SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Đổi mới mô hình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cho chương trình mới

 

Ngày 9/8, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị chuẩn bị triển khai tập huấn bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có gần 200 đại biểu là đại diện 63 Sở GD&ĐT; lãnh đạo các trường Đại học Sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia chương trình ETEP (chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông); lãnh đạo, chuyên viên các vụ, cục có liên quan của Bộ GDĐT.

Quang cảnh Hội nghị

Cần sự đồng lòng, đồng thuận

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, chương trình GDPT mới đã được Bộ ban hành từ năm 2018, để chương trình thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra cuộc cách mạng trong đổi mới giáo dục, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ Bộ, ngành, các Sở GDĐT, các trường đại học và toàn hệ thống chính trị. “Nếu chúng ta đồng lòng, đồng thuận, có kế hoạch và triển khai thực hiện một cách khoa học, phù hợp, thì nhất định sẽ thành công” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, nhân tố quyết định thành công của chương trình GDPT mới là đội ngũ giáo viên. Do đó, phải tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ này nắm chắc chương trình phổ thông, biết đổi mới tư duy dạy học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Cho rằng, công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chuẩn bị cho chương trình GDPT mới sẽ khác và khó khăn hơn những lần trước, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị các đơn vị có liên quan nhận thức đầy đủ, quan tâm sát sao tới công việc quan trọng này.

“Mỗi người được phân công nhiệm vụ phải thấy rõ trách nhiệm của mình, quyết tâm cao trong thực hiện và xây dựng kế hoạch làm việc khách quan, khoa học, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Quá trình thực hiện, nếu có những khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần báo cáo lên Bộ để có những tư vấn, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời” - Thứ trưởng lưu ý.

Cơ chế phối hợp giữa Bộ GDĐT, Sở GDĐT 63 tỉnh thành, các trường đại học Sư phạm/học viện Quản lý giáo dục cần chặt chẽ, thống nhất, nhuần nhuyễn, phân rõ người trách nhiệm đứng đầu. Theo đó, lãnh đạo các trường Đại học chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng GDĐT về công tác bồi dưỡng. Nhưng muốn làm tốt điều này thì phải Sở phối hợp phải làm tốt công tác điều động giáo viên tham gia tập huấn. Lãnh đạo Sở chịu trách nhiệm trước Tỉnh uỷ, UBND địa phương về việc chất lượng giáo viên được bồi dưỡng.

Kế hoạch bồi dưỡng giáo viên của từng địa phương do trường đại học phụ trách phối hợp Sở GDĐT thống nhất xây dựng, báo cáo Bộ và triển khai thực hiện phù hợp. Bộ GDĐT sẽ thành lập ban điều hành, giám sát việc bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương để nắm bắt, giám sát thực tế công tác tổ chức thực hiện.

Đề cao vai trò “tự bồi dưỡng” của giáo viên

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, việc bồi dưỡng giáo viên lần này không chỉ là bồi dưỡng để thay chương trình GDPT, SGK mới mà còn kết hợp với bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực người thầy theo chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng mà Bộ đã ban hành.

“Quan điểm của Bộ GDĐT là giao cho các trường Đại học Sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục trực tiếp tham gia bồi dưỡng dưới sự phối hợp, hỗ trợ của các Sở GD&ĐT, các nhà trường phổ thông và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Hội nghị

Đây là lần đầu tiên trường sư phạm tham gia, chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác này. Trước đây, việc bồi dưỡng giáo viên các cấp do vụ chuyên môn của Bộ GDĐT thực hiện. Sự thay đổi này và cơ chế kết hợp giữa trường sư phạm với Sở GDĐT, dưới sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, nhằm tạo ra sự thống nhất, bài bản trong đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, khắc phục được hạn chế của cách làm trước đây.

Một khác biệt nữa trong cách thức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên tới đây là kết hợp trực tiếp và qua mạng. Cách làm này phần nào sẽ khắc phục được nhược điểm “suy giảm chất lượng” sau mỗi đợt giáo viên F1 tập huấn cho F2 rồi F2 tập huấn lại cho F3 của mô hình bồi dưỡng trực tiếp vẫn áp dụng trước nay.

Với các video trao đổi gốc, học liệu gốc về chương trình tổng thể, chương trình môn học, nguyên lý, mục tiêu, yêu cầu cần đạt… của chương trình GDPT mới, được đưa lên mạng, tất cả các giáo viên đều có thể tiếp cận để nghiên cứu, học tập. Trước khi tham dự bồi dưỡng trực tiếp, các giáo viên đều phải nghiên cứu trước các tài liệu này để nắm được các vấn cơ bản của chương trình GDPT mới. Những học liệu trên sẽ tồn tại trên hệ thống online, giúp giáo viên đọc, học, nghiên cứu nhiều lần. Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến cũng có diễn đàn để giáo viên khi thấy khúc mắc, khó khăn có thể trao đổi ngay với giảng viên chủ chốt, giáo viên cốt cán.  

Việc bồi dưỡng giáo viên trước đây chủ yếu theo cách truyền thụ kiến thức với một số nội dung có sẵn và giáo viên cũng muốn được mang cái có sẵn đó về giảng dạy cho học sinh. Kiểu cầm tay chỉ việc như thế rất dễ dàng cho giáo viên và người đi bồi dưỡng. Nhưng ở chương trình GDPT mới, nhận thức và cách thức bồi dưỡng đã thay đổi.

“Phải biến quá trình được bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói. Theo đó, giáo viên phải chủ động, năng động tìm hiểu, nắm bắt nội dung, yêu cầu, mục tiêu cần đạt… của chương trình GDPT mới, chương trình các môn học. Chương trình mới được thiết kế theo hướng mở để giáo viên được chủ động, sáng tạo trong cách giảng dạy của mình.

Việc đổi mới nhận thức, thái độ, thói quen, cách làm… trong bồi dưỡng giáo viên lần này là một thách thức, cần sự cố gắng của tất cả các bên liên quan. Các trường đại học phải cố gắng tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên xuất sắc để biên soạn, viết ra những tài liệu hướng dẫn/tập huấn giáo viên tốt và trực tiếp tham gia bồi dưỡng giáo viên. Những người đi bồi dưỡng giáo viên cần đổi mới phương thức truyền đạt.

Sẽ phê bình những địa phương bồi dưỡng kém chất lượng

Để việc bồi dưỡng giáo viên đạt hiệu quả, công tác quản lý quản trị được Thứ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu phải chuyên nghiệp, từ cách xây dựng tài liệu cho đến chất lượng kiểm tra đánh giá theo dõi. Các trường đại học, Sở GDĐT phải thực hiện tốt việc quản trị nhân sự, quản trị tài chính, xây dựng tài liệu… để tổ chức tập huấn cho giáo viên. Giáo viên tập huấn xong phải được kiểm tra, đánh giá chất lượng để cấp chứng nhận. Những đơn vị, trường đại học, Sở GDĐT nào tham gia không nghiêm túc, kém chất lượng trong công tác bồi dưỡng giáo viên, Bộ GDĐT sẽ có văn bản phê bình.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cần đảm bảo tiến độ về thời gian để đáp ứng lộ trình triển khai của chương trình GDPT mới. Năm học 2020-2021 tới sẽ áp dụng chương trình mới cho tất cả học sinh lớp 1, năm học 2021-2022 sẽ áp dụng cho lớp 2, lớp 6, năm học 2022-2023 cho lớp 3,7,10 và cuốn chiếu đến năm học 2024-2025 tất cả các cấp học, lớp học sẽ triển khai chương trình GDPT mới.

“Bộ GD&ĐT đã đưa ra mốc thời gian, đề nghị các trường đại học phối hợp với các Sở GD&ĐT thống nhất xây dựng kế hoạch chi tiết việc bồi dưỡng giáo viên cho địa phương và thực hiện đảm bảo chất lượng, kịp tiến độ”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates