SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Những điểm mới trong công tác tập huấn giáo viên

Trong thời gian qua, một chương trình nhằm phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, gọi tắt là ETEP, đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Đây được coi là bước đi quan trọng tác động tới chất lượng cũng như trình độ nghiệp vụ, chuyên môn của giáo viên đáp ứng chương trình mới. Vấn đề đặt ra là công tác tập huấn đang được thực hiện như thế nào, có hiệu quả và thực chất hay không?
Tháng 5/2019, những câu hỏi không ngừng được nêu ra. Những vấn đề liên tục được tranh luận. Rất nhiều băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông mới đã được đặt ra trong những khóa tập huấn.
Thông qua việc nâng cao năng lực các trường sư phạm nòng cốt, Bộ GD&ĐT xây dựng đội ngũ giảng viên cốt cán có trình độ chuyên môn và năng lực tập huấn tốt để tập huấn và hỗ trợ các cán bộ, giáo viên cốt cán. Lực lượng này lại tiếp tục tập huấn và hỗ trợ mạng lưới giáo viên ở cơ sở.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, công tác tập huấn giáo viên được tiến hành theo mô hình đa dạng, vừa bồi dưỡng ngay trong công việc hàng ngày, vừa bồi dưỡng qua mạng và trực tiếp. Mục tiêu quan trọng là thiết lập một mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, hình thành cộng đồng học tập, giúp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tự bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp, thích ứng với sự thay đổi, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và đổi mới giáo dục.
Hiệu trưởng, giáo viên - Mấu chốt đổi mới thành công
Tính đến thời điểm này, đã có hơn 28.000 giáo viên cốt cán trên toàn quốc được bồi dưỡng nội dung đầu tiên về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và các kỹ năng sư phạm để nâng cao năng lực nghề nghiệp. Quá trình tập huấn cho thấy, năng lực đội ngũ hiệu trưởng và giáo viên cốt cán chính là vấn đề mấu chốt đảm bảo sự thành công của đổi mới giáo dục phổ thông.
Sau khi được tập huấn, đội ngũ cốt cán này sẽ hỗ trợ, phát triển năng lực nghề nghiệp cho khoảng 850.000 giáo viên và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông khác
Công thức 5-3-7 bồi dưỡng giáo viên
Nếu như lần thay sách giáo khoa trước đây, Bộ GD&ĐT chỉ tập trung bồi dưỡng giáo viên, thì lần này, Bộ xác định tập trung bồi dưỡng vào 4 đối tượng gồm Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở, trưởng, phó các phòng Giáo dục; lãnh đạo các trường phổ thông; giáo viên, giảng viên các trường sư phạm. Bởi đây là các thành phần quan trọng trực tiếp tạo nên chất lượng giáo dục. Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam áp dụng công thức 5 - 3 - 7 vào tập huấn.
Trong quy trình này, 5 ngày dành để các thầy, cô tự nghiên cứu, tự học thông qua Internet; 3 ngày các thầy, cô sẽ tập huấn trực tiếp với chuyên gia để trao đổi, giải đáp những thắc mắc, khó khăn sau khi đã nghiên cứu tài liệu và 7 ngày để các thầy cô tự học, tự nghiên cứu và tự kiểm tra. Sau đó, các thầy cô sẽ làm bài kiểm tra, nếu đạt mới được cấp chứng chỉ.
Quy trình tập huấn này nhằm giúp giáo viên nghiên cứu sâu vấn đề trước khi được làm việc trực tiếp với giảng viên, sau đó có thêm thời gian để tổng hợp, phân tích, đào sâu suy nghĩ để hiểu hơn về những gì đã học, nhờ đó biến quá trình học thành tự học; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng, giúp giáo viên nâng cao được năng lực của mình trong thời gian dài sau này.
Quá trình tập huấn giáo viên sẽ còn diễn ra liên tục và trên diện rộng trong năm 2020. Điều quan trọng hơn cả là các cán bộ, giáo viên từ cốt cán để cơ sở cần xác định được tâm thế và tầm quan trọng của công việc này để đầu tư thời gian, công sức, tâm huyết cho quá trình bồi dưỡng và tự bồi dưỡng. Chỉ có như vậy, họ mới thực sự nhập cuộc và trở thành yếu tố chủ chốt thúc đẩy đổi mới giáo dục phổ thông.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates