SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

MỘT SỐ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VẬN ĐỘNG THEO NHẠC CHO TRẺ 24 – 36 THÁNG TRÊN GIỜ CHƠI – TẬP CÓ CHỦ ĐỊNH

Một số biện pháp tổ chức hoạt động vận động theo nhạc cho trẻ 24 – 36 tháng trên giờ chơi – tập có chủ định / Nguyễn Trang, Nguyễn Nga, Ngọc Minh // Tạp chí Giáo dục Mầm non.- Số 2, 2014. Tr. 30-33
                                         Nguyễn Trang - Nguyễn Nga - Ngọc Minh
                                         Trung tâm nghiên cứu GDMN – Viện KHGD
Vận động theo nhạc (VĐTN) là một trong những hình thức hoạt động âm nhạc của trẻ ở trường mầm non. Đây là hoạt động hấp dẫn, góp phần quan trọng vào việc phát triển thể chất và xúc cảm, tình cảm thẩm mĩ của trẻ.
Đối với trẻ lứa tuổi 24-36 tháng tuổi, VĐTN là những động tác biểu hiện cảm xúc theotính chất và nhịp điệu âm nhạc, thường là động tác đơn lẻ như: đung đưa, vỗ tay, giậm chân, gật gù, nhảy…biểu hiện tính chất, nhịp điệu theo một nét nhạc, một tiết tấu nhất định của bài hát.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc tổ chức hoạt động VĐTN cho trẻ 24-36 tháng tuổi trên giờ chơi – tập có chủ định, giáo viên có thể tham khảo một số biện pháp tổ chức hoạt động VĐTN sau: 
Tạo môi trường nhiều tính nhạc, kích thích trẻ tham gia hoạt động
Môi trường tổ chức hoạt động giàu tính nhạc là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào việc tạo không khí âm nhạc, từ đó khơi gợi xúc cảm, tình cảm thẩm mĩ, kích thích và duy trì hứng thú của trẻ trong quá trình tham gia hoạt động. Môi trường tổ chức hoạt động VĐTN bao gồm môi trường vật chất và môi trường tinh thần:
-       Tạo môi trường vật chất:
Giáo viên (GV) lập kế hoạch, chuẩn bị, sắp xếp và bố trí không gian hoạt động nghệ thuật, phù hợp, hấp dẫn và thu hút sự chú ý của trẻ, thuận tiện cho việc triển khai các nội dung hoạt động VĐTN.
Sắp xếp, bố trí khu vực tổ chức hoạt động như: Diện tích lớp học phù hợp với hoạt động VĐTN, bố trí đồ dùng, dụng cụ âm nhạc: Đàn, tivi, tranh ảnh, mô hình, các loại nhạc cụ, đạo cụ, trang phục…ở vị trí thuận tiện cho việc sử dụng. Tranh ảnh, mô hình, ti vi, máy chiếu (nếu có) đặt ở khoảng cách phù hợp, thuận tiện cho trẻ quan sát. Khi trẻ VĐTN, GV bố trí vị trí phù hợp sao cho tất cả trẻ đều quan sát được hoạt động của GV.
Tại góc hoạt động nghệ thuật, ngoài các nhạc cụ mua sẵn (đàn, trống nhỏ, trống cơm, kèn, sáo, chuông, xắc xô…), giáo viên có thể tự tạo và khuyến khích trẻ sử dụng một số dụng cụ phát ra âm thanh (chai, lọ có hột, hạt ở bên trong…). Trang phục biểu diễn (nếu có) cần phù hợp với nội dung, tính chất, sắc thái của bài hát, bản nhạc. Ví dụ: VĐTN bài hát “Con gà trống” của Tân Huyền, GV chuẩn bị mũ và quần áo con gà trống.
-       Tạo môi trường tinh thần:
GV tạo ra không khí âm nhạc bằng những bản nhạc, lời ca vui nhộn, gần gũi, thu hút trẻ. GV dẫn dắt trẻ bước vào hoạt động một cách hứng thú, tự nhiên, chủ động với thái độ gẫn gũi, thân thiện, nhẹ nhàng. VD: Trước khi tổ chức cho trẻ VĐTN bài hát “Con gà trống” của Tân Huyền, GV gây hứng thú bằng lời nói nhẹ nhàng, gợi lại những ấn tượng của trẻ về nội dung, giai điệu của bài hát, bản nhạc; GV và trẻ cùng nghe âm thanh tiếng gà trống, ngắm nhìn bức tranh chú gà trống…
Trong quá trình trẻ tham gia hoạt động, GV tôn trọng khả năng vận động của trẻ, khen ngợi, động viên trẻ đúng lúc và khuyến khích khả năng thể hiện cảm xúc ở trẻ.
Vận động mẫu diễn cảm
Vận động mẫu được tiến hành khi bắt đầu quá trình dạy trẻ VĐTN nhằm giúp trẻ tri giác một cách tổng thể, trọn vẹn các thao tác vận động từ đầu đến cuối của bài hát, bản nhạc. Giáo viên cần luyện tập thuần thục các động tác, phối hợp các vận động nhịp nhàng, đẹp mắt, phù hợp với nội dung, tính chất giai điệu, theo trình tự của bài hát, bản nhạc. Đặc biệt, GV cần chú ý cử chỉ, nét mặt thể hiện đúng tính chất, sắc thái và giao lưu cảm xúc với trẻ. Các động tác vận động mẫu cho trẻ 24-36 tháng cần đơn giản, rõ ràng, biểu cảm. Số lượng các động tác được thiết kế căn cứ vào tính chất của bài hát, bản nhạc và khả năng vận động của trẻ nhưng cần được lặp đi lặp lại và có tính nhịp điệu.
Vận động mẫu có thể sử dụng kết hợp với các đạo cụ, trang phục biểu diễn hoặc có thể sử dụng vận động của các bộ phận cơ thể (đầu, mình, chân, tay…). Các nhạc cụ và trang phục biểu diễn cần đảm bảo tính thẩm mĩ, an toàn, vệ sinh đối với trẻ.
+ Với vận động mẫu kết hợp với sử dụng các nhạc cụ và trang phục biểu diễn: GV lựa chọn những loại nhạc cụ tạo âm thanh rõ ràng về cao độ, âm sắc. Thao tác mẫu của GV cần chính xác, biểu cảm, thể hiện đúng nhịp, phách của bài hát, bản nhạc.Những trang phục được lựa chọn để kết hợp cần đảm bảo sự phù hợp với bài hát/ bản nhạc, tránh làm rối các động tác vận động.
+ Với vận động mẫu không sử dụng âm nhạc và trang phục biểu diễn: GV sử dụng động tác vận động của các bộ phận cơ thể: Tay, chân, đầu, mình để thể hiện nội dung, tính chất của bài hát bản nhạc. Vì vậy, từng động tác vỗ tay, nhún nhảy, lắc lư, đưa tay lên, hạ tay xuống, cuộn tay… cần chính xác, rõ ràng theo từng tiết nhịp và có tốc độ phù hợp với trẻ 24-36 tháng tuổi.
Dùng lời hướng dẫn trẻ vận động
Biện pháp này được sử dụng khi dạy trẻ kĩ năng vận động mới hoặc củng cố các kĩ năng vận động đã dạy nhằm giúp trẻ hiểu, dễ dàng thực hiện được các vận động.
Đối với trẻ 26 – 36 tháng tuổi, GV hướng dẫn một cách tổng quát các động tác theo toàn bài, không nên dừng riêng từng động tác rồi mới hướng dẫn sang động tác khác. Lời hướng dẫn cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Có hai cách dùng lời hướng dẫn trẻ thực hiện động tác VĐTN:
+ Cách thứ nhất: Hướng dẫn động tác theo trình tự lời bài hát, bản nhạc.
GV dùng lời giải thích động tác theo trình tự lời bài hát, bản nhạc giúp trẻ vận động một cách chính xác. Ví dụ: GV hướng dẫn trẻ vận động minh họa theo bài hát “ Con gà trống” của Tân Huyền, GV nói: “Lời hát “Con gà trống” cô nhún hai chân, lời hát “có cái mào đỏ” cô nhẹ nhàng đưa tay phải lên trán làm mào gà và nhún nhẹ. Lời hát “Chân có cựa”, cô giậm hai chân tại chỗ…”
+ Cách thứ hai: Hướng dẫn động tác theo hình tượng biểu hiện trong bài hát, bản nhạc.
Cách hướng dẫn này đòi hỏi trẻ phải hiểu được những vận động của trẻ thể hiện hình ảnh gì, từ đó trẻ có cảm xúc nhất định với động tác thể hiện. Ví dụ: Trong hướng dẫn trẻ vận động theo nhạc bài “Cá vàng bơi” của Hà Hải, muốn trẻ vẫy hai cánh tay mềm mại mô phỏng động tác uốn lượn của con cá vàng, GV có thể nói: “Nào, chúng ta hãy cùng nhau làm cá vàng bơi”.
Sửa sai trong quá trình trẻ luyện tập, chú ý đến khả năng vận động của từng cá nhân trẻ
Trong quá trình luyện tập, GV quan sát trẻ vận động và sửa sai cho trẻ, giúp trẻ có những kĩ năng vận động đúng và khắc phục được những hạn chế trong quá trình vận động theo nhạc. Trình tự sửa sai động tác là sửa sai theo thứ tự từ trên xuống cuối bài, không tách riêng từng động tác để sửa. Khi sửa sai, nếu động tác khó, GV dùng lời kết hợp với các hình ảnh gần gũi để giải thích cho trẻ dễ hiểu. VD: Các con hãy làm giống cánh chim bay; các con hãy giậm đều chân giống như các chú bộ đội hành quân hoặc chúng mình đi lạch bạch giống như các chú vịt nào…
Mỗi hình thức vận động theo bài hát, bản nhạc có cách sửa sai khác nhau, GV có thể sử dụng cách sửa sai như sau:
+ Với hình thức vận động minh họa lời bài hát: Nếu trẻ thực hiện chưa đúng, GV làm mẫu lại động tác, sau đó cho trẻ thực hiện lại từ đầu bản nhạc theo cô hoặc cùng nhóm sau.
+ Với hình thức vỗ tay hoặc gõ đệm: Nếu trẻ vỗ hay gõ đệm chưa đúng, GV có thể làm mẫu chậm cho trẻ quan sát, sau đó cho trẻ vỗ tay hoặc cho gõ đệm lại từ chậm rồi tăng dần về tốc độ. Khi trẻ thực hiện đúng, GV cho trẻ ghép lời và cho trẻ thực hiện lại từ đầu đến cuối bài hát, bản nhạc.
+ Với hình thức vận động tự do (nhún nhảy, lắc lư…): Nếu trẻ thực hiện chưa đúng nhịp, GV đứng cạnh trẻ nhún giữ nhịp, khi trẻ thực hiện đúng nhịp, GV khuyến khích trẻ tự thể hiện động tác. Trong quá trình trẻ thực hiện, GV có thể sử dụng các đạo cụ như trống, phách tre, trống cơm…giúp trẻ giữ đúng nhịp và duy trì hứng thú cho trẻ.
Trong quá trình trẻ luyện tập, GV cần chú ý đến khả năng vận động theo nhạc của từng trẻ để kịp thời khuyến khích, hỗ trợ hợp lý. Với những trẻ nhút nhát, GV có thể kết hợp với lời động viên, khích lệ trẻ luyện tập cùng cô hoặc cùng nhóm bạn. VD: “Bạn A đã vận động rất giống chú bộ đội đang hành quân rồi đấy! Chúng ta cùng vận động lại bài hát này một lần nữa nhé!”Điều này giúp trẻ tự tin và hứng thú hơn trong quá trình tham gia hoạt động VĐTN.
Sử dụng các trò chơi âm nhạc
Trò chơi âm nhạc được sử dụng vào mọi thời điểm của hoạt động VĐTN.Bắt đầu hoạt động VĐTN, trò chơi âm nhạc nhằm gây hứng thú cho trẻ. VD: VĐTN bài “Một con vịt”, trò chơi âm nhạc có thể là “Bắt chước tiếng vịt kêu”. Trong quá trình hoạt động VĐTN, GV cho trẻ chơi trò chơi “Bắt chước vịt bơi”.Kết thúc hoạt động VĐTN, trò chơi được sử dụng nhằm củng cố ôn luyện các động tác. VD: Trò chơi “Nghe vịt mẹ kêu, vịt con bơi vào bờ”.
Khi sử dụng trò chơi âm nhạc, GV cần chú ý đảm bảo cân bằng giữa tính chất động – tĩnh của hoạt động, phù hợp với khả năng của trẻ. GV có thể sử dụng một số trò chơi sau:
+ Trò chơi với ngón tay, bàn tay, cánh tay, chân và các bộ phận thân thể: GV hướng dẫn trẻ sử dụng các cử động phối hợp của cánh tay, bàn tay, ngón tay để mô phỏng các vận động đơngiản của đối tượng, sự vật nhắc đến trong bài hát, bản nhạc hoặc bài ca dao, đồng dao…Trò chơi phỏng theo bài đồng dao “Con cò, con cua, con cá”; bài hát “Cá vàng bơi”, “Trời nắng, trời mưa”. “Tai, Mũi, Mồm”, “Con nhện”, “Xoay, xoay, xoay”…
+ Trò chơi với các bản nhạc cụ hoặc phương tiện tạo ra âm thanh: Ly thủy tinh, hòn đá, xắc xô, mõ, trống, phách tre: Trẻ gõ các phương tiện theo nhịp, phách để cảm nhận sắc thái âm thanh khác nhau của từng phương tiện.
+ Trò chơi chuyển động theo cường độ âm thanh to, nhỏ của bản nhạc. VD: Âm thanh to thì bước đi lên, âm thanh nhỏ thì đi lùi lại theo nhịp của bản nhạc.
+ Trò chơi vận động theo nhịp, phách: Nhảy vào vòng, giậm chân, vỗ tay, lắc lư, nghiêng người theo tiết nhịp hoặc theo phách của bài hát, bản nhạc.
Trong quá trình tổ chức hoạt động VĐTN, GV cần linh hoạt trong việc sử dụng và phối hợp các biện pháp ở trên nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động VĐTN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Lý Thu Hiền, Lê Thị Đức, Phạm Thị Hòa (2011), Tổ chức hoạt động giáo dục âm nhạc trong trường mầm non, Hà Nội.
  2. Phạm Thị Hòa (2010), Giáo dục âm nhạc, Tập 1, 2, NXB Đại học Sư phạm.
  3. Phạm Thu Hương, Lê Thị Hoàng Trang, Phương pháp giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non, Cao đẳng Mẫu giáo Trung ương 3, TP. Hồ Chí Minh.
  4. Ngô Thị Nam, Trần Minh Trí, Trần Nguyên Hoàn (1996), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Tập 1,2, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  5. “Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình GDMN (nhà trẻ 3-36 tháng tuổi), (2011), Trung tâm Nghiên cứu giáo dục GDMN.
  6. Susan Young (2006), Music with the under fours, RoutledgeFalmer, Great Britain.
  7. Linda Carol Edwards, (1997), The creative arts – A process approach for teachers and children, Phoenix Color Corp, New Jersey, USA.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates