XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA TRUYỀN THÔNG MARKETING TRONG CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0
Tóm tắt
Sự phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến cho doanh nghiệp nhiều thay đổi trong cách thức kinh doanh và hoạt động. Sự phát triển của cách mạng công nghệ số đòi hỏi cần thay đổi mô hình kinh doanh tương thích; khả năng thấu hiểu khách hàng; khả năng sáng tạo và đổi mới của doanh nghiệp; hoạt động truyền thông xã hội và xây dựng thương hiệu; khả năng xác định khách hàng mục tiêu trực tuyến; minh bạch giá cả; nguồn nhân lực chất lượng cao; khả năng tổ chức và năng lực của doanh nghiệp.
Từ khóa: Marketing 4.0, cách mạng công nghiệp 4.0, truyền thông marketing.
Mở đầu
Cuộc cách mạng số đối với xã hội nói chung và ngành marketing nói riêng, đã tạo nên một cuộc đua khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Dưới sự ảnh hưởng của quá trình chuyển dịch sang thương mại điện tử, những khái niệm marketing trước đây đã bộc lộ nhiều nhược điểm và ngày càng trở nên không phù hợp với thời đại số hiện tại nữa. Khái niệm marketing 4.0 xuất hiện trên cơ sở khai thác tối đa nền tảng công nghệ thông tin, kết nối, tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp, cũng như đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Định nghĩa marketing 4.0
Kotler và các cộng sự (2017) đưa ra định nghĩa marketing 4.0 là phương pháp tiếp cận marketing kết hợp giữa các tương tác trực tuyến và trực tiếp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, pha trộn giữa phong cách và giá trị thực tế trong quá trình xây dựng thương hiệu và quan trọng nhất là sự bổ trợ lẫn nhau giữa kết nối máy - máy và tiếp xúc trực tiếp người - người nhằm tăng cường cam kết gắn bó của khách hàng với doanh nghiệp.
Đặc điểm của marketing 4.0
- Khách hàng trong thương mại điện tử được liên kết với nhau qua mạng xã hội.
- Tính kết nối trong mạng xã hội giúp khách hàng có quyền chia sẻ và đánh giá dễ dàng về hoạt động của một doanh nghiệp.
- Khác với các cách tiếp cận marketing trước đây, dịch vụ chăm sóc khách hàng đã có sự thay đổi trong marketing 4.0. Doanh nghiệp cho phép người dùng tham gia vào quá trình chăm sóc khách hàng, sử dụng kết nối để chia sẻ với người dùng khác trong quá trình hậu mãi.
Xu hướng marketing 4.0 trong thời đại số
Từ mô hình 4P truyền thống chuyển sang mô hình 4C hiện đại
Trong Marketing 4C cũng có các yếu tố tương ứng như sau:
- Co-creation - Là việc dựa vào kiến thức, trải nghiệm, nhu cầu của cộng đồng để tạo nên nguồn thông tin đầu vào cho các doanh nghiệp. Và dễ dàng nhận thấy Co-creation nhất là ở các công ty công nghệ. Khi họ kết hợp giữa kiến thức sẵn có và những trải nghiệm với sản phẩm của họ và từ đó họ sẽ biết những cải tiến nào là cần thiết cho sản phẩm của mình.
- Currency - Là chi phí. Một ví dụ dễ thấy nhất là việc định giá của Uber và Grab. Thông thường, khi đi taxi truyền thống thì dù mưa hay nắng cũng chỉ có một mức giá cố định. Còn định giá của Grab và Uber sẽ linh hoạt theo nhu cầu của thị trường. Nếu cầu lớn hơn cung vào thời điểm nào đó thì giá sẽ bị đẩy lên cao hơn.
- Community - Kích hoạt cộng đồng. Dựa vào thông tin từ cộng đồng để đưa ra những cải tiến, những sản phẩm mới, thì chúng ta phải đi tiếp cận lại chính cộng đồng của mình. Vì mới được tạo ra dựa trên nhu cầu của cộng đồng này, cho nên họ sẽ là những người dễ dàng đón nhận sản phẩm mới. Cộng đồng này sẽ tạo nên những người dùng đầu tiên và dần dần lan truyền sang các cộng đồng khác.
- Conversation - Thảo luận. Các cuộc thảo luận vô tình sẽ trở thành một kênh truyền thông miễn phí. Khách hàng thảo luận với nhau, chia sẻ trải nghiệm sử dụng sản phẩm. Những người xung quanh họ sẽ nghe được những câu chuyện đó, hoặc sẽ được giới thiệu sử dụng. Đó chính là một kênh quảng bá cho doanh nghiệp.
Big Data – Vẽ chân dung khách hàng kiểu marketing 4.0
Big Data là thuật ngữ chỉ nguồn dữ liệu khổng lồ và phức tạp mà các hệ thống máy tính thông thường không có khả năng xử lý được. Bao gồm phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư.
Một thách thức khác trong kỷ nguyên số đó là có rất nhiều điểm chạm (hay kênh) tiếp xúc với khách hàng. Và nếu không “vẽ” được chân dung của họ, bạn sẽ giống như người mù giữa biển truyền thông, phải phủ chiến dịch marketing trên mọi kênh như Facebook, Instagram, Pinterest, email, …, khiến chi phí marketing tăng cao trong khi hiệu quả thấp. Bạn cần giải quyết được bài toán sản phẩm nào phù hợp kênh nào, và thời điểm nào đưa thông điệp nào. Big Data sẽ giúp bạn theo chân khách hàng và vẽ được chân dung của họ để chọn hướng khai thác phù hợp nhất.
Sự khác biệt của nền tảng kỹ thuật số giúp doanh nghiệp luôn có thể nắm giữ mọi tài nguyên khách hàng, biết được họ đang ở giai đoạn nào và có phương thức tiếp cận phù hợp. Những khách hàng đã nhận diện được thương hiệu của bạn sẽ được lưu trữ và “tái sử dụng” cho lần sau.
Các lợi ích chính mà Big Data mang lại: cắt giảm chi phí, giảm thời gian, tăng thời gian phát triển và tối ưu hóa sản phẩm, đồng thời hỗ trợ con người đưa ra những quyết định. Big Data cung cấp các dữ liệu mà bạn có thể phân tích được sở thích, thói quen của khách hàng từ đó gián tiếp giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa hơn. Nguồn dữ liệu này có được là từ những hành động của khách hàng khi truy cập trang web của doanh nghiệp.
Marketing 4.0 ứng dụng công nghệ VR (Vitual Reality – thực tế ảo)
Công nghệ VR cho phép người dùng miêu tả một môi trường được giả lập qua các ứng dụng phần mềm chuyên dụng, được hiển thị trên màn hình máy tính hoặc thông qua kính thực tại ảo nhằm đem lại những trải nghiệm thực tế nhất cho người xem như họ đang ở trong chính không gian đó.
Ví dụ trong lĩnh vực bất động sản, khách hàng thường bối rối khi không rõ về căn hộ mình sắp bỏ tiền ra mua, và ứng dụng công nghệ VR trong tiếp thị là giải pháp giúp việc chào bán sản phẩm trở nên hiệu quả hơn.
Cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0
Trước xu hướng phát triển trên đã tạo ra các cơ hội và thách thức đối với truyền thông marketing.
Cơ hội
Về phía doanh nghiệp, chi phí cho giao thông và thông tin sẽ giảm xuống, dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng sẽ trở nên hiệu quả hơn, và các chi phí thương mại sẽ giảm bớt, tất cả sẽ làm mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Người tiêu dùng cũng có được những quyền lợi nhất định khi sự minh bạch ngày càng rõ hơn, quan tâm của người tiêu dùng, và các khuôn mẫu mới về hành vi của người tiêu dùng (ngày càng xây dựng dựa trên quyền truy cập vào các mạng di động và dữ liệu) buộc các doanh nghiệp phải thích nghi với cách mà họ thiết kế, tiếp thị, và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ.
Thách thức
Khi công nghệ và tự động hóa lên ngôi, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với áp lực cần nâng cao chất lượng, cải tiến và đổi mới các dây chuyền công nghệ, tuyển nhân lực có năng lực về công nghệ, đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của doanh nghiệp nước ngoài. Những điều này là thực sự khó khăn trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thua kém rất lớn các doanh nghiệp nước ngoài về công nghệ, cũng như nhân lực và vốn đầu tư như hiện nay.
Thách thức tụt hậu xa hơn, lao động chi phí thấp mất dần lợi thế, khoảng cách công nghệ và tri thức nới rộng hơn dẫn đến phân hóa xã hội sẽ sâu sắc hơn… Chính phủ, các doanh nghiệp, các trung tâm nghiên cứu và cơ sở giáo dục tại Việt Nam cần phải nhận thức được và sẵn sàng thay đổi và có chiến lược phù hợp cho việc phát triển công – nông nghiệp, dịch vụ và kinh tế hay nguồn nhân lực trong thời kỳ Internet vạn vật và cuộc CMCN 4.0.
Kết luận
Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó vừa tạo ra những cơ hội, cũng như những thách thức cho nền kinh tế - xã hội, là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, hứa hẹn sẽ đem đến nhiều cơ hội phát triển với nhiều ngành nghề mới được tạo ra, các phương thức sản xuất, cung cấp dịch vụ, hàng hóa mới hiệu quả.
Để đáp ứng được các xu hướng phát triển trên, đòi hỏi các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh song hành cùng chiến lược công nghệ, chủ động nắm bắt, kịp thời vượt qua thách thức, phát huy lợi thế, tận dụng thành công cơ hội phát triển kinh tế - xã hội.
Tài liệu tham khảo
- Kotler Philip, Kartajaya Hermawan, Setiawan Iwan (2017), Marketing 4.0: Moving From Traditional to Digital, John Wiley & Sons.
- Lê Hải (2018). Cách mạng Công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế của tỉnh.
- https://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/201806/cach-mang-cong-nghiep-40-co-hoi-va-thach-thuc-doi-voi-phat-trien-kinh-te-cua-tinh-726638/
- Tăng Khánh (2017). Marketing 4.0: “Vẽ” chân dung khách hàng bằng data.
- https://doanhnhansaigon.vn/marketing-quang-cao/marketing-4-0-ve-chan-dung-khach-hang-bang-data-1082435.html
- Xu hướng Marketing trong thời đại 4.0
- https://kinhteduoc.net/marketing-duoc/xu-huong-marketing-trong-thoi-dai-4-0/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét