SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Giáo dục mở.


Khái niệm cơ bản
Giáo dục mở (GDM) là một thuật ngữ mô tả mô hình/hệ thống giáo dục được thiết kế để mở rộng sự tiếp cận việc học tập so với giáo dục chính quy (truyền thống, thông thường) bằng nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển nguồn học liệu giáo dục mở (trên nền tảng công nghệ hiện đại) trong mọi môi trường học tập với nhiều hình thức khác nhau.


Các ý tưởng ban đầu 
Cội nguồn xuất phát từ Vương quốc Anh, đã thành lập Đại học mở dựa trên 4 nguyên tắc cốt lõi: "mở cho người học, mở về địa điểm, mở về phương pháp và mở về ý tưởng" (Open to People, Open to Places, Open to Methods and Open to Ideas). Tính chất mở nói trên nhấn mạnh sự linh hoạt của hệ thống, giảm thiểu những rào cản đối với người học gây nên bởi tuổi tác, địa điểm, thời gian và tình trạng kinh tế. Với sự phát triển của GDM, một số đại học mở bổ sung thêm nguyên tắc "mở về chương trình học" (open curriculum), tức là cho phép học sinh/sinh viên tự thiết kế chương trình học dẫn đến "văn bằng mong muốn" của mình.
Cơ sở triết lý
Giáo dục mở được thúc đẩy bởi niềm tin rằng người học mong muốn tự tổ chức việc học của mình, đặc biệt họ muốn: xác định các chủ đề quan trọng mà họ cần học; thu nhận được các kinh nghiệm giáo dục chứ không phải chỉ những hiểu biết thuần túy sách vở; tự chịu trách nhiệm về các quyết định giáo dục cho họ; hiểu được mối quan hệ giữa giáo dục với cộng đồng; và tự lựa chọn những vấn đề cần tập trung khi học tập ở lớp. Nói tóm lại, có một niềm tin rằng sự lựa chọn & định hướng tự do của người học sẽ nâng cao chất lượng học. Cơ sở triết lý của giáo dục mở nói trên rất tương đồng với ý tưởng của nhà cải cách giáo dục John Dewey (1859-1952), và nhà tâm lý học phát triển Jean Piaget (1896-1980). Thật vậy, Dewey tin ở hiệu quả của quá trình học tư duy thông qua giải quyết các vấn đề thực, và quan niệm nhà trường phải là xã hội thu nhỏ, gắn chặt với gia đình, cộng đồng và xã hội. Còn theo Piaget, người học chính là kiến trúc sư của sự tăng trưởng tri thức của mình. Như vậy, chẳng những giáo dục phải mở để nhiều người có thể tiếp cận, mà còn phải mở để người học có thể chủ động tham gia quá trình giáo dục.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ GDTX trao đổi tại Hội thảo
Sự phát triển
Khi dự báo sự phát triển của giáo dục thế kỷ 21, Hội đồng quốc tế về Giáo dục của UNESCO do Jacques Delors chủ trì đã khẳng định: "Học tập suốt đời nổi lên như là một trong các chìa khóa mở cửa đi vào thế kỷ 21". Hội đồng cũng đã nêu một ý tưởng quan trọng khác: "cần phải tiến tới một xã hội học tập". Với ý tưởng về học tập suốt đời và xã hội học tập, tính phổ quát của ý tưởng GDM đã được nâng lên, làm cho khái niệm đó chẳng những không chỉ liên quan đến một mô hình giáo dục, mà còn mở rộng ra cho cả một hệ thống giáo dục. Các khái niệm về học tập suốt đời, giáo dục cho mọi người và XHHT đã nhấn mạnh rằng mọi con người cần có/được tạo cơ hội học tập và tiếp nhận một nền giáo dục suốt đời. UNESCO đã phát biểu tường minh khái niệm liên quan đến GDM:
"Giáo dục là một quyền cơ bản của con người, là một giá trị con người phổ quát, và cần được sẵn sàng thực hiện suốt cuộc đời của mỗi cá nhân".
“Xã hội học tập là một xã hội trong đó mọi cá nhân đều phải học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời và biết tận dụng triệt để các cơ hội học tập do xã hội mang lại. Do đó, học tập phải trở thành nhu cầu tự thân, là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, của các ngành, các đoàn thể và trách nhiệm của toàn xã hội.”
Nói đến GDM không thể không nhắc đến sự kết nối giữa tư tưởng của GDM và phương pháp luận của học tập từ xa (Distance Learning) thành một hệ thống giáo dục hết sức mềm dẻo và có hiệu quả cao: Giáo dục mở và Từ xa (Open and Distance Learning – ODL - GDM&TX). Ngày nay gần như khó hình dung việc hai khái niệm nói trên có thể tách rời.
Sự phát triển của giáo dục từ xa (GDTX) được chi phối bởi triết lý về một phương pháp giáo dục sử dụng các học liệu tiêu chuẩn hóa được chuẩn bị trước để đạt hiệu quả kinh tế nhờ tăng quy mô. Triết lý đó vừa tạo cơ hội tăng khả năng tiếp cận giáo dục, vừa thỏa mãn nhu cầu độc lập của người học. GDM xuất hiện đầu tiên ở bậc đại học, nhưng ngày nay đã mở rộng ra các bậc học khác, đặc biệt cho nhiều chương trình không dẫn đến văn bằng.
Giáo dục mở và từ xa trong thế kỷ 21
Trong GDM, yếu tố phương pháp và học liệu là cực kỳ quan trọng, do đó khi bước vào thế kỷ 21, ý tưởng GDM đã phát triển với một nhịp điệu nhanh chóng phi thường, nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là Internet. Vì GDM liên quan đến người học tại nhiều địa điểm và thời gian khác nhau, nên công nghệ trực tuyến phục vụ nhiều mục đích là hết sức quan trọng. Do đó, ngoài những công cụ thông thường để cung cấp thông tin như tài liệu in, băng ghi âm, các đĩa CD, các phương tiện trực tuyến như trang Web, YouTube và iTunesU cũng được sử dụng để cung cấp học liệu và phục vụ cả cho việc thuyết giảng. Sinh viên có thể giao tiếp, thảo luận qua mạng nhờ e-mail hoặc Skype, Google+. Cố gắng lớn đầu tiên theo phương hướng cung cấp học liệu trực tuyến là nguồn học liệu mở (OpenCourseWare -OCW) của Đại học MIT (Massasuset Institute of Technology) đưa lên mạng vào tháng 10/2002 với mong muốn "thúc đẩy việc học của nhân loại trên toàn thế giới bằng cách tạo sẵn một trang web tri thức"…. Một thập niên sau, vào năm 2012, các Đại học MIT và Havard công bố việc hình thành edX, công cụ mạng làm nền cho các "khóa học mở trực tuyến quy mô lớn" (massive open online course - MOOC) để cung cấp các chương trình học bậc đại học với một dải rộng ngành học miễn phí cho người học trên toàn thế giới. Các khóa học này chủ yếu cung cấp cho sinh viên trực tuyến, và một số trường hợp có thể cấp các tín chỉ hoặc chứng nhận dựa trên các kỳ thi. Công cụ mạng nền edX có khả năng giúp sinh viên tương tác với nhau và với giảng viên qua các diễn đàn trực tuyến. Hiện nay (2015) có khoảng 1,5 triệu người sử dụng edX. Thuật ngữ MOOC được đưa ra vào năm 2008, và sau một số khóa đào tạo trực tuyến miễn phí thử nghiệm, thuật ngữ đó được chấp nhận rộng rãi. Nhiều trường đại học đã cung cấp nhiều chương trình đào tạo kiểu MOOC trong mấy năm qua, chẳng hạn vào cuối năm 2011 Đại học Stanford đã cung cấp 3 khóa học, mỗi khóa khoảng 100 nghìn sinh viên tham gia. Ngoài các chương trình đào tạo miễn phí, có một số chương trình thu phí, cấp tín chỉ dẫn đến văm bằng, ví dụ vào tháng 5 năm 2013 một chương trình văn bằng Master đầu tiên hoàn toàn dựa trên MOOC đã được đưa ra, với sự cộng tác giữa Udacity, một công ty vì lợi nhuận, với Tập đoàn AT&T và Viện Công nghệ Georgia. Cho đến nay Udacity đã cung cấp 26 khóa học, có khóa học hơn 300 nghìn sinh viên. Việc tạo ra và duy trì các OCW tổng hợp đòi hỏi rất nhiều tài lực và nhân lực, và việc chuyển chúng sang các ngôn ngữ khác cũng rất tốn kém. Cho nên hiện nay MOOC chủ yếu vẫn thực hiện bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên một số quốc gia đã tích cực hưởng ứng OCW của MIT và chuyển đổi sang nước mình. Chẳng hạn, ngay từ 9/2008 Trung Quốc đã tổ chức liên kết các trường đại học lớn, trong đó có Đại học mở Trung quốc, triển khai sử dụng OCW ở Trung Quốc, và Chính phủ cũng thành lập Viện Nguồn lực mở cho Giáo dục (CORE) để điều phối hoạt động này. Ở Ấn Độ và Nhật Bản cũng có các hoạt động mạnh theo hướng triển khai sử dụng OCW ở nước mình. Vì các hoạt động liên quan đến MOOC hết sức sôi động nên New York Time đã gọi năm 2012 là "Năm của MOOC", và từ đó MOOC là một chủ đề nổi bật trên truyền thông về giáo dục. Có nhiều ý kiến khác nhau về lợi ích và nhược điểm của mô hình MOOC, nhưng dù sao nhiều người công nhận rằng sự "thành công của MOOC có thể sẽ làm thay đổi cấu trúc của nền công nghiệp giáo dục đại học tương lai".
Tương lai của giáo dục mở
John Daniel, giám đốc điều hành của tổ chức Commonwealth of Learning, đã đưa ra khái niệm về một tam giác thép trong giáo dục với các đỉnh là quy mô nhập học, chi phí và chất lượng. Khi tăng số lượng sinh viên trong lớp học thì chất lượng sẽ giảm; khi đảm bảo tài liệu học tập tốt và thầy giỏi thì sẽ đẩy chi phí lên cao; và việc cắt giảm chi phí sẽ dẫn tới việc giảm cả quy mô và chất lượng. Công nghệ mới đã đóng góp rất to lớn cho GDM, chẳng hạn, đã giúp GDM bẻ gãy được tam giác thép kìm hãm giáo dục nói trên. Với công nghệ mới, giáo dục chất lượng cao có thể dễ tiếp cận hơn với giá không quá đắt. Các đại học Mở có thể khai thác lợi ích của công nghệ mới, chẳng hạn sử dụng công nghệ mới để cung cấp OCW cho một số lượng rất lớn học viên. GDM cũng đem lại cơ hội cho những nhóm người không thể tiếp cận giáo dục truyền thống. Tổng quát hơn, có thể hiểu GDM có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ hội học suốt đời, thực hiện sứ mạng Giáo dục cho mọi người, và hơn thế nữa, tạo dựng nên hình hài của chính nền giáo dục trong tương lai.
Giáo dục mở ở Việt Nam
Ở Việt Nam, Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh đã được thành lập từ năm 1993, với sứ mạng phát triển GDM&TX. Tiếc rằng, hai Đại học Mở cho đến nay chưa được đầu tư tương xứng với sứ mạng được đề ra nên đã phát triển khá chậm so với nhiều đại học mở trong khu vực. Hiện nay (giai đoạn 2015-2020) Việt Nam đang được định hướng xây dựng một nền giáo dục mở. Có thể hiểu tính chất "mở" của hệ thống giáo dục ở đây thể hiện ở một cấu trúc hệ thống được thiết kế hợp lý, có nhiều cơ hội đầu vào và đầu ra, trong đó các bộ phận và tầng - bậc liên thông với nhau, tạo điều kiện cho mọi người học dễ dàng thâm nhập hệ thống trong cả quá trình học tại các thời điểm khác nhau trong suốt cuộc đời của họ. Ngoài ra, một số tổ chức tư nhân tại Việt Nam cũng đã sớm xây dựng mô hình GDM, mở đầu cho trào lưu MOOC tại Việt Nam, trong đó tiên phong là Tổ hợp GD TOPICA (Đem công nghệ GD mở - từ xa của Việt Nam ra thế giới), là GIAPSCHOOL hay FUNIX, là các websites, công nghệ giáo dục E-learning, I-learning, Mobi-learning, là sự thử nghiệp mới U-learning…
Sưu tầm & biên soạn: Nguyễn Hồng Sơn, Vụ GDTX

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates