SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2020

Giáo dục âm nhạc ở một số nước trên thế giới

 


Giáo dục Âm nhạc là một thành phần không thể thiếu trong giáo dục bắt buộc (phổ cập) ở hầu hết các nước trên thế giới, cho dù ở những nước đó có sự khác biệt về địa lí, chính trị, kinh tế, tôn giáo, văn hóa, xã hội… Trong khi trên thế giới có hàng trăm loại ngôn ngữ được dùng phổ biến và hàng chục hệ chữ cái khác nhau, thì cách chép nhạc với khuông nhạc 5 dòng với các nốt Đô Rê Mi Pha Son La Si lại được thống nhất ở hầu hết các nước.

Giáo dục âm nhạc ở một số nước trên thế giới
Giáo dục âm nhạc ở một số nước trên thế giới

Theo kết quả nghiên cứu của đề tài “Xu thế phát triển giáo dục Tiểu học của một số nước trên thế giới” (Mã số B2009-37-76) do PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh làm chủ nhiệm, thì giáo dục Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong hệ thống các môn học ở những nước trong phạm vi nghiên cứu của đề tài là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Pháp, Đức, Canada, Mỹ. Tại 8 nước này, hệ thống các môn học được phân theo 7 lĩnh vực học tập, là: Ngôn ngữ (Ngôn ngữ quốc gia, Tiếng mẹ đẻ, Ngoại ngữ); Khoa học xã hội và nhân văn; Toán; Khoa học tự nhiên; Kĩ thuật và Công nghệ thông tin; Giáo dục thể chất, sức khỏe; Nghệ thuật (Nghệ thuật thị giác, Âm nhạc). Tuy số lượng môn học ở từng nước là khác nhau (Trung Quốc có 10 môn, Hàn Quốc 10 môn, Singapore 8 môn, Anh 9 môn, Pháp có 12 môn, Đức 7 môn, Canada 8 môn, Mỹ 11 môn), nhưng những môn có ở cả 8 nước là: Ngôn ngữ quốc gia, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Nghệ thuật thị giác, Âm nhạc, Giáo dục thể chất, Ngoại ngữ.

Pháp

Ở Pháp, Âm nhạc là môn học bắt buộc ở Tiểu học và Trung học cơ sở, là môn học tự chọn ở Trung học phổ thông. Nhà trường thường tổ chức dạy học Âm nhạc sau 16h, đó là thời điểm để HS học các môn năng khiếu như Thể thao, Âm nhạc, Khiêu vũ, Sân khấu, Mĩ thuật…

Liên bang Nga

Theo Chuẩn Quốc gia về giáo dục phổ thông Liên bang Nga, cấu trúc của hạt nhân nội dung giáo dục phổ thông được chia thành 2 lĩnh vực: lĩnh vực khoa học xã hội- nhân văn bao gồm các môn học Tiếng Nga, Tiếng nước ngoài, Văn học, Nghệ thuật, Lịch sử, Địa lí, Xã hội; lĩnh vực khoa học tự nhiên- Toán học bao gồm các môn học Toán học, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học. Trong đó, Nghệ thuật gồm 2 môn là Âm nhạc và Mĩ thuật, với mỗi tuần HS Tiểu học được học 1 tiết Âm nhạc, 1 tiết Mĩ thuật.

Đan Mạch

Ở Đan Mạch, giáo dục Âm nhạc ở Tiểu học và THCS lựa chọn 4 mục tiêu là giúp HS biết ca hát, chơi nhạc cụ, hiểu biết về lí thuyết âm nhạc và vận động âm nhạc.

Phần Lan

Ở Phần Lan, giáo dục Âm nhạc ở Tiểu học được chia thành các loại trình độ khác nhau, ví dụ trình độ từ 1 đến 4 có các mục tiêu: HS sử dụng giọng hát tự nhiên và năng lực của mình để ca hát, chơi nhạc cụ và vận động theo nhạc trong nhóm hoặc một mình; nghe để nhận xét về âm nhạc; sáng tạo âm nhạc dựa trên những gợi ý; hiểu biết về sự đa dạng của thế giới âm nhạc… Trình độ từ 5 đến 9 có các mục tiêu: duy trì và cải tiến các năng lực âm nhạc cá nhân; hiểu biết về các thể loại và phong cách âm nhạc; hiểu biết về các yếu tố của âm nhạc như giai điệu, tiết tấu, hòa âm, cường độ, giọng và cấu trúc tác phẩm; sáng tạo âm nhạc. Giáo dục Âm nhạc ở THCS có 2 lĩnh vực: lĩnh vực thứ nhất là giáo dục bắt buộc, gồm 2 chủ đề là Âm nhạc và tôi, Phức điệu của Phần Lan; lĩnh vực thứ hai là giáo dục đặc biệt, gồm 3 chủ đề là Mở rộng với Âm nhạc, Thông điệp và tác dụng của Âm nhạc, Dự án Âm nhạc.

Mỹ

Ở Mỹ, lịch sử giáo dục Âm nhạc được tính từ năm 1717, khi Đức cha Thomas Symmes thuyết phục nhà trường ở Boston, Massachusetts tổ chức dạy hát cho HS để hoàn thiện năng lực hát và đọc nhạc trong nhà thờ. Sau đó, việc giáo dục Âm nhạc lan rộng sang các trường học ở các bang khác. Ngày nay, mỗi bang có chương trình giáo dục Âm nhạc riêng, tuy nhiên, theo Chuẩn quốc gia về giáo dục âm nhạc của Mỹ, khi học Âm nhạc học sinh cần đạt được 9 yêu cầu sau:

  • Hát, một mình và hát cùng người khác.
  • Trình diễn nhạc cụ, một mình và cùng người khác.
  • Soạn giai điệu ngẫu hứng, biến tấu và hòa âm.
  • Sáng tác và soạn bản nhạc theo một số gợi ý.
  • Đọc nhạc.
  • Nghe, phân tích và miêu tả âm nhạc.
  • Đánh giá về tác phẩm và trình diễn âm nhạc.
  • Hiểu mối quan hệ giữa âm nhạc với các loại nghệ thuật khác.

Anh

Ở Anh, chương trình Âm nhạc quốc gia được chia theo 4 giai đoạn: HS từ 5 đến 7 tuổi (chủ yếu phát triển kĩ năng nghe nhạc); từ 7 đến 11 tuổi (kĩ năng hát và chơi nhạc cụ); từ 11 đến 14 tuổi (nhạc lí và đọc nhạc); từ 14 đến 16 tuổi (trình diễn và sáng tạo). Mỗi giai đoạn có mục tiêu riêng, kèm theo đó là nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp.

Hàn Quốc

Chương trình giáo dục Âm nhạc ở Hàn Quốc được thực hiện từ lớp 1 đến hết lớp 10 với số tiết giảm dần: từ lớp 1 đến lớp 6 học 3 tiết Âm nhạc một tuần, lớp 7 học 2 tiết một tuần, từ lớp 8 đến lớp 10 học 1 tiết một tuần. Chương trình được xây dựng dựa theo các loại năng lực của HS như: thực hành âm nhạc; hiểu biết âm nhạc; sáng tạo âm nhạc; trình diễn âm nhạc…

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, âm nhạc là một phần không thể tách rời của bất cứ chương trình giáo dục nào. Mục tiêu là để nuôi dưỡng và củng cố niềm ham thích và sự tham gia của HS vào những hoạt động âm nhạc. Việc này giúp cho các em đạt được kết quả học tập tốt hơn và có những lối cư xử, thái độ và phẩm chất tốt hơn trong cuộc sống nói chung.

Những nghiên cứu ở Nhật Bản gần đây cho thấy giáo dục âm nhạc không chỉ đem lại sự phát triển nhân cách và những kỹ năng xã hội. Người ta thấy rằng giáo dục âm nhạc còn làm tăng cường năng lực của HS trong nhiều lĩnh vực khác nhau ví dụ như toán, khoa học, khả năng đọc và ngôn ngữ. Thực tế âm nhạc gắn liền với sự phát triển trí thông minh nói chung. Các nghiên cứu cũng mang lại những bằng chứng cho thấy rằng đơn thuần chỉ nghe nhạc từ lứa tuổi nhỏ có thể giúp cho trí não phát triển nhưng một chương trình giáo dục âm nhạc được soạn thảo dài hạn sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn nữa. Có thể nói tóm lại giáo dục âm nhạc khiến trẻ em trở nên thông minh hơn và trở thành những nhân cách tốt hơn.

Lớp 1 và lớp 2 luyện tập tiết tấu cho lứa tuổi từ 7-8:

Giai đoạn đầu của giáo dục âm nhạc tại các trường tiểu học ở Nhật Bản bắt đầu ở lứa tuổi 7 hoặc 8 cơ bản là luyện tập về tiết tấu. Tại giai đoạn này trọng tâm chủ yếu là gieo những ham thích âm nhạc vào trẻ nhỏ, tạo nên điều kiện cơ bản cho những bước phát triển về âm nhạc sau này. Theo đúng tiến trình thì trẻ em sẽ được cuốn mình vào âm nhạc một cách nhiệt tình, khám phá ra sự tuyệt vời ngọt ngào của âm nhạc. Học sinh ở Nhật được học kèn MELODICA ( MELODION) rất sớm.

Lớp 3 và lớp 4 luyện đọc nhạc cho trẻ em ở lứa tuổi 9-10:

Sau giai đoạn luyện tập ban đầu về tiết tấu, tới khoảng 9 hay 10 tuổi học sinh được tiếp xúc với các phương tiện âm nhạc. Các em tiếp tục học để phát triển hơn nữa những kỹ năng về tiết tấu đã thu nhận được bằng cách dùng những cung bậc cao thấp và giai điệu khác nhau để biểu đạt một cách tốt hơn. Ngoài việc chơi những giai điệu soạn sẵn các em còn được khuyến khích tự sáng tác và biểu đạt tình cảm của mình một cách tự nhiên bằng âm nhạc. Cũng giống như giai đoạn học tiết tấu ban đầu, quá trình khám phá niềm vui trong giai điệu là chìa khoá cho sự phát triển của trẻ.

Lớp 5 và 6 luyện tập về hoà tấu cho lứa tuổi từ 11-12:

Với khoảng 11-12 tuổi, con đường tiếp cận với giáo dục âm nhạc trở nên tổng quát hơn. Trọng tâm được chuyển từ những nhịp điệu và giai điệu đơn giản sang những bài nhạc với nhiều nốt, thanh âm khác nhau, học sinh bắt đầu phát triển khả năng thẩm nhạc tự nhiên hiểu được những hoà tấu và những tiết tấu âm thanh đồng thời cũng tiếp thu được kiến thức ngày càng vững vàng hơn về âm nhạc. Hình thức sáng tác và hình thức biểu diễn nhạc được khuyến khích và tăng cường qua nhiều loại hoạt động âm nhạc khác nhau.

Trong các giờ học Âm nhạc ở Nhật Bản, học sinh ở những lớp nhỏ thường sử dụng cây kèn melodion hoặc sáo recorder để tập trình bày những bản nhạc ngắn gọn, học sinh ở lớp lớn hơn có thể tập hòa tấu những bản nhạc với phần đệm piano của giáo viên. Ở Thái Lan, hàng năm người ta thường tổ chức ngày hội âm nhạc với sự tham gia của tất cả các trường trong khu vực. Mỗi trường có hàng trăm học sinh tham gia, các em vừa diễu hành vừa thổi kèn, đánh trống rất rộn ràng, sôi động. Loại kèn được sử dụng phổ biến trong ngày hội âm nhạc thường là kèn melodion, đôi khi có cả trumpet… Ở Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác, nhà trường sử dụng đàn piano, đàn phím điện tử và nhiều loại nhạc cụ khác để hướng dẫn học sinh luyện tập âm nhạc. Qua việc giáo dục âm nhạc trong trường ở các nước, có thể nhận thấy, hầu hết học sinh đều rất thích được tiếp cận và sử dụng một loại nhạc cụ nào đó.

Về nội dung giáo dục Âm nhạc, các nước đều coi trọng giáo dục thực hành âm nhạc cho HS phổ thông, với các nội dung chủ yếu là học hát, đọc nhạc, nhạc cụ, trình diễn âm nhạc, sáng tạo âm nhạc… Trong quá trình giáo dục Âm nhạc cho HS phổ thông, hầu hết các nước đều dạy học sinh biết sử dụng một loại cụ nào đấy. Bởi vì nhạc cụ là hiện thân của âm nhạc, là công cụ tuyệt vời nhất để tạo ra âm thanh. Tiếp xúc với nhạc cụ làm HS có thêm niềm vui, là bước khởi nguồn cho những sáng tạo nghệ thuật của các em.

Về phương pháp giáo dục Âm nhạc

Phương pháp giáo dục Âm nhạc các nước đều vận dụng một số phương pháp giáo dục Âm nhạc phổ biến cho HS phổ thông, như phương pháp Kodaly (do nhạc sĩ Zoltan Kodaly, nhà giáo dục âm nhạc người Hunggari đề xướng); phương pháp Orff Schulwerk (nhạc sĩ người Đức là Carl Orff); Suzuki (nhà giáo dục người Nhật Bản); Dalcroze (Emile Jaques- Dalcroze, nhà giáo dục âm nhạc người Thụy Sĩ)… Một số nét đặc trưng trong phương pháp của Kodaly là: quy ước đọc tên nốt nhạc bằng các thế tay; sử dụng ca hát như là nền tảng của luyện tập âm nhạc; sử dụng âm nhạc dân gian là tài liệu học tập. Nét đặc trưng của phương pháp Orff Schulwerk là: vận động nhẹ nhàng khi nghe nhạc cổ điển; chơi các trò chơi theo nhịp điệu; vận động theo nhạc; đọc thơ theo tiết tấu… Những phương pháp giáo dục trên đã ít nhiều tác động đến việc dạy học Âm nhạc cho HS ở Việt Nam. Nhiều yếu tố được vận dụng phù hợp với điều kiện dạy Âm nhạc ở nước ta như: coi trọng luyện tập ca hát, tập hát dân ca, vận động theo nhạc, trò chơi âm nhạc, đọc thơ hoặc lời hát theo tiết tấu, các bài tập sáng tạo âm nhạc…

Về đào tạo GV, GV Âm nhạc ở các nước

GV, GV Âm nhạc ở các nước được đào tạo có chuyên môn sâu về âm nhạc như tốt nghiệp các chuyên ngành biểu diễn âm nhạc, lí luận âm nhạc hoặc sáng tác âm nhạc… sau đó, họ phải theo một khóa học về sư phạm để có đủ điều kiện giảng dạy Âm nhạc cho HS phổ thông.
Về sách giáo khoa Âm nhạc, có nhiều nước sử dụng SGK cho cả GV và HS như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapo, Malaysia…, có nước sử dụng đồng thời nhiều bộ SGK trong các nhà trường như Nhật Bản, Hàn Quốc…. Có nước, bộ Giáo dục không biên soạn SGK, mà GV phải tự biên soạn tài liệu học tập cho HS.

Sách giáo khoa Âm nhạc Tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 6) của Malaysia (tác giả: C. H. Lee) được biên soạn tương tự như ở Việt Nam, đó là biên soạn theo số tiết trong một năm học. Mỗi lớp gồm 37 tiết, nội dung bao gồm học hát, đọc nhạc, luyện tập tiết tấu, làm quen với nốt nhạc, tìm hiểu về nhạc cụ, …

Sách giáo khoa Âm nhạc của Trung Quốc cũng biên soạn tương tự như SGK ở Việt Nam, nhưng có một khác biệt lớn là sách thường dùng các chữ số (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7) để đọc thay tên các nốt nhạc. Số 1 là âm chủ của một giọng (ví dụ ở giọng Pha trưởng thì 1 là âm Pha, 2 là âm Son…), còn các chữ số khác là các bậc tương ứng trong giọng đó.

Sách giáo khoa Âm nhạc Tiểu học của Singapore (tác giả: Peter Stead; Dr Eugene Dairianathan) lại qui định về thời hạn sử dụng sách chỉ trong 5 năm: sách lớp 1, 2, 3 được dùng từ 2008 đến 2012; sách lớp 4, 5 được dùng từ 2009 đến 2019. Sách không thiết kế theo từng tiết dạy mà theo các chủ đề, ví dụ như: Âm nhạc xung quanh chúng ta; Chuyển động theo nhịp; Âm thanh to và nhỏ; Âm thanh cao và thấp; Âm thanh dài và ngắn…, mỗi lớp có khoảng 10 chủ đề. Mỗi chủ đề lại bao gồm một vài hoạt động trong số các hoạt động như: ca hát, nghe nhạc, hoạt động, suy nghĩ, sáng tạo, làm việc theo nhóm, nhớ lại, xây dựng tạp chí âm nhạc, xem video… Bài học đầu tiên về Âm nhạc của HS lớp 1 là nghe và tìm hiểu về Quốc ca Singapore, Quốc kì, loài hoa và biểu tượng của đất nước Singapore.

Một vài ví dụ về cách biên soạn SGK Âm nhạc ở Singapore.

Ví dụ thứ nhất, tác giả biên soạn chủ đề Âm nhạc xung quanh chúng ta (lớp 1), bao gồm các phần: thứ nhất là HS hoạt động tìm hiểu về âm thanh xung quanh các em; thứ hai là HS làm việc cùng nhau để trả lời câu hỏi: “Trong bức tranh này, mọi người có thể nghe thấy những loại âm thanh nào?”; thứ ba là HS nghe nhạc về các dàn nhạc của Malay, Trung Quốc, Ấn Độ, dàn nhạc giao hưởng phương Tây; thứ tư là HS học hát bài Những chiếc bánh xe buýt; thứ năm là HS hoạt động để tạo ra âm thanh như gõ nhịp, vỗ tay, dậm chân, huýt sáo…; thứ sáu là HS sáng tạo, các em tạo ra các âm thanh khác từ các bộ phận của cơ thể; thứ bảy là HS điền thêm các loại cường độ âm thanh vào bảng; thứ tám là tạp chí âm nhạc, HS điền trắc nghiệm đúng, sai cho các câu hỏi về âm thanh và âm nhạc.

Ví dụ thứ hai, các tác giả biên soạn về chủ đề Âm nhạc và những sự thay đổi (lớp 5), bao gồm các phần: thứ nhất là HS phân biệt về cao độ, tốc độ, cường độ, tiết tấu trong âm nhạc; thứ hai là HS nghe bài hát Suzana (của M. Osman) và trả lời một số câu hỏi; thứ ba là HS học hát bài Mẹ muốn nghe; thứ tư là HS nhớ lại về tác dụng của khóa Son; thứ năm là HS sáng tạo, xây dựng hình tiết tấu có 4 nhịp 2/4 và dùng nhạc cụ thể hiện tiết tấu đó; thứ sáu là hoạt động nâng cao, HS tìm ví dụ, nghe và trả lời câu hỏi; thứ bảy là HS xây dựng tạp chí âm nhạc, trả lời các câu hỏi thông qua việc nghe 2 biến tấu của bài Mẹ muốn nghe, biến tấu 1 viết ở giọng Rê trưởng, thể hiện với cường độ nhẹ, biến tấu 2 viết ở giọng Son trưởng, thể hiện với cường độ mạnh. Mục tiêu là thông qua 7 hoạt động đó, HS sẽ hiểu được những sự thay đổi trong âm nhạc và thực hành được những kĩ năng âm nhạc cần thiết.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates