, thực tập sư  phạm cho sinh viên trở thành lĩnh vực liên kết tổng hợp với sự tham gia của cả giảng viên, giáo viên và sinh viên.

Ngoài ra, để xây dựng đội ngũ người thầy đáp ứng công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo cũng cần thực hiện một số giải pháp khác như: Đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng chuyển từ lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc sang tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức của người học theo phương châm “giảng ít, học nhiều”; Kiện toàn chế độ quản lý nhà giáo, thực hiện nghiêm túc chế độ đầu vào giáo viên, tuyển giáo viên nghiêm ngặt; Quy định rõ tiêu chuẩn tư cách, yêu cầu về đạo đức, phẩm chất của giáo viên, hoàn thiện cơ chế cho ra khỏi ngành đối với giáo viên không đủ phẩm chất và năng lực dạy học.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chính sách đãi ngộ giáo viên, tiến hành thực hiện trả lương giáo viên theo hiệu quả thành tích công tác; ban hành chính sách ưu tiên về nhà ở, bảo hiểm xã hội khi về hưu; Tiếp cận mở trong hội nhập quốc tế về đào tạo giáo viên, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư nước ngoài cho đào tạo giáo viên và tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vì 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates