LTS: Diễn đàn Kinh tế Việt Nam đang đăng tải loạt bài “Kinh tế sáng tạo – giải pháp đột phá cho Việt Nam bật lên?”,trong đó có đưa ra một số ví dụ thành công của những doanh nghiệp Việt Nam trong việc mang các sản phẩm sáng tạo của Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế. Ngoài ra, loạt bài cũng đưa ra những trăn trở làm thế nào để óc sáng tạo của người Việt tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có giá trị hơn nữa trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Từ nước Mỹ, độc giả Phạm Ngọc Duy, hiện đang theo học khóa Thạc sỹ về Quản lý Giáo dục tại ĐH Boston, đã gửi tới Diễn đàn Kinh tế Việt Nam một bài viết chia sẻ góc nhìn về kinh tế sáng tạo từ góc độ giáo dục.
Giáo dục và sự sáng tạo ở các nước phát triển
Tham khảo các từ điển thông dụng, Sáng tạo có thể được hiểu ngắn gọn là sự tạo ra một sản phẩm tinh thần hoặc vật chất mới có giá trị từ những vật liệu sẵn có. Một nhà văn viết nên một tác phẩm có giá trị văn học được người đọc đón nhận là một người người có năng lực sáng tạo. Một người công nhân cải tiến quy trình sản xuất khiến sản phẩm được tạo ra nhanh hơn và giá thành hạ hơn, đó cũng là sáng tạo.
Như vậy, bản chất của quá trình sáng tạo là quá trình tạo ra những giá trị mới, hoặc gia tăng giá trị cho những thứ đang có trong thực tế hay còn ở dạng tiềm năng.
Một điều mà ai cũng biết đó là người Việt có tố chất sáng tạo rất tốt nhưng chúng ta đã không phát huy được các tố chất đó để biến thành sản phẩm sáng tạo. Vậy ta hãy tham quan kinh nghiệm một số nước phát triển trong vấn đề này.
Lần đầu tiên được chứng kiến người phương Tây lồng ghép việc phát triển óc sáng tạo vào giáo dục ở trường học đó là khi tôi tới thăm một trường tiểu học ở ngoại ô thành phố Paris hoa lệ. Đây là một ngôi trường đã được xây từ lâu, lớp học rộng rãi (tầm 40 m2) và cao ráo. Trên tường xung quanh lớp treo những chiếc tủ gỗ lớn chứa đồ dùng học tập, tranh vẽ, mô hình đồ dùng, con vật làm bằng giấy và tô màu đẹp mắt. Trong lớp có 6 chiếc bàn vuông khá to để trong phòng, học sinh ngồi quây quần quanh những chiếc bàn đó. Cả lớp học có khoảng 20 học sinh chia nhau ngồi vào các bàn.
Hôm đó là tiết học giống như môn Thủ công ở Việt Nam. Các em mỗi người làm một dự án. Em thì đang dựng mô hình một cái trang trại nhỏ từ những hộp giấy tí xíu và những mẩu giấy màu. Có em thì đang cắt dán những tờ bìa cứng để tạo thành một chiếc máy bay. Có những em khác thì đang dùng đất nặn để tạo hình những con vật đáng yêu trong nhà. Cô giáo đi vòng quanh, nói chuyện và tư vấn cho từng em học sinh về những gì mà các em đang muốn làm.
Sau tiết học, các sản phẩm được làm bởi các em lại được xếp ngăn nắp lên các tủ gỗ treo quanh tường. Có những em chưa hoàn thành công trình của mình có thể hoàn thành nốt trong những tiết học sau. Quang cảnh lớp học thật sống động và nhiều màu sắc. Học sinh được tự do làm những gì các em thích và cô giáo nói chuyện với các em để các em trình bày ý tưởng của mình và giúp đỡ các em khi cần.
Gần đây nhất, khi tiếp xúc với một học sinh Việt Nam đang học lớp 11 ở một trường phổ thông ở Mỹ, tôi hỏi em thích nhất môn học nào ở đây. Em trả lời đó chính là môn “Nghệ thuật ứng dụng- Applied Arts”. Đó là một môn học mà trong suốt một học kỳ, các bạn học sinh sẽ làm những dự án nghệ thuật khác nhau sử dụng những nguyên liệu sẵn có trong cuộc sống hàng ngày. Kết quả học tập sẽ được đánh giá qua các sản phẩm và phần trình bày ý tưởng về sản phẩm đó. Đó có thể là chế tạo một chiếc máy bay mô hình từ bút chì hoặc cũng có thể là tạo ra những họa tiết mới cho một chiếc áo thun mang một thông điệp nào đó.
Một số trường cấp ba ở Mỹ hỗ trợ khá tốt những học sinh thích khám phá công nghệ và tập dượt thiết kế hoặc sáng chế ra những thiết bị công nghệ mới. Cách đây một vài tháng, có một nhóm học sinh cấp 3 ở một trường ở Mỹ đã nghĩ ra làm ra một hệ thống nhận dạng tiếng nói để hỗ trợ giao tiếp giữa lái xe và thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu GPS sử dụng phần mềm Mathlabs.
Những ví dụ trên đây cho thấy sự “cởi mở” ở các nước tiên tiến trong việc tạo ra môi trường học tập kích thích tính sáng tạo ở học sinh từ đó hỗ trợ phát triển năng lực sáng tạo riêng có trong mỗi con người.
Giáo dục Việt Nam và sự sáng tạo
Bây giờ ta thử nhìn lại thực trạng giáo dục của Việt Nam để phần nào thấy được mối liên hệ giữa giáo dục và phát triển sức sáng tạo của người Việt Nam.
Đầu tiên, trong các cấp học phổ thông có rất ít dịp học sinh Việt Nam có điều kiện để phát triển khả năng sáng tạo trong những tình huống gần với thực tế cuộc sống. Một cách tổng thể, học sinh đến trường, đọc sách, nghe giảng, làm bài tập, ôn tập, làm các bài kiểm tra trên giấy và tham dự các kỳ thi. Có rất ít cơ hội các em được trực tiếp suy nghĩ, đề xuất và được khuyến khích làm ra một sản phẩm gì đó. Đây là một trong những đặc điểm cơ bản của các hệ thống giáo dục nặng về khoa cử, thiên về truyền thụ kiến thức sách vở như của chúng ta.
Ngoài môi trường xã hội, học sinh của chúng ta cũng ít có cơ hội được tìm hiểu, tiếp xúc với những nơi, những sự kiện có khả năng kích thích tính tò mò, tư duy ham học hỏi, sáng tạo. Tại các nước phương Tây, một trong những hoạt động không thể thiếu của các vị phụ huynh là đưa trẻ em đi thăm các viện bảo tàng về khoa học, nghệ thuật, tự nhiên, lịch sử v.v. Ngoài ra, các điểm tham quan có giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học khác như các khu vườn sinh vật học, các khu bảo tồn thiên nhiên, các di tích lịch sử, các phòng hòa nhạc, triển lãm nghệ thuật cũng là nơi các em được tạo điều kiện lui tới. Tiếp xúc với các công trình, sản phẩm sáng tạo của nhân loại sẽ kích thích trí não các em hoạt động.
Ở các bậc học cao hơn, chúng ta thực hiện “đi tắt, đón đầu” với thế giới mới bằng phong cách dạy học, giáo án và các phòng thí nghiệm của thời đại cách đây vài chục năm. Trong khi đó, ở các trường đại học nổi tiếng cùa Hoa Kỳ như Học viện Kỹ thuật Massachussetts hay đại học Stanford, sinh viên được tạo điều kiện về cơ sở vật chất cũng như cung cấp tài chính để thực hiện những dự án sáng tạo dài hơi như thiết kế xe chạy bằng năng lượng mặt trời có hiệu suất cao hoặc những cánh tay robot giúp các trẻ bị bệnh tự kỷ phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội. Các cụ nói “có bột mới gột nên hồ” thật chẳng sai.
Điều đáng lưu ý ở đây đó là dường như hầu hết các trường đại học ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam thường chỉ là các cơ sở giảng dạy (teaching institutions) với hơn đa số đội ngũ giảng viên chưa được đào tạo trong môi trường nghiên cứu giàu tính sáng tạo nên khả năng hướng dẫn sinh viên tiến hành nghiên cứu và thực hiện các dự án sáng tạo khoa học, công nghệ mới còn nhiều hạn chế. Làm thế nào chúng ta yêu cầu con em chúng ta có khả năng nghiên cứu trong khi các em không bao giờ được tham gia nghiên cứu một cách thật sự? Đây cũng là trở ngại chung cho các nước đang phát triển thúc đẩy cải thiện khả năng sáng tạo của nguồn nhân lực của mình. Số liệu thống kê về số lượng các bằng phát minh sáng chế được đăng ký trong phạm vi toàn thế giới từ năm 1995 đến 2009 của Việt Nam là 41 bằng, trong khi con số này của Nhật Bản là 2.906.878 (nguồn http://wipo.int)
Từ góc nhìn của những người làm giáo dục, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp có thể áp dụng trong lĩnh vực giáo dục để giúp người Việt Nam phát huy sức sáng tạo của mình.
Học đi đôi với hành – Hành trước, trong và sau khi học
Ai cũng biết học phải đi đôi với hành nhưng để làm được thì lại là chuyện khác. Vì vậy, ngay từ bây giờ các trường phổ thông từ cấp mẫu giáo, cho hết phổ thông trung học cần tăng thêm những hoạt động kích thích sức sáng tạo của học sinh. Những ví dụ về các tiết học thủ công ở Pháp hoặc khóa học về “Nghệ thuật ứng dụng” ở Mỹ là những mô hình có thể áp dụng dễ dàng mà không tốn kém.
Với các môn khoa học cơ bản như Vật Lý, thay vì chỉ học lý thuyết rồi làm bài tập, hãy tạo điều kiện cho học sinh thực hiện những dự án thực tế như thiết kế mô hình một hệ thống các thiết bị điện cơ bản trong phòng học hoặc phòng ngủ của riêng mình rồi tính toán, đo đạc các thông số của mạch điện đó. Tôi tin rằng học sinh sẽ thích làm và làm tốt những công việc như thế này. Nếu các em gặp khó khăn thì bố mẹ, thầy cô và Internet sẽ là những nguồn tham khảo vô cùng tốt. Các em lại học thêm được cách sáng tạo giải quyết vấn đề.
Ở các cấp học thấp hơn, thay bằng giao cho học sinh các bài tập thủ công nhỏ lẻ, thầy cô hãy mạnh dạn yêu cầu học sinh đưa ra những ý tưởng sáng tạo cho những dự án dài hơi hơn, có tính toán, xem xét, tìm hiểu công phu hơn, thể hiện nhiều tính sáng tạo hơn. Chính các em sẽ phải cân nhắc các ý tưởng sao cho mình có thể thực hiện được chúng một cách thành công. Từng thành công nhỏ sẽ tạo tiền đề cho các thành công lớn sau này.
Khám phá thế giới ngoài trường học
Thế giới bên ngoài là trường học lớn hơn bất cứ trường học nào. Ở Mỹ, các bảo tàng được xây dựng hầu hết ở mọi thành phố lớn, trong đó chứa những thí nghiệm toán học, vật lý, hóa học, sinh học dễ hiểu, đơn giản và thực tế. Học sinh tìm được sự liên kết giữa các môn học với đời sống, do đó hứng thú hơn với những thứ mình học. Vẫn biết rằng nước ta còn nghèo, nhưng xây dựng một vài bảo tàng như vậy nếu các cơ quan chức năng và xã hội ủng hộ thì cũng có thể làm được. Đầu tư để rút ngắn khoảng cách về điều kiện học tập của trẻ em Việt nam so với trẻ em ở các nước phát triển là điều hiển nhiên nên làm. Chúng ta đã thui chột rất nhiều hứng thú của trẻ em đối với các lĩnh vực khoa hoc, công nghệ và nghệ thuật bằng cách yêu cầu các em tiếp thu kiến thức một cách sơ cứng qua sách vở và các bài tập nặng tính lý thuyết, đánh đố.
Ngoài ra, các gia đình cũng phải tạo điều kiện cho trẻ em tiếp xúc với sách sớm, tạo dựng thói quen đọc sách, quý sách. Các nhà giáo dục Phần Lan cho chúng tôi biết họ rất trú trọng tạo điều kiện để học sinh ở các cấp học phổ thông có thói quen đọc sách thường xuyên và liên tục. Đó cũng là một phần lý do để giáo dục của Phàn Lan đạt kết quả cao trên thế giới trong khi việc học của trẻ ở trường lại nhẹ nhàng. Theo họ, đọc những sách tốt cũng cần thiết như ăn, thở và tập thể dục vậy. Ăn, thở và tập thể dục giúp ta có một cơ thể khỏe mạnh, còn đọc sách giúp ta có một tâm hồn hướng thiện, một trí tuệ tinh anh, sáng suốt.
Đại học và kinh tế sáng tạo
Như đã đề cập ở trên, các đại học định hướng nghiên cứu ở những nước phát triển đóng góp rất tích cực vào việc tạo ra những bằng sáng chế về khoa học công nghệ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của các nên kinh tế này. Quan trọng hơn, các trường đại học nghiên cứu rèn luyện cho sinh viên của mình thói quen học tập, kỹ năng tìm kiếm xử lý thông tin hiệu quả và khả năng sáng tạo bền bỉ. Rất nhiều những loại vật liệu mới hoặc những loại thuốc đặc trị mới cho những căn bệnh hiểm nghèo được tạo ra tại những phòng thí nghiệm của các đại học nghiên cứu. Rất nhiều sinh viên từng học ở những trường đại học này đang là những người đi tiên phong trong việc tạo ra những công nghệ, phát minh sáng chế mới có khả năng thay đổi cách thức con người làm việc hoặc đối mặt với các thách thức hoặc xử lý các căn bệnh nan y.
Việc đưa những chương trình giáo dục kích thích khả năng sáng tạo vào các trường phổ thông giúp chúng ta tạo ra những mầm mống sáng tạo trong tương lai. Nhưng việc thiếu các trường đại học nghiên cứu tốt ở trong nước làm chúng ta đứng trước nguy cơ chảy máu chất xám và tạo điều kiện cho các nước phát triển tận dụng và hưởng lợi lớn từ những tài năng sáng tạo của Việt nam.
Hiệu trưởng một trường đại học nổi tiếng ở Hàn Quốc đã từng nói rằng họ có thể mua được máy bay, tên lửa nhưng họ không thể mua được tài năng. Đúng vậy, tài năng sáng tạo là cái chúng ta phải vun trồng, phải đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy tài năng của mình. Việc có những đại học có những chương trình nghiên cứu tạo ra những phát minh khám phá công nghệ phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam là điều cần thiết phải làm để những tài năng được vun trồng tại Việt Nam có điều kiện phát huy và sử dụng sức sáng tạo của mình tại quê nhà và đem lại hiệu quả kinh tế xã hội trực tiếp cho Việt Nam.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét