1. Thực trạng về kiểm tra, đánh giá môn Âm nhạc ở THCS
Một số thời điểm thay đổi hình thức đánh giá môn Âm nhạc ở THCS:
Thời gian | Thực trạng về kiểm tra, đánh giá môn Âm nhạc ở THCS |
Trước 2002 | Âm nhạc là môn học tự chọn ở một số trường THCS, sách giáo khoa Âm nhạc được biên soạn ở lớp 6, 7, 8. GV đánh giá kết quả học tập bằng thang điểm 10. |
Từ 2002 đến 2006 | Âm nhạc là môn học bắt buộc, triển khai đại trà ở trường THCS, sách giáo khoa Âm nhạc có ở lớp 6, 7, 8, 9. Bộ GD&ĐT hướng dẫn đánh giá kết quả học tập bằng nhận xét: giỏi, khá, trung bình, yếu. |
Từ 2006 đến 2008 | Bộ GD&ĐT chỉ đạo đánh giá kết quả học tập môn Âm nhạc bằng thang điểm 10. |
Từ 2008 đến 2011 | Bộ GD&ĐT hướng dẫn các Sở GD&ĐT lựa chọn 1 trong 2 phương án đánh giá kết quả học tập môn Âm nhạc: (1) đánh giá bằng thang điểm 10; (2) đánh giá bằng nhận xét: giỏi, khá, trung bình, yếu. Giai đoạn này, hầu hết các trường THCS lựa chọn phương án đánh giá môn Âm nhạc bằng thang điểm 10. |
Từ tháng 12-2011 | Thông tư 58 hướng dẫn: học kì 1 cho điểm (trước tháng 12-2011), học kì 2 đánh giá bằng nhận xét với 2 mức độ: đạt, chưa đạt. |
Từ 2014 | Kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn Âm nhạc theo định hướng phát triển năng lực học sinh |
Ưu điểm và hạn chế của các hình thức đánh giá:
| Ưu điểm | Hạn chế |
Đánh giá bằng thang điểm 10 | -Phân loại được HS với nhiều mức độ. -HS có năng lực Âm nhạc sẽ nỗ lực học tập để đạt kết quả cao. | -Nhiều HS phải chịu áp lực khi học tập Âm nhạc. |
Đánh giá bằng nhận xét, với 4 mức độ: giỏi, khá, đạt, chưa đạt. | -Phân loại được HS với 4 mức độ. -Khoảng cách giữa 4 mức độ là vừa phải. | -Khó xếp loại HS chính xác ở từng mức độ. |
Đánh giá bằng nhận xét, với 2 mức độ: đạt, chưa đạt. | -GV rất thuận lợi khi ghi kết quả vào sổ điểm. -HS có năng lực hạn chế cũng hoàn thành ở mức đạt. | -Không phân loại được HS với nhiều mức độ. -Khoảng cách giữa 2 mức độ là quá xa nhau. -HS có năng lực không cần nỗ lực học tập để đạt kết quả cao. -HS ít quan tâm đến môn học. |
Những căn cứ để đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn Âm nhạc
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó xác định: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan”.
- Chương trình tổng thể Giáo dục phổ thông (dự thảo, 2014) của Bộ GD&ĐT, xác định về cấu trúc và định hướng nội dung các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo (Thể dục thể thao, Âm nhạc, Mĩ thuật): “Nội dung các môn học chủ yếu là tổ chức cho học sinh thực hành thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo của tập thể hoặc cá nhân nhằm bồi dưỡng hứng thú để các hoạt động Thể dục thể thao, Âm nhạc, Mĩ thuật... trở thành nhu cầu và hoạt động thường xuyên, học tập suốt đời. Việc dạy học - giáo dục nghệ thuật, thể chất phải trang bị cho học sinh những hiểu biết và kĩ năng cơ bản nhất; mặt khác, quan trọng hơn lại là bồi dưỡng, phát huy niềm say mê, hứng thú của các em đối với hoạt động rèn luyện sức khỏe, nghệ thuật, đạo đức và kĩ năng sống, cảm thụ được cái đẹp của con người, của cuộc sống tự nhiên và xã hội, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu phù hợp với đặc điểm thể trạng và tâm lí của từng em học sinh, góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình và cá nhân, đời sống tươi đẹp của nhà trường, cộng đồng và của toàn xã hội. Ngoài ra, ở THPT các môn học được thiết kế thêm nội dung có tính chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu của những học sinh có năng khiếu và nguyện vọng học lên cao”.
2. Những năng lực và nội dung của môn Âm nhạc
Những năng lực của môn Âm nhạc | Nội dung môn Âm nhạc |
-Thực hành âm nhạc -Hiểu biết âm nhạc -Cảm thụ âm nhạc -Sáng tạo âm nhạc -Ứng dụng âm nhạc
| -Hát -Nhạc cụ -Tập đọc nhạc -Lí thuyết âm nhạc -Thường thức âm nhạc |
Thực hành âm nhạc
HS ca hát, chơi nhạc cụ, tập đọc nhạc, nhảy múa, … để tạo ra âm thanh và môi trường âm nhạc.
Học hát | -Hát đúng tư thế, hát tự nhiên, tập lấy hơi và hát rõ lời. -Hát đúng giai điệu và lời ca, thể hiện sắc thái và tình cảm của bài hát. -Hát cùng mọi người và có thể hát một mình. -Hát cùng mọi người theo các cách hát: hòa giọng, nối tiếp, đối đáp, hát có lĩnh xướng, hát bè, ... -Hát kết hợp các hoạt động: gõ đệm, vận động, đánh nhịp, ... |
Nhạc cụ | -Chơi nhạc cụ gõ và nhạc cụ giai điệu. -Hòa tấu nhạc cụ gõ và nhạc cụ giai điệu. |
Tập đọc nhạc | -Thể hiện đúng tiết tấu của bài TĐN. -Đọc đúng giai điệu bài TĐN. -Đọc nhạc cùng mọi người và có thể đọc một mình. -Luyện tập những cách đọc nhạc như: nối tiếp, đối đáp, ... |
Hoạt động kết hợp | -Vỗ tay, gõ đệm, đánh nhịp, trò chơi, vận động, nhảy múa, ... -Thực hành bài tập thẩm âm, tiết tấu. |
Hiểu biết âm nhạc
HS tìm hiểu, nhận thức về lí thuyết âm nhạc và thường thức âm nhạc (các loại nhạc cụ, câu chuyện âm nhạc, hình thức và thể loại, tác giả và tác phẩm, các vấn đề khác của đời sống âm nhạc, ...).
Ca hát | -Biết tên bài hát và tác giả, biết nội dung hoặc thể loại bài hát. |
Tập đọc nhạc | -Xác định đúng tên nốt nhạc (Đô Rê Mi …) và hình nốt nhạc (nốt tròn, nốt trắng, nốt đen …). -Nhận biết được hình tiết tấu của bài TĐN. |
Lí thuyết âm nhạc | -Nêu khái niệm, đặc điểm hoặc tính chất của một số kiến thức nhạc lí. Giải thích về cách vận dụng kiến thức nhạc lí trong bài hát, bài TĐN, … -Sử dụng đúng một số thuật ngữ âm nhạc như: giai điệu, tiết tấu, cao độ, trường độ, sắc thái, ... |
Thường thức âm nhạc | -Kể tên nhạc cụ, nhận biết hình dáng, âm sắc, nêu đặc điểm, vai trò của nhạc cụ trong âm nhạc. -Nhận biết cấu trúc của bài hát (một đoạn, hai đoạn, ba đoạn). -Trình bàytiểu sử và sự nghiệp âm nhạc của một số nhạc sĩ tiêu biểu. -Nêu đặc điểm của tác phẩm, về chủ đề, nội dung hoặc thể loại âm nhạc. |
Cảm thụ âm nhạc
HS hiểu, cảm nhận được vẻ đẹp của âm nhạc.Đồng cảm, trân trọng với tác phẩm và tác giả, yêu mến cái đẹp trong cuộc sống.
Lắng nghe | -Nghe và phân biệt được âm sắc của một số nhạc cụ. -Nghe và phân biệt được giọng hát thiếu nhi với giọng người lớn, giọng đơn ca với giọng tốp ca, ... -Nghe và phân biệt được hát bè. -Nghe và phân biệt tiết điệu đặc trưng của nhịp 2/4, 3/4 trên đàn phím điện tử. -Nghe và phân biệt được bản nhạc viết ở nhịp 2/4 hay 3/4. -Nghe và phân biệt được bài TĐN viết ở giọng Đô trưởng hoặc La thứ (lớp 8, 9). -Nghe và vẽ mô tả đường chuyển động của nét giai điệu. |
Tôn trọng | -Tôn trọng những người hoạt động âm nhạc. -Thái độ tích cực, động lực và sự quan tâm với môn Âm nhạc. |
Bình giải | -Nhận xét về một tác phẩm âm nhạc được trình bày với những phong cách khác nhau, với hình thức khác nhau (đơn ca, song ca, tốp ca, ...), với phương tiện khác nhau (thanh nhạc hoặc khí nhạc), ... -Biết bình luận, giải thích hoặc nêu cảm nhận về tác phẩm. -Nhận xét về hoạt động thực hành âm nhạc, sản phẩm sáng tạo âm nhạc của các bạn. |
Lựa chọn | -Lựa chọn bài hát phù hợp với lứa tuổi, chọn thể loại âm nhạc, bản nhạc hoặc ca sĩ yêu thích. -Lựa chọn bài hát, bản nhạc dùng trong Lễ khai giảng, ngày Nhà giáo 20-11, ngày sinh nhật, Lễ tốt nghiệp, … |
Sáng tạo âm nhạc
HS thể hiện sự độc đáo và sáng tạo của mình thông qua hoạt động âm nhạc và kết nối với những lĩnh vực liên quan. HS đưa ra ý tưởng và sáng kiến vượt ngoài khuôn mẫu, tạo được ấn tượng, thu hút sự chú ý của mọi người.
-Sáng tạo động tác vận động hoặc nhảy múa theo nhạc. -Viết lời mới cho bài TĐN, bài dân ca hoặc bài hát nước ngoài. -Tìm ý tưởng để dàn dựng, biểu diễn bài hát theo nhóm. -Diễn đạt nội dung bài hát bằng đoạn văn, bài thơ, câu chuyện hoặc vở kịch. -Vẽ tranh minh họa cho bài hát hoặc câu chuyện âm nhạc. -Xây dựng hình tiết tấu hoặc sáng tác giai điệu. -Phổ nhạc cho một vài câu thơ. -Sáng tạo dụng cụ học tập Âm nhạc. -Sáng tạo trò chơi âm nhạc. |
Ứng dụng âm nhạc
HS liên kết và sử dụng mọi năng lực âm nhạc vào thực tiễn, thông qua 2 hoạt động tiêu biểu là trình diễn và phổ biến âm nhạc.
Trình diễn âm nhạc | -Thành lập nhóm nhạc để sáng tác và trình diễn âm nhạc. -Trình diễn âm nhạc một mình hoặc cùng người khác. -Thiết kế trang phục, đạo cụ khi trình diễn âm nhạc. -Tham gia các hoạt động của 1 buổi trình diễn: đệm đàn, dẫn chương trình, nhảy múa, chỉ huy, … |
Phổ biến âm nhạc | -Tham gia các sự kiện âm nhạc trong và ngoài nhà trường. -Lựa chọn bản nhạc để minh họa cho câu chuyện, bộ phim về lớp học, bạn bè hoặc người thân. -Dùng các biểu tượng âm nhạc, hình ảnh hoặc tư liệu âm nhạc để trang trí không gian lớp học, phòng ở, sân khấu, … -Dạy nhạc hoặc phổ biến kiến thức âm nhạc cho người khác. -Sử dụng phần mềm âm nhạc để chép nhạc. -Tìm hiểu nghề nghiệp liên quan tới âm nhạc. |
Cơ sở xác định những năng lực môn Âm nhạc:
- Dựa vào đặc trưng của hoạt động âm nhạc: thực hành, luyện tập, trình diễn, …
- Kế thừa chương trình giáo dục Âm nhạc hiện hành: thực hành, hiểu biết, trình diễn, …
- Tham khảo về giáo dục Âm nhạc của các nước: cảm thụ, ứng dụng, sáng tạo, ...
Mối quan hệ giữa năng lực và nội dung: quan hệ 2 chiều
- HS học về các nội dung Âm nhạc sẽ hình thành và phát triển 5 năng lực.
- HS có những năng lực thì sẽ học tốt các nội dung Âm nhạc.
Mối quan hệ giữa các năng lực: mỗi năng lực đều liên kết chặt chẽ với năng lực khác, chúng phải dựa vào nhau để cùng phát triển, ví dụ:
- HS muốn thực hành đúng phải có hiểu biết nhất định.
- Muốn hiểu biết sâu sắc thì cần củng cố bằng thực hành.
- Không hiểu biết thì rất khó để cảm thụ và sáng tạo.
- Không thực hành thì rất khó để vận dụng, ...
So sánh các năng lực với Chuẩn kiến thức, kĩ năng
- Những hoạt động dạy học âm nhạc nằm trong Chuẩn kiến thức, kĩ năng của CT-SGK hiện hành, đều có trong phạm vi của các năng lực.
- Một số hoạt động nhằm phát triển 5 năng lực âm nhạc lại nằm ngoài phạm vi của Chuẩn kiến thức, kĩ năng, như các hoạt động nhằm phát triển năng lực cảm thụ và sáng tạo âm nhạc, …
Như vậy, dạy học nhằm phát triển 5 năng lực âm nhạc có những hoạt động ở phạm vi rộng hơn, sâu hơn, mới hơn so với dạy học theo Chuẩn kiến thức, kĩ năng.
Phương pháp dạy học để phát triển năng lực âm nhạc
- Mỗi bài học, mỗi nội dung âm nhạc đều là bối cảnh, là môi trường để HS phát triển 5 năng lực: thực hành, hiểu biết, cảm thụ, trình diễn và sáng tạo âm nhạc.
- GV phải sử dụng đa dạng các phương pháp dạy học: những phương pháp dạy học truyền thống và các phương pháp, kĩ thuật mới.
- Phải sử dụng hiệu quả các phương pháp đặc trưng trong dạy học âm nhạc: thực hành, làm mẫu, luyện tập. Sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học âm nhạc và công nghệ thông tin.
- Tạo môi trường học tập đa dạng và phong phú để HS được suy nghĩ, cảm nhận, khám phá và thể hiện bản thân trong môi trường âm nhạc.
3. Đánh giá năng lực môn Âm nhạc ở THCS
Định hướng đổi mới kiểm tra đánh giá:
- Đánh giá toàn diện cả về 5 năng lực: thực hành, hiểu biết, cảm thụ, sáng tạo và ứng dụng âm nhạc, trong đó cần chú trọng đánh giá năng lực thực hành âm nhạc.
- Đánh giá đầy đủ cả về 5 nội dung: học hát, nhạc lí, nhạc cụ, tập đọc nhạc và âm nhạc thường thức, mỗi nội dung cần sử dụng hình thức và phương pháp đánh giá phù hợp, khả thi.
- Đánh giá kết quả học tập môn Âm nhạc phải đảm bảo tính khoa học, khách quan và toàn diện, phải căn cứ vào mục tiêu và chuẩn kết quả, phải kết hợp giữa đánh giá thường xuyên và định kì, kết hợp giữa đánh giá của giáo viên và tự đánh giá của học sinh.
- Đánh giá cần tạo được hứng thú và khích lệ tinh thần học tập của học sinh, qua đó khuyến khích các em tham gia các hoạt động âm nhạc ở trong và ngoài nhà trường.
Qui trình đánh giá
Bước 1- Xác định mục tiêu và nội dung đánh giá
Bước 2- Xác định thời điểm đánh giá
Bước 3- Lựa chọn loại hình, phương pháp, thiết kế công cụ, kĩ thuật đánh giá
Bước 4- Triển khai đánh giá và xử lí, phân tích kết quả
Bước 5- Phản hồi thông tin tới học sinh và các đối tượng liên quan
Minh họa công cụ đánh giá năng lực âm nhạc
Minh họa bằng những câu hỏi, bài tập để đánh giá 5 năng lực âm nhạc, qua bài hát Lí cây đa (dân ca quan họ Bắc Ninh), nội dung trong SGK Âm nhạc lớp 7.
Bài tập 1 (Thực hành)- Hát đơn ca bài Lí cây đa.
Bài tập 2 (Thực hành)- Hát song ca nam nữ bài Lí cây đa theo cách hát đối đáp và hòa giọng:
Người hát | Câu hát |
HS nam | Trèo lên quán dốc, ngồi gốc ơi a cây đa. Rằng tôi lí ơi a cây đa, rằng tôi lới ơi a cây đa. |
HS nữ | Ai đem a tình tính tang tình rằng, cho đôi mình gặp. |
Cả hai | Xem hội cái đêm hôm rằm, rằng tôi lí ơi a cây đa, rằng tôi lới ơi a cây đa. |
Bài tập 3 (Thực hành)- Hát tốp ca bài Lí cây đa kết hợp gõ đệm:
- Hát lần 1 kết hợp gõ đệm theo nhịp.
- Hát lần 2 kết hợp gõ đệm theo phách, thể hiện rõ phách mạnh và phách nhẹ.
Bài tập 4 (Hiểu biết)- Bài Lí cây đa còn tên gọi khác là gì?
A. Trèo lên quán dốc
B. Ngồi gốc cây đa
C. Cho đôi mình gặp
D. Xem hội đêm rằm
Bài tập 5 (Hiểu biết)- Trong câu hát mở đầu bài Lí cây đa:
Phách mạnh rơi vào những tiếng hát nào dưới đây?
A. Trèo ... quán ... ngồi ... gốc
B. Trèo ... lên ... gốc ... cây
C. Lên ... ngồi ... gốc ... đa
D. Lên ... dốc ... gốc ... đa
Bài tập 6 (Hiểu biết)- Trong câu hát mở đầu bài Lí cây đa:
Những tiếng hát nào phải hát luyến?
A. Trèo ... dốc
B. Lên ... ngồi
C. Quán ... dốc
D. Quán ... ngồi
Bài tập 7 (Cảm thụ)- Có bạn đặt lời mới cho phần đầu của bài Lí cây đa, nhưng còn thiếu 4 từ:
Em hãy lựa chọn 4 từ để điền vào chỗ trống, sao cho chúng phù hợp với giai điệu của bài hát.
A. Dưới ánh nắng vàng
B. Bên muôn cánh hoa
C. Tiếng ca yêu đời
D. Vang khắp đồng lúa
Bài tập 8 (Cảm thụ)- Em hãy tập hát bài Lí cây đa với các tốc độ khác nhau: hơi chậm, trung bình, hơi nhanh. Em thấy bài hát trình bày với tốc độ nào là phù hợp.
Bài tập 9 (Sáng tạo)- Em hãy đặt lời mới cho 1 câu hát trong bài Lí cây đa, theo các bước được gợi ý sau:
Bước 1- Lựa chọn 1 câu hát
Bước 2- Hát lời cũ của câu hát để nắm vững giai điệu
Bước 3- Đặt lời mới cho câu hát theo chủ đề tự chọn
Bước 4- Hát lời mới đã hoàn thành
Bước 5- Đánh giá về kết quả
| Lời cũ | Lời mới |
Câu 1 | Trèo lên quán dốc, ngồi gốc ơi a cây đa. |
|
Câu 2 | Rằng tôi lí ơi a cây đa, rằng tôi lới ơi a cây đa. |
|
Câu 3 | Ai đem a tình tính tang tình rằng, cho đôi mình gặp. |
|
Câu 4 | Xem hội cái đêm hôm rằm, rằng tôi lí ơi a cây đa, rằng tôi lới ơi a cây đa. |
|
Bài tập 10 (Sáng tạo)- Vẽ một bức tranh minh họa cho bài hát Lí cây đa.
Bài tập 11 (Ứng dụng)- Biểu diễn bài Lí cây đa theo nhóm, kết hợp múa minh họa.
Bài tập 12 (Ứng dụng)- Sử dụng đạo cụ để biểu diễn bài Lí cây đa
Bước 1 | HS xem trích đoạn video 1-2 bài dân ca quan họ Bắc Ninh, do các liền anh, liền chị trình bày. |
Bước 2 | HS lựa chọn những đồ vật mà các liền anh, liền chị đã sử dụng khi trình bày bài dân ca. |
Bước 3 | Một HS nữ và một HS nam sử dụng những đạo cụ (khăn, nón quai thao, ô, quạt giấy) để biểu diễn bài Lí cây đa. |
Bước 4 | HS đánh giá về các hoạt động đã trải nghiệm. |
Kết luận
- Thông qua bài Lí cây đa, GV có thể đánh giá được 5 năng lực âm nhạc, tuy nhiên cần dạy học và đánh giá bằng nhiều nội dung khác, để HS được phát triển năng lực trong những môi trường và bối cảnh đa dạng hơn.
- HS phổ thông ở Việt Nam có thể phát triển được 5 năng lực âm nhạc thông qua 1 chương trình giáo dục Âm nhạc thích hợp.
- Chương trình giáo dục Âm nhạc hiện hành đã giúp HS hình thành và phát triển năng lực thực hành, luyện tập và trình diễn âm nhạc, chương trình mới cần tạo môi trường để HS có thêm năng lực khác như cảm thụ, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tiếp cận phát triển chương trình dựa theo năng lực (Esther Care, Wiliams, Nguyễn Thị Kim Cúc).
- Phương pháp, kĩ thuật thiết kế chuẩn đầu ra chương trình (Esther Care, Kerry Woods, Nguyễn Thị Kim Cúc).
- Phương pháp đánh giá năng lực/ kết quả đầu ra của học sinh (Patrick Griffin, Pam Robertson, Nguyễn Thị Kim Cúc).
- Công cụ đánh giá năng lực giải quyết vấn đề (Masa Pavlovic, Claire Scoular, Nguyễn Thị Kim Cúc).
Và một số tài liệu khác.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét