SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2021

'Việt Nam sẽ thành nước hàng đầu về chuyển đổi số trong giáo dục'

 

Thứ tư, 9/12/2020, 14:06 (GMT+7)


Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định mục tiêu của ngành giáo dục là trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số.

Sáng 9/12, tại hội thảo "Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ở Hà Nội, Bộ trưởng Nhạ cho biết tháng 6 Thủ tướng đã phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia, trong đó giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên. Với quy mô hơn 53.000 trường học, khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành xác định chuyển đối số có vai trò quan trọng để đổi mới căn bản toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo ngày 9/12. Ảnh: MOET.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo ngày 9/12. Ảnh: MOET.

Không phải đến bây giờ việc chuyển đổi số mới được nhắc tới mà đã được thực hiện và đạt những kết quả tích cực. Chẳng hạn khi Covid-19 bùng phát, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, giáo viên, học sinh thích ứng tốt với dạy và học trực tuyến. Tuy nhiên, theo ông Nhạ, việc cần làm bây giờ là tổ chức lại, làm bài bản để hiệu quả cao hơn. Trước hết phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đều có thể tham gia. Trên cơ sở nền tảng đó, ngành giáo dục rất cần cơ sở dữ liệu.

"Vừa rồi ngành đã xây dựng được cơ sở dữ liệu mã số định danh tất cả cơ sở giáo dục, học sinh, giáo viên. Đây có thể coi là bước tiến, nhưng cơ sở dữ liệu này vẫn cần được xây dựng trên nền tảng công nghệ chung của quốc gia để tăng hiệu quả", ông Nhạ nói.

Việc xây dựng tài nguyên số, học thuật số cũng cần thực hiện trên nền tảng công nghệ thống nhất để việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy và chia sẻ tri thức, đặc biệt là học tập từ xa, học tập suốt đời hiệu quả, mang lại giá trị.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn xác định phải trang bị kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ theo các cấp học. "Một nhiệm vụ ngành giáo dục rất quan tâm là làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu. Đây là nhiệm vụ được Bộ coi là đột phá trong những năm tới đây", ông Nhạ nói.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, ông Nhạ cho rằng cần xây dựng đội ngũ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số trực tiếp và gián tiếp. Các trường đại học được yêu cầu rà soát để mở mã ngành chưa có trong truyền thống nhằm phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo ra các kỹ sư chuyên nghiệp. Bộ đã làm với một số đại học Việt Nam và nước ngoài để phát triển đội ngũ này.

Đồng tình với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh "chuyển đổi số là chúng ta có muốn hay không, có dám hay không chứ không phải là có khả năng hay không". Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục và đào tạo cần nhiều thay đổi. Chẳng hạn, trước đây đầu vào, cách học là quan trọng còn bây giờ đầu ra mới quan trọng. Trước đây đại học so với chính mình, bây giờ đại học lại so với đại học khác. Hay như giáo viên trước đây là thầy, còn giờ là huấn luyện viên.

"Những thay đổi trên và nhiều thay đổi khác nữa có thể thực hiện rất nhanh thông qua chuyển đổi số", ông Hùng nói và nhận định mục tiêu của chuyển đổi số giáo dục là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nhưng giảm tải cho giáo viên, là đổi mới mô hình dạy và học, hỗ trợ công cụ giảng dạy mới cho giáo viên.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng có bài phát biểu dài về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo tại hội thảo ngày 9/12. Ảnh: MOET.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu về chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo tại hội thảo ngày 9/12. Ảnh: MOET.

Theo Bộ trưởng Hùng, chuyển đổi số giáo dục và đào tạo, nhất là đại học và dạy nghề có lẽ là con đường đúng nhất, nhanh nhất để tạo ra sự đột phá cho ngành. Chuyển đổi số đại học là tập trung vào thay đổi mô hình đào tạo thông qua việc áp dụng công nghệ số. Giảng viên sẽ tập trung tạo giá trị tăng thêm trên các nền tảng số.

Ông Hùng khẳng định đại học nằm trong các nền tảng chuyển đổi số thì mặt bằng sẽ ngay lập tức được nâng lên. Trong đó, việc đầu tiên cần làm là chuyển đổi toàn bộ trường đại học thành một quốc gia số thu nhỏ. Hoạt động của đại học, giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số.

Trong xã hội tương lai, việc học là nhu cầu cả đời người và đại học phải giải quyết nhu cầu này. Mỗi nhu cầu mới sẽ được giải quyết bởi một nền tảng số và nếu nhìn dưới góc nhìn này, đại học ngày càng giống một công ty công nghệ hơn là một đại học truyền thống.

Thể hiện sự đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Hùng nhấn mạnh những việc làm liên quan đến công nghệ số, xây dựng nền tảng cho chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo có thể giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số ở Việt Nam hỗ trợ. "Việc 5 năm thì hãy giao chúng tôi trong một năm vì bây giờ việc khó thì dễ làm hơn vì có nhiều giải pháp mới đột phá, việc dễ lại khó làm vì làm theo cách cũ", ông Hùng nói.

Tại hội thảo, hai bộ trưởng đã ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ký kết hợp tác với một số tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.

Dương Tâm 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates