SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2019

Những thay đổi chủ yếu về chương trình mới môn Âm nhạc


Những thay đổi chủ yếu về chương trình mới môn Âm nhạc
GD&TĐ - Lần đầu tiên Âm nhạc được dạy học ở trường trung học phổ thông và lần đầu tiên nội dung nhạc cụ và hợp xướng được đưa vào chương trình. ThS Lê Anh Tuấn – Chủ biên Chương trình môn Âm nhạc – chia sẻ như vậy về môn Âm nhạc trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
6 thay đổi chủ yếu
- Ông có thể cho biết những thay đổi chủ yếu của chương trình môn Âm nhạc là gì?
Chương trình môn Âm nhạc có 6 thay đổi chủ yếu như sau:
Thứ nhất, chương trình được mở rộng về phạm vi giáo dục, lần đầu tiên Âm nhạc được dạy học ở trường trung học phổ thông.
Thứ hai, chương trình được hoàn thiện về nội dung dạy học, lần đầu tiên nội dung nhạc cụ và hợp xướng được đưa vào chương trình.
Thứ ba, chương trình tập trung phát triển năng lực thẩm mỹ và năng lực âm nhạc, với 4 thành phần: thể hiện âm nhạc, cảm thụ âm nhạc, phân tích & đánh giá âm nhạc, sáng tạo & ứng dụng âm nhạc.
Thứ tư, chương trình vừa có nội dung tích hợp (lý thuyết âm nhạc), vừa có nội dung phân hóa (nhạc cụ); vừa là môn học bắt buộc (từ lớp 1 đến lớp 9), vừa là môn học lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12); Chương trình có hướng mở, để tác giả sách giáo khoa và giáo viên vận dụng linh hoạt, tránh quá tải.
Thứ năm, chương trình có những đổi mới về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, ví dụ đọc nhạc theo ký hiệu bàn tay, bộ gõ cơ thể, hát bè,...
Thứ sáu, chương trình có điều chỉnh tên một vài nội dung, ví dụ: hát, đọc nhạc, thường thức âm nhạc, câu chuyện âm nhạc,...
Những nội dung giáo dục cốt lõi
- Những nội dung giáo dục cốt lõi của chương trình mới môn Âm nhạc cụ thể ra sao?
Hát là một nội dung phổ biến và xuyên suốt chương trình môn Âm nhạc, gồm: bài hát tuổi học sinh, dân ca Việt Nam, bài hát nước ngoài, hợp xướng. Nội dung hợp xướng chỉ được học ở trường trung học phổ thông.
Nhạc cụ là nội dung mang tính phân hóa, gồm: chơi tiết tấu (từ lớp 1), chơi giai điệu (từ lớp 4), chơi hòa âm (từ lớp 6). Tùy theo điều kiện thực tiễn của nhà trường (phương tiện dạy học, năng lực giảng dạy), giáo viên có thể dạy học sinh chơi bộ gõ cơ thể, nhạc cụ tự làm, nhạc cụ Việt Nam (trống nhỏ, song loan, thanh phách, sáo trúc, tiêu, đàn nguyệt, nhạc cụ phổ biến ở địa phương,...) hoặc nhạc cụ nước ngoài (melodica, recorder, ukulele, harmonica, guitar, keyboard,...).
Nghe nhạc là một hoạt động phổ biến trong giáo dục âm nhạc, gồm: nghe nhạc không lời, nghe nhạc có lời. Nội dung và yêu cầu cần đạt về nghe nhạc được tích hợp trong tất cả các phân môn, đặc biệt là ở phần học về tác giả và tác phẩm.
Đọc nhạc gồm các nội dung: đọc mẫu âm đơn giản ở giọng Đô trưởng theo ký hiệu bàn tay (từ lớp 1), đọc giai điệu ở giọng Đô trưởng theo ký hiệu ghi nhạc (từ lớp 4), đọc giai điệu ở giọng Đô trưởng hoặc La thứ (từ lớp 6),...
Lý thuyết âm nhạc là những kiến thức cơ bản, phổ thông và mang tính ứng dụng, làm nền tảng cho các hoạt động thực hành âm nhạc, gồm các nội dung: ký hiệu âm nhạc và các loại nhịp, kiến thức bổ sung. Không học riêng về lý thuyết mà tích hợp trong các nội dung: hát, nhạc cụ, đọc nhạc.
Học sinh chỉ học lý thuyết sau khi đã được trải nghiệm qua thực hành. Đây là thay đổi để khắc phục hạn chế về việc dạy học lý thuyết khô khan và nặng nề trong chương trình Âm nhạc hiện hành.
Thường thức âm nhạc gồm: tìm hiểu nhạc cụ, câu chuyện âm nhạc, tác giả và tác phẩm, hình thức biểu diễn, thể loại và cấu trúc âm nhạc, âm nhạc và đời sống. Các nội dung được bố trí dạy học phù hợp với khả năng nhận thức và năng lực của học sinh trong từng cấp học.
- Nhận định của ông thế nào về tính kế thừa và tính khả thi của chương trình môn Âm nhạc mới?
Thời lượng dạy học (từ lớp 1 đến lớp 9) của chương trình Âm nhạc hiện hành (2006) và chương trình mới đều là 35 tiết/ năm. Chương trình mới kế thừa khoảng 60% nội dung chương trình hiện hành, gồm các phần: mục tiêu, nội dung dạy học, chuẩn kiến thức và kỹ năng, phương pháp dạy học,... Như vậy giáo viên âm nhạc hiện nay có thể giảng dạy và đáp ứng được 60% về nội dung và yêu cầu của chương trình mới. Trong thời gian tới, các giáo viên cần được tập huấn để hoàn thành giảng dạy chương trình này.
Chương trình mới đưa thêm nội dung nhạc cụ, do đó tác giả biên soạn sách giáo khoa cần giảm bớt thời lượng dạy học một số nội dung khác, ví dụ: ôn tập bài hát, lý thuyết âm nhạc, đọc nhạc. Đồng thời nên sử dụng hát làm trục chính, một số nội dung khác (nghe nhạc, đọc nhạc, chơi nhạc cụ, thường thức âm nhạc, lý thuyết âm nhạc) sẽ được thiết kế xoay quanh trục này; bảo đảm số lượng bài hát, bài đọc nhạc, bài học nhạc cụ trong sách giáo khoa tương đương nhau, liên kết với nhau và dễ thực hiện.
- Tại sao chương trình có thêm nội dung nhạc cụ?
Học nhạc cụ làm bối cảnh học tập trở nên đa dạng hơn, vừa giúp học sinh phát triển năng lực âm nhạc (nghe, hát, đọc nhạc) và năng lực tự học, giao tiếp, hợp tác, vừa để giảm bớt lý thuyết, tăng cường thực hành và nâng cao tính ứng dụng.
Thông qua nhạc cụ, học sinh sẽ được học bằng đa giác quan, được cảm nhận về âm nhạc một cách trọn vẹn, được nâng cao sự trải nghiệm và thể hiện cảm xúc theo những cách khác nhau, khác với cách hát thông thường.
Nhiều học sinh không có khả năng ca hát, một số em đến độ tuổi 12 - 14 thường bị vỡ giọng, nhạc cụ sẽ là phương tiện để các em học tập và thể hiện bản thân.
Học nhạc cụ còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa và hội nhập quốc tế, thông qua việc học những nhạc cụ Việt Nam và nhạc cụ nước ngoài.
Không nhất thiết tất cả các trường THPT phải có ngay, có đủ giáo viên Âm nhạc
- Các trường trung học phổ thông hiện nay chưa có giáo viên âm nhạc, vậy cách triển khai chương trình như thế nào?
Ở trường trung học phổ thông, Âm nhạc là môn lựa chọn, không bắt buộc tất cả HS học; do đó, không nhất thiết tất cả các trường phải có ngay và có đủ giáo viên Âm nhạc. Các trường cũng có thể mời giảng viên trường nghệ thuật, mời nghệ nhân hoặc giáo viên Âm nhạc ở trung học cơ sở giảng dạy một số nội dung phù hợp.
Các Sở GDĐT nên chọn một số trường trung học phổ thông để thí điểm việc triển khai giảng dạy Âm nhạc trước khi nhân rộng.
- Chia sẻ của với các giáo viên Âm nhạc để họ triển khai tốt nhất chương trình mới?
Các thầy cô cần tiếp tục phát huy những ưu điểm về phương pháp dạy học đang vận dụng, đồng thời nên nhìn nhận tích cực trước sự thay đổi của chương trình môn Âm nhạc mới. Chương trình mới xây dựng những bối cảnh học tập đa dạng, với sự phong phú về nội dung và các hoạt động học tập, nhằm đáp ứng các nhu cầu, sở thích của học sinh; tạo được cảm xúc, niềm vui và hứng thú trong học tập.
Có thể một số thầy cô sẽ băn khoăn về nội dung nhạc cụ, tuy nhiên các loại nhạc cụ như melodica, recorder, ukulele,... đều là những nhạc cụ có âm thanh chuẩn xác, dễ chơi, dễ hòa tấu. Đa số giáo viên âm nhạc có thể chơi được những nhạc cụ này trong thời gian ngắn học tập.
Hiếu Nguyễn (thực hiện)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates