SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Tài năng ngôn ngữ ít người biết của Mozart


01/03/2020 07:09 -
Cả thế giới đã biết đến năng lực âm nhạc phi thường của Mozart nhưng không có nhiều người biết, tài năng về ngôn ngữ của nhà soạn nhạc cũng không hề kém cạnh.
Wolfgang và chị gái Nannerl cùng cha là ông Leopold. Tranh của Johann Nepomuk della Croce
Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) một trong những là nhà soạn nhạc được biết đến nhiều nhất của âm nhạc cổ điển. Ông có lẽ là một thiên tài âm nhạc và là một trong ba trụ cột của thời kỳ Cổ điển, cùng với Haydn và Beethoven.
Các tác phẩm của ông thường được mô tả là tràn ngập thanh xuân và tinh tế, tuy nhiên nhiều nhà âm nhạc học cho biết, có lần ông đã viết xuống bên lề một trang bài tập âm nhạc của một trong những học trò của mình dòng chữ “Anh là một con lừa”. 
Mozart được kể lại là một người hết sức vui tươi, sống động và thậm chí còn có lối đùa khá thô lỗ. Lời nhận xét này có thể tạm hé lộ cho chúng ta thấy điều đó nhưng đáng chú ý hơn là dòng chữ này của Mozart: ông viết dòng chữ phê bình mang tính xúc phạm này bằng tiếng Anh. Người học sinh phải nhận lời phê bình là Thomas Attwood (1765-1838), sống ở Pimlico, London, sau này trở thành một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ đàn organ. Anh ta có một vị bảo trợ tốt, cung cấp cho anh ta về tài chính để tới Vienna học nhạc với Mozart, đó là hoàng tử xứ Wales, người sau này trở thành vua George IV.
Chúng ta biết rằng khi còn nhỏ, Mozart đã được ông Leopold, cha mình dạy tiếng Latin, Italia, Pháp và Anh. Ông Leopold đến từ Augsburg (hiện tại thuộc Đức) nhưng chọn nơi sống là Salzburg, Áo. 
Mozart đã có khoảng thời gian 15 tháng sống và sáng tác, trình diễn ở London, từ mùa xuân năm 1764 đến mùa hè năm 1765, khi còn là một cậu bé thần đồng quãng 8, 9 tuổi. Ở tuổi đó, dường như ông có thể học tiếng Anh thông dụng một cách nhanh chóng và ngôn ngữ đó dường như ngấm vào ông cho đến khi trưởng thành, vì vậy câu “anh  là một con lừa” đã bật ra một cách tự nhiên.
Wolfgang cũng giỏi tiếng Latin, bởi ở tuổi 11, ông đã viết một vở opera bằng tiếng Latin mang tên Apollo et Hyacinthus. Thật thú vị là tên đệm của ông được ghi là Theophilus, theo tiếng Hi Lạp là “được Chúa yêu” hoặc “yêu Chúa”, tương đương với tiếng Đức là Gottlieb và cha của Mozart thi thoảng cũng dùng tên này để gọi ông. Tuy vậy bản thân Wolfgang thì thích tên đệm của mình bằng tiếng Latin hơn, Amadeus.
Mozart được cha đưa đi lưu diễn trong suốt thời kỳ niên thiếu vì cha ông muốn chứng tỏ con trai mình có đủ tài năng của một siêu nhân âm nhạc, đó là biểu diễn và sáng tác. Ông tới Italy nhiều lần và nói bằng tiếng Ý rất thành thạo. Trong một bức thư gửi từ Italy cho vợ, Leopold viết là “Đức Hồng y đã tỏ ra rất vui mừng và nhận xét là Wolfgang nói tiếng Ý rất tốt”. Nhiều vở opera ông sáng tác có libretto bằng tiếng Ý (dĩ nhiên ông chỉ sáng tác phần nhạc): Le Nozze di Figaro (Đám cưới Figaro), Idomeneo Re di Creta (Idomeneus, Vua đảo Crete), Don Giovanni (Don Juan), Cosi fan tutte (Tất cả phụ nữ đều hành xử như thế) và La clemenza di Tito (Lòng nhân từ của Tito)...
Khi Thomas Attwood học nhạc với Mozart tại Vienna, đây cũng là thởi điểm ông đang sáng tác Le Nozze di Figaro, có lẽ không ngạc nhiên là thi thoảng Mozart lại viết một vài lời nhận xét bằng tiếng Ý lên tác phẩm mà Attwood đã nộp lên thầy, ví dụ non è cantabile (không thể hát được).
Ngoài ra khi còn nhỏ, Mozart cũng từng ở Paris, và kết quả là ông cũng được biết là nói tiếng Pháp thành thạo. Một trong những bức thư ông gửi cha, được viết khi ông còn trẻ (viết bằng tiếng Đức): “Công tước Salern là một người Pháp, cô ấy hoàn toàn không biết một từ tiếng Đức; vì vậy con luôn luôn phải nói tiếng Pháp với cô ấy. Con nói cũng rõ ràng và cô ấy bảo là con nói tiếng Pháp cũng không tệ”. 
Như vậy, rõ ràng Wolfgang Amadeus Mozart là một thiên tài âm nhạc và ông cũng có một khả năng thiên bẩm về ngôn ngữ.
Tô Vân dịch
Nguồn: https://www.theneweuropean.co.uk/top-stories/mozart-multilingual-hidden-talents-1-6504050

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates