SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tích cực hoá quá trình học tập của học sinh, sinh viên.

 


TS. NGUYỄN ĐỨC CA
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam


Trong những năm gần đây, phương pháp dạy học (PPDH) trong các bậc đào tạo hiện nay chủ yếu mang tính chất thông báo – tái hiện. Một trong những biện pháp quan trọng là chúng ta cần phải nhanh chóng ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin (CNTT) để biên soạn bài giảng điện tử áp dụng trong dạy và học ở Việt Nam nhằm tích cực hóa quá trình học tập của học sinh, sinh viên.


1. Đặt vấn đề
Việc nghiên cứu ứng dụng CNTT vào quá trình dạy học (QTDH) được triển khai mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Ở các nước phát triển như Mỹ, Đức, Hàn Quốc,… các công ty sản xuất thiết bị dạy học (DH) về ứng dụng CNTT đã sản xuất nhiều sách điện tử, các phương tiện dạy học (PTDH) hiện đại được điều khiển bởi máy vi tính (MVT), hệ thống trường học được trang bị phòng học đa chức năng với mạng máy tính, máy chiếu khuếch đại,… đã đánh dấu một cuộc cách mạng mới trong công nghệ DH. Đưa QTDH từ hình thức dạy học truyền thống thành DH trên mạng, biến Internet với các Website thành môi trường học tập và thư viện tư liệu cho HSSV truy cập. 
Thực tế hiện nay vấn đề sử dụng máy tính trong DH ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như:
- Nhận thức của giáo viên (GV) và HSSV: Nhiều GV, HSSV chưa quan tâm tới việc ứng dụng CNTT vào quá trình giáo dục do đã quen với các PPDH truyền thống.
- Cơ sở hạ tầng CNTT còn thấp: đây là vấn đề nan giải nhất. Ứng dụng CNTT trong giáo dục đi liền với đầu tư hệ thống máy tính, mạng máy tính nội bộ, mạng Internet phục vụ cho GV và HSSV, các thiết bị ngoại vi như máy chiếu, hệ thống cung cấp điện, phòng máy đạt tiêu chuẩn,… là khó khăn lớn không dễ giải quyết trên diện rộng. 
- Trình độ tin học của GV và HSSV còn có những bất cập với các ứng dụng cụ thể của các phần mềm, các thí nghiệm với máy tính… 
- Hình thức tổ chức lớp-bài truyền thống sẽ có những điều chỉnh khi đưa CNTT vào DH. Thay đổi hình thức tổ chức lớp học, phương thức dạy và học sẽ gây khó khăn cho cả GV, HSSV và cả các nhà quản lý giáo dục. Chẳng hạn muốn tổ chức một giờ học bằng bài giảng điện tử, sử dụng projector trang bị cho toàn trường (vì không có điều kiện trang bị đến từng lớp học) thì phải có sự di chuyển địa điểm học tập, GV sẽ phải mất thời gian cho việc chuẩn bị PTDH cho giờ học đó [1, 2, 3, 4].

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Đổi mới phương pháp dạy học
- Hình thành tình huống có vấn đề.
- Tăng cường hoạt động tìm tòi của HSSV.
- Thay đổi hình thức tổ chức dạy học: dạy học trên lớp, trong phòng thí nghiệm, thảo luận, làm việc theo nhóm, tự học, phụ đạo, tham quan,...
- Tăng cường ứng dụng phương tiện dạy học. Đổi mới phương pháp dạy và học là kế thừa những tinh hoa của giáo dục truyền thống và tiếp thu các PPDH hiện đại theo quan điểm DH tích cực. 
Như vậy việc đổi mới PPDH có thể xem như sự vận dụng sáng tạo các PPDH truyền thống với các phương pháp, phương tiện, công nghệ phù hợp với đối tượng, nội dung chương trình môn học.

2.2. Tích cực hóa hoạt động nhận thức của HSSV 

* Tính tích cực trong học tập: Trong giáo dục, tính tích cực (TTC) là tích cực là sự mong muốn hiểu biết và có khát vọng chiếm lĩnh tri thức mới. TTC học tập được phân chia thành các cấp độ từ thấp đến cao:
- Bắt chước: cố gắng hành động theo mẫu của giáo viên và bạn bè. 
- Tìm tòi: độc lập trong tư duy khi giải quyết các vấn đề, tìm kiếm các cách giải quyết khác nhau về một vấn đề....
- Sáng tạo: tìm ra cách giải quyết mới, độc đáo....
* Phương pháp dạy học tích cực (PPDHTC): hướng tới tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học nhằm phát huy TTC, chủ động sáng tạo của người học. 
2.3. Bài giảng điện tử
2.3.1. Khái niệm bài giảng điện tử (BGĐT): BGĐT là một sản phẩm của hoạt động thiết kế bài dạy được thể hiện bằng vật chất trước khi hoạt động DH được tiến hành. BGĐT cũng chính là bản thiết kế của một bài học. Xây dựng giáo án điện tử (GAĐT) hay BGĐT chỉ là hai cách gọi khác nhau cho một hoạt động cụ thể để có được một BGĐT trong quá trình DH tích cực.
2.3.2. Sự khác nhau giữa GAĐT và BGĐT
+ Giáo án điện tử: GAĐT = Giáo án DH tích cực + các yếu tố điện tử; GAĐT là bài soạn của GV, trong đó nêu được mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, tiến trình bài giảng, các hoạt động của GV và HSSV trong tiết dạy học.
+ Bài giảng điện tử: BGĐT = Bài giảng trên lớp + các yếu tố điện tử; BGĐT trình bày phần nội dung của bài học cần truyền tải cho HSSV; BGĐT (phần trình bày) là những tập tin có chức năng chuyển tải nội dung giáo dục đến người học, là công cụ tương tác giữa người học và người dạy để thực hiện các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ được nêu ra trong bài học.

2.3.3. So sánh ưu nhược điểm giữa việc sử dụng PPDH cho BGĐT với phương pháp truyền thống
* PPDH cho bài giảng điện tử: Học tập lấy người học làm trung tâm; Kích thích đa giác quan; Hướng phát triển đa chiều; Đa phương tiện, đa năng; Làm việc hợp tác, tương tác; Trao đổi thông tin; Học tập tích cực, tìm tòi khám phá; Học dựa trên tư duy phê phán, sáng tạo bằng việc đưa ra những quyết định; DH thích ứng dựa trên những hoạt động có chủ định.
* Phương pháp truyền thống: Truyền thụ lấy người dạy làm trung tâm; Kích thích đơn giác quan; Hướng phát triển một chiều; Đơn phương tiện, đơn năng; Làm việc đơn lẻ, cá thể; Truyền tải thông tin; Học tập thụ động; Học dựa trên những tri thức có sẵn; DH dựa trên những phản ứng đáp lại, tái tạo theo mẫu; Bối cảnh và tình huống tách biệt.
Vậy qua phân tích trên ta nhận thấy, hiệu quả của PPDHTC cho BGĐT cao hơn so với PPDH truyền thống, do BGĐT có tính tương tác cao dựa trên công nghệ Multimedia, tạo điều kiện cho người học trao đổi thông tin dễ dàng hơn, trực quan hóa mọi sự vật hiện tượng. Hiện nay, BGĐT đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giáo dục ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, BGĐT không phải là một công cụ để thay thế “bảng đen, phấn trắng” cũng không thể thay thế vai trò của giáo viên, mà BGĐT đóng vai trò định hướng trong tất cả các hoạt động học tập để biến QTDH thụ động thành QTDH tích cực, chủ động.
2.3.4. Ý nghĩa của việc sử dụng BGĐT 
- Tạo môi trường học tập mới: môi trường học tập hiện nay có sự tích hợp của BGĐT sẽ mang một cấu trúc mới đầy triển vọng. Hệ thống tổ chức mang tính mở. Cấu trúc ngang trong DH, không thứ bậc. Môi trường bình đẳng, dân chủ, tự nguyện. 
- Phát huy vai trò, vị trí của người dạy và người học, có sử dụng các công nghệ hiện đại người học thực sự đứng ở vị trí trung tâm, là người chủ, người khám phá của việc học. Cá thể hóa, hoạt động tương tác, hợp tác, tính tích hợp và đa dạng về phong cách học tập. Trong thực tế, các BGĐT có thể được đóng gói và vận hành trong môi trường Web phục vụ cho các khóa học từ xa hay đào tạo qua mạng. Để có thể thiết kế được những BGĐT tốt người dạy phải không ngừng nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài liệu để bổ sung vào nội dung bài học, lựa chọn phương pháp, hình thức triển khai mới cho bài giảng của mình, người dạy sẽ giữ vai trò điều khiển, định hướng người học vào quá trình tìm kiếm và xử lý thông tin. 
- Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức DH: tích hợp BGĐT vào quá trình DH tích cực hiện nay vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu trong đổi mới PPDH. Một BGĐT sẽ kích thích sự quan tâm, chú ý, định hướng một cách rõ ràng cho các vấn đề cần triển khai nếu người dạy biết cách phát huy, phối hợp các thế mạnh của từng PPDH tích cực trong quá trình DH: DH theo nhóm nhỏ, tranh luận, trình bày, nêu vấn đề và giải quyết vấn đề, DH dự án.
2.3.5. Các tiêu chí đánh giá BGĐT 
Qua thực tiễn xây dựng và sử dụng BGĐT, theo chúng tôi các tiêu chí để đánh giá chất lượng của một BGĐT gồm có: 
* Các tiêu chí về mặt khoa học: Các nội dung trong BGĐT phải được trình bày khoa học, dễ hiểu, đáp ứng tính đa dạng phong phú, đảm bảo tính chính xác khoa học, phù hợp với chương trình đào tạo, kiến thức và khả năng tiếp thu của HSSV. 
* Các tiêu chí về lý luận dạy học: BGĐT phải thực hiện được các chức năng lý luận dạy học, thực hiện đầy đủ các giai đoạn của QTDH, từ khâu củng cố trình độ xuất phát, hình thành tri thức mới, ôn tập, hệ thống hoá kiến thức cho đến kiểm tra đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ của HSSV.
* Các tiêu chí về mặt sư phạm: BGĐT phải thể hiện được tính ưu việt về mặt tổ chức DH so với hình thức lớp-bài truyền thống. Tính ưu việt của BGĐT so với các phần mềm DH khác là khai thác triệt để khả năng hỗ trợ, truyền tải thông tin đa dạng, trực quan hóa các hiện tượng, quá trình,... kích thích động cơ học tập, tính tích cực và khả năng sáng tạo của HSSV.
* Các tiêu chí về mặt kỹ thuật: Giao diện trên màn hình phải đơn giản, thân thiện, cấu trúc slide rõ ràng, được sắp xếp một cách hợp lý phù hợp với tiến trình của một giờ học.

2.3.6. Những trở ngại khi sử dụng BGĐT 
Để có một bài giảng sống động trên các slide trong các giờ học lý thuyết và thực hành đòi hỏi phải mất nhiều thời gian chuẩn bị mà đó chính là điều mà các giáo viên thường hay tránh. Nếu sử dụng PPDH truyền thống với phấn trắng bảng đen thì hiệu quả mang lại chỉ có 30%, trong khi hiệu quả của phương pháp multimedia (nhìn - nghe) lên đến 70%. Việc sử dụng phương pháp mới đòi hỏi một giáo án mới. Thực ra, muốn “click” chuột để tiết dạy thực sự hiệu quả thì giáo viên phải vất vả gấp nhiều lần so với cách dạy truyền thống. Ngoài kiến thức căn bản về vi tính, sử dụng thành thạo phần mềm Powerpoint, Violet,… giáo viên cần phải có niềm đam mê thật sự với công việc thiết kế đòi hỏi sự sáng tạo, sự nhạy bén, tính thẩm mỹ để săn tìm tư liệu từ nhiều nguồn.

Chính vì những khó khăn trên mà các GV chỉ ứng dụng CNTT khi có nhu cầu. Tức là chỉ có thao giảng (hội giảng), thì mới sử dụng và việc làm này chỉ mang tính chất đối phó. Tình trạng này cũng phổ biến trong các trường học. Mục đích sử dụng máy tính phục vụ cho công tác giảng dạy chỉ được áp dụng trong các tình huống này.
3. Kết luận
Việc ứng dụng CNTT nhằm tích cực hóa hoạt động nhận thức của HSSV trong dạy học để nâng cao chất lượng của QTDH, bước đầu khẳng định tính tích cực của việc sử dụng BGĐT với sự hỗ trợ của máy vi tính làm PTDH. Đồng thời cũng đã phát hiện những khó khăn khi ứng dụng CNTT, để đưa ra giải pháp khắc phục khó khăn góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong Nhà trường.
Qua quá trình nghiên cứu chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau: 
Một là, tăng cường trang thiết bị, PTDH hiện đại như  máy vi tính, máy chiếu… cho các Nhà trường một cách đầy đủ và đồng bộ. Các tiết học có thực hành, nên cho HSSV thực hiện tại phòng thực hành. Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, GV và HSSV về việc ứng dụng CNTT trong dạy và học. 
Hai là, có biện pháp khuyến khích GV ứng dụng PTDH hiện đại trong QTDH. Bồi dưỡng kiến thức về tin học thường xuyên cho GV các bộ môn để họ có thể tự tin hơn và tổ chức tốt ứng dụng CNTT trong công tác giảng dạy của mình.
Ba là, xây dựng ngân hàng dữ liệu, BGĐT, xây dựng các website. Tổ chức, trao đổi kinh nghiệm về ứng dụng CNTT giữa các trường học các cấp cao đẳng, đại học trong nước và quốc tế. Nhà trường tạo mọi điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất và thời gian để GV có thể đưa những ứng dụng mới của CNTT vào dạy học có hiệu quả. Thư viện trường bên cạnh tài liệu như sách vở, sách tham khảo, báo,… nên đầu tư thêm dàn máy vi tính có kết nối mạng Internet để HSSV có thể truy cập, tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc học tập, mở mang kiến thức và khả năng tìm kiếm thông tin của HSSV sẽ được tăng lên. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates