SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2020

Tâm lý học ứng dụng vào giáo dục và đào tạo

Bài viết giới thiệu tổng quan những nhánh tâm lý học hiện đại ứng dụng vào giáo dục và đào tạo, trong đó có Tâm lý học giáo dục- Tâm lý học Sư phạm ;Tâm lý học phát triển; Tâm lý học nhận thức; Tâm lý học hành vi; Tâm lý học hoạt động; Tâm lý học nhân cách; Tâm lý học học đường…;. Đặc biệt, một số khái quát về đóng góp trong học thuyết của một số nhà tâm lý học tiêu biểu trên thế giới của các phân ngành tâm lý kể trên như J. Piaget, L.S Vygotsky, J. Watson , B.F. Skinner, A. Bandura, E.L. Thorndike, H. Gardner… sẽ giúp chúng ta hình dung được vai trò, mối liên hệ và tính ứng dụng của tâm lý học với hoạt động giáo dục và đào tạo. Phần kết, bài viết nêu ra một số tóm tắt về những ứng dụng của nền tâm lý học thế giới vào Việt nam và xu thế phát triển của những hướng ứng dụng này.


Tâm lý học giáo dục (Psychologie de l’éducation) là một phân ngành nghiên cứu những một cách trực tiếp hoặc gián tiếp những cấu trúc và cơ chế tâm lý có thể tham gia vào khung cảnh giáo dục. Trong bối cảnh này, tâm lý giáo dục trở thành điểm giao thoa trong tất cả những chuyên ngành tâm lý học hiện nay: tâm lý học phát triển, tâm lý học nhận thức, tâm lý học nhân cách, Tâm lý học hành vi, Tâm lý học hoạt động, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học học đường..vv  [3]

E.L. Thorndike được coi là nhà Tâm lý học giáo dục Mỹ đầu tiên bàn về Đóng góp của Tâm lý học cho Giáo dục” (1910): “Tâm lý học là khoa học về trí năng, tính nết và hành vi của động vật, trong đó có cả con người. Giáo dục con người liên quan đến những đổi thay nhất định trong trí năng, tính nết và hành vi của họ và những vấn đề của công cụ giáo dục đó đại thể nằm trong bốn chủ đề sau: mục tiêu, vật liệu, phương tiện và phương pháp giáo dục” [1]
Tâm lý học giúp chúng ta hiểu kỹ hơn các mục tiêu giáo dục bằng cách xác định được chúng nhằm giúp chúng ta thấy cái gì làm được (vd: dạy học phát triển nhận thức của đứa trẻ…) và cái gì không làm được (vd:biến đứa trẻ thành một thần đồng…). Tâm lý học là một khoa học cung cấp những tri thức khoa học về tâm lý học giúp lý giải được những thay đổi trong bản chất người, trí năng, tính nết, hành vi của con người.

Tâm lý học đóng góp vào việc hiểu biết những phương tiện dùng vào giáo dục, trước hết là vì trí năng (trí tuệ) và tính nết (tính cách, đặc trưng nhân cách) của các bậc phụ huynh, các giáo viên và bạn bè của người chịu sự giáo dục là phương tiện rất quan trọng để giáo dục người đó, ngoài ra các phương tiện, công cụ hỗ trợ giảng dạy khác được sử dụng như thế nào cũng cần phải gắn với bản chất con người mà chúng hướng tới.

Tâm lý học đóng góp vào việc am hiểu các phương pháp dạy học theo ba cách. Thứ nhất, các phương pháp có thể được trực tiếp suy ra từ các quy luật về bản chất con người. Thứ hai, phương pháp dạy học xuất phát từ kinh nghiệm thực tế và tâm lý học sẽ giúp hiểu vì sao phương pháp này lại hiệu quả hơn phương pháp kia bằng cách giải thích mang tính khoa học. Thứ ba, tâm lý học từ khi trở thành một khoa học độc lập đánh dấu bằng sự ra đời của phòng thực nghiệm Wunt (1879) với phương pháp thực nghiệm và về sau phát triển thành các phương pháp đo lường khoa học thì nó có thể gợi ra những phương tiện đo nghiệm, xác minh hoặc trau chuốt các loại phương pháp dạy học.
Tâm lý học giáo dục còn được coi là Tâm lý học sư phạm(Psychopédagogie) được kết hợp giữa tâm lý học(Psychologie) và sư phạm (Pédagogie), tức là các vấn đề liên quan đến phát triển tâm lý (Développement psychologique) và vấn đề học tập (Question d’apprentissage). Tâm lý học sư phạm hay tâm lý học giáo dục còn dựa trên cả tâm lý học nhận thức(Psychologie cognitive), đặc biệt là sự trưởng thành của chức năng não (Maturation des fonctions cérébrales)  và mối quan hệ của nó với các chức năng nhận thức(Fonctions cognitives) như xử lý thông tin, lưu trữ thông tin...vv và tâm lý học phát triển (Psychologie du développement) bao hàm sự phát triển ở trẻ em về sự thành thục những kỹ năng vận động, trí tuệ và  tình cảm. Do đó, phân ngành này đề xuất lý thuyết về sự phát triển và học tập để phát triển phương pháp giảng dạy (méthodes pédagogiques) có tính đến sự phát triển tâm lý.  Những hiểu biết về những cơ chế tâm lý học sẽ giúp trả lời các câu hỏi như: “Tại sao chúng ta không dạy một đứa trẻđọc vào 2 tuổiLý do tại sao trẻ lại bắt đầu học từ 5 đến 6 tuổi làm thế nào để thực hiện việc học tập này?”(…vv) [2]

Các nghiên cứu về sự phát triển tâm lý, nhận thức của trẻ em bằng các tiếp cận khác nhau đã cung cấp những lý luận dạy học (didactique) hay các nguyên lý học tập(Principe d’apprentissage) trong giáo dục. Chẳng hạn: Thuyết hành vi với các đại diện tiêu biểu như J. Watson, B.F Skinner, E.L. Thorndike giải thích về các phản xạ có điều kiện (Réflexation conditionnelle) là kết quả của việc học tập thông qua luyện tậpcủng cố hành vi (Renforcement comportemental)cơ chế thưởng- củng cố tích cực (Renforcement positif)phạt (Punition) hay điều kiện thao tác(Condition opérationnelle). Chúng được ứng dụng vào giáo dục như: Người lớn cần hướng dẫn những hành vi mẫu mực mà chúng ta muốn con em thể hiện thật rõ ràng, không nói giáo điều, chung chung, đại khái; luôn tạo ra những cơ hội củng cố liên tục (renforcement intermittent) nhằm tạo ra một thói quen, một hình thức tư duy định hướng để trẻ có thể tạo được một thói quen tốt, một thói quen tích cực cho bản thân. Thuyết học tập xã hội của A.Bandura còn cung cấp lý luận học tập thông qua quan sát (Observation)bắt chước (Imitation) hay noi gương (Modèle). Vì vậy, để giáo dục trẻ, người lớn hoặc thầy cô cần là những tấm gương làm mẫu các hành vi một cách cẩn thận, có mục đích và cảnh giác.
Học thuyết phát triển nhận thức của nhà tâm lý học Thụy Sỹ J.Piaget đưa ra những quy luật hình thành trí khôn ở trẻ em trong đó ông nhấn mạnh sự độc lập khám phá tìm tòi của đứa trẻvai trò tự học của chủ thể và bạn bè cùng tuổi chơi cùng. Học thuyết của ông là kim chỉ nam cho việc thay đổi phương pháp dạy học lấy người dạy làm trung tâm sang dạy học lấy người học làm trung tâm (Apprentissage autodirigé), theo đó tri thức cần được xây dựng và tiếp thu bằng chính nỗ lực của người học, còn người dạy chỉ nên dừng lại ở vai trò là người giúp sức, là cố vấn định hướng cho người học.

Học thuyết phát triển nhận thức trong môi trường văn hóa xã hội của nhà tâm lý Nga L.V Vygosky với khám phá về vùng phát triển gần nhất (zone proximale de développement- ZPD) đã cung cấp một cơ sở lý thuyết vô cùng quan trọng cho lý luận dạy học. Khái niệm này bắt nguồn ở chỗ với sự giúp đỡ của người khác, đứa trẻ có thể hoàn thành được một nhiệm vụ mà trước đó chính nó không thể tự hoàn thành được. Vì vậy, trong giáo dục, nhà sư phạm cần phải thiết kế nội dung dạy học làm sao để vừa sức với học sinh và sử dụng phương pháp dạy học phù hợp để hướng người học đạt đến vùng phát triển gần nhất với sự nỗ lực cao nhất cả về sức lực và trí tuệ dưới sự tổ chức, hướng dẫn và trợ giúp của người dạy.

Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn (Intélligences multiples) của nhà tâm lý học Mỹ H.Gardner đóng góp một cách nhìn cho không chỉ giới nghiên cứu tâm lý mà cả những nhà giáo dục học về sự phát triển trí khôn đa dạng ở con người. Vì vậy, trong giáo dục cần phát huy tinh thần tôn trọng khả năng và tiềm năng riêng của học sinh thay vì coi giáo dục là quá trình làm biến đổi nhận thức của học sinh theo hướng giỏi toàn diện (phải giỏi cả văn lẫn toán…) sẽ khiến trường học trở nên nơi chất chứa đau khổ và bạo lực cho trẻ em….[6]

Tâm lý học hoạt động (Psychologie de l’action) đóng góp cơ sở lý thuyết  về các hoạt động chủ đạo đặc trưng trong mỗi một giai đoạn phát triển. Chẳng hạn, trước tuổi mẫu giáo (0-1 tuổi) chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ; ở giai đoạn mầm non, mẫu giáo (3-6 tuổi), hoạt động chơi là chủ đạo, đặc biệt là chơi đóng vai theo chủ đề… đến Giai đoạn đại học: học và tập nghiên cứu là hoạt động chủ đạo. Vì vậy, trong giáo dục, nhà trường, giáo viên, phụ huynh cần ý thức được việc dạy học cần tôn trọng đặc điểm phát triển tâm lý và hoạt động chủ đạo của trẻ ở giai đoạn đó.

Giáo dục không chỉ thực hiện mục tiêu phát triển trí thức ở học sinh mà còn hình thành, bồi dưỡng và phát triển nhân cách cho học sinh. Những học thuyết trong Tâm lý học Nhân cách (Psychologie de la Personnalité) cung cấp hiểu biết về con đường hình thành nhân cách của trẻ, những yếu tố bảo vệ và nguy cơ trong môi trường gia đình (famille), trường học (École), xã hội (Société) hoặc chính của cá nhân đó ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách.. Từ đó, gia đình, các bậc phụ huynh cùng giáo viên, xã hội sẽ ý thức được vai trò của mình trong việc quan tâm, chăm sóc, giáo dục nhân cách ở trẻ. Giáo dục ở nhà trường sẽ tránh bị lầm tưởng là toàn năng dạy đứa trẻ thành người tài giỏi, phát triển nhân cách lành mạnh, trong khi: trẻ không được tôn trọng và yêu thương một cách vô điều kiện (học thuyết Tâm lý học Nhân văn của C.Roger), trẻ không được đảm bảo các nhu cầu ăn, mặc, ngủ, an toàn, yêu thương (lý thuyết tháp nhu cầu của A. MaslowPyramide de Maslow des besoins); trẻ gặp khó khăn trong việc hình thành những mối quan hệ gắn bó đầu đời an toàn với người chăm sóc (lý thuyết gắn bó của J.Bowbly- Théorie de l’Attachement de Bowbly)vv. Một số học thuyết nhân cách như Học thuyết Tâm lý học hoạt động phát triển quan niệm coi nhân cách được hình thành thông qua hoạt động và giao tiếp, nhân cách là tổng hòa các mối quan hệ, vì vậy, giáo dục phát triển nhân cách phải gắn với vai trò của xã hội, hình thành giáo dục trong tập thể, đoàn hội, cộng đồng….

Tâm lý học học đường (Psychologie scolaire) là một lĩnh vực ứng dụng tâm lý học vào môi trường học đường nhằm chăm sóc đời sống sức khỏe tinh thần của học sinh được phát triển rộng rãi trên thế giới. Phân ngành này phát triển tại Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ XIX từ sự quan sát của cha mẹ và giáo viên gặp khó khăn về hành vi và học tập (difficultés comportementales et d’apprentissage) của một số trẻ em. Một số nhà tâm lý (Psychologue) có các quy trình đánh giá (Procédure d’évaluation) những trẻ em để đưa ra những can thiệp giáo dục thích hợp. Chức danh nhà tâm lý họcđường (Psychologue scolaire) đã được ra đời vào năm 1915 là chức danh nhà tâm lý học học đường trong hệ thống trường học mà không phải là một tổ chức lâm sàng. Mô hình Tâm lý học đường thuộc NASP (National Association of School Psychologists)- Hiệp hội các nhà tâm lý học đường Hoa Kỳ hay mô hình RASED (Réseau d’aide Spécialisée aux élèves en difficulté)- Mạng lưới hỗ trợ chuyên biệt dành cho học sinh có khó khăn ở Pháp  là những mô hình tâm lý học đường tiêu biểu cho nhánh này… [7]. Ngoài các can thiệp, trợ giúp theo hướng sư phạm, giáo dục và tâm lý của các nhà chuyên môn đa ngành (nhà tâm lý, giáo viên, nhà giáo dục đặc biệt…), các công tác hướng dẫn nghề cũng được đưa vào trường học nhờ sự đóng góp của nhà Tâm lý học Mỹ Frank Parsons bằng việc cho ra đời cuốn “Cẩm nang hướng nghiệp” nhằm trợ giúp cho các cá nhân trong việc lựa chọn nghề nghiệp, tìm ra cách bắt đầu xây dựng một nghề nghiệp thành công.

Ở Việt Nam, những nhà tâm lý học giáo dục đầu tiên như Hồ Ngọc Đại, Lưu Văn Hyđược đào tạo ở Nga đã mạnh dạn vận dụng những kiến thức về tâm lý học giáo dục để cải cách nền giáo dục Việt Nam thời bấy giờ, nổi bật nhất là cải cách mang tên “Công nghệ giáo dục” tại trường Thực nghiệm Giảng Võ do Hồ Ngọc Đại chủ xướng năm 1978 [4]. Các khoa Tâm lý học, Tâm lý học giáo dục hoặc Tâm lý học sư phạm được đào tạo trong các trường Đại học, các Hội Tâm lý- Giáo dụcViện Tâm lý học đóng vai trò là nơi quy tụ các nhà tâm lý, nhà giáo dục sẽ góp phần phát triển, đẩy mạnh các nghiên cứu tâm lý- giáo dục học và ứng dụng chúng vào trong hoạt động giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, về định hướng thực hành tâm lý trong môi trường học đường, Liên hiệp phát triển Tâm lý học đường tại Việt Nam(Consortium to Advance School Psychology in Vietnam- CASP-V) đang phát triển mô hình tham vấn tâm lý trong trường học với mục tiêu trong những năm tới đây, chương trình đào tạo Thạc sỹ Tâm lý học đường sẽ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho ngành tâm lý học học đường  tại Việt Nam.






Tài liệu tham khảo:
  1. Edward Lee Thorndile (1910), Đóng góp của Tâm lý cho giáo dục (Phạm Toàn Dịch), Công bố lần đầu trong The Journal of Educational Psychology, Tập I, Trang 5-12  
  2. Gabriel CompayréPsychologie appliquée à l’éducation (Tâm lý học ứng dụng trong Giáo dục), 3er edition 
  3. J.L Foulin et S.Mouchon (1999), Psychologie de l’éducation (Tâm lý học giáo dục), Nathan  
  4. Phạm Toàn (2008) ; Hợp lưu các dòng Tâm lý học giáo dục ; NXB Tri Thức 
  5. Howard Gardner (1991), The unschooled Mind- How Children Think and How Schools should teech (in trong Basic Books, Harper Collins Publishers) Trí khôn phi học đường- Tư duy con trẻ và gợi ý về cách dạy học (Phạm Toàn Dịch) (in trong Hợp lưu các dòng Tâm lý giáo dục ; NXB Tri Thức) 
  6. Howard Gardner (2012), Cơ cấu trí khôn (Phạm Toàn dịch), NXB Tri Thức
  7. TS. Nguyễn Tùng Lâm và TS. Nguyễn Ngọc Diệp, Mô hình phát triển Tâm lý học học đường ở Việt Nam, Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 36, tháng 12/2012   

ThS. Lê Thị Mai Liên
Khoa Tâm lý học- Đại học KHXH & NV- ĐHQG Tp.HCM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates