SƯU TẬP NHỮNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT CHO GIÁO VIÊN ÂM NHẠC VIỆT NAM THỜI 4.0

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2019

Đưa môn âm nhạc cổ truyền Việt Nam vào chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc

Từng có những kiến nghị đưa nhạc cụ cổ truyền Việt Nam vào dạy trong trường phổ thông. Việc dạy nhạc cụ trong trường phổ thông đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Việt Nam muốn thực hiện điều này, trước hết cần đưa nhạc cụ cổ truyền vào chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc. Việc dạy nhạc cụ luôn cần tới phương pháp tiếp cận năng lực người học. Mục tiêu để hướng tới đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên âm nhạc; nâng cao khả năng cảm thụ, cảm xúc âm nhạc, hiểu biết về âm nhạc ở lứa tuổi học sinh phổ thông. 

PGS. TS. Kiều Trung Sơn

Viện Nghiên cứu văn hóa, 
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam


Hưởng ứng Hội thảo khoa học “Định hướng công tác đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật theo hướng tiếp cận năng lực người học trong xu thế hội nhập quốc tế” do Khoa Nghệ thuật Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức, chúng tôi xin nêu ý tưởng Đưa môn nhạc cụ cổ truyền Việt Nam vào chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc. Ý tưởng này, theo tôi, phù hợp với hướng tiếp cận năng lực người học, phù hợp với việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc trong các trường sư phạm, một trong những chủ đề đã được các nhà tổ chức Hội thảo định hướng. 
Tiền đề
Tham vọng của người viết tham luận này là việc dạy nhạc cụ cổ truyền Việt Nam cho học sinh phổ thông sẽ được thực hiện trong tương lai. Muốn vậy, trước hết phải có giáo viên, tức là phải đào tạo giáo viên âm nhạc biết sử dụng ít nhất một loại nhạc cụ cổ truyền Việt Nam. 
Đã từ lâu ý tưởng dạy nhạc cụ cho học sinh phổ thôngcó trong suy nghĩ của chúng tôi nhưng còn mờ nhạt. Gần đây, qua một người bạn đồng nghiệp, được biết về việc dạy nhạc trong trường Quốc tế ở Hà Nội, ý tưởng đó mới lại hiện ra rõ nét hơn, và khi được mời tham gia Hội thảo khoa học “Định hướng công tác đào tạo giáo viên âm nhạc, mỹ thuật theo hướng tiếp cận năng lực người học trong xu thế hội nhập quốc tế”, thì nó đã được định hình, thể hiện qua bài tham luận này. 
Cũng cần trình bày thêm rằng, ý tưởng tôi nêu ra ở đây không mới, đã có nhiều luận văn, luận án bảo vệ tại các cơ sở đào tạo ngành Văn hóa học, Nghệ thuật học, Lý luận và Phương pháp dạy học âm nhạc nêu ở phần kiến nghị của luận văn luận án đó. Tuy nhiên, đối với người có trách nhiệm đánh giá cũng như đối với chính người viết luận văn luận án, những kiến nghị trong luận văn chỉ được coi như một phần nên có trong bài tập nghiên cứu, gần như không ai để tâm đến ý nghĩa thực tiễn của nó. 
Tôi có một người bạn dạy nhạc tại Trường Quốc tế tại Hà Nội. Ở đó môn âm nhạc được dạy theo chương trình từ Mẫu giáo tới hết cấp II phổ thông. Lên cấp III môn âm nhạc trở thành một chuyên ban. Học sinh theo học chuyên ban này sau khi tốt nghiệp có thể đăng ký thi vào các trường nhạc trên toàn thế giới. Biết tôi quan tâm đến giáo dục âm nhạc phổ thông, anh cung cấp khá chi tiết các thông tin về chương trình, về cách thức và phương pháp dạy nhạc trong trường Quốc tế. Có quá nhiều điều thú vị trong câu chuyện của anh bạn tôi. Điều mà tôi tâm đắc nhất, còn đọng lại trong trí nhớ của tôi là việc trẻ em trong trường Quốc tế được học nhạc cụ theo một qui trình mở, rất sáng tạo và hiệu quả. Ngay từ độ tuổi Mẫu giáo trẻ em ở đây đã được làm quen với nhạc cụ như làm quen với một đồ chơi. Các giáo viên đưa ra một nhạc cụ nhỏ xinh nào đó, như măng-đô-lin chẳng hạn, để trẻ tự khám phá, tạo ra các cao độ theo ý thích. Lên cấp I, bên cạnh việc tiếp tục tự do làm quen với các nhạc cụ, trẻ được học tiết tấu, học hát, từ đơn giản đến phức tạp. Việc học này ẩn dưới dạng trò chơi âm nhạc, kết thúc học kỳ bằng một buổi trình diễn, không tạo áp lực cho học sinh bằng điểm số, bằng kiểm tra mà tạo cho học sinh niềm hứng khởi, tình yêu nghệ thuật, yêu âm nhạc. Theo tôi, đây là phương pháp dạy nhạc thú vị và hiệu quả dành cho học sinh phổ thông, gần gũi với hướng tiếp cận năng lực người học trong giáo dục đào tạo. 
 Việc học nhạc dưới dạng trò chơi âm nhạc được giáo viên thực hiện chủ yếu bằng phương pháp truyền khẩu (một phương pháp dân gian điển hình) kết hợp với ghi nhớ văn bản. Anh bạn tôi kể lại cách dạy tiết tấu theo phương pháp trên ở trường Quốc tế rất đáng tham khảo. Đầu tiên, giáo viên vỗ trên trống một mô hình tiết tấu đơn giản khoảng 4 nhịp 2/4; Thầy làm mẫu vài lần để học sinh nghe và có thể nhớ được trước khi yêu cầu chúng tự mình nhắc lại mô hình tiết tấu đó. Cả lớp cùng thực hiện lại mô hình tiết tấu. Sẽ có vài em làm sai, nhưng hầu hết là đúng. Giáo viên gọi một vài em trong số học sinh đã làm đúng, lần lượt trình diễn trước lớp. Khi cả lớp đã thực hiện được mô hình tiết tấu (gõ được chính xác), giáo viên mới chép tiết tấu đó lên bảng, phân tích nhịp phách (phách mạnh, phách nhẹ), và đánh mẫu mô hình tiết tấu cùng với việc nhìn vào dòng nhạc được chép trên bảng. Lúc đó cũng vừa hết thời gian của giờ học nhạc. Tuần sau, giáo viên yêu cầu học sinh đánh lại trên trống mô hình tiết tấu được học tuần trước. Không có học sinh nào nhớ nổi mô hình tiết tấu đó một cách chính xác. Nhưng khi giáo viên chép mô hình đó lên bảng, nhìn dòng nhạc các em lập tức nhớ lại và thực hiện được ngay. 
Lên cấp II, học sinh được học nhạc cụ đồng thời với học lý thuyết âm nhạc cơ bản một cách nghiêm túc. Học sinh lớp 6 bắt buộc phải học violon; sang lớp 7 bắt đầu được phép tự chọn nhạc cụ để hết cấp có thể sinh hoạt âm nhạc bằng các ban nhạc. Giáo viên chỉ gợi ý, hướng dẫn, tìm bài phù hợp cho học sinh tập. Bài “kiểm tra học kì” chính là buổi biểu diễn được tổ chức trước toàn trường. 
Đàm luận
Dạy và học nhạc cũng cần theo qui luật phù hợp với sự phát triển nhận thức của con người. Chúng ta ai cũng học nói và phải cần đến trên dưới 4 năm học nói trước khi học đọc chữ và viết chữ. Học nói thực chất là truyền khẩu, trẻ bắt chước, học cách nói phù hợp với từng hoàn cảnh, học cách bày tỏ mong muốn, suy nghĩ của mình bằng lời nói, học cách dùng lời nói để giao tiếp. Trẻ nói thành thạo rồi mới học chữ, học đọc học viết. Nhưng hiện tại, dạy nhạc ở trường phổ thông của chúng ta áp dụng ngược lại với qui trình trên, tức là giống như học chữ và viết chữ trước khi biết nói. Học sinh học viết nốt nhạc, học đọc tên nốt nhạc trước khi được làm quen với âm nhạc, được hướng dẫn cảm nhận âm nhạc qua tai nghe. Kết quả là qua nhiều năm ở bậc phổ thông, học sinh không thể tự mình đọc đúng một giai điệu đơn giản, cho dù có thể biết tên các nốt nhạc một cách máy móc. 
Tôi đồng tình với nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu trong bài viết Âm nhạc trong giáo giục phổ thông đăng trên Tạp chí Nghiên cứu âm nhạc số 47: “xưa nay học hát vẫn là chủ yếu trong chương trình giáo dục phổ thông, nếu không nói là duy nhất. Cách dạy hát ở trường thường rơi vào tình trạng thụ động, mô phạm và một chiều (nghĩa là thầy độc thoại. trò chỉ biết tiếp nhận và làm theo chứ hoàn toàn không có đối thoại tranh luận giữa đôi bên)… Một phương pháp xói mòn, ít đòi hỏi sáng tạo ở cả thầy lẫn trò”. Tác giả lấy ví dụ từ chính các con của bà: “Các con tôi đã học nhạc một cách đối phó bởi không tìm thấy chút hấp dẫn nào ở đó. Tập đọc nốt nhạc từ 9-10 tuổi mà đến tuổi trưởng thành vẫn mù nhạc, bởi các con xướng âm đâu thèm nhìn mặt nốt mà chỉ coi các chữ cái đờ - rờ - mờ bằng bút chì ghi dưới các nốt đồ - rê – mi, rồi học vẹt như thuộc lòng một lời ca vô nghĩa vậy. Thầy biết cũng mặc, miễn sao cả lớp đọc trôi chảy để toàn đạt điểm tốt” (02. tr. 100). Theo chúng tôi, thực trạng này phần lớn có nguyên nhân từ việc học sinh không được hướng dẫn nghe nhạc, hướng dẫn cảm thụ âm nhạc một cách hệ thống trước khi chúng học đọc và viết nhạc. 
Nếu học sinh phổ thông được học một nhạc cụ nào đó, chắc tình trạng nêu trên sẽ được khắc phục. Vì học nhạc cụ, tức là được tự mình tạo ra các âm thanh âm nhạc, tự nhận xét bằng tai nghe xem hiệu quả đến đâu, và nhất là phải nhìn được bản nhạc để tự tập. Sự tương ứng giữa thay đổi ngón đàn với thay đổi cao độ của các âm thanh giúp học sinh hiểu âm nhạc một cách thực chất hơn so với chỉ đọc bằng miệng các cao độ, mà nhất là lại thường xuyên không nhìn hình nốt và vị trí nốt trên khuông nhạc, chỉ nhìn chữ cái viết tắt tên nốt như trích dẫn nêu trên. 
Tại sao lại là học nhạc cụ cổ truyền?
Thứ nhất, nếu học sinh trong trường Quốc tế ở Hà Nội có thể học được các nhạc cụ phương Tây thì tại sao học sinh Việt Nam không học được các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam? 
Thứ hai, thật khó chấp nhận chuyện là người Việt Nam mà không biết gì về nhạc cụ cổ truyền của đất nước mình. Một vài giới thiệu sơ lược với dung lượng khoảng một trang giấy về các nhạc cụ như bầu, sáo, tranh… ở sách giáo khoa, không thể đọng lại được trong trí nhớ của trẻ, chúng sẽ quên ngay. Trên thực tế, hiện nay một số giáo viên hát nhạc đang dạy ở trường phổ thông rất lơ mơ về nhạc cụ cổ truyền, giải thích sai tên nhạc cụ. Chẳng hạn, có cô giáo giải thích cho học sinh về tên đàn tỳ bà như sau:“đàn có tên tỳ bà là vì đàn chỉ dành cho đàn bà và vì khi diễn tấu phải tỳ đàn vào người bà”. Thậm chí, có trường hợp sinh viên học sáng tác của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam viết trên tổng phổ bài thi của mình hai dòng Tranh và Thập lục ([1]). Sinh viên này không biết đó chỉ là một nhạc cụ có hai cái tên khác nhau. 
Hiện tại, ở môn hát nhạc, học sinh phổ thông không học nhạc cụ, em nào muốn học thì tìm thầy học riêng hoặc tìm đến các Trung tâm dạy nhạc bên ngoài. Loại nhạc cụ dạy cho trẻ em ở các Trung tâm hoặc Câu lạc bộ âm nhạc phổ biến là organ. Không thể phủ nhận ưu thế của organ so với các nhạc cụ truyền thống ở sự hấp dẫn ban đầu, với những tiết tấu, hòa âm được lập trình sẵn, có thể đệm hát đơn giản, chỉ cần ấn vài nút. Mà với thời đại công nghệ, thời đại của điện thoại thông minh hiện nay thì ấn nút, ấn phím là chuyện quá quen thuộc với trẻ. Tuy nhiên, việc học organ không có nhiều tác dụng giáo dục âm nhạc một cách thực chất như học các nhạc cụ khác, bởi lẽ đơn giản, công nghệ can thiệp quá nhiều vào việc tạo ra âm nhạc. Ở một khía cạnh nào đó, organ là một cái máy tạo nhạc mà người chơi chỉ cần ấn nút. Giữa người học chơi nhạc và âm nhạc mà người học chơi đó tạo nên có một khoảng cách vô hình mà bản thân người học không nhận ra. Khoảng cách đó khiến cho người học chơi nhầm tưởng vào khả năng thực tế của mình. Điều này rất khác với việc học các nhạc cụ thông thường, âm nhạc do người chơi nhạc cụ tạo ra phản ánh trung thực trình độ, cảm xúc âm nhạc của người chơi. Bài bản âm nhạc do người học trình diễn trên đàn organ điện tử là thứ kết quả không thực chất, không có nhiều tác dụng cho việc tiếp nhận âm nhạc một cách chân thật, điều hết sức cần thiết cho giáo dục thẩm mỹ âm nhạc đối với trẻ em/ học sinh phổ thông. Đáng mừng là gần đây, thay vì mua organ, ngày càng nhiều phụ huynh mua piano cho con học. Các Trung tâm dạy nhạc xuất hiện ngày càng nhiều và số trẻ học piano ngày càng chiếm ưu thế so với số trẻ học organ. Nhưng hiện tượng này chỉ có ở các thành phố lớn và không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện mua đàn piano cho con học. 
Đề cập đến chuyện này, chúng tôi muốn bày tỏ quan điểm không nên dạy trẻ những nốt nhạc đầu tiên qua đàn organ, không nên cho trẻ tiếp xúc với việc học nhạc ngay từ đầu bằng organ. Chúng tôi nêu ra ý kiến này ở đây có vẻ không phù hợp với thực tế hiện tại, bởi hầu hết các trường phổ thông đều dùng organ phục vụ cho giảng dạy âm nhạc. Các sinh viên Sư phạm âm nhạc đều bắt buộc phải học và thi đàn organ để phục vụ cho công việc của họ trong tương lai. Tuy vậy, nếu ý kiến của chúng tôi được những người làm chính sách giáo dục âm nhạc phổ thông ủng hộ, rất có thể thực tế này sẽ được thay đổi. Chẳng hạn, thi tốt nghiệp môn nhạc cụ không chỉ duy nhất organ nữa, sinh viên có thể thi bằng các nhạc cụ khác như piano, violon sáo, đàn bầu, nhị, nguyệt vv… 
Muốn vậy, ngay từ khâu tuyển sinh, cần đặt yêu cầu năng khiếu âm nhạc lên hàng đầu, không vì số lượng chỉ tiêu mà dễ dãi cho qua. Điều này rất trúng với hướng tiếp cận năng lực người học trong đào tạo, đặc biệt đúng đối với ngành Sư phạm âm nhạc. Thí sinh dự tuyển nên được khuyến khích sử dụng bất cứ nhạc cụ nào để thể hiện năng khiếu. Sau khi trúng tuyển, có thể lựa chọn một nhạc cụ để học trong số các nhạc cụ được sử dụng để dạy trong Khoa, chẳng hạn như piano, sáo, bầu, nguyệt …Các nhạc cụ này nên dần dần thay thế hoàn toàn organ dùng để dạy trong Khoa nghệ thuật của Trường Sư phạm. Bốn năm học đại học đủ để cho một sinh viên Sư phạm âm nhạc biết chơi một nhạc cụ, ít nhất ở trình độ sơ cấp II, III của trường âm nhạc chuyên nghiệp. Với nền tảng kiến thức chung về âm nhạc bậc đại học, họ hoàn toàn có thể tự nghiên cứu sử dụng organ cho công tác phong trào ở trường phổ thông trong khi vẫn có thể sử dụng nhạc cụ mà họ học vào việc dạy nhạc cho học sinh. Một sinh viên học organ trong trường Sư phạm khi tốt nghiệp rất khó để chơi được các nhạc cụ khác, nhưng nếu sinh viên đó học đàn bầu, nguyệt, sáo, chưa kể đến violon hay piano, thì việc sử dụng organ, nếu cần, đối với họ không phải là điều khó khăn, hoàn toàn có thể tự học. 
Các câu hỏi đặt ra ở đây là, vì mỗi giáo viên chỉ dạy một nhạc cụ, lấy đâu ra giáo viên dạy nhiều loại nhạc cụ? Mỗi sinh viên học một nhạc cụ hay nhiều nhạc cụ? Chương trình học thế nào? Đánh giá ra sao? Tôi sẽ thử lần lượt nêu hướng giải đáp từng vấn đề:
Về việc học nhạc cụ của sinh viên: Mỗi sinh viên sư phạm âm nhạc sẽ phải học một nhạc cụ tự chọn (không tính nhạc cụ điện tử) trong số các nhạc cụ do khoa qui định. Chẳng hạn học một trong số các nhạc cụ sau: bầu, sáo, nhị, nguyệt, piano, violon. 
Về chương trình học, phương thức học và cách đánh giá: Chương trình học của từng loại nhạc cụ sẽ do Khoa Nghệ thuật chủ trì, cùng với các giảng viên, chuyên gia đầu ngành của từng loại nhạc cụ đó xây dựng chương trình dựa trên cơ sở yêu cầu thực tiễn giảng dạy âm nhạc phổ thông. Chương trình 4 năm có thể chia thành 4 trình độ A, B, C, D (học theo môn ngoại ngữ). Mỗi trình độ có thể chia làm 2 hoặc 3 học trình. Khi tốt nghiệp, sinh viên phải đạt trình độ C trở lên. Cần coi biểu diễn nhạc cụ là môn tốt nghiệp, vì theo tôi đây là môn mấu chốt giúp cải thiện, nâng cao chất lượng giáo viên âm nhạc phổ thông. 
Phương thức học và đánh giá kết quả học có thể linh động theo hai hướng: quản lý theo giờ và quản lý theo học trình. Theo giờ, mỗi sinh viên có một giờ/ tuần trả bài nhạc cụ tại khoa, theo lịch học đã được xắp xếp từ đầu kỳ. Quản lý theo học trình, sinh viên tự lo tìm thầy học, cuối kỳ biểu diễn báo cáo học trình, đảm bảo yêu cầu là được. Nếu chưa đảm bảo, được phép thi lại sau đó một thời gian, theo lịch do khoa xắp xếp (chẳng hạn, sau một tháng). 
Về vấn đề giáo viên: Hiện nay không khó khăn trong việc liên hệ, mời giáo viên cộng tác dạy các nhạc cụ cổ truyền và nhạc cụ phương Tây. Rất nhiều người đáp ứng được yêu cầu dạy cho sinh viên sư phạm âm nhạc một nhạc cụ đạt 4 trình độ theo chương trình mà Khoa có thể sẽ xây dựng. Có một cách nữa, các giảng viên (biên chế và hợp đồng trong biên chế) của Khoa cần phải học một nhạc cụ cổ truyền Việt Nam ngoài chuyên môn chính của họ, cho đến khi đủ tự tin để dạy các nhạc cụ mà sinh viên tự chọn. Điều này có một lợi ích là Khoa sẽ luôn có được tiềm năng, vốn liếng để xây dựng chương trình biểu diễn đặc sắc tham gia các cuộc liện hoan văn nghệ cấp Trường hoặc cấp Quốc gia giữa các trường Sư phạm, thậm chí giữa các trường Sư phạm trong khu vực ASEAN hoặc rộng hơn nữa. 
Đưa nhạc cụ cổ truyền Việt Nam vào chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc phổ thông còn bởi một số lý do sau đây:
Một khi nắm vững tính năng, kỹ thuật biểu diễn một loại nhạc cụ truyền thống, các sinh viên đã được bồi dưỡng cảm xúc âm nhạc, hiểu biết về bản sắc âm nhạc truyền thống dân tộc. Các giáo viên nhạc tương lai sẽ truyền cảm hứng, tình yêu âm nhạc truyền thống đó vào các thế hệ học sinh phổ thông trong tương lai thông qua việc dạy nhạc cụ truyền thống ở trường phổ thông
Học nhạc cụ cổ truyền ít tốn kém, các sinh viên đều có thể tự trang bị nhạc cụ truyền thống mà mình yêu thích. 
Khi được học và thực hành biểu diễn nhạc cụ cổ truyền, giáo sinh sẽ có hiểu biết chung về nhạc cụ cổ truyền, có khả năng nghiên cứu sử dụng nhạc cụ dân gian cổ truyền các dân tộc thiểu số ở những địa phương, những dân tộc nơi mà giáo sinh đó công tác sau này để đưa vào trường dạy cho học sinh phổ thông. Chẳng hạn, một giáo viên nhạc ở trường phổ thông tại nơi cư trú có nhiều dân tộc Jrai sẽ có khả năng nghiên cứu sử dụng được nhạc cụ của người Jrai và đưa vào dạy cho học sinh phổ thông ở địa phương đó. Điều đó cũng sẽ đến với vùng dân tộc Thái, dân tộc Ê Đê, dân tộc Mông vv… Một giáo sinh chỉ được học organ hiện nay, khi ra trường thường rất ít sử dụng 
Nhạc cụ cổ truyền có lợi thế hơn so với các nhạc cụ Phương Tây ở chỗ người Việt dễ làm quen và nhanh chóng nắm được kỹ thuật biểu diễn hơn. 
Cơ chế cho phép người học tự lựa chọn một nhạc cụ (không phải nhạc cụ điện tử), đặc biệt là nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, theo tôi, rất phù hợp với “hướng tiếp cận năng lực người học trong xu thế hội nhập quốc tế”. Nắm vững âm nhạc dân tộc mình, biểu diễn được nhạc cụ của dân tộc mình, các học sinh Việt Nam sẽ hoàn toàn tự tin và tự hào khi giao lưu với các bè bạn học sinh trong khu vực cũng như trên toàn thế giới. 
Việc đưa nhạc cụ, đặc biệt là nhạc cụ cổ truyền Việt Nam vào dạy ở trường phổ thông có thể sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề còn hạn chế của môn hát nhạc hiện nay. 
Thứ nhất, giải quyết được tình trạng học sinh học đối phó, hết phổ thông vẫn không hiểu gì về âm nhạc, không biết tự đọc bản nhạc đơn giản. 
Thứ hai, để mục tiêu giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, cảm xúc âm nhạc, tình yêu đối với âm nhạc cho thế hệ trẻ đi vào thực chất và có tính hiện thực hơn. 
Thứ ba, việc dạy nhạc cụcổ truyền hoàn toàn phù hợp với hướng tiếp cận năng lực người học, vì dù cùng một lớp, năng khiếu âm nhạc, ý thích và điều kiện thể chất của từng em để học nhạc cụ là khác nhau, giáo viên sẽ cần chuẩn bị chương trình phù hợp. Chương trinh đó phải đảm bảo không ép buộc các em không có năng khiếu đồng thời khuyến khich, phát huy điểm mạnh của những em có năng khiếu. 
Thứ tư, đây chẳng phải là cách hay để bảo tồn phát huy có hiệu quả và lâu dài, có chiều sâu đối với âm nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam hay sao?
Tất nhiên, ý tưởng, tham vọng mà tôi nêu ra trong bài viết này không dễ thực hiện. Việc thực hiện nó sẽ khiến cho gần như toàn bộ chương trình khung của giáo dục âm nhạc phổ thông cần phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại theo hướng mở. Kết quả cần đạt đượclà làm sao để hầu hết học sinh phổ thông đều yêu thích âm nhạc, từ những em có khả năng trình diễn nhạc cụ đến các em tham gia lớp học với tư cách khán giả vì không đủ khả năng biểu diễn. Như vậy cần thay đổi cả một hệ thống từ trên xuống dưới, từ cách quản lý, từ sách giáo khoa đến giáo viên, từ phương pháp cách thức giảng dạy đến mức độ của yêu cầu và tiêu chí đánh giá. Cần quan tâm đến thực chất, tránh hình thức, áp đặt. Nhà quản lý giáo dục không cần thiết phải tốn kém cho các cuộc thanh kiểm tra giáo trình giáo án; giáo viên không phải mất ăn mất ngủ để những giáo án “chuẩn mực”, bắt học sinh thuộc lòng trước, tập luyện cách phối hợp với giáo viên “diễn” đối phó với thanh tra. Thay vào đó, nhà quản lý chỉ cần dự khán các buổi biểu diễn nghệ thuật của các em học sinh vào cuối kỳ hoặc cuối năm học, vừa có thể đánh giá thực chất việc dạy và học âm nhạc một cách thoải mái vui vẻ. 
Chúng ta cũng cần có những giáo viên âm nhạc tốt nghiệp loại giỏi từ khoa Sư phạm nghệ thuật một cách thực chất, đúng với năng lực, không phải có bằng giỏi do giảng viên thương sinh viên, lo cho sinh viên chuyện xin việc mà cố gắng “tạo điều kiện”. Không chỉ cần sinh viên tốt nghiệp với bằng thực chất, chúng ta còn cần những giáo viên nhạc thực sự yêu nghề, yêu trẻ, chủ động sáng tạo trong việc dạy âm nhạc ở trường phổ thông. Nhân đây tôi cũng đồng tình với suy nghĩ của nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu là tình trạng học đối phó, tẻ nhạt ở môn âm nhạc trong các trường phổ thông có phần nguyên nhân quan trọng từ người thầy. Bà viết về giờ học hát trong trường phổ thông: “Thực ra đây vẫn có thể là giờ học đầy thú vị và sang tạo nếu may mắn có được người thầy tài hoa cả về âm nhạc lẫn phương pháp sư phạm” (02. tr. 100). 
Kết luận
Chúng tôi biết việc đưa nhạc cụ cổ truyền Việt Nam vào chương trình đào tạo giáo viên âm nhạc của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là hết sức khó khăn với rất nhiều trở ngại. Có thể trở ngại lớn nhất lại nằm trong suy nghĩ của chính chúng ta, những người tham gia đào tạo giáo viên âm nhạc. Đó là sự hoài nghi, không tin rằng có thể thực hiện được việc đó. Nhưng nếu chúng ta không làm thì ai làm? Chẳng lẽ cứ để tình trạng giới trẻ Việt Nam yêu nhạc Hàn Quốc, thuộc nhạc Sơn Tùng, lơ mơ nhạc truyền thống hay sao? Để cho mục tiêu giáo dục con người mới Việt Nam phát triển toàn diện không chỉ là mong ước hay khẩu hiệu, đối với chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông cần có sự tổng kết thực tiễn, kịp thời điều chỉnh, loại bỏ những bất hợp lý, bổ sung những giải pháp có tính hiệu quả. 
Ý tưởng của bài viết này chỉ có thể trở thành hiện thực khi có sự đồng lòng, ủng hộ của các cấp có thẩm quyền trong việc định hướng và quản lý nhà nước về giáo dục phổ thông; có sự đồng lòng ủng hộ của các nhà giáo, các nhà sư phạm âm nhạc. Nếu không có tất cả sự ủng hộ đó, mong ước đưa nhạc cụ cổ truyền Việt Namvào dạy trong trường phổ thông của chúng tôi chỉ là viển vông. Hy vọng bài tham luận này có được ý nghĩa như một gợi mở hướng tới sự đổi mới chương trình đào tạo sư phạm âm nhạc nhằm cải thiện chất lượng của giáo dục âm nhạc phổ thông. 

Tài liệu tham khảo
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Âm nhạc và Mĩ thuật 7, Nxb Giáo dục Việt Nam. 
Nguyễn Thị Minh Châu (2016), “Âm nhạc trong giáo dục phổ thông”, Tạp chí Nghiên cứu âm nhạc, Viện Âm nhạc, tr. 98-102. 
Sun Jin (2015), Nghệ thuật đàn bầu trong giai đoạn mới ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Âm nhạc học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. 
Nguyễn Quang Nhã (2013), Đưa cồng chiêng Mường vào chương trình giáo dục âm nhạc cho bậc học Phổ thông cơ sở ở địa bàn tỉnh Hòa Bình, Luân văn Thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Blogger Templates