Thiết bị dạy học hiện có sẽ được tận dụng cho chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường chỉ cần bổ sung thứ còn thiếu.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho thấy, cả nước hiện có gần 75% trên tổng số hơn 567.000 phòng học kiên cố. Mầm non có tỷ lệ phòng kiên cố thấp nhất, chỉ gần 65%; vùng Tây Nguyên chỉ 44%.
Theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp tiểu học phải đảm bảo mỗi lớp có một phòng học để học hai buổi/ngày. Tuy nhiên, số phòng học cần có mới đạt 90%. Cấp THCS, THPT thiếu 24-30% phòng học bộ môn. Trang thiết bị dạy học tối thiểu của các cấp học mới đạt 48-59%.
Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ ngày 9/1 nhấn mạnh chuẩn bị cơ sở vật chất là nhiệm vụ chính của ngành trong năm 2019 để chuẩn bị triển khai chương trình phổ thông mới từ năm 2020. Tuy nhiên, đây là bài toán khó của địa phương vì thiếu vốn, tình trạng lớp học quá đông chưa được giải quyết...
"Nhu cầu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất giai đoạn 2018-2024 của Phú Thọ là hơn 8.000 tỷ đồng. Riêng cấp tiểu học, chúng tôi cần xây dựng bổ sung hơn 430 phòng học, 220 phòng máy vi tính, chuẩn bị trên 5.500 máy vi tính...", Giám đốc Sở Giáo dục Nguyễn Minh Tường nói. Ông mong muốn sớm được bố trí nguồn lực từ các đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông để đảm bảo lộ trình đổi mới.
Phó chủ tịch tỉnh Điện Biên, ông Lê Văn Quý cũng chia sẻ khó khăn về cơ sở vật chất của các tỉnh vùng núi khi thực hiện chương trình giáo dục mới. Tỉnh còn nhiều phòng học tạm, số lượng phòng học, trang thiết bị dạy học thiếu so với quy định hiện nay, chưa kể yêu cầu của chương trình mới cao hơn.
Theo ông Quý, đối với tỉnh miền núi, việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông dùng nguồn vốn ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn hợp pháp khác sẽ rất khó khăn. Bởi lẽ chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện theo giai đoạn và nguồn vốn hạn hẹp; ngân sách địa phương chỉ đủ để chi lương thường xuyên, nguồn xã hội hóa gần như không có.
"Tôi đề nghị Bộ Giáo dục tham mưu Chính phủ để các tỉnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ ngân sách trung ương từ 50%, giúp chúng tôi có kinh phí triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới", ông Quý nói.
Giải đáp bên lề hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ngày 9/1, Cục trưởng Cơ sở vật chất Phạm Hùng Anh cho biết, Bộ không đặt vấn đề đổi mới chương trình là phải đổi mới cơ sở vật chất. Các môn trong chương trình mới không thay đổi nội dung khoa học so với hiện nay nên không cần thay mới trang thiết bị dạy học.
"Chúng ta sẽ tận dụng những thiết bị đã có và chỉ mua bổ sung cái còn thiếu. Định hướng của chúng tôi là đẩy mạnh công nghệ thông tin trong ứng dụng dạy học. Ví dụ trước nay chúng ta có nhiều mẫu vật to cồng kềnh như tranh ảnh, mô hình nhựa..., sắp tới những cái đó sẽ là tranh ảnh điện tử, mô hình 3D để học sinh quan sát thuận lợi, sinh động hơn", ông Hùng Anh nói.
Chương trình mới sẽ tăng số lượng thiết bị dạy học để học sinh được thực hành thí nghiệm nhiều, có trải nghiệm học tập tốt. Nếu nhà trường chuẩn bị được đầy đủ sẽ giúp học sinh không phải học tăng ca. Nếu số lượng mới đạt 70%, thay vì cả lớp cùng thực hành vào một giờ, các em có thể chia ca/nhóm học tranh thủ vào những khung giờ khác trong ngày.
Để tránh lãng phí trong mua sắm thiết bị cho chương trình mới, tới đây Bộ Giáo dục sẽ ban hành danh mục và có hướng dẫn cụ thể. Địa phương căn cứ vào danh mục ấy để mua sắm. Ví dụ thiết bị A tiêu chuẩn là 6 học sinh một bộ, nếu trường muốn mua cho 4 học sinh thì cơ quan tài chính nhà nước sẽ không cho phép. "Bộ không tính toán về giá vì phụ thuộc vào chất lượng thiết bị mỗi địa phương chọn mua", ông Hùng Anh nói.
Về phòng học, phòng chức năng, ngành giáo dục cần bổ sung số còn thiếu. Với những địa phương khó khăn về diện tích đất xây trường, mở rộng phòng học như Hà Nội, TP HCM, Bộ Giáo dục cho phép nâng tầng trường học khi đủ điều kiện. Hệ thống phòng chức năng, hiệu bộ, hành chính được chuyển lên tầng cao, dành các tầng thấp làm phòng học cho học sinh.
Bộ Giáo dục dự kiến bỏ quy định cứng về diện tích phòng học. Bởi phòng học ở Việt Nam được xây dựng ở nhiều thời kỳ với các quy chuẩn, diện tích khác nhau. Nếu quy định một lớp bao nhiêu học sinh có thể gây chật quá, và cũng đôi khi thừa không gian.
"Chúng tôi dự kiến sửa theo hướng quy định diện tích tối thiểu mỗi học sinh phải có để các em có thể hoạt động trong lớp theo hướng dẫn của giáo viên. Cách làm này giúp nhà trường linh hoạt trong sắp xếp lớp học. Một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh đã áp dụng phương án này", Cục trưởng Cơ sở vật chất nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét