SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử cho sinh viên đại học sư phạm âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Bài viết trên nội san trường ĐHSP Nghệ Thuật Tw

             Nguyễn Thị Hương [*]

Trong chương trình đào tạo hệ đại học cho sinh viên Sư phạm âm nhạc, Đàn phím điện tử là một trong những môn học quan trọng đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi thực tế của nhiệm vụ dạy học môn Âm nhạc cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở hoặc cho các trường đào tạo trung cấp, cao đẳng Sư phạm âm nhạc trên toàn quốc… Mặt khác, để có được những giờ dạy tốt hay những buổi hoạt động ngoại khóa đạt chất lượng cao thì không thể thiếu sự hỗ trợ của cây đàn phím điện tử bởi những tính năng ưu việt của nó. Đàn phím điện tử không chỉ hỗ trợ đắc lực cho công tác giảng dạy, hoạt động sáng tác, biểu diễn mà còn thể hiện là một nhạc cụ đang ngày càng được ưa chuộng, sử dụng rộng rãi. 
Trong những năm qua, việc nâng cao chất lượng dạy học môn Đàn phím điện tử tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã được nhà trường hết sức chú trọng như bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, đổi mới phương pháp dạy và học, tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật cho sinh viên… Tuy nhiên, việc đề ra các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học Đàn phím điện tử cho sinh viên sư phạm âm nhạc vẫn là một vấn đề nên làm thường xuyên và liên tục. 
Bài viết sẽ giới thiệu một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học đàn phím điện tử cho sinh viên đại học sư phạm âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.
1.   Nâng cao kỹ năng biểu diễn trên đàn phím điện tử
 Kỹ thuật ngón bấm:  kỹ thuật tay phải, kỹ thuật tay trái, kỹ thuật phối hợp chung hai tay. Trong nhóm giải pháp này, tập trung vào bổ sung một số bài tập kỹ thuật cơ bản luyện ngón Piano nhằm giúp các sinh viên đàn phím điện tử phát triển độ nhạy của ngón tay phải và trái. Yêu cầu cần có thời gian tập luyện phù hợp và bền vững. Sự phối hợp hai tay giúp cho việc xử lí về cường độ và chất lượng âm thanh trong các bài Etude cũng như trong các tác phẩm thuộc giáo trình giảng dạy.
Dạy các dạng kỹ thuật tạo âm thanh cơ bản: legato, staccato, non legato... Việc giảng dạy cho sinh viên các dạng kỹ thuật tạo âm thanh có tầm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng phát âm trên đàn phím điện tử cho các sinh viên Sư phạm âm nhạc chưa qua đào tạo chuyên nghiệp. Trên thực tế còn có sinh viên chưa nắm vững được một cách chính xác những kỹ thuật này, nên việc dạy các kỹ thuật cơ bản ấy là rất cần thiết. Vì vậy, để dạy tốt những kỹ thuật tạo âm thanh, chính giảng viên là người sẽ phải thị phạm cụ thể cho sinh viên từng kỹ thuật để các em có thể từng bước nắm được và thực hành có chất lượng tốt theo thời gian. Do đó, những giải pháp kỹ thuật mang tính kinh nghiệm của chính giảng viên sẽ thực sự cần thiết.
Giải pháp đa dạng hóa nội dung và hình thức giảng dạy nhằm khắc phục những hạn chế của thời lượng giảng dạy chính khóa. Trong nhóm này, cố gắng đưa ra các vấn đề về phát triển khả năng diễn tấu, trong đó bao gồm: Khắc phục các lỗi kỹ thuật trong quá trình học luyện ngón; Thực hành luyện tập các tác phẩm âm nhạc Cổ điển, các tác phẩm âm nhạc mang phong cách Jazz, Pop, Rock.
            Đối với tác phẩm mang phong cách âm nhạc tiền cổ điển, có thể sử dụng các tác phẩm phức điệu viết cho đàn Clavecin, Fortepiano như các prelude fugue, trích suite của J.S. Bach cho sinh viên học… Các tác phẩm này thường được trình bày một cách khách quan, lý trí, không có sự thay đổi cường độ đột ngột, hay tương phản quá lớn mà có sự thay đổi sắc thái theo một quá trình từ nhỏ (P, PP) đến to (f, ff) hoặc ngược lại…
            Đối với các tác phẩm mang phong cách âm nhạc Cổ điển và Lãng mạn, Đương đại… giảng viên có thể chọn một số tiểu phẩm hay tác phẩm nhiều chương như sonatin, sonata, variation, suite… có giai điệu hay, có kỹ thuật diễn tấu vừa sức với sinh viên Đại học Sư phạm âm nhạc để biên soạn cho đàn phím điện tử.
Các tác phẩm mang phong cách nhạc Jazz, Pop, Rock chưa thực sự phổ biến như âm nhạc cổ điển nhưng nó cũng có những đặc trưng riêng nên được đưa vào giáo trình giảng dạy Đàn phím điện. Các tác phẩm Jazz, Pop, Rock không hề đơn giản bởi tiết tấu nhịp điệu và phong cách của nó thường không ổn định và tương đối phức tạp. Việc đưa các tác phẩm Jazz, Pop, Rock vào giáo trình cũng góp phần giúp các em tiếp cận những bản nhạc nhẹ hoặc hứng thú chơi các tác phẩm nhạc trữ tình Việt Nam ở dòng nhạc Cổ điển hoặc Bán Cổ điển.
Bổ sung các bài tập luyện ngón Piano được chuyển soạn cho đàn Phím điện tử; các bài tập kỹ thuật của tác giả Việt Nam:
Trong số này, cần chú trọng tới những giáo trình và các tuyển tập bài tập của PGS.NSUT Nguyễn Xuân Tứ, PGS.TS Lưu Quang Minh. Có thể tham khảo thêm ở giáo trình của PGS.TS Lưu Quang Minh và PGS.TS Nguyễn Phúc Linh qua các tác phẩm phát triển dân ca các dân tộc Việt nam cho đàn Accordeon hoặc đàn phím điện tử. Ngoài ra, các giảng viên có thể sử dụng các tác phẩm Việt Nam sáng tác cho đàn Piano để chuyển soạn cho đàn Phím điện tử.  
2. Rèn luyện kỹ năng ngẫu hứng cho sinh viên đại học sư phạm âm nhạc Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
Đây là môn học cần sự tích hợp giữa các môn Kiến thức âm nhạc như Sáng tác âm nhạc, Lịch sử âm nhạc, Phân tích tác phẩm, Hòa thanh, Phức điệu, Phối khí, … với kỹ năng biểu diễn trên đàn phím điện tử cho sinh viên đại học sư phạm.
Thứ nhất, ngẫu hứng trên nền hòa âm cho trước: 
Trước tiên, giảng viên cần giảng cho các em sinh viên nắm được đặc điểm của lối cấu trúc hòa âm, cách tiến hành và giải quyết của vòng hòa thanh Cổ điển cũng như nhạc Jazz . Giúp các em hiểu rõ cấu trúc các hợp âm 6, các hợp âm bảy át (D7), hợp âm bảy trưởng (DM7), hợp âm bảy thứ (D7m), hợp âm bảy giảm (D7 dim), các hợp âm chồng quãng ba, các hợp âm tăng giảm âm 4, 5; Các hợp âm thêm nốt 9, 11, 13, 15…
        Trên cơ sở nắm vững các kiến thức hòa thanh Cổ điển và nhạc Jazz, giảng viên soạn cho các em tập ngẫu hứng từ vòng hòa thanh Cổ điển, sau khi thành thạo mới tập ngẫu hứng trên vòng hòa thanh II-V-I. Giảng viên có thể hướng dẫn các em sử dụng các loại gamme liền bậc như trưởng thứ, gamme Trung cổ, gamme Blues, Hợp âm rải 19 kiểu… cùng các tiết tấu đặc trưng của nhạc Jazz để sử dụng cho việc xây dựng các giai điệu ngẫu hứng.   
Thứ hai, ngẫu hứng trên chủ đề là một ca khúc cho trước
Giảng viên có thể chọn làm chủ đề ngẫu hứng cho sinh viên sư phạm âm nhạc các thể loại các khúc Việt Nam như Chính ca là thể loại ca khúc mang tính trang nghiêm, ngợi ca, hiệu triệu, kêu gọi; Hành khúc là thể loại mang tính hiệu triệu, kêu gọi; Hát ru mang tính chất mềm mại, uyển chuyển, có tính chu kỳ hoặc tự do; Ca khúc trữ tình có tính chất mềm mại, uyển chuyển; Dân ca các vùng miền...  
Bên cạnh đó, giảng viên cũng có thể chọn cho sinh viên sư phạm âm nhạc những ca khúc mang phong cách nhạc Jazz, Pop, Rock… của nước ngoài làm chủ đề ngẫu hứng. Sau khi lựa chọn được âm nhạc làm chủ đề ngẫu hứng, giảng viên tiến hành hướng dẫn cho sinh viên các bước tiến hành ngẫu hứng trên đàn phím điện tử như sau:
Phân tích cấu trúc cho sinh viên nắm được về cấu trúc âm nhạc, nhịp, tiết điệu và xây dựng cấu trúc hòa âm của bản nhạc.
Viết intro cho bài hát: Khi ngẫu hứng, sinh viên có thể lấy nét giai điệu của chủ đề để làm câu mở đầu. Có thể là nét giai điệu phần đầu hoặc điệp khúc của bài hát chủ đề rồi sau đó biến tấu nét giai điệu đó để tránh sự lặp lại. Sinh viên cũng có thể dựa trên thang âm, điệu thức, hòa thanh, giai điệu, tiết tấu, âm hình chủ đạo, nội dung, tính chất âm nhạc… của chủ đề để sáng tạo nên nhạc dạo riêng cho phần mở đầu. Sinh viên cũng có thể nhấn nút Intro trên đàn phím điện tử để có phần dạo đầu cho chủ đề. Việc soạn nhạc dạo đầu phụ thuộc vào tính chất, thể loại của bài hát.
Trình bày chủ đề: sinh viên trình bày chủ đề một lần từ đầu đến cuối trên tay phải và tay trái, giữ nhịp với tiết tấu chính xác của bản nhạc. 
Ngẫu hứng: Việc biên soạn phần ngẫu hứng, sinh viên cũng nên dùng các thủ pháp sáng tác như lấy nét giai điệu của chủ đề để phát triển. Có thể là nét giai điệu phần đầu hoặc điệp khúc của bài hát chủ đề rồi sau đó biến tấu nét giai điệu đó để tránh sự lặp lại. Sau đó, giảng viên còn cần hướng dẫn cho các em biên soạn câu hay đoạn nhạc kết (Coda) với các thủ pháp sáng tác mà các em đã được nghiên cứu
 Sinh viên cũng có thể dựa trên thang âm, điệu thức, hòa thanh, giai điệu, tiết tấu, âm hình chủ đạo, nội dung, tính chất âm nhạc… của chủ đề để sáng tạo nên phần ngẫu hứng 1 và 2. Các em có thể dùng thủ pháp phát triển chủ đề trong sáng tác như mô phỏng, giữ nguyên âm hình tiết tấu, thay đổi cao độ, soi gương, xé lẻ và tổng hợp, kéo dài hay co ngắn giai điệu… để sáng tạo nên hai phần ngẫu hứng khác nhau. 
Hòa tấu với phần đệm tự động, lựa chọn âm săc cho bài ngẫu hứng: Sau khi sinh viên đã biên soạn xong bài ngẫu hứng, các em cần làm phần thu trên bộ đệm tự động của đàn phím điện tử theo sơ đồ hòa âm của tác phẩm được chọn làm chủ đề. 
Khi trình bày bài ngẫu hứng, sinh viên có thể chọn các âm sắc khác nhau cho từng phần. Ví dụ: phần mở đầu, các sinh viên có thể sử dụng Voice là tiếng kèn Saxophon, phần trình bày chủ đề có thể  dùng âm sắc Grand Piano, phần ngẫu hứng 1 dùng âm sắc String, phần ngẫu hứng 2 dùng dàn kèn Đồng, phần tái hiện và kết có thể sử dụng lại âm sắc của đàn Piano và Kèn Saxophon… 

3.  Nâng cao chất lượng dạy và học đàn phím điện tử cho sinh viên đại học sư phạm âm nhạc

Về chương trình giảng dạy: Cải tiến chương trình chính khóa bằng cách bổ sung một số gamme phục vụ cho kỹ năng ngẫu hứng so với chương trình trước đây; phân nhóm bài tập, lựa chọn bản nhạc phù hợp cho từng đối tượng - hệ sinh viên; bổ sung các tác phẩm âm nhạc Cổ điển, tác phẩm nhạc Jazz, Pop, Rock, tác phẩm Việt Nam; xây dựng hệ thống bài đệm ca khúc dựa trên các bài đệm để luyện thanh hay ca khúc nghệ thuật; bổ sung các ca khúc nước ngoài và Việt Nam có thể dùng làm chủ đề cho sinh viên ngẫu hứng trên đàn phím điện tử… 
Cách tổ chức giờ dạy: qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy cần có những cải tiến cụ thể trong việc phân chia nhóm học dựa trên năng lực của sinh viên, thiết kế giờ học hiệu quả bằng cách phân định thời gian cụ thể cho từng nội dung giảng dạy, sử dụng các phương tiện hiện đại hỗ trợ công tác giảng dạy.
Phương pháp giảng dạy: Xây dựng phương pháp rèn luyện kỹ năng,  đổi mới phương pháp giảng dạy cho giảng viên đàn phím điện tử, đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ tuổi, nhiệt huyết; khai thác nguồn lực công nghệ thông tin vào giảng dạy; tổ chức đánh giá kiểm tra trình độ của sinh viên cũng như tổ chức các buổi biểu diễn, giao lưu báo cáo nhằm khuyến khích sinh viên đạt kết quả cao…
Phương pháp học tập: Khuyến khích sinh viên nghe nhạc nhiều hơn, hướng dẫn cho sinh viên phương pháp tự học, tự rèn luyện để các em chủ động, tích cực trong quá trình học của mình. Giảng viên cũng khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động nghệ thuật quần chúng hoặc tham gia biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp để bồi dưỡng nghiệp vụ cũng như tiếp xúc sớm với công việc thực tế sau này của các em.
                                                       Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Ngọc Anh (2013), Nâng cao chất lượng giảng dạy Keyboard cho sinh viên Đại  học Sư phạm Âm nhạc tại Hà Nội, Luận văn Thạc sỹ Sư phạm Âm nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
2. Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  1. Khoa Accordeon - Guitar - Organ, Chương trình đào tạo chuyên ngành Organ hệ 7 năm. Hà Nội: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, 2015.
  2. Nguyễn Xuân Tứ (2001), Hướng dẫn dạy và học đàn Organ cho hệ CĐSP trường CĐSP Nhạc - Họa Trung ương tập 1, 2, Nxb Âm nhạc (tài liệu lưu hành nội bộ), Hà Nội.
  3. Nguyễn Bích Vân (2010), Rèn luyện bản lĩnh biểu diễn cho học sinh, sinh viên nhạc cụ cổ điển Phương Tây. Luận án Tiến sĩ, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.
____________________________
[*] Lớp Cao học k3– Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates