SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

Lang Lang: Từ tuổi thơ khắc nghiệt đến nghệ sĩ piano nổi tiếng

Anh tập đàn 8-10 tiếng mỗi ngày khi còn rất nhỏ và thường xuyên chịu áp lực thi cử.

Lang Lang là một trong những nghệ sĩ piano nổi tiếng thế giới hiện nay. Để có được thành công, nghệ sĩ dương cầm sinh năm 1982 và gia đình đã trải qua những năm tháng cơ hàn và xa cách.
Biết đến piano nhờ "Tom & Jerry" 
Cha của Lang Lang là công nhân tại một nhà máy sản xuất ôtô nhưng mơ ước trở thành nghệ nhân chơi đàn nhị, còn mẹ khi mang thai luôn nghe nhạc cổ điển với hy vọng truyền cho con năng khiếu bẩm sinh. "Thằng bé hồi nhỏ lúc nào cũng cười, chưa đầy một tuổi đã có thể hát rồi", mẹ của Lang Lang kể.
Lang Lang sinh ra trong một gia đình đam mê âm nhạc.
Lang Lang sinh ra trong một gia đình đam mê âm nhạc ở Trung Quốc.
Bộ phim Tom & Jerry, tập The Cat Concerto là nguồn cảm hứng đầu tiên khiến cậu bé Lang Lang muốn trở thành một nghệ sĩ piano. Anh vẫn nhớ rõ tập phim đó. Mèo Tom mặc Tuxedo rất bảnh. Khi Tom bắt đầu chơi nhạc, đánh thức Jerry đang ngủ, chúng bắt đầu đánh nhau và nhạc mỗi lúc một nhanh hơn. "Phim hoạt hình làm hiệu ứng những ngón tay của Tom chơi đàn giống như những sợi mỳ spaghetti nhẩy múa trên những phím đàn màu đen trắng. Tôi nghĩ trở thành một nghệ sĩ piano thật là ngầu, mãi về sau này, mới hiểu chẳng có trò chơi nào cả, chỉ có sự khổ luyện", Lang Lang chia sẻ.
Học piano từ 3 tuổi
Cô giáo piano đầu tiên kể, Lang Lang là một đứa trẻ thông minh và già dặn hơn so với tuổi. Cha mẹ của anh đều có giấc mơ âm nhạc nhưng không có cơ hội thực hiện điều đó nên họ dành trọn niềm hy vọng vào đứa con trai duy nhất.
Khi Trung Quốc bắt đầu thời kỳ mở cửa, các cuộc thi piano nở rộ. Cha của Lang Lang quyết định đưa con đi thi tại quê nhà lúc mới 5 tuổi và anh là thí sinh bé nhất trong khoảng 1.000 ứng viên tham dự. Kết quả, Lang Lang vượt qua tất cả và đoạt giải nhất. Cha mẹ và cô giáo quyết định đưa anh tới nơi có trường lớp tốt hơn nữa, đó là Bắc Kinh. Cả đất nước chỉ có 9 học viện âm nhạc và các thí sinh phải trải qua những kỳ thi cử rất khốc liệt, mỗi bé dành khoảng hai năm ôn thi, học ôn từ 8 đến 10 tiếng mỗi ngày.
Ở Bắc Kinh, hai cha con sống trong khu ổ chuột tồi tàn và chỉ toàn áp lực thi cử. Mỗi sáng, Lang Lang tập luyện từ 5h30. Điều này khiến cho hàng xóm không hài lòng, thậm chí ném cả chai nước tiểu vào nhà. Cha của anh phải cãi nhau với họ để giải quyết mọi việc.
Cú sốc lớn nhất trong quãng thời gian thơ ấu của Lang Lang là khi chỉ còn vài tháng nữa đến kỳ thi, cô giáo quả quyết rằng anh chẳng có tài gì và tốt nhất nên về quê. Lang Lang khóc nức nở còn cha bế tắc. Cha của anh cho biết việc lên Bắc Kinh thực sự không còn đường lui, ông đã mất việc, tiền của đổ cả vào đây. Ông bảo về quê nhưng con trai không chịu.
Cha của Lang Lang còn nói rằng sẽ nhảy lầu hoặc uống thuốc ngủ. Ông thậm chí còn sắm hai chai thuốc trừ sâu để trên bàn, cùng con uống. Lang Lang gào thét rồi lao đến đánh đấm cha túi bụi và hét lên. Mỗi khi nhớ lại chuyện đó, ông vẫn không kiềm được nước mắt.
Cậu bé Lang Lang 9 tuổi quyết định "giải nghệ" và chiến tranh lạnh với cha, mỗi ngày trôi qua trong căng thẳng. Sau đó, Lang Lang vô tình kết bạn với một người bán rau ở khu chợ gần nhà mà anh gọi là chú Nhị. Chú Nhị là cầu nối giúp hai cha con gắn kết tình cảm và thuyết phục anh chơi đàn trở lại. Bây giờ, anh coi chú là một ân nhân của gia đình.
Không lâu sau, Lang Lang đi thi như đã định, ít áp lực hơn và đỗ thủ khoa vào học âm nhạc uy tín nhất Trung Quốc. Nhưng mọi chuyện chưa kết thúc, cha của anh tiếp tục tìm tòi những kỳ thi lớn hơn, ở tầm thế giới cho con trai mình.
Chinh phục sân khấu quốc tế
Lang Lang học cùng với một thầy giáo mới, phương châm giảng dạy của ông là truyền cảm hứng thay vì hà khắc. Một vài học sinh ở nhạc viện sẽ tham gia cuộc thi cấp độ quốc tế ở Đức nhưng Lang Lang không phải là cái tên được chọn năm ấy. Cha của anh quyết định tự đăng ký tham dự với tư cách cá nhân. Đây là một việc làm liều lĩnh vì nếu thua cuộc thì không chỉ mất tiền mà còn rất mất mặt. Lang Lang tập trung luyện tập còn cha quan sát mọi thí sinh khác và lập chiến lược để đối đầu. Ông như đang tham gia một môn thể thao chứ không phải cuộc thi piano.
Khi được xướng tên lên ngôi vị cao nhất, Lang Lang nhảy lên sung sướng ôm lấy người thầy. Cha anh lúc đó đứng từ một góc xa của khán phòng, vỡ oà trong nước mắt. Khi một phóng viên cho biết cha cậu đã khóc, Lang Lang hoàn toàn không tin và đáp lại: "Không, cha cháu không biết khóc".
Sau cuộc thi tại Đức, người cha tiếp tục đưa con tới Nhật để tham dự cuộc thi piano uy tín ở mức độ quốc tế. Đây là thử thách lớn nhất từ trước tới giờ vì Lang Lang phải chơi cùng với một dàn giao hưởng và điều này quá khó để có điều kiện luyện tập. Lang Lang đã có cách luyện thi sáng tạo. Đó là tự học cách chơi với dàn giao hưởng bằng một cái tivi bày bên cạnh đàn. Anh nhìn vào màn hình rồi đánh theo.
Bài thi là một tác phẩm về sự xa cách và thương nhớ của lứa đôi, thầy và cha phải rất cố gắng giảng giải để cho một cậu bé chưa yêu hiểu. "Lúc ấy, tôi chỉ biết nhớ mẹ, nỗi đau mà tôi đưa vào bản nhạc là nỗi nhớ mẹ chứ chưa hiểu được tình yêu trai gái", Lang Lang cho biết.
Lang Lang và cha song tấu đàn nhị - dương cầm tại Carneige Hall.
Lang Lang và cha song tấu đàn nhị - dương cầm tại Carneige Hall.
Thành công có bóng dáng cả cha và mẹ
Năm 15 tuổi, Lang Lang và cha quyết định lên đường một lần nữa, tới Mỹ tiếp tục học với người thầy là một trong những cây đại thụ của làng piano thế giới. "Tôi vẫn luôn nhớ mỗi lần thầy biểu diễn, rất từ tốn và cuốn hút, khán giả nhiều người rơi nước mắt. Tôi muốn dành cả đời cho piano và cứ thế hoàn thiện mình, tốt hơn mỗi ngày", anh chia sẻ.
Ở Mỹ, người cha vẫn hằng ngày đến lớp cùng con với cuốn sổ và cây viết ghi lại từng lời dạy của thầy giáo cho đến thời khắc Lang Lang được mời biểu diễn ở khắp những sân khấu uy tín. Và cái kết tuyệt vời nhất là tại Carneige Hall, "thần đồng piano" cùng biểu diễn với cha mình song tấu đàn nhị và piano trên sân khấu lớn, uy tín nhất của nước Mỹ.
"Cha tôi dù có khắt khe với tôi khi còn nhỏ nhưng ông ấy thực sự đã chia sẻ với tôi cả cuộc sống. Ông học và leo cùng tôi từng bước. Khi tôi đạt thành công cũng là lúc ông thực hiện được giấc mơ của mình. Buổi biểu diễn đó là khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc đời cha con tôi. Cha và mẹ có cách yêu khác nhau, họ cũng có những quan điểm khác biệt nhưng trong sự nghiệp của tôi cả hai đều có cùng điểm chung đó là ủng hộ hết sức", Lang Lang xúc động chia sẻ.
Mang âm nhạc cổ điển đến với văn hóa đương đại
Khi được hỏi muốn dùng tính từ gì để mô tả về bản thân, Lang Lang chọn từ "tân tiến". Điều đó thế hiện trong cách chơi nhạc, các trò chơi mà anh vận dụng để đưa âm nhạc cổ điển tới gần hơn với trẻ em.
Lang Lang còn hợp tác với Google và Youtube để tổ chức Dàn nhạc giao hưởng Youtube 2008, cải tiến nhạc cổ điển hiện đại hơn trong trò chơi đua xe Gran Tuismo 5... Anh cũng hợp tác với những vũ công dubstep Marquese "Nonstop" Scott để truyền cảm hứng tới cộng đồng nhạc số; vượt qua những giới hạn phối các dòng nhạc khi biểu diễn cùng ban nhạc huyền thoại Mettalica tại Grammy 2014.
Nhờ sức ảnh hưởng tới âm nhạc và văn hóa, Lang Lang trở thành gương mặt đại sứ nghệ thuật của Hublot. Anh đã cùng thương hiệu này tạo ra hai dòng đồng hồ mang tên mình, một phiên bản Hublot Classic Fusion Ultra Thin (giới hạn 88 chiếc) và Hublot Classic Fusion Tourbillon Cathedral Minute Repeater Carbon (giới hạn 8 chiếc).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates