Thiếu trầm trọng giáo viên môn nghệ thuật
Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu triển khai ở lớp 1 bậc tiểu học, dẫn đến tình trạng thiếu hàng chục nghìn giáo viên. Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trong tổng số 15.538 trường tiểu học trên toàn quốc thì chỉ có 13.339 giáo viên âm nhạc, thiếu 2.199 người. Tương tự, số giáo viên mỹ thuật chỉ có 13.445, thiếu 2.093 giáo viên.
Ở bậc THCS, số giáo viên nghệ thuật cơ bản là đủ. Trong tổng số 10.939 trường THCS trên cả nước có 11.424 giáo viên âm nhạc và 11.178 giáo viên mỹ thuật. Tuy nhiên, riêng đối với bậc THPT, theo lộ trình của chương trình giáo dục phổ thông mới, khi môn nghệ thuật triển khai tại các trường, số giáo viên âm nhạc, mỹ thuật sẽ thiếu là 100%.
Bộ GD-ĐT cho hay toàn quốc hiện có 2.834 trường THPT, nếu căn cứ vào tiêu chí mỗi trường THPT cần một 1 giáo viên âm nhạc, 1 giáo viên mỹ thuật thì số lượng giáo viên cần có lên đến 5.668 giáo viên.

Trao đổi về vấn đề này, PGS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương cho hay theo dự báo của Bộ GD-ĐT về nhu cầu tuyển dụng giáo viên nghệ thuật bậc THCS thì năm 2022 sẽ cần hơn 23.700 giáo viên. Đối với bậc THCS, đến năm 2022, nhu cầu tuyển dụng là hơn 10.000 giáo viên.
Đánh giá thêm về chất lượng giáo viên, PGS Đào Đăng Phượng cho biết trình độ đào tạo và năng lực của giáo viên mỹ thuật, âm nhạc hiện nay không đồng đều. Nếu theo Luật Giáo dục 2009, đa số giáo viên âm nhạc, mỹ thuật đạt chuẩn trình độ đào tạo từ cao đẳng hoặc tương đương trở lên. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1-7-2019) thì chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên ở cả bậc TH và THCS phải có trình độ đại học. Thực tế này cũng đặt ra bài toán đối với đội ngũ giáo viên âm nhạc, mỹ thuật trong việc nâng chuẩn, đạt chuẩn và cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đội ngũ giáo viên là người tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục nghệ thuật trong nhà trường. Mục tiêu học mỹ thuật, âm nhạc của chương trình phổ thông mới có thành công hay không là do giáo viên. Tuy nhiên, thực trạng đội ngũ giáo viên môn học này còn nhiều bất cập: Số lượng giáo viên âm nhạc, mỹ thuật mất cân đối, trình độ đa số không đạt chuẩn, năng lực nghệ thuật hạn chế.
Từ năm học 2020-2021, chương trình phổ thông mới đã bắt đầu triển khai ở lớp 1 bậc tiểu học. Tuy nhiên, PGS Đăng Phượng cho biết, chương trình bồi dưỡng cho giáo viên nghệ thuật chưa có chương trình chuẩn, độc lập. Mục tiêu bồi dưỡng chưa được xác định cụ thể, không có được chương trình hoàn thiện đáp ứng lộ trình triển khai chương trình phổ thông mới.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, hiện đại và tích cực hóa hoạt động của người học, hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực ở học sinh. Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho biết, theo cách tiếp cận này, chương trình bồi dưỡng chưa bám sát mục tiêu đề ra, chưa bám sát đối tượng là giáo viên các bậc học ở các trình độ đào tạo, năng lực khác nhau.
Mỗi năm bồi dưỡng khoảng 1.500 giáo viên
TS Nguyễn Văn Định, Phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho hay, Trường đã xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, chia làm 4 nội dung chương trình theo các cấp học. Thời gian bồi dưỡng của mỗi chương trình là 6 tuần, theo hình thức mềm dẻo (tập trung, liên tục hoặc vừa làm vừa học).
Ngay sau khi được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ chính thức bồi giáo viên nghệ thuật đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, Trường sẽ triển khai bồi dưỡng giáo viên khoảng 1.500 giáo viên mỗi năm. Cụ thể, từ quý 1 đến quý 2-2020 sẽ bồi dưỡng khoảng 1.000-1.500 giáo viên mỹ thuật và âm nhạc trên cả nước. Từ quý 3 đến quý 4-2020 trở đi sẽ thực hiện bồi dưỡng theo nhu cầu cụ thể của các cơ sở.
Ngoài ra, Trường có thể đảm nhận các nhiệm vụ bồi dưỡng khác theo sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, TS Nguyễn Văn Định cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thị May, Khoa Sư phạm mỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật Trung ương cho rằng, nội dung chương trình mỹ thuật hiện hành và chương trình phổ thông mới rất khác nhau. Chương trình hiện hành đang quá chú trọng vào lĩnh vực mỹ thuật tạo hình và vẫn chủ yếu tập trung vào loại hình nghệ thuật hội họa, điêu khắc. Do đó, chương trình đào tạo của các trường sư phạm nghệ thuật cần phải khẩn trương xây dựng, bổ sung mới có thể đáp ứng được mục tiêu của chương trình mỹ thuật 2018. Trong đó, cần có kiến thức mở về mỹ thuật tạo hình với nghệ thuật tranh khắc in, khối kiến thức mở về nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc trong không gian, chỉ rõ khối kiến thức mở trong mỹ thuật ứng dụng như: Thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, mỹ thuật sân khấu, thiết kế công nghiệp... đây là những mảng kiến thức hiện đã được đề cập trong chương trình mỹ thuật phổ thông 2018.
Bà Nguyễn Thị May cho rằng, chương trình môn Mỹ thuật phải đảm bảo tính tích hợp, lồng ghép nội dung lý thuyết trong thực hành, thảo luận; kết hợp liên hệ kiến thức, kỹ năng của môn Mỹ thuật với kiến thức, kỹ năng của các môn học, hoạt động giáo dục khác một cách phù hợp, thiết thực. Cùng với đó là chú trọng dạy học trải nghiệm; vận dụng linh hoạt các phương pháp, kỹ thuật dạy học và các hình thức tổ chức, không gian hoạt động học tập nhằm huy động kiến thức, kinh nghiệm, kích thích trí tưởng tượng, tư duy hình ảnh thẩm mỹ của học sinh, tạo cơ hội để học sinh được vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực hành, thể nghiệm ý tưởng sáng tạo và đưa các sản phẩm sáng tạo vào đời sống.
KHÁNH HÀ