Đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí
Cục trưởng Cục CSVC Phạm Hùng Anh cho biết: Cả nước hiện có khoảng 440.118 phòng học các cấp tiểu học, trung học, tỷ lệ kiên cố là 79,5%. Tỷ lệ phòng học/lớp là 0,96. Tỷ lệ trung bình phòng học kiên cố/lớp là 0,72.
TBDH mới được thiết kế phù hợp với chương trình GDPT mới đặc biệt cần đến phòng học bộ môn, tuy nhiên, phòng học bộ môn hiện đạt tỷ lệ rất thấp, nhất là ở bậc tiểu học (quy định tối thiểu 5 phòng). Cấp THCS có 47.383 phòng, đạt tỷ lệ 4,33 phòng/trường (quy định tối thiểu 8 phòng). Cấp THPT có 13.019 phòng, đạt tỷ lệ 5,56 phòng/trường (quy định tối thiểu 9 phòng).
Số lượng TBDH tối thiểu đang đáp ứng được khoảng 56,5% yêu cầu. Đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 05/2019/TT-BGDĐT ngày 5-4-2020 ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1, tính đến 15-9-2020, kết quả báo cáo của 30/63 tỉnh, TP cho thấy, số lượng bộ thiết bị đã được mua đáp ứng được 72% so với nhu cầu.
Trên cơ sở thực trạng CSVC, TBDH và yêu cầu của chương trình GDPT mới, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về TBDH, danh mục thiết bị tối thiểu từng cấp học, về CSVC; cùng nhiều văn bản chỉ đạo khác.
Để chỉnh sửa, bổ sung, thay thế những quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu của chương trình GDPT mới; đồng thời phù hợp với lộ trình đổi mới chương trình GDPT, Bộ GD&ĐT đã và đang xây dựng Danh mục TBDH tối thiểu lớp 2, lớp 6. Danh mục TBDH còn là căn cứ để các tổ chức, DN nghiên cứu, sản xuất và cung ứng thiết bị dạy học cho các cơ sở GDPT. Đồng thời, giúp các địa phương, các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục có căn cứ chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, rà soát thực trạng TBDH, xây dựng kế hoạch, đầu tư mua sắm, quản lý và khai thác sử dụng TBDH, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí.
TBDH sẽ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo kế thừa, tránh lãng phí, phục vụ tốt cho chương trình mới, sách mới. Ảnh: P.T |
Các địa phương chủ động chuẩn bị về cơ sở và thiết bị
Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang bày tỏ mong muốn Thông tư sớm được ban hành để ngành giáo dục địa phương chủ động tham mưu và bổ sung TBDH, không chỉ dừng ở mức độ tối thiểu mà đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục STEM ở cấp tiểu học và THCS.
Đồng quan điểm, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính, Sở GD&ĐT Lai Châu, Trần Đình Tiến chia sẻ thêm, tỉnh Lai Châu đã đảm bảo tất cả học sinh lớp 1 đều có SGK trước 5-9, kể cả những em thuộc diện được mượn, được cấp; Sở được UBND giao làm chủ đầu tư mua sắm một số TBDH lớp 1, hiện đang tiến hành bàn giao để đến tháng 10 đảm bảo có đủ TBDH tối thiểu.
Ông Lê Quốc Tiến, GĐ Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, ngành GD cần tham mưu tỉnh, TP bằng những đề án cụ thể, căn cứ từ cơ sở dữ liệu ngành, với số liệu chi tiết, rõ ràng, đầy đủ.
Hiện nay, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã cấp mã định danh cho từng giáo viên và học sinh. Trích xuất từ cơ sở dữ liệu ngành đã và đang hỗ trợ hiệu quả cho quá trình cụ thể hóa các đề án: Hỗ trợ học phí cho tất cả học sinh; Phòng tránh tai nạn đuối nước học đường; Bồi dưỡng giáo viên, đảm bảo hoàn thành nâng chuẩn từ nay tới 2025; Định hướng, tài trợ cho học sinh giỏi học ngành sư phạm và đảm bảo đầu ra tại các cơ sở giáo dục Hải Phòng, giải quyết bài toán thiếu 3.000 giáo viên hàng năm;…
Đồng thời, cơ sở dữ liệu ngành cung cấp bức tranh cụ thể về CSVC, để ngành GD Hải Phòng chủ động xây dựng đề án cho 5 năm tới, đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí đổi mới giáo dục.
Nhiều địa phương cùng đề xuất Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ bố trí nguồn kinh phí và hỗ trợ các nguồn lực để mua sắm trang thiết bị và đầu tư CSVC theo lộ trình đổi mới chương trình GDPT. Được biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổng hợp và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai công tác này.
Một số địa phương kiến nghị, Bộ GD&ĐT có ý kiến với UBND tỉnh, TP, đảm bảo việc mua sắm TBDH phải do các cơ quan có chuyên môn chủ trì thực hiện, đáp ứng yêu cầu dạy học, kịp thời phục vụ cho khai giảng năm học mới.
Theo ông Phạm Hùng Anh, dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục TBDH lớp 2, lớp 6 trong tháng 10-2020 và ban hành danh mục TBDH các lớp khác trong nửa đầu năm 2021.
Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Danh mục TBDH tối thiểu theo quy trình nghiêm túc, chặt chẽ, bao gồm: Rà soát danh mục thiết bị cũ, đánh giá thực trạng TBDH đáp ứng nhu cầu tối thiểu của các địa phương; nghiên cứu chương trình môn học, từ đó đưa ra yêu cầu với TBDH tối thiểu; tổ chức cho các tổng chủ biên chương trình môn học đề xuất yêu cầu về danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cho từng môn học. Danh mục cũng bám sát định hướng đáp ứng yêu cầu của chương trình môn học; tính liên thông giữa các lớp, các cấp học; thiết kế theo từng chủ đề, nội dung dạy học, bám sát chương trình. Giáo viên nhìn vào danh mục có thể tự chuẩn bị TBDH theo từng nội dung dạy học, không phụ thuộc cán bộ phụ trách TBDH. |
0 nhận xét:
Đăng nhận xét