Tin liên quan
TP Thủ Đức: Hạn chế thiệt thòi đối với cán bộ, công chức khi sáp nhập
Hơn 1 triệu người dân TP Thủ Đức được miễn phí khi chuyển đổi giấy tờ
Sẽ tường thuật trực tiếp lễ công bố Nghị quyết về thành lập TP Thủ Đức
Liên thông phục vụ người dân khi lập TP Thủ Đức
Thành phố Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-3-2021
Đóng góp tương đương 7% GDP cả nước
Một vấn đề người dân rất quan tâm là vì sao trước đây 3 quận (2, 9, Thủ Đức) tách ra từ huyện Thủ Đức, rồi bây giờ lại nhập vào? Vì sao không gọi là “quận Thủ Đức” mà lại là “TP Thủ Đức”? Rất nhiều câu hỏi đặt ra khi TP Thủ Đức đang gấp rút chuẩn bị các bước để hình thành, đi vào hoạt động.
Trả lời những câu hỏi này, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, nhấn mạnh, thành lập “TP Thủ Đức” là đòi hỏi của sự phát triển của TPHCM. Năm 1997, 3 quận 2, 9, Thủ Đức được tách ra từ huyện Thủ Đức. Nhìn lại 23 năm qua, mỗi quận đã đạt được những bước phát triển quan trọng và có ý nghĩa quan trọng đối với TPHCM.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, nếu tiếp tục để các quận tách rời nhau sẽ không tạo nên tính tương tác giữa các cực tăng trưởng đang nằm ở các quận khác nhau. Điều này đòi hỏi mô hình quản lý, thể chế thích hợp để thúc đẩy Thủ Đức phát triển trong tương lai. Nhận diện rõ những tiềm năng phát triển của khu vực, TPHCM đề xuất quy hoạch nơi đây trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao dựa trên 3 trụ cột: Khu công nghệ cao - Đại học Quốc gia TPHCM - Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TP Thủ Đức được lựa chọn để phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành “cực” tăng trưởng mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo. Với mục tiêu như vậy thì phải là “thành phố” chứ không thể là quận.
Theo tính toán khoa học thì TP Thủ Đức sẽ đóng góp 30%-35% GRDP của TPHCM, tương đương 7% GDP của cả nước. Xét về quy mô, trong khi nhiều quận của TP chỉ rộng chưa đầy 5km2 thì 3 quận 2, 9, Thủ Đức là hơn 211 km2. Dân số hơn 1 triệu người, tương đương số dân của TP Đà Nẵng. Với quy mô như vậy, đơn vị hành chính mới không thể là một quận.
Với Nghị quyết 1111, TP Thủ Đức sẽ là mô hình thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước. Đây sẽ là cơ sở để TPHCM đề xuất cơ chế đặc thù cho TP Thủ Đức để phát triển trong tương lai. ThS Nguyễn Thị Thiện Trí, Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM, nhận định, TP Thủ Đức sẽ gánh vác trách nhiệm là một tiền lệ về cơ chế hình thành đơn vị hành chính lãnh thổ “thành phố trong thành phố” trên cả nước.
Vùng động lực phát triển kinh tế mới cho TPHCM
Các thế mạnh của TP Thủ Đức được TPHCM xác định là các tiền đề quan trọng để hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao. Vì thế, song hành với thành lập TP Thủ Đức, TPHCM xây dựng đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM giai đoạn 2020-2025.
Trong mục tiêu phát triển đô thị, TP Thủ Đức sẽ hình thành và phát triển trên hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia và là đô thị loại 1 trực thuộc TPHCM. Về định hướng phát triển đô thị, dự kiến, dân số cư trú sẽ đạt 1,5 triệu người vào năm 2030; 1,9 triệu người vào năm 2040 và 3 triệu người vào năm 2060. Vì thế, quy hoạch đô thị sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho nhu cầu tương lai.
Các khu vực trung tâm đổi mới sáng tạo chính cũng được xác định, trong đó có Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Trung tâm công nghệ tài chính; Khu liên hợp TDTT quốc gia Rạch Chiếc - Trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Khu công nghệ cao - Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học; Khu Đại học Quốc gia TPHCM; Khu Trường Thọ - đô thị tương lai Trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam…
TPHCM xác lập 3 giai đoạn phát triển Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông. Theo kế hoạch, để có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển được đặt ra trong giai đoạn 2020-2025, nhu cầu vốn trong khu vực nhà nước ước tính sơ bộ cần 41.660 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông (khoảng 30.000 tỷ đồng) rồi đến đầu tư cho hạ tầng chống ngập (hơn 6.400 tỷ đồng) và đầu tư chuyển đổi số (khoảng 4.400 tỷ đồng), phục vụ kích cầu một số dự án các ngành nghề kinh tế sáng tạo (khoảng 550 tỷ đồng), đầu tư cho nghiên cứu quy hoạch, dự án, các quy định, chính sách (hơn 288 tỷ đồng).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét