SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2020

Lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 đến 1861: Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt trong trào lưu ngữ học truyền giáo


27/12/2019 07:30 - Phạm Thị Kiều Ly
Lời tòa soạn: Vừa qua, đề xuất lấy tên Alexandre de Rhodes đặt cho một con đường ở Đà Nẵng đã gây ra cuộc tranh cãi dữ dội xung quanh vai trò, đóng góp của chữ Quốc ngữ với sự phát triển văn hóa dân tộc: chữ Quốc ngữ là thành tựu văn minh hay là “công cụ xâm lăng”? Và cuộc tranh luận ngày càng đa chiều, mở rộng, ban đầu từ vấn đề chữ Quốc ngữ, giờ đây còn sang cả chữ Nôm, chữ Hán, cũng như lịch sử ra đời, vai trò của các loại chữ viết này trong lịch sử Việt Nam. Những tranh cãi gay gắt này dường như không có lời kết. Để đưa ra căn cứ có hệ thống, đa chiều, góp phần luận giải vấn đề này, ngày 6/12 Tia Sáng đã tổ chức cuộc tọa đàm giữa TS Hán Nôm Trần Trọng Dương và TS Ngôn ngữ học Phạm Thị Kiều Ly với chủ đề "Từ chữ Nôm tới chữ Quốc ngữ". Tia Sáng xin giới thiệu bài viết của TS Phạm Thị Kiều Ly về quá trình các nhà truyền giáo nghiên cứu và hoàn thiện cách ghi âm tiếng Việt bằng con chữ La – tinh, một nội dung chị đã trình bày tại tọa đàm.

Bồ Đào Nha được quyền bảo trợ phía Đông. Trong ảnh: Thuyền của Vasco da Gama rời bến đi Ấn Độ vào năm 1497. Nguồn ảnh: The Diplomat.


Người Việt Nam sử dụng chữ La-tinh là hiện tượng đơn lẻ trong số các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa và chính trị Khổng giáo. Tuy nhiên việc ghi âm tiếng bằng con chữ La-tinh lại không phải là một hiện tượng đơn lẻ, công cuộc này được thực hiện ở tất cả các nước có dấu chân của các Thừa sai đến truyền giáo kể từ Phục Hưng (châu Mỹ, Á, Phi). Các Thừa sai đều dùng ngữ pháp La-tinh như một mô hình để miêu tả các ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới và ghi âm các ngôn ngữ đó bằng chữ alphabet để dễ bề học tiếng.

Việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ alphabet được bắt đầu khi các Thừa sai Dòng Tên tới Đàng Trong từ năm 1615, rồi tiếp theo là Đàng Ngoài từ 1626. Vì nhu cầu giao tiếp với người dân bản xứ, các Thừa sai học tiếng Việt và miêu tả ngôn ngữ này theo mô hình ngữ pháp La-tinh, đồng thời ghi âm tiếng Việt theo con chữ La-tinh (mà chúng ta gọi ngày nay là chữ Quốc ngữ). Trong kỳ 1 của bài viết này, tôi tập trung trình bày lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 đến 1861 (tức là mới chỉ được sử dụng trong khuôn khổ của Giáo hội), tôi gọi đây là chữ tiền Quốc ngữ.

Sau hiệp ước Tordesillas (1498) giữa hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha do giáo hoàng dàn xếp, Tây Ban Nha được quyền thám hiểm ở phía Tây (chủ yếu là châu Mỹ) và Bồ Đào Nha được quyền bảo trợ phía Đông. Bởi vậy, Việt Nam nằm trong vùng truyền giáo do vua Bồ Đào Nha bảo trợ. Những chiếc thuyền đầu tiên của người Bồ tới vùng đất Đàng Trong của Việt Nam năm 1523 theo ghi nhận của sử liệu (Manguin 1972 : 47). Nhưng mãi đến năm 1612, khi Nhật Bản cấm đạo và các thừa sai Dòng Tên bị trục xuất về Macao trong lúc chờ nhiệm vụ mới, theo khuyến nghị của nhà buôn Fernandes da Costa, ba thừa sai Dòng Tên1 được cử tới Đàng Trong, họ cập bến Cửa Hàn ngày 18 tháng 01 năm 1615. Thời kỳ đầu, các thừa sai được giáo dân Nhật Bản2 giúp đỡ và làm thông ngôn với người Việt.

Lược sử quá trình ghi tiếng Việt bằng ký tự La-tinh từ 1615 đến 1651

Giai đoạn đầu từ 1615 đến 1630
Giáo sĩ Francisco de Pina (1585-1625) tới Đàng Trong năm 1617. Tư liệu từ bản cáo cáo của João Roiz cho chúng ta biết, năm 1619, Pina đã viết xong một bản từ vựng tiếng Việt. Sau đó Gaspar do Amaral cũng làm một cuốn từ vựng năm 1634, nhưng các bản thảo viết tay này đều đã bị mất. Để phục dựng lại quá trình các giáo sĩ lựa chọn các con chữ để ghi tiếng Việt, tôi đã dựa vào các văn bản viết tay bằng chữ Bồ Đào Nha, La-tinh hiện được lưu trữ tại Lisbonne và Rome có điểm xuyết những âm tiếng Việt được ghi lại bằng con chữ Latinh. Tôi tập trung giải thích logic của việc lựa chọn con chữ của các Thừa sai cũng như tìm hiểu những cuộc gặp gỡ, những biến cố lịch sử dẫn tới sự thay đổi cách viết chữ tiền Quốc ngữ. Con chữ ghi âm tiếng Việt đầu tiên được ghi nhận là trong một báo cáo năm 1617 (Jap-Sin 114, fol. 144v-145v). Ngoài tên các địa danh như CochinchinaTonquinFaifoPullo Cambim, tôi còn ghi nhận con chữ  Chuua (Chúa).

Qua nghiên cứu 20 báo cáo thời kỳ này, tôi ghi nhận việc ghi âm đầu tiếng Việt không có nhiều trở ngại. Các thừa sai rất nhanh chóng tìm ra các con chữ Latinh phù hợp để ghi âm đầu tiếng Việt. Các báo cáo thời kỳ này có 24 âm đầu được ghi bằng các con chữ La-tinh (từ điển Việt-Bồ La ghi nhận 26 âm đầu); tôi cũng nhấn mạnh đó không phải là do các thừa sai không ghi hết mà do thiếu từ vựng chứa đủ các âm đầu của tiếng Việt.

Tuy nhiên, các giáo sĩ chưa tách các con chữ (tiếng Việt đơn âm tiết nhưng các giáo sĩ ghi thành đa âm tiết). Ngoài ra, các thừa sai cũng lúng túng trong việc ghi âm phần vần của tiếng Việt. Nghiên cứu các báo cáo thời kỳ này ghi nhận có 6 con chữ a, e, i, o, ô, u để ghi âm các nguyên âm. Còn về việc ghi thanh điệu, có 4 dấu thanh  xuất hiện " `, ´ , ?, ~ ", nhưng cách sử dụng các dấu thanh này còn chưa thống nhất.


Báo cáo của João Rodrigues (1619) [Cha Pina đã viết xong bản từ vựng của ngôn ngữ này thay vì ngữ pháp, tiếng Trung cũng không có ngữ pháp] 
 
Cuộc gặp gỡ ở Macao và các văn bản mang tính “bản lề”

Sau đó, các báo cáo thời kỳ từ 1630 đến 1634 chỉ ra đây là thời kỳ bản lề cho việc ghi tiếng Việt bằng ký tự La-tinh: các con chữ được tách riêng biệt, xuất hiện 5 dấu thanh để ghi 6 thanh điệu, xuất hiện đủ con chữ để ghi hệ thống âm chính tiếng Việt3, hoàn thành một cuốn từ vựng. Thời điểm quyết định cho những thay đổi này là cuộc gặp gỡ ở Macao năm 1630-1631 của các thừa sai hoạt động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Xin lưu ý lúc đó học viện Saint-Paul của Dòng Tên chuyên đào tạo linh mục đi truyền giáo ở Á Đông. Trong một bản báo cáo ghi vào năm 1632 của bề trên Palmeiro, các thừa sai cùng làm việc chung và cùng dịch bản Pater Noster (Kinh lạy cha) (Jap-Sin 194, fol. 005r - 011v) sang tiếng Việt, Trung, Nhật và có kèm một số nhận xét về ba ngôn ngữ này4.

Khi nghiên cứu bản Kinh lạy cha này, Giáo sư Roland Jacques cho rằng phần con chữ La-tinh do Alexandre de Rhodes viết và de Rhodes là thư ký của nhóm có nhiệm vụ sao chép văn bản (Jacques 2004: 190 - 191). Năm 1629, giám mục Francesco Ingoli, thư ký của Bộ truyền giáo, “cho tiến hành điều tra rộng rãi để biết rõ hơn những dân tộc mà các thừa sai tiếp xúc”, trong đó có ngôn ngữ. Nhưng Roland Jacques không đặt câu hỏi: vậy ai (những ai) là người tham gia vào việc miêu tả tiếng Việt trong văn bản này? Và vì sao văn bản này lại quan trọng.


Gaspar do Amaral thông báo đã soạn xong cuốn từ vựng năm 1634
[Chúng con đã làm vài văn bản bằng tiếng địa phương. Cha Antonio de Fontes đã dịch hai lời giải thích về tín điều và bí tích của cha Bellarmino, chúng con đã viết về đời sống của mười hai tông đồ và của thánh Paul. Dành cho các cha sắp tới, chúng con đã soạn một cuốn từ vựng của ngôn ngữ này]

 
Khi chúng ta nghiên cứu các sự kiện lịch sử thời đó, chúng ta ghi nhận: Alexandre de Rhodes và Gaspar do Amaral bị trục xuất khỏi Đàng Ngoài năm 1630, trong khi đó các Thừa sai Dòng Tên cũng bị trục xuất khỏi Đàng Trong năm 1629. Tất cả đều quy tụ tại Macao. Như vậy ý định dịch  Kinh lạy cha sang ba ngôn ngữ có lẽ bắt đầu năm 1630. Xin lưu ý là tháng 2 năm 1630, nhóm bốn Thừa sai (do Amaral, de Fontes, Palmeiro et Cardim) quay lại Đàng Ngoài (Jap-Sin 88, fol. 348v). Có lẽ trước khi đi Đàng Ngoài, Palmeiro có giao dự án này cho các Thừa sai và cũng có thể các giáo sĩ đã cùng thảo luận trước khi lên đường. Cuộc gặp ở Macao có ý nghĩa quan trọng vì các giáo sĩ có thể khẳng định được các thanh điệu và tính đơn âm tiết của tiếng Việt (giống tiếng Trung).

Từ Macao đi Đàng Ngoài tháng 2 năm 1631, António de Fontes viết báo cáo này vào tháng 12 năm 1631 (Jap-Sin 85, fol. 89r-123r). Văn bản này có ba điểm lý thú cần lưu ý:
- Mỗi con chữ ghi một âm tiết - Fontes ghi nhận chắc chắn tính đơn âm tiết của tiếng Việt
                    

- Trước năm 1631, việc sử dụng các dấu thanh còn chưa chắc chắn nhưng trong văn bản này của Fontes, các dấu thanh " `, ´ , ˀ, ~, " được dùng để ghi đúng thanh điệu cần ghi.
     
                                   
Tiếng Đàng Trong có 5 thanh điệu, cần phải đợi đến lúc Fontes hoặc trước đó Alexandre de Rhodes tiếp xúc với tiếng Đàng Ngoài mới biết được đủ 6 thanh điệu của tiếng Việt.
- Ở trong văn bản này, tôi còn ghi nhận sự xuất hiện của chữ cái ô và â. Hai con chữ này đã xuất hiện ở trong báo cáo của Fontes năm 1626, nhưng không ghi rõ ràng. Hơn nữa, văn bản này cũng ghi nhận có sự xuất hiện lần đầu của hai chữ cái ơ và ư. Như vậy, các nguyên âm của tiếng Việt đã được ghi đầy đủ.

Báo cáo của Fontes 1631
    
Kẻ chợ  oũ thưong duyen (Ông Thượng Duyên)
Báo cáo của Amaral năm 1632
(Jap-sin 85, fol. 125r-174r)
Nhà thượng đày (nhà thượng đài)

Trước đây khi chúng ta nói đến các Thừa sai đóng góp cho sự hình thành chữ tiền Quốc ngữ ở thời kỳ đầu, chúng ta thường nói tới Alexandre de Rhodes, Gaspar do Amaral, António Barbosa. Nhưng với những điểm cần lưu ý ở trên, tôi nghĩ rằng vai trò của António de Fontes rất quan trọng. Thừa sai này chính là cầu nối của cách ghi âm đã học được ở Đàng Trong và ông hoàn thiện nó khi ra Đàng Ngoài, rồi truyền lại cho các tu huynh khác như Amaral, Barbosa…
Đến Đàng Ngoài năm 1631 để cùng học tiếng với António de Fontes và các tu huynh khác, Gaspar do Amaral có khả năng ngôn ngữ thiên bẩm, chỉ mất một năm để ghi âm rất tốt tiếng Việt (giống với cách viết của Fontes trong bản báo cáo năm 1631) và đến 1634, đã báo cáo hoàn thành xong một cuốn từ vựng (Jesuítas na Ásia, vol. 49-V-31, fol. 308). Amaral chỉ rõ trong bản báo cáo của mình rằng cuốn từ vựng này là để cho các Thừa sai chuẩn bị tới và học tiếng. Như vậy đến thời điểm này, về căn bản việc ghi tiếng Việt bằng ký tự La-tinh được khá ổn định và có quy tắc.


Bản đồ An Nam do Alexandre de Rhodes vẽ năm 1651, trong đó có chữ "Cocincina" (tay trái) and "Tunkin" (tay phải). Nguồn: alamy


In từ điển Việt-Bồ-La
 
Nhưng có lẽ phải tới năm 1645, tại Macao, trong cuộc họp của 35 Thừa sai Dòng Tên trong đó có Gaspar do Amaral, António Barbosa, Alexandre de Rhodes… để thảo luận xung quanh việc dịch mô thức rửa tội (Jap-Sin 80, fol. 35r-38v), thì các Thừa sai đã quyết định cần soạn thảo một cuốn từ điển và giáo lý để thuận lợi cho việc học tiếng và thống nhất chính tả. Rhodes rời Macao tháng 12-1945 và trải qua hành trình dài về Roma tháng 6-1649 xin văn khố của bộ truyền giáo 300 écus để in ba cuốn Grammatica, Dittionario e Catechismo nelle lingua del Tonchino (Nguyễn Khắc Xuyên 1961: 183-196)CuốnDictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum (có kèm 31 trang ngữ pháp) và Catechismus pro iis qui volunt suscipere Baptismum in octo dies divisus được in năm 1651.
Việc in từ điển này có ý nghĩa rất lớn: giúp thống nhất chính tả, là công cụ học hữu hiệu cho các giáo sĩ khi đi truyền giáo và hơn nữa đây còn như một cuốn từ điển giải thích phong tục tập quán của người An Nam thời đó.

Vai trò của Hội Thừa sai Paris

Ở Roma năm 1649, Alexandre de Rhodes vận động Bộ Truyền giáo gửi đại diện tông tòa (vicaire apostolique) sang xứ An Nam. Không nhận được câu trả lời, De Rhodes gặp Giáo hoàng Innocent X để trình bày những thỉnh nguyện trên. Tòa thánh không thể quyết định, với sự chấp thuận của Giáo Hoàng, năm 1652, Rhodes phải sang Pháp để vận động vua và giới quý tộc Pháp đưa thêm linh mục sang miền Viễn Đông5. Rhodes bị gửi sang Ba Tư năm 1654 trước khi nhìn thấy thành quả các cuộc vận động của mình. Năm 1658-1659, ba Thừa sai người Pháp là François Pallu, Pierre Lambert de la Motte và Ignace Cotolendi được sắc phong làm giám mục in partibus và là giám mục hiệu tòa tại Đàng Ngoài, Đàng Trong và Trung Quốc. Hội Thừa sai Paris chính thức được thành lập năm 1663.

