Liên quan định hướng chuyển đổi số trong ngành giáo dục, dư luận đang trông chờ sự thay đổi bắt đầu có hiệu quả từ những cái nhỏ nhất như: điện tử hóa sổ liên lạc, sổ điểm, học bạ... trong mỗi nhà trường.
Điện tử hóa hồ sơ, sổ sách theo lộ trình
Theo Thông tư 32 của Bộ GD-ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học (có hiệu lực từ ngày 1.11.2020), một trong những thay đổi quan trọng là quy định về việc giảm gánh nặng về hồ sơ, sổ sách cho giáo viên (GV). Ngoài việc giảm cơ học về số lượng hồ sơ, sổ sách của GV, quy định mới chính thức cho phép sử dụng hồ sơ điện tử.
Căn cứ vào thông tư này, một số địa phương đã tiến hành số hóa hồ sơ, sổ sách bằng những quy định cụ thể. Sở GD-ĐT TP.HCM mới đây cũng đã có hướng dẫn về việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử thay thế hồ sơ giấy. Theo đó, GV được khuyến khích chuẩn bị giáo án, ghi chép nội dung sinh hoạt, hoạt động, thực hiện các hồ sơ, sổ sách khác và lưu trữ trong máy tính, không phải in ra giấy.
Dù vậy, nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT các địa phương vẫn cho rằng khi đã áp dụng hồ sơ điện tử thì nên có quy định thống nhất từ Bộ, vì hiện nay thông tư vẫn quy định chung chung là “thực hiện theo lộ trình”. Nếu quy định hồ sơ điện tử, nhưng cuối năm vẫn phải in ra thì không đúng tinh thần số hóa. Bộ cần hướng dẫn rõ loại hồ sơ, sổ sách nào cần in, loại nào không. Nền tảng công nghệ đến đâu thì có thể quản lý, kiểm tra mà không cần in ra nữa...
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT), ví dụ với sổ điểm điện tử sẽ giúp GV trong việc quản lý, tính toán điểm, công thức để ra kết quả học tập, máy tính thực hiện, thay vì GV phải tự tính như trước. Khi có sổ điểm điện tử, có thể thực hiện các giao dịch thông tin qua các thiết bị điện tử mà không cần phải sử dụng bản giấy, đến tận nơi hoặc phải photo công chứng… Ở nhà, phụ huynh và học sinh vẫn có thể hoàn thành các thủ tục cần thiết một cách nhanh chóng, chính xác. Đồng thời, số hóa giúp công khai minh bạch trong nội bộ của đơn vị, trong phạm vi quản lý ngành, giúp đẩy lùi các tiêu cực như “làm đẹp” điểm số.
Ông Hải cũng cho rằng hiện nay ngành đã đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử nhưng có nhiều mức độ. Đơn giản nhất là thay việc sử dụng các sổ theo mẫu giấy in thì các trường đã quản lý thông tin học sinh, điểm số… bằng phần mềm, và từ đó in hoặc xuất ra các định dạng như pdf để lưu trữ. Với sổ điểm điện tử sử dụng như dịch vụ công trực tuyến, ông Hải cho rằng để làm được điều này thì phải có cơ sở pháp lý về sổ điểm điện tử. Trong đó, có khâu rất quan trọng là chứng thực các nội dung trên sổ điểm điện tử đó là đúng, hợp pháp.



0 nhận xét:
Đăng nhận xét