Đào tạo linh mục bản xứ và sự lựa chọn ngôn ngữ truyền giáo

Trường tổng đào tạo linh mục được đặt tại Ayutthaya –Thái Lan năm 1666. Các giám mục tông tòa được cử tới Á Đông với nhiệm vụ đào tạo linh mục bản xứ. Tiếng La-tinh là ngôn ngữ bắt buộc trong các nghi thức công giáo. Một trong những thách thức với các thầy giảng người bản xứ là học tiếng La-tinh như Lambert de la Motte viết trong một báo cáo năm 1667 (Fauconnet-Bezelin 2006: 436). Việc học La-tinh khó đến nỗi Lambert de la Motte chấp nhận thụ phong cho một số linh mục người Việt năm 1668 mặc dù họ đọc tiếng La-tinh mà không hiểu. Nhiệm vụ dạy tiếng La-tinh được đặt ra cấp thiết. Các giám mục tông tòa hy vọng có thể biến La-tinh thành ngôn ngữ giao tiếp chung của các linh mục và thầy giảng tại trường Dòng.
Năm 1671, trường Dòng ở Ayutthaya có 25 chủng sinh trong đó có 6 người Việt (Forest 1998, T. 1: 197). Hai năm sau, số lượng chủng sinh là 17 thì có tới tận 12 người Đàng Trong và hai người Đàng Ngoài. Trước tình hình này, giám mục Laneau quyết định ưu tiên dạy tiếng Việt và chữ tiền Quốc ngữ cho các chủng sinh (Forest 1998, T. 1: 196). Chữ tiền Quốc ngữ trở thành chữ viết trung gian giữa các giám mục người nước ngoài và chủng sinh, linh mục bản xứ.


Dinh trấn Thanh Chiêm (Trích đoạn từ bức tranh “Shuin-sen Kochi toko zukan” - Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển. Ảnh do TS Trần Đức Anh Sơn chụp tại Bảo tàng Quốc lập Kyushu năm 2013), gần đây Dinh trấn này đã được công nhận là di tích quốc gia. Tại hội thảo ‘Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ’ tại Quảng Nam, các nhà khoa học tin rằng Francisco de Pina đã lưu lại đây nhiều lần đến đây để dạy chữ. Nguồn: Báo Quảng Nam. 

Văn khố của Hội Thừa sai Paris còn lưu trữ hàng trăm báo cáo do các linh mục người Việt viết. Văn bản đầu tiên được viết năm 1667 tại Đàng Trong (AME, V. 733, p. 477) và năm 1687 tại Đàng Ngoài (AME, V. 681, p. 20-21). Chúng ta biết rằng với chính sách đào tạo linh mục bản xứ dưới thời Hội thừa sai, các linh mục người Việt được phép viết báo cáo và gửi trực tiếp về trụ sở tại Paris. Nhưng tại sao các linh mục người Việt lại không viết bằng chữ Nho hoặc Nôm mà lại bằng tiền Quốc ngữ?
Khi các giám mục tông tòa đầu tiên tới Đại Việt, chữ Nho và chữ Nôm vẫn được sử dụng phổ biến để viết các cuốn giáo lý. Cho tới tận năm 1679, Deydier vẫn viết trong báo cáo của ông rằng các phép bí tích phải được viết bằng ngôn ngữ và chữ viết bản xứ để cho các linh mục có thể đọc được khi cử hành các nghi lễ (Marillier 1995, T. I: 13).

Nhưng theo báo cáo thường niên năm 1685, lính gác và quan bắt một người giúp việc trong nhà Dòng ở Nghệ An khi người này mang hai tập tài liệu viết bằng chữ Nho và chữ La-tinh. Tình cờ lính chỉ mở tập tài liệu ghi bằng chữ La-tinh, họ không hiểu nên để cho người giúp việc của nhà Dòng được đi tiếp. May mắn với người này hoặc là may mắn cho số phận của chữ Quốc ngữ vì “tất cả báo cáo viết bằng chữ viết của người bản xứ chứa toàn bộ thông tin quan trọng của truyền giáo nhưng bị cấm” (AME, V. 651, p. 128). Ngay lập tức Deydier ra lệnh, tất cả các giấy tờ, thông tin quan trọng cần được viết bằng con chữ La-tinh, tức chữ tiền Quốc ngữ.

Chính bước ngoặt quan trọng này mà chữ tiền Quốc ngữ được dạy, sử dụng trong cộng đồng công giáo trong vòng ba trăm năm trước khi nó được đưa vào trường học ở Đàng Trong năm 1861. Việc học và sử dụng chữ tiền Quốc ngữ phụ thuộc rất lớn vào các trường Dòng đặt tại các địa phương. Văn khố của Hội Thừa sai Paris lưu trữ rất nhiều văn bản viết tay của các linh mục Đàng Ngoài, nhưng từ năm 1700, tôi không tìm thấy báo cáo do linh mục Đàng Trong viết nữa.

Vấn đề này có thể lý giải bằng việc lập các trường Dòng tại hai miền. Năm 1666, Deydier tập hợp 15 thầy giảng trong đó có Bentô Hiên [Thiện] et Giuong Hoè và thành lập trường Dòng đầu tiên tại Đàng Ngoài. Năm 1682, Deydier mở thêm một trường nữa tại Kiên Lao (Marillier 1995, T. I: 117). Trường thứ ba đặt tại Kẻ Cọc năm 1685 (Marillier 1995, T. I: 114). Một trường nữa đặt tại Kẻ Vĩnh năm 1713. Trong khi đó tại Đàng Trong, Lambert de la Motte đã thăm địa phận hai lần bí mật trong thời gian từ 1671 tới 1676. Giám mục tông tòa đầu tiên Louis Chevreuil được gửi tới Đàng Trong năm 1664, ông gặp hai linh mục Dòng Tên là Marques và Fuciti. Nhưng cũng năm đó Hiền Vương cấm đạo. Rồi những tranh chấp giáo phận giữa Dòng Tên, dòng Phan Sinh và Hội Thừa sai diễn ra khiến cho công việc truyền giáo gặp trở ngại, việc lập trường Dòng ở Đàng Trong cũng không được thực hiện. Hơn nữa cũng có rất ít người Đàng Trong được thụ phong linh mục. Cho tới năm 1690, cũng mới chỉ có 8 linh mục người Đàng Trong được thụ phong (Trương Bá Cần 2008, T. I : 219-233). Nhưng sau đó, các đại diện tông tòa buộc phải dựa vào các thầy giảng, nhưng các thầy giảng cũng chỉ phụ trách việc ghi sổ sách sinh tử, hay là những người mới tới, chứ không thể lo cử hành lễ.

Chính hoàn cảnh lịch sử như vậy đã khiến cho chữ tiền Quốc ngữ không phát triển ở Đàng Trong, cho đến khi Pigneaux de Béhaine dẫn chủng sinh về Hòn Đất lánh nạn năm 1765.


Báo cáo của giám mục Deydier (1685) yêu cầu các thừa sai và chủng sinh viết báo cáo bằng con chữ La-tinh.

Đóng góp của linh mục người Việt

Lưu trữ của Hội Thừa sai Paris hiện còn giữ hai cuốn từ điển cùng niên đại (1772-1773). Cuốn từ điển Dictionarium Annamiticum-Latinum đã được in bản Fac-similé mà chúng ta biết mang tên Pigneaux de Béhaine. Nhưng bản viết tay không phải do Pigneaux de Béhaine ký tên.

Vị giám mục Ardan này có thể giữ vai trò là người điều phối làm từ điển nhưng ông thể tham gia trực tiếp được như ông viết trong một bản báo cáo khác: “Sau mười tháng làm việc và với sự trợ giúp của tám người Đàng Trong, con vừa hoàn thành sáu bản cuốn từ điển có tất cả các chữ  và tất cả các từ theo thứ tự alphabet” (AME, V. 994, p. 736). Vậy ai là những người Việt tham gia cuốn từ điển này? Bản báo cáo của Pigneaux de Béhaine nêu tên 6 người là: Chantra Toû (Tú ?), Antoine Lợi, Paul Nghị, André Loan, Dominique Vãng et Raphael Chay (Cháy ?) (AME, V. 994, p. 736-737), còn lại hai người vô danh.

Hơn nữa cuốn từ điển Dictionarium Annamiticum-Latinum phản ảnh tư duy làm công cụ học tiếng của người bản xứ chứ không phải người nước ngoài. Thông thường khi một người nước ngoài học một ngôn ngữ mới, từ điển và ngữ pháp là hai công cụ không thể tách rời. Việc không có ngữ pháp đính kèm từ điển như các công trình ngôn ngữ của các thừa sai khắp nơi trên thế giới thời kỳ đó có thể giải thích cho việc cuốn từ điển này là do người Việt làm là chính.

Tiểu kết

Như vậy chữ tiền Quốc ngữ được sáng tạo ở Đàng Trong như một phương pháp học tiếng rồi cách ghi tiếng Việt này được truyền lại cho các thừa sai ở Đàng Ngoài thông qua hai nhịp cầu chính: Alexandre de Rhodes và António de Fontes. Việc các thừa sai hoàn thành một cuốn từ vựng ở Đàng Ngoài năm 1634 là cơ sở nền tảng để Alexandre de Rhodes soạn cuốn Việt-Bồ-La.

Dười thời Hội Thừa sai Paris, chữ tiền Quốc ngữ đã chuyển từ vai trò là một công cụ học tiếng sang thành một chữ viết trung gian, công cụ giao tiếp giữa các Thừa sai người nước ngoài và linh mục, thầy giảng người Việt. Quyết định của giám mục Deydier góp phần phổ biến chữ tiền Quốc ngữ trong các bản báo cáo của các linh mục. Cũng cần nhấn mạnh việc tổ chức các trường Dòng đóng góp rất quan trọng vào việc giảng dạy và gìn giữ chữ tiền Quốc ngữ trong vòng gần ba trăm năm trong lòng giáo hội. Chính các linh mục, chủng sinh người Việt góp phần to lớn vào việc gìn giữ, phát triển chữ tiền Quốc ngữ. □
(Còn tiếp kỳ 2)
------
*Ghi chú: Bài báo này trích ra từ luận án Tiến sĩ của tác giả với tiêu đề "La grammatisation du vietnamien (1615-1919): histoire des grammaires et de l’écriture romanisée du vietnamien". Tác giả đã bảo vệ thành công luận án vào tháng 11-2018 tại Université Sorbonne Nouvelle - Paris 3.
-----
Thành lập năm 1540 do Giáo Hoàng Paul III phê chuẩn, đấng sáng lập là Ignace de Loyola. Ba vị Thừa sai đầu tiên là : Francesco Buzomi (1575-1639) ; Diogo Carvalho (1578-1624) ; António Dias (1585- ?).
2 Kể từ 1612, vua Nhật cấm đạo gắt gao. Rất nhiều giáo dân Nhật rời khỏi đất nước và tới sinh sống tại Hội An.
3 Hệ thống âm chính tiếng Việt được đảm nhiệm bởi 11 nguyên âm đơn (được ghi bởi 12 con chữ) và 3 nguyên âm đôi (được ghi bởi 6 con chữ).
4 Trang đầu của văn bản được xếp ở phần phụ lục.
5 Trong cuốn Divers voyages et missions (Hành trình truyền giáo), xuất bản năm 1653, Alexandre de Rhodes có ghi “envoyer des soldats” tức là gửi thêm chiến sĩ phúc âm. Theo từ điển ngữ nguyên tiếng Pháp do Giáo sư Alain Rey chủ biên, soldat ngoài nghĩa là người lính quân sự thì còn là người bảo vệ cho đức tin, ví dụ “soldat du Christ” tức người chiến sĩ phúc âm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